Wednesday, June 24, 2009

MỘT CHUYẾN DU LỊCH BẰNG TÀU VÀ CHIẾC ÁO DÀI VIỆT NAM


Một buổi chiều hè cuối tuần, tôi đưa vợ tôi thả bộ một vòng Liberty State Park. Thời tiết Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, muà đông lạnh tê tái, mùa hè nóng đổ lửa. Ra đây, chúng tôi mong tìm chút gió chiều mát mẻ, chút gió biển thổi vào từ Đại Tây Dương, qua New York Harbor, nơi mà ngày xưa, tất cả dân immigrants từ Âu Châu đến Mỹ Quốc, đều phải một lần bước qua đây, bằng phương tiện duy nhứt là tàu thủy.

MỘT CHUYẾN DU LỊCH BẰNG TÀU VÀ CHIẾC ÁO DÀI VIỆT NAM
Nguyễn Phước Lộc

Liberty State Park, một công viên rất nhộn nhịp của tiểu bang New Jersey. Du khách đến thăm viếng thành phố New York, tượng Nữ Thần Tự Do, là một trong những di tích lịch sử cần thăm viếng. Người ta đến đây bằng hai cách : Từ thành phố New York, đến Battery Park, lấy vé đi tàu ra Liberty Island. Từ phía New Jersey, đến Liberty State Park, cũng như ở NYC, du khách lấy vé tàu đi ra Liberty Island. Tượng Nữ Thần Tự Do được xây cất và lấp ráp tại Liberty Island. Liberty Statue là một kiệt tác nghệ thuật vô cùng giá trị, có thể nói là vỉ đại, của nhân dân Pháp trao tặng cho nhân dân Mỹ, để đánh dấu tình hữu nghị giửa hai dân tộc. Tượng do điêu-khắc gia Frédéric Auguste Batholdi vẻ kiểu, và kỷ sư Gustave Eiffel thực hiện. Công trình được khởi sự vào năm 1884 tại Pháp. Tượng cao 151 feet, được tháo rời từng mảnh, và chở qua Mỹ bằng tàu. Chiều cao nếu tính từ Pedestal lên đến ngọn đuốc đo được 305,1 feet = 92.99 mètres. Du khách đến thăm viếng New York mà không đến đây, là một thiếu sót rất lớn. Nơi đây lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt, kể cả mùa đông tuyết giá, lạnh ơi là lạnh.
Liberty State Park nằm cạnh bờ sông Hudson. Bên kia bờ sông là thành phố New York, với nhiều tòa nhà cao chọc trời. Dọc theo đường dẩn vào Công Viên, năm mươi lá cờ của 50 tiểu bang Mỹ, được treo suốt ngày suốt tháng. Cột cờ được sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Những lá cờ nhiều màu sắc, phe phẩy bay bay theo từng cơn gió nhẹ, trông rất vui mắt. Nhìn ra cửa biển, cầu Verrazano Narrows ẩn hiện trong đám mây mờ đục, hai cột trụ khổng lồ, như cố vươn lên cao, lên cao.
Một sự thật ít người biết đến: Cầu Golden Gate ở San Francisco-California nổi tiếng từ lâu. Cho đến ngày nay, sau 69 năm dài, cầu Golden Gate vẫn còn ngạo nghể đứng vững, trước biết bao bảo tố phong ba. Cầu Verrazano được xây cất với lối kiến trúc giống như cầu Golden Gate, hoàn tất vào năm 1964 và được coi là loại cầu treo ( Suspension Bridge ) dài nhứt nước Mỹ, dài hơn cả cầu Goden Gate ( Main span ). Cầu Verrazano nối liền Staten Island và Brooklyn, cả hai districts đều thuộc thành phố New York.
Muốn thấy rõ NYC, Liberty State Park là nơi lý tưởng nhứt. Nơi đây du khách có thể nhìn thấy gần như đầy đủ thành phố tiếng tăm nầy. Tôi thích ra đây vào buổi chiều, để nhìn ngắm NYC về đêm. Vào mùa hè, nắng chiều chưa tắt hẳn, thành phố đã từ từ lên đèn. Phải đợi đến 8, 9 giờ tối, mới thấy được trọn vẹn muôn ngàn ánh đèn, đũ màu đũ sắc, làm sáng rực cả một góc trời. Người ta nói Paris là kinh đô ánh sáng. Tôi được dịp ghé Paris một ít lần, được lang thang ngắm nhìn Paris về đêm. Khu vực Avenue des Champs-Élysées – Arc de Triomphe. Khu vực Champs de Mars – Tour Eiffel. Khu vực St-Germain des Prés. Khu vực Montparnasse. Place d’Italie. Quai Branly và con sông Seine hiền hòa chảy ngang thành phố. Thành Phố New York có khác gì đâu. Ai đến NYC về đêm sẽ dễ dàng nhận ra điều nầy. Thú thật, tôi ở New Jersey nhiều năm, đi NYC rất thường, nhưng lần nào đến NYC, tôi cũng có cái cãm giác nôn nao, như một du khách mới đến đây lần đầu. NYC một thành phố nổi tiếng về mọi phương diện, xấu cũng như tốt, những khu vực ăn chơi sang trọng, và những khu vực không có vẽ mỹ quan chút nào. Nơi đây còn là nơi tập trung đũ mọi sắc dân, đũ mọi chủng tộc, hợp lệ và bất hợp lệ. Quả đúng là một Hợp Chủng Quốc.

Cũng chiều nay, tại Công Viên Liberty, chúng tôi may mắn được nhìn thấy tận mắt con tàu Queen Mary 2, mà gần đây báo chí, cũng như đài truyền hình thường nói đến. Giửa lúc du khách đang thư thả, thả bộ dọc theo bờ sông. Bổng có tiếng nhiều người reo lên : Queen Mary 2…Queen Mary 2… Chiếc Queen Mary 2 đang vận chuyển, từ từ tách bến và hướng ra cửa biển. Mọi người ùn ùn túa ra phía waterfront, chỉ chỏ, bàn tán và chờ đợi. Vợ chồng tôi cũng có mặt trong số người nầy. Chừng 30 phút sau, chiếc QM2 chầm chậm chạy ngang. Con tàu lớn thật ! Như một thành phố nổi. Tôi đã được dịp đi trên chiếc “Adventure Of The Seas” hai năm trước đây. So với QM2, chiếc “Adventure Of The Seas” như một chị một em. Hãng tàu “Royal Caribbean International” có ba chiếc tàu đóng cùng cở với nhau. Cách kiến trúc và trang bị máy móc đều giống nhau như khuôn: Voyager Of The seas, Adventure Of The Seas, và Explorer Of The Seas. Mỗi chiếc chứa được 3.114 hành khách, và trên một ngàn thủy thủ đoàn. Trước khi chiếc QM2 ra đời, ba chiếc tàu nầy được kể là Tàu Hành Khách lớn nhứt thế giới, bây giờ phải tụt xuống hàng thứ hai. Điều đặc biệt là chiếc QM2 tuy lớn hơn, nhưng số lượng chở hành khách lại ít hơn. Phải công nhận là phòng ốc của QM2 khang trang, lộng lẩy và rất rộng rải. Tám mươi phần trăm phòng ngủ đều có balconies.

Giống như tên đã đặt, QM2 như một nữ hoàng thật uy nghi, thật diểm lệ, oai vệ như một nữ tướng . Tôi bổng ao ước được đi trên chiếc tàu nầy. Được sống lại đời thủy thủ. Được ngắm cảnh bình minh lên. Mặt trời như một trái cầu đỏ rực, với ánh sáng tỏa rộng khắp vùng. Hoàng hôn xuống với nắng chiều ngập ngừng chưa muốn đi. Mặt biển mênh mông. Màu nước xanh thẩm. Khi hiền hòa yên lặng, khi hung hản, lồng lộn dữ dằn. Cảnh đẹp của trời, của biển, của nước, của mây, là một đặc ân của tạo hóa dành cho người đi biển xa nhà, vắng vợ con. Tâm tình người thủy thủ thật bất chợt. Không đi thì nhớ, đi nhiều là cái cớ để than thân.
Rồi chuyến đi được thực hiện. Ngày khởi hành được ấn định vào ngày 20/Dec/05, tàu sẽ trở về New York vào ngày 03/Jan/06. Như vậy vợ chồng tôi sẻ đón mừng lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch 2006 trên tàu QM2. Chuyến đi 14 ngày, ghé 8 Hải Đảo ở vùng biển Caribbean. Đêm ở biển, ngày lên bờ. Chuyện lạ đường xa là những kích thích mảnh liệt trong những ngày sắp tới.
Trước ngày khởi hành độ hai tuần lể, tôi nhận được một tập hình ảnh, và những chi tiết cần thiết cho chuyến đi. Họ muốn hành khách làm quen với các vị trí, phòng ốc quan trọng, để khỏi mất thì giờ tìm kiếm khi có mặt trên tàu. Họ cũng chú trọng đặc biệt đến cách phục sức của hành khách. Chuyện dể hiểu, họ muốn phô trương vẽ sang trọng của hành khách, sự lộng lẩy của con tàu, để quảng cáo, kích thích sự tò mò của hành khách trong tương lai. Thông thường tôi chỉ biết có hai loại y phục, được áp dụng cho hành khách trên các ‘cruise ships’, vào buổi cơm chiều: Casual và Formal. Trên tàu này, có đến ba loại: Casual, Informal, và Formal. Dỉ nhiên mỗi loại cũng có phần khác biệt.
Để mọi người áp dụng đúng đắn, họ viết rõ như sau: One of the joys of cruising with QM2 is the glamour of evening at sea. In keeping with the high standards of elegance aboard QM2, we request that you dress for dinner as you would for a fine restaurant. Dress suggestions are listed each day in the ship’s Daily Programme. Dress Code will be enforced in Britannia and Grill Restaurant.
Thú thật, tôi rất thích đi chơi xa, nhưng ăn mặc kiểu cọ rườm rà, mất thì giờ, là chuyện tôi chẳng ham chút nào. Vợ tôi thuộc mẩu người ít ăn diện, thay đổi y phục mới lạ hằng ngày, nàng không mấy sốt sắn, nên bàn ra: Thôi mình đi ăn chiều, ở mấy cái Buffet Restaurants được rồi, đừng đi ăn ở Dining Restaurants, cho khỏi phiền phức. Ý kiến nầy thật trái ngược với sự ham thích của người Âu Mỹ, đàn ông cũng như đàn bà. Nhứt là phụ nữ Âu Mỹ, họ chờ những buổi ăn dinner với Dress Code ‘Formal‘, để được phô trương những nữ trang đắc giá, những bộ ‘evening gowns‘ sang trọng, và được dịp làm đầu, làm tóc, vẽ mày, sơn mặt. Mấy đứa con gái tôi, nghe mẹ đề nghị như vậy, phản đối liền: Người ta thích đi cruise ship, để được ăn ngon mặc đẹp, trong những buổi cơm chiều. Mẹ đi ăn buffet thì uổng quá! Hai đứa con gái coi như được giao trách nhiệm lo diện, và làm đẹp cho mẹ. Đứa đòi diện cho mẹ theo kiểu nầy. Đứa đòi diện cho mẹ theo kiểu kia. Tôi đưa đề nghị: Ba thấy mẹ thích hợp với chiếc áo dài Viet Nam. Mẹ lại có nhiều áo dài. Tại sao không mặc? Chiếc áo dài Việt Nam, đã đẹp lại giản tiện. Vợ tôi nghe nói, đồng ý liền. Hai đứa con gái có vẻ không hài lòng lắm, nhưng cũng không lộ vẻ phản đối.
Sau mấy tháng chờ đợi, rồi ngày khởi hành cũng đến. Hai vợ chồng tôi cụ bị bốn chiếc vali khá lớn. Lần đầu tiên đi tàu với thời gian khá dài, chúng tôi mang nhiều quần áo giày vớ như vậy. Tôi chẳng ngại gì qui định của tàu. Chỉ sợ ăn mặc không đúng cách, không thay đổi khác lạ hằng ngày, người ta nhìn, mình ‘quê’ đi.
Tàu rời cảng New York lúc 17:30. Trời mưa xối xả. Đứng nép vào một góc balcony, tôi muốn quan sát thật gần cầu Verrazano từ phía dưới. Dù đây là sự thật trước mắt, tôi vẫn không hiểu, làm cách nào, họ có thể nâng hai sợi dây cable dài và khổng lồ lên cao chừng ấy. Thấy xứ người, nhìn lại xứ ta, tự nhiên tôi cãm thấy có một chút buồn buồn chợt đến. Việt Nam ơi! Một dân tộc nổi tiếng siêng năng, cần cù, thông minh, sao vẫn còn lận đận đói nghèo, đọa đày khổ sở triền miên.
Bóng tối tràn xuống thật nhanh. Con tàu đã lênh đênh trên biển rộng, đang rẽ nước hướng về phía Nam. Tàu chạy với vận tốc 30 hải lý/giờ. New York City chỉ còn là những ánh đèn lờ mờ yếu ớt, rồi dần dần biến mất. Màn đêm đã hoàn toàn bao trùm khắp mặt biển bao la. Tôi thấy từ xa, thật xa, một chấm đỏ, nhỏ li ti. Một con tàu đang cô đơn, lầm lũi tiến về một bến bờ nào đó. Tôi nghỉ đến những người thủy thủ xa nhà. Tôi nghỉ đến tôi, thời gian mấy mươi năm về trước.
Ngày hôm sau, buổi cơm chiều đầu tiên ở Britannia Restaurant, chúng tôi bận rộn chuẩn bị quần áo. Khi mua vé tàu, tôi đã yêu cầu QM2 dành cho chúng tôi một bàn ăn hai người, với xuất ăn đầu tiên (the first seating). Yêu cầu nầy đã được thỏa mản. Chúng tôi sẽ được tự do trò chuyện, ăn uống tự nhiên thoải mái, và nhứt là được nói tiếng Viet Nam với nhau.
Phòng ngủ chúng tôi ở từng thứ 8. Phòng ăn Britannia ở từng thứ 2. Giờ ăn cho the first seating bắt đầu lúc 6:00 giờ chiều. Gần đến giờ ăn, nhiều cặp vợ chồng hành khách đã lần lượt xuất hiện ở các hallways. Họ ăn mặc thật lộng lẫy, mọi người lộ vẽ hân hoan, nói cười vui vẽ. Chúng tôi cũng cãm thấy vui lây. Tôi nắm chặt bàn tay vợ tôi, bàn tay thật ấm áp, tôi đưa nàng len vào giòng người đông đảo. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc được kề cận bên nàng. Vợ tôi dường như gần suốt cuộc đời, chỉ biết lo cho chồng cho con. Tình yêu của nàng thật vô bờ bến. Trong gia đình, nàng vui với cái vui của mọi người. Nàng khổ với cái khổ của mọi người. Mà cuộc đời nầy, cái khổ lại nhiều hơn cái vui, nhứt là thời gian sau cuộc đổi đời. Càng nghĩ, tôi càng thấy thương vợ tôi nhiều hơn. Sự may mắn quí báo, là tôi có được nàng. Tôi thấy được và hiểu rất rõ điều nầy, từ khi còn ở quê nhà, và bây giờ ở đây, một xứ sở xa lạ, cách xa đất nước tôi hơn nửa vòng tròn trái đất.
Chiều nay, vợ tôi mặc chiếc áo dài hở cổ, màu xanh da trời, quần trắng. Một nửa tà áo trước, phía bên phải, được vẽ nhiều hoa lá, chạy dài từ trên xuống dưới, lóng lánh với kim tuyến vàng đỏ, chen lẫn với những nhánh lá fougère oằn oại ẻo lả. Phải công nhận, những người họa sỉ Việt Nam thật tài ba. Nhìn vợ tôi, tôi buộc miệng khen nàng: Em sẻ là bà hoàng trong buổi cơm chiều nay, đẹp và quí phái. Vợ tôi cười thẹn thùa: Thôi đừng có xạo!!
Không hẹn, lần lượt mọi người gặp nhau ở elevators gần nhứt. Chúng tôi bước vào một trong những elevators nầy. Bên trong đã có một ít người từ từng trên đi xuống. Cầu thang chứa tối đa là 10 người. Một phụ nữ người da trắng, đẹp, tóc vàng, chừng 40 tuổi, mặc chiếc evening gown thật đắc tiền, đứng kế bên, nhìn vợ tôi rồi chợt hỏi: Madame, where you come from? Vợ tôi mĩm cười và vui vẻ trả lời: I came from Viet Nam. Người phụ nữ lại tiếp: You have a very beautiful dress, first time I see it. Vợ tôi nhả nhặn cám ơn lời khen tặng của người phụ nữ. Để đánh tan bầu không khí quá im lặng trong cầu thang, tôi chen vào: Yes! Her dress is beautiful, and she is also beautiful too! Người phụ nữ nhìn tôi mĩm cười rồi phụ họa: Yes! She is! Mọi người đều cười theo. Không khí trong cầu thang bổng trở thành thân mật cởi mở. Mọi người như đã quen nhau từ lâu. Vợ tôi vui vẻ tiếp chuyện vớí mọi người. Tôi nghe nàng giải thích thêm: This is a Vietnamese Traditional Dress, we wear it in any important occasion. Tôi không đính chánh lại. Thật sự chiếc Áo Dài Việt Nam thông dụng hơn trong mọi trường hợp.

Người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài để đi làm việc. Nữ sinh, nữ sinh viên mặc áo dài để đi học. Không kể những buổi tiệc tùng đình đám. Một chút hảnh diện dâng cao. Trong một không gian nhỏ bé, trong chiếc cầu thang nầy, chiếc áo dài Viẹt Nam được mến chuộng. Tự ái dân tộc được ve vuồt. Tôi cãm thấy hân hoan vui sướng. Tôi choàng tay qua hông vợ, dìu nàng bước ra, khi chiếc cầu thang dừng lại ở từng thứ 2.
Rồi những ngày sau đó, tàu thường rời bến lúc 5:00 giờ chiều. Từ balcony, có lúc tôi nhìn thấy mặt biển trãi rộng một màu trắng xóa. Những cơn sóng ‘bạc đầu’ không mời không gọi, đã làm tôi nhớ lại những chuyến hải hành trước đây, trên những con tàu qúa nhỏ ở quê nhà. Con tàu nhiêng ngả, chồm lên gục xuống. Lắc lư con tàu đi, là thành ngử diển tả những lúc sóng to gió lớn, con tàu như say rượu, người thủy thủ ôm “sô“. Trên chiếc QM2, một khối sắt khổng lồ, vẫn bình chân như vại, không một chút ngả nghiêng quay cuồn. Tôi không tưởng là con tàu đang chạy giữa Đại Dương bao la. Tôi không nghe một tiếng động, dù chỉ là một rung nhẹ của bốn động cơ quá tầm cở. Vợ tôi có lẻ vui nhứt, vì nàng rất sợ say sóng, ảnh hưởng của một chuyến đi, so gan cùng bảo tố phong ba.
Hành khách được phục vụ buổi cơm chiều khi tàu ra khơi. Lại những chuyện tắm rửa thay quần áo, tham dự những buổi cơm với những thực đơn được thay đổi hằng ngày. Những ngày đầu, vợ tôi mỗi chiều thay một chiếc áo dài khác màu khác vải, với những designs tuyệt đẹp, những đường kim tuyến chạy ngoằn ngoèo uốn khúc, phản chiếu dưới ánh đèn, long lanh như những hạt kim cương nho nhỏ.
Rồi những lời khen tặng được lập lại, khi chúng tôi bước vào cầu thang mỗi chiều. Chiếc Áo Dài Viet Nam, được mấy người phụ nữ Âu-Mỹ khen lấy khen để. Tôi tin là họ thành thật trong lời khen tặng nầy. Vợ tôi lúc nào cũng mĩm cười bẻn lẻn. Riêng tôi, tôi đón nhận những lời khen tặng nầy một cách đầy hảnh diện. Tôi sẽ không nhàm chán, nếu họ cứ khen hoài khen mãi. Cá nhân tôi, tôi thấy vợ tôi đẹp hơn trong chiếc áo dài thuần túy Việt Nam. Đã từ lâu, tôi cho rằng chiếc Áo Dài VN, đối với tôi, là giản dị, tiện dụng và đẹp nhứt. Chiếc áo ôm sát thân mình người phụ nữ. Hai tà áo bay bay theo từng bước đi, thích hợp với dáng dấp mảnh mai của người phụ nữ Á Đông. Ở Việt Nam, phụ nữ ai cũng mặc áo dài, thấy đẹp nhưng không thấy lạ. Nhưng ở đây, trên chiếc tàu nầy, trên 2.500 hành khách của 43 quốc gia trên thế giới, chỉ thấy có một chiếc Áo Dài Việt Nam là nổi bậc, đẹp và lạ. Tôi có lý do chính đáng để tự hào, để hảnh diện với chiếc Áo Dài Việt Nam, và quan trọng hơn, hảnh diện mình là người Việt Nam.
Một hôm, sau buổi cơm chiều, tôi đưa vợ tôi đi coi show ở theatre. Nơi đây khán giả tự tìm lấy chỗ ngồi. Chúng tôi đến sớm hơn 30 phút, để chọn chỗ ngồi gần sân khấu. Tuy nói là sớm, phân nửa rạp hát đã có người ngồi rồi. Đang lăng xăng tìm chổ, chúng tôi bổng nghe có tiếng người gọi. Tiếng gọi khá lớn, phát ra từ mấy hàng ghế phía trái. Giọng đàn bà, và bằng tiếng Việt Nam : Chị ơi chị! Chị ơi ! Chị có phải là người Viêt Nam không? Tôi ngạc nhiên nhìn về hướng có tiếng gọi. Một người phụ nữ giơ tay vẩy lia lịa, giọng mừng rỡ: Em nè ! Em nè ! Tôi và vợ tôi tiến về phía người phụ nữ mặc âu phục. Câu đầu tiên tôi hỏi người phụ nữ là: Sao cô biết chúng tôi là người Việt Nam ? Người phụ nữ giọng vui mừng: Dạ, vì em thấy chị mặc Áo Dài Việt Nam. Chúng tôi bật cười vì câu trả lời nầy. Thì ra vậy ! Đây là một cặp vợ chồng người Việt Nam với hai đứa con còn nhỏ, một trai một gái. Chúng tôi bắt tay chào hỏi. Tôi vui mừng được biết thêm một gia đình Việt Nam, khi chung quanh mình, toàn là những người khác màu da và chủng tộc. Từ đó, chúng tôi thường đi ăn chung, đi chơi chung, chúng tôi trở thành bạn bè rất thân thiết. Trước đó tôi thường nói với vợ tôi : Ước gì có được một hai người Việt Nam trên tàu nầy, để mình làm quen cho vui. Chiếc Áo Dài Việt Nam đã giúp chúng tôi có thêm một gia đình bạn mới, trên một chiếc tàu, ở một vùng biển xa lạ. Âu cũng là một gặp gỡ, một kỷ niệm đáng ghi nhớ. Coi như điều mong ước của tôi đã thành sự thật.
Vào khoảng năm 1993 – 94 gì đó, vợ chồng tôi đưọc một người bạn thân, mời tham dự một buổi “ Lể Hỏi “ cho đứa con trai đã đến tuổi đòi lấy vợ. Tôi được người bạn giao cho trách nhiệm đại diện ‘Đàn Trai’. Từ Middlesex – New Jersey, chúng tôi lái xe qua Easton - Pennsylvania. Rồi từ Easton đi Harrisburgs, nơi cư ngụ của gia đình cô dâu tương lai. Hai gia đình họp lại đi ba chiếc xe. Quý vi phu-nhân và các cô gái được yêu cầu mặc áo dài. Thôi thì đũ màu đũ kiểu. Trên đường đi, xe người con trai muốn vợ lạc mất. Chúng tôi không thể đến nhà đàng gái, mà thiếu mặt người con trai nầy. Sau một hồi điện thoại qua lại, tất cả đồng ý ghé vào một Shopping Center gần đấy. Chỗ hẹn là Parking Lot. Trong khi chờ đợi, quý vị phu nhân lại muốn đi shopping. Đàn bà Việt Nam ở Mỹ muốn, thì trời cũng không cản được . Chúng tôi để vài cậu con trai chờ đón chú rể. Rồi cả bọn kéo nhau vào khu shopping. Thật tình chúng tôi không có ý muốn khoe mấy chiếc áo dài Việt Nam. Nhưng lạ lùng thay, chúng tôi đi đến đâu, cũng thấy người ta xầm xì dòm ngó. Thì ra mấy chiếc Áo Dài Việt Nam, xanh đỏ tím vàng, đã làm cho mọi người chú ý. Một người đàn Mỹ tiến đến và hỏi tôi : Are you guys Chineses? Tôi không thích câu hỏi nầy. Tôi không thích họ tưởng tôi là người Tàu. Nhưng tôi cũng trả lời: Oh no, we are not Chineses, we are Vietnameses. Bà ta tỏ vẽ khen ngợi: Beautiful dresses! Tôi nhớ hoài mẩu chuyện nầy. Tôi hài lòng với cãm nghỉ của mình: Chiếc Áo Dài Việt Nam là nhứt! Là number one! Là số dách!
Để hổ trợ cho lập luận nầy, tôi cố ý tìm hiểu thêm về những chiếc áo, được coi là đặc trưng, thuần túy của người phụ nữ các quốc gia khác, nhứt là những nước ở vùng Đông Nam Á Châu.
Trước hết là chiếc áo Kimono của người phụ nữ Phù Tang. Trông đẹp, nhưng rườm rà. Khi mặc vào, bước đi của người phụ nữ bị hạn chế, chậm chạp, khúm núm, mất hết vẽ tự nhiên. Chiếc áo Han-bok của người phụ nữ Hàn Quốc, kín đáo nhưng không có gì đặc biệt. Chiếc áo Sari của người phụ nữ Ấn Độ, chỉ là một mảnh vải bằng cotton hay bằng soie, thường là màu trơn, quấn quanh mình, không đường may, không nút, hay kim khâu. Chiếc áo Sarung Kabaya của người phụ nữ Mả Lai, nhiều màu mè, có thể xuất xứ từ Indonesia. Chiếc áo Qi Pao (Xường Xám) của người phụ nữ Trung Hoa, chỉ dành cho những phụ nữ có cặp chân thon dài. Riêng chiếc Áo Dài của người phụ nữ Việt Nam, vừa giản dị, vừa khêu gợi một cách kín đáo, thích hợp cho mọi người. Với những kiểu cách mới lạ ngày nay, chiếc Áo Dài của người phụ nữ Việt Nam đã nổi bậc trong những dạ hội tiệc tùng, không thua bất cứ chiếc áo của phụ nữ quốc gia nào trên thế giới. Cái khêu gợi kín đáo của chiếc Áo Dài Việt Nam đã làm mềm lòng các đấng mày râu. Trong đó có những chàng thủy thủ già, một thời tung hoành trên khắp miền biển cả, sông nước Việt Nam, mà mỗi chuyến đi là một trời thương nhớ, cho người đi và cho cả người ở lại. Niềm vui lại nối tiếp khi con tàu quay về điểm khởi hành, Saigon, thành phố thân thương.

Bài nầy được viết để vinh danh Chiếc Áo Dài của Phụ Nữ Việt- Nam .
Một trong những nét đặc thù về Văn Hóa nước nhà.
Kính tặng Quí vị Phụ Nữ
thuộc gia đình Hàng Hải
Thương Thuyền Việt-Nam.

Ngày 14 tháng 03-2006

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home