Monday, June 22, 2009

KỶ NIỆM MỘT CHUYẾN ĐI

KỶ NIỆM
MỘT CHUYẾN ĐI
Thụy Châu
Hầu như mọi chúng ta đều cùng ước nguyện là sau thời gian dài làm lụng vất vã, cần được nghĩ ngơi để hồi phục lại sức khoẻ hay ít nhất là để giải khuây tâm hồn. Tình trạng của tôi không nằm trong ngoại lệ đó. Sau khi được sự khích động của gia đình và những mời gọi chân tình của anh em thân hữu Hàng Hải ở Sydney, tôi không do dự là làm một chuyến 'chinh Bắc' vào dịp lễ Giáng Sinh 'đơn thân độc mã'.
Cầm được vé máy bay trong tay, tôi nao nức đến ngày gặp lại bạn bè (xin cho tôi được gồm vào danh từ nầy, những người anh, những chị lớn tuổi hơn tôi cho tình thân mật).

Ngày 1:
Rồi ngày đó đã đến, sau lời tạm biệt với gia đình tại phi trường của thành phố Melbourne (Australia) cùng những lời chúc cho một chuyến đi thật vui vẻ, tôi khuất dạng sau cánh cửa dẫn đến khu chờ đợi trong cái bình minh của mùa hè. Nhìn đồng hồ thì chỉ mới 5 giờ sáng, còn một tiếng nữa mới đến giờ chuyến bay của tôi cất cánh, tôi phải làm gì đây cho thời gian qua mau? Trong đầu tôi, những hình ảnh lần lượt hiện ra là tôi sẽ gặp được những ai, anh em có nhận được ra tôi không? Hơn mười một năm tôi mới trở lại Sydney, thành phố chắc đã thay đổi nhiều, những anh em mà tôi thường tiếp xúc đã thêm tuổi, có còn 'phong độ', 'hào khoáng' như đã được gán cho trong những ngày sống với kiếp hải hồ nơi quê nhà? Và rồi những anh em tôi chưa gặp lại từ cái biến cố 'đường anh anh đi CHUÔI, đường tôi tôi đi CHÁNH THỨC'. Tôi sẽ phải nói gì đây, xa cách lâu chắc là sẽ có nhiều chuyện để nói.
Sau hai lần đình hoản chuyến bay vì công việc bảo trì phi cơ, tôi xin chuyển sang chuyến bay khác để hy vọng đến Sydney càng sớm càng tốt vì Tài, bạn thật thân và cũng là người sắp xếp cho chuyến đi này của tôi, đang chờ tôi tại phi trường Sydney mà tôi không biết sao để liên lạc để báo cho hay về sự chậm trể này.
Tôi đặt chân đến Sydney trong cái nắng oi bức của mùa Hè, trể hơn dự định hai giờ đồng hồ. Người tôi gặp đầu tiên là Tài, thằng bạn cùng khóa, sau hơn mười một năm xa cách. Tôi muốn ôm chầm lấy nó nhưng sợ thiên hạ chung quanh bảo là đến tháng ba mới đúng kỳ hội mà sao thằng này đến sớm thế (chắc có lẽ dân Sydney mới biết rõ là tôi muốn nói gì). Sau vài câu thăm hỏi, Tài đưa tôi về nhà Tài (nơi tôi sẽ tạm trú trong chuyến đi này) để cất hành lý và sửa chửa lại dung nhan trước khi vào 'chương trình nghị sự' cho ngày đầu tiên. Trên đường, tôi như thằng khờ ra tỉnh, mà khờ thật chứ còn dường như gì nữa. Cảnh vật hầu như xa lạ với tôi, mặt đường tuy có xấu nhưng những nét tân trang của phố xá đã không gợi cho tôi một ký ức nào, chỉ hơn mười một năm mà quá nhiều thay đổi. Tuy nhiên cái mà tôi nhận diện ra ngay là tên đường và số nhà của Tài. Thật ra tôi đâu có tài cán gì, chẳng qua là vì chúng tôi thường xuyên liên lạc nhau nên tôi nhớ mỗi chi tiết đó.
Sau vài phút sửa sang lại xiêm y, Tài báo cho tôi chuẩn bị tinh thần là theo đúng lịch trình chúng tôi phải mất khoảng một tiếng đồng hồ để đến trạm dừng quân đầu tiên. Trên đường hai đứa tâm sự cho qua thời giờ, nào là tin tức của bạn học cũ, việc học hành của con cái, gia đạo, công ăn việc làm và nhiều linh tinh khác nữa. Chúng tôi đến nhà Chú Thím Ba, người đồng hương của tôi, trong cơn mưa nho nhỏ. Tuy không nhận ra tôi nhưng Chú Ba đã đón tiếp hai đứa tôi thật thân tình, chuyện xưa, chuyện nay, một mái đầu bạc, hai mái đầu xanh tâm tình thật vui vẻ. Nhưng rồi chúng tôi phải từ giã Chú Ba để đến điểm hẹn khác, chỉ tiếc là không gặp được Thím Ba.
Gia đình thứ hai chúng tôi đến thăm làm cho tôi xúc động dầu rằng có chuẩn bị trước. Tôi muốn nói đến Anh Chị Hậu. Ðón chúng tôi nơi cổng rào là Chị Hậu mà tôi quen gọi là chị Năm trong bộ bà ba của mẩu người Việt Nam đứng tuổi, chị nhìn tôi trong sự ngở ngàng vì nét thay đổi của tôi, một đứa em mà hơn mười một năm giờ mới gặp lại. Qua ánh mắt của chị tôi hiểu là chị có phần nào vui mừng vì tôi có phần nặng ký hơn xưa, chứng tỏ tôi không bị thiếu ăn. Tôi tiến vào nhà rồi ôm chầm lấy Anh Hậu, người anh học trước tôi 4 khóa, người đã hướng dẫn tôi trong những ngày đầu mới ra trường, trường học cũng như trưòng đời. Với anh, chúng tôi có nhiều kỹ niệm trong cuộc đời 'thủy thủ trên biển cả' cũng như 'thủy thủ khi lên cạn'. Từ một chàng sinh viên 'hôi sữa' trở thành một tên g... lái mà một số phụ huynh thường răng dạy con gái của mình nên tránh (lái tàu, lái lợn và lái xe). Nhưng tôi mong người đời hãy xét lại vì chúng tôi có khác gì ai đâu, chẳng qua nghề nghiệp bắt buột chúng tôi phải bôn ba đây đó, bù lại dân thủy thủ chúng tôi 'khi thương thì thương rất nhiều' và 'khi yêu thì cũng yêu mê mệt'. Không biết là bị hay được mang tiếng 'bao nhiêu bến nước bấy nhiêu bến tình' vì người thủy thủ rất nhiều tình cãm, một tình cãm chân thành, một gom góp trong thời gian dài trên biển cã, nên khi đến bờ là phải tìm người để dâng hiến. Ðiều đó chứng tỏ chúng tôi là những con người rộng lượng, vòng tay lúc nào cũng rộng mở.
Mãi nói mà tôi quên trở lại vấn đề chánh, Anh Hậu vui mừng, niềm nở tiếp đón tôi và Tài trong sự thân mật dù rằng sức khoẻ anh bây giờ yếu kém hơn xưa. Anh đã sắp xếp mọi việc từ sáng trừ cái nấu ăn, rồi ngồi đợi chúng tôi, điều đó đã làm tôi cãm động. Tuy tôi không rơi nước mắt nhưng thú thật trong lòng tôi đã bồi hồi không ít. Xin cho tôi mạn phép mở một dấu ngoặc nơi đây để nhắc đến một người nữa trong bữa tiệc, đó là cô Song Hương, con của Chú Thím Ba mà tôi và Tài đã đến thăm nữa giờ trước đây. Thành thật cám ơn cô và Chị Hậu đã cho chúng tôi thưởng thức những món ăn chay mà riêng tôi chưa bao giờ thưởng thức qua. Chúng tôi nhắc lại những kỹ niệm xưa, những tiếng cười tôi muốn gởi đến anh Hậu như một liều thuốc bổ. Xin cầu ơn trên ban cho anh vạn sự lành, một sức khoẻ anh luôn ước ao. Nhìn anh với bước đi chậm chạp để lấy thêm nước đá hay pha trà làm tôi thật mũi lòng nhưng anh muốn tự tay làm những việc ấy. Tôi nhũ thầm chắc anh thương tôi và Tài nhiều lắm, anh cố cầm chúng tôi ở lại với anh lâu hơn nhưng vì còn nhiều việc, chúng tôi đành nuốt lệ từ giã anh. Có lẻ ông trời đã hiểu ý anh nên sau khi rời nhà anh chúng tôi được người hàng xóm cho biết là bánh xe sau của của chúng tôi đã bị bể. Hai thằng ăn no nay lại phải ra sức thay bánh xe, nhưng với sự giúp đở của Chị Hậu và cô Song Hương, chúng tôi đã hoàn tất trong khoảng thời gian ngắn.
Rời nhà anh Hậu, theo chương trình, tôi xin đến thăm anh Khanh. Một khổ tâm là thì giờ ít ỏi mà Tài lại phải đeo thêm vài trọng trách khác như rước vợ và đi đón anh Ðược cho đúng hẹn của buổi tiệc chiều nay tại nhà anh Lộc. Tôi vô dụng không giúp gì được cho Tài mà còn là một gánh nợ. Nhìn cái thân to tướng của nó với nóng oi bức lại phải chạy vòng vòng làm những việc trên, tôi thấy tội nghiệp quá, mỡ nó chãy mà không hứng được. Tôi thật có phước mới có được thằng bạn như Tài, tôi nói thật đấy, không tin hỏi anh em Sydney thì biết. Tài là người không biết chữ KHÔNG khi ai nhờ bất cứ việc gì, nó cực là ở chổ đó mà không hiểu tại sao nó lại năng ký hơn tôi.
Trở lại vấn đề, Tài sắp xếp đưa tôi đến nhà anh Khanh, để tôi đó hầu chuyện với ông bạn già rồi Tài đi rước anh Ðược. Sau khi chào chị Khanh theo sự giới thiệu của Tài, rồi một ông bước ra, vừa đi vừa mặc áo, tôi đoán chừng đúng là anh Khanh. Không sai, anh thay đổi nhiều quá, hơn hai mươi năm, tóc anh đi vắng hơi nhiều mà thân thể thì nặng thêm, tuy nhiên giọng nói thì vẫn như ngày nào, mạnh dạn. Chắc có lẽ vì thế mà ngày xưa chị Hai nước đá và Bà Sáu D.. ở bến Bạch Ðằng thường cho anh 'ghi sổ'. Tôi được thưởng thức món bún thịt bò cuốn lá lốt và mỡ chài của chị Khanh, uống bia 'Crown Lager'. Ôi chao ơi ngon sao là ngon, trong khi thằng bạn thân đang vòng vòng rước khách quí. Thông cảm cho tao nghe Tài, không ăn giùm mày được vì no quá (hai ba chặng rồi). Tôi và anh Khanh kể lại những mẫu chuyện khó quên trong những ngày ở Việt Nam. Cũng nên nói ra đây anh Khanh là một người anh mà tôi rất quí mến ở cái chỗ con người thẳng thắn, không nịnh bợ. Anh sẳn sàng bênh vực những bạn bè của mình bằng mọi cách khi cần đến anh. Giờ đây anh đang dợt những trò chơi qua máy điện toán để khi nào có cuộc thi dành cho lão tướng thì anh sẽ nạp đơn ứng thí. Sau hơn một tiếng đồng hồ tâm sự, Tài trở lại rước tôi đến điểm hẹn cuối của ngày đầu. Từ giã anh chị Khanh, tôi cùng Tài ra xe thì được giới thiệu một người bạn mới đến từ Hoa Kỳ, tôi muốn nói đến anh Ðược. Tôi chưa từng gặp anh nhưng chỉ qua cái nhìn và vài câu chào hỏi, tôi có cảm tình ngay. Ðược biết anh thuộc vào hạng cựu trào của ngành Cơ Khí Hàng Hải Việt Nam, trong anh là cả một kho tàng kinh nghiệm về tàu bè và trường đời. Anh có tâm hồn của một thi sĩ, những dòng thơ ướt át, đa tình của anh đã được đăng trên mạng lưới toàn cầu của Hàng Hải Thương Thuyền Việt Nam. Tuy anh có tuổi nhưng dóc dáng và giọng nói xem anh còn rất trẻ, anh rất tích cực giúp đở chúng tôi trong việc tạo dựng trang Hàng Hải, từ bài vở, tin tức, tài liệu đến liên lạc với thân hữu, hội đoàn. Anh Ðược, thay mặt nhóm thực hiện trang Hàng Hải, thành thật cám ơn anh rất nhiều. Tài đưa anh đến nhà anh Lộc trước rồi cùng tôi đi đón Mỹ Hoa (vợ Tài). Dọc đường hai đứa tiếp tục 'chuyện xưa tích cũ', những mối tình của lứa tuổi học trò. Rồi cũng không quên nhắc đến những thằng bạn thân khác với hy vọng sẽ được gặp lại trong một ngày gần đây. Chúng tôi dừng lại ở một góc đường, điểm hẹn với Mỹ Hoa, hai thằng ngó trước dòm sau, thật là giống cảnh 'đi đón đào' ngày nào ở quê nhà. Một chiếc xe Honda trờ tới, Tài bảo tôi đi lại xem Mỹ Hoa có nhận ra tôi không? Cũng không khó lắm tuy rằng tôi nặng ký hơn xưa còn Mỹ Hoa thì tuy có thêm tuổi nhưng vẫn còn cái nét, cái nét đã làm Tài chết mê chết mệt của một 'nhân tình truyện'. Còn nhớ trong ngày đám cưới của Tài và Mỹ Hoa tại Việt Nam mà tôi được vinh hạnh chọn làm rể phụ, chẳng qua là khi đó tôi có 'tửu lượng' hơi khá để có thể đở đòn cho chú rể chánh, Ba của Tài cho tôi thấm giọng vài ly từ sang sớm để khỏi run khi sang rước dâu. Mà thiệt, tôi hết run nhưng đứng không 'thẳng hàng', may mà mọi việc đều êm xuôi bằng không tôi không biết phải ăn nói làm sao. Chuyện còn dài dòng lắm nhưng cho tôi trở lại đề tài chánh, cuối cùng chúng tôi đến nhà anh Lộc không trể cho lắm.
Ðây là lần đầu tiên tôi trực diện anh dẫu rằng đã nghe tên khi anh còn làm trong Nghiệp Ðoàn Hàng Hải tại Việt Nam. Trong chiếc áo ba túi và giọng nói mạnh, cứng cỏi, làm phảng phất ngành nghề ngày xưa. Anh lần lượt giới thiệu tôi với bác gái, chị nhà. Nhiều tiếng nói xôn xao từ nhà sau làm tôi hơi 'khớp' đôi chút. Qua nhiều 'trạm' từ sang đến giờ, hơi mệt, nhưng tôi cũng cố gắng vận thêm vài công lực để đương đầu với bàn tiệc đang được dọn ra. Ngoài anh Ðược mà tôi đã đề cập trên đây, tôi hân hạnh gặp lại những anh em sau đây, hơn hai mươi năm xa cách: Anh Chị Khôi, cặp 'sóng thần' của vòm trời Hàng Hải Sydney. Trông anh vẫn còn nét phong độ của ngày nào, chỉ tiếc không còn nghe tiếng huýt sáo của anh như khi vận chuyển tàu trước đây. Anh Chị Thành, không thay đổi nhiều tuy không gặp sau nhiều năm. Có lẽ anh là người thương vợ nhất trong đám, nhìn anh tôi tin chắc là anh lo cho chị mọi bề, ngay cã đến miếng ăn. Thành tâm mà nói, tôi thích con người anh ở nơi trọng chữ tín, chúng tôi có nhiều kỹ niệm với nhau mà không thể viết ra đây. Dù rằng gian truân trong những bước đầu nhưng với cuộc sống hiện tại, tôi mong anh hãy cùng ý nghĩ như tôi là tất cả đều do sự sắp đặt của bề trên.
Anh Chị Nghiã, tôi lần đầu gặp chị, còn Nghiã thì học cùng khoá Hàng Hải với tôi nhưng khác ban. Có lẽ vì thế mà làm cho những trận đấu bóng chuyền 'cá độ nước chanh' giữa hai lớp thêm phần hào hứng và sôi nổi. Ngày xưa nhìn Nghiã tôi biết thế nào sau nầy cũng làm 'mọi cho vợ', mà nay có đúng vậy không Nghiã, chẳng qua là mình thương vợ mới làm vậy chứ đâu phải là 'sợ vợ'. Mà dẫu có sợ đi thì vợ mình, mình sợ chứ có sợ vợ ai đâu mà bị chê cười. Nói chơi chút nhe Nghiã, không khéo lần sau lên Sydney không được thưởng thức món 'bò tái chanh' và 'cánh gà rút xương'. Anh Chị Sĩ, tôi cũng mới gặp chị lần đầu, chứ còn Sĩ thì không xa lạ khi còn ở Việt Nam. Sĩ học sau tôi một khoá, nhưng 'hậu sanh khả ố', vì nếu tôi nhớ không lầm thì Sĩ và tôi cùng 'dê' một cô. Không biết nói về việc này Sĩ có bị nhéo không nữa, mà có thì cũng đáng đời, 'quân tử trả thù mười năm chưa muộn' mà. Ngẫm nghĩ lại tôi thật có lộc và có phúc, gặp lại tri kỹ với mâm cao cổ đầy thì còn gì bằng. Hai ba thứ gỏi, cua chiên dòn, chả giò, .. v.. v.. và còn nhiều món khác nữa mà tôi không nhớ hết. Rượu vào lời ra, chúng tôi kể nhau nghe những mẫu chuyện khi còn đi tàu, bến nước có, bến tình cũng không kém, thật vui. Tôi thì hành nghề không đếm đủ bàn tay năm ngón, nên hầu hết mọi câu chuyện do anh Ðược, anh Khôi và anh Lộc chủ động, số anh em còn lại cùng tôi thì chỉ phụ họa thêm. Sau bửa ăn, chúng tôi trở vào nhà, quây quần nơi phòng khách để tâm sự riêng và ca karaoke. Ôi thôi, những giọng ca tiềm ẩn từ lâu, nay được dịp phát ra làm cho bầu không khí đã vui lại thêm vui hơn.

Gần mười giờ đêm, chúng tôi xin phép chia tay với lời hứa sẽ gặp lại trong tương lai gần. Thành thật cám ơn anh chị Lộc và các anh chị kể trên cho một buổi hạnh ngộ thật vui vẻ đầy tình người.
Sau khi đưa anh Ðược đến nơi tạm ngụ, tôi theo Tài về nhà Tài (nơi tôi sẽ trú ngụ trong thời gian ở Sydney) trong bầu không khí ấm áp của một đêm không trăng. Vào nhà, tôi đến chào Ba Mẹ của Mỹ Hoa (vì khi tôi đến sáng nay thì hai bác đi vắng). Ông Bà nhận ngay ra tôi, mười mấy năm tuy thay đổi nhiều nhưng nét thân quen vẫn còn đó. Hai bác vẫn phúc hậu như ngày nào, và trong cách diễn đạt tôi tin chắc hai bác an vui với cuộc sống hiện tại bên những đứa con nay đã thành đạt và các cháu ngoan ngản, chăm chỉ học hành. Nhìn hai bác mà tôi ao ước tìm qua hình ảnh của song thân tôi đang còn ở tại quê nhà. Tôi không thể làm một sự so sánh vì hai cuộc sống, hai lối sống, hai môi trường, hai sinh hoạt hoàn toàn khác hẳn. An phận, hai chữ đó đã mang tôi về với hiện tại. Ðêm đã khuya, Tài hướng dẫn tôi về phòng. Hai đứa trao đổi chút kinh nghiệm về điện toán bên ly nước chanh do Mỹ Hoa vừa pha với hy vọng làm giãm bớt nồng độ rượu mà hai đứa đã tiêu thụ trong ngày, đúng là cử chỉ của một người vợ hiền. (Tài, nhớ nhắc Mỹ Hoa câu nầy để lần sau tao được ly lớn hơn).
Ðồng hồ điểm ngày mới, Tài về phòng, tôi còn lại cố dổ giấc ngũ để ngày mai còn nhiều việc khác. Cái nóng của một ngày Hè còn đọng lại nhưng tôi thiếp đi lúc nào không biết.


Ngày 2:
Mặt trời đã ló dạng cho một ngày mới, tiếng chim hót văng vẳng đâu đây. Hồi tưởng lại tối qua tôi không ngũ được, phần lạ chỗ, phần quá vui khi gặp lại bạn thân và chắc cũng một phần là 'thiếu hơi vợ' cộng thêm phần nghĩ đến hai đứa con. Thảo nào người xưa có nói 'thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi'.
Tôi chầm chậm bước xuống nhà sau. Mới 7 giờ sáng mà mặt trời đã lên gần đỉnh của ngọn cây sau vườn. Tôi chào Mẹ của Mỹ Hoa, bà đang chuẩn bị thức ăn cho bửa tiệc chay trưa nay, Ba của Mỹ Hoa chắc ở sau vườn tập thể dục hay xem lại cây cỏ. Tôi thật cảm động vì nếu tôi không lên đây thì hai bác chắc giờ nầy đang nghĩ ngơi chứ không quần quật nơi nhà bếp vào sáng sớm như hôm nay. Rồi Mỹ Hoa cũng thức dậy đi mua bánh mì nóng cho gia đình ăn sáng, cùng lúc bác trai bước vào nhà. Bên tách cà phê nóng, tôi trò chuyện với hai bác về cuộc sống hiện tại cũng như những năm còn ở nơi quê nhà. Tài vừa về đến nhà sau khi đưa Danh, đứa con trai lớn, đến trường để sinh hoạt. Chúng tôi đồng ý sau hơn hai mươi năm trên quê hương thứ hai, hầu như mọi người đều bị đẩy vào nhịp đập 'nhanh' của xã hội Tây Phương. Ðể thích ứng với nếp sống mới và trong nổi lo âu cho gia đình, tỉ lệ của giờ phút nghĩ ngơi trên thời giờ làm việc luôn luôn là thương số dưới một. Niềm ao ước của cảnh cha mẹ, vợ chồng, con cái được quây quần bên mâm cơm hằng ngày hầu như quá tầm tay. Tôi không muốn là kẻ bi quan hay thốt lên lời than oán mà thành tâm bày tỏ một sự thật của người bình thường đang trải qua hai lối sống trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng.
Sau khi ăn sáng xong, tôi và Tài trở lên phòng để tiếp tục bàn bạc về những hoạch định cho trang Hàng Hải trên mạng lưới điện toán toàn cầu, một phương tiện để anh em thân hữu của ngành Hàng Hải Thương Thuyền được biết tin nhau, gần gủi nhau hơn, tìm về với nhau kỹ niệm của ngày nào.
Cái nóng hè đang len lõi vào nhà, đồng hồ đang chỉ gần 11 giờ trưa, tôi và Tài tạm ngưng cuộc thảo luận vì Tài muốn xem xét lại 'dàn' karaoke mà anh em thường sắm như một phương tiện giải trí sau những bữa tiệc để kéo dài buổi họp mặt. Ðang mãi mê điều chỉnh âm thanh theo hai giọng ca thật trầm, vượt thời gian như vịt tàu của tôi và Tài sau cuộc 'cụng ly' hôm qua tại nhà anh Lộc, thì một giọng nói quen từ dưới nhà vọng lên. Anh Sơn, một dân Hàng Hải với máu nghệ sĩ, anh đi đến đâu là đất bằng cũng nổi sóng hoặc 'lai láng'. 'Anh Nè Em', ba tiếng đó anh thường dùng để chào đón những người bạn thân khi gặp mặt. Hôm nay anh xữ dụng những danh từ đó với tôi nên làm tôi mũi lòng, tuy có thêm tuổi nhưng dáng người vẫn như xưa, vui tính, an phận. Anh nghe tin tôi lên nên đến thăm và nhân tiện cáo lổi về bữa tiệc ngày mai, anh chị phải lên đường đi Adelaide để dự tiệc cưới của người bà con. Chúng tôi đành 'bắt cóc' anh ở lại để dùng bữa trưa nay sau khi thông qua vị 'tư lệnh' tại gia của anh. Trong khi chờ đợi, anh Sơn, Tài và tôi ôn lại những kỹ niệm ngày nào và kể nhau nghe những vui buồn trong năm dài xa cách.Bữa cơm chay được dọn ra và cùng lúc ba người khách khác cũng đã đến: Anh Chị Nhường, rất thân với gia đình Tài và cô Song Hương, một người bạn của anh chị. Tôi được biết cả ba người rất mến mộ đạo (chắc có căn tu) và chay trường khá lâu, nay lại thêm phương cách tu thân 'thiền'. Cô Song Hương thì tôi đã gặp hôm qua, anh chị Nhường thì tôi mới gặp lần đầu; chị Nhường mà Tài thường gọi là chị Sanh (khi xưa làm chung với Mỹ Hoa, vợ Tài), trọng tuổi nhưng rất vui vẻ, cởi mỡ, hoạt bát, thật không hổ danh nơi xuất xứ - 'Tây Ðô' nước Việt; anh Nhường thì hiền từ, ăn nói chẩm rải, nếu ai biết chức phận của anh ngày xưa thì dường như anh đã qua một ngã rẽ hoặc giã nhủ thầm là 'tạo hoá luôn dung hoà tánh tình của vợ chồng trong một mái gia đình'.Trên bàn ăn còn có Ba Mẹ của Mỹ Hoa, hai bác rất hoà đồng với mọi lứa tuổi nên chúng tôi không cảm thấy bị gò bó hay phải 'giữ kẻ'. Mỹ Hoa chắc đã thừa hưởng được phần nào tánh tình của hai bác nên vui vẻ nhìn anh Sơn, Tài và tôi 'cưa chai mật ong'. Tôi không biết là ăn tiệc chay mà uống 'loại này' có phạm giới không nữa, có lẽ Trời Phật thông cảm cho bọn trẻ chúng tôi 'bao năm rồi không gặp'. Bữa ăn tuy ngắn ngũi nhưng rất vui cũng như mọi buổi tiệc nào. Anh Sơn từ giã ra về nhưng không quên một câu nói cũ 'hẹn ngày tái nạm'. Anh Chị Nhường và cô Song Hương cũng nối gót không lâu sau đó.
Bên ngoài, cái nóng đang đạt đến cực điểm của ngày hôm nay làm tôi và Tài hơi uể oải, thấm mệt, chứ đâu dám đổ thừa cho 'loại mật ong thứ thiệt'. Hai thằng bèn xin phép dưỡng quân để chuẩn bị cho 'cuộc đụng độ' không kém phần sôi nổi, hào hứng vào ngày mai.Ðã hơn 4 giờ chiều nhưng ánh sáng của ban ngày vẫn bao trùm vùng trời Sydney, Tài đề nghị đưa tôi ra phố rồi thẳng đường đi thăm làng Thế Vận Hội, nơi mà mấy tháng trước đây đã diễn ra những cuộc tranh tài thể thao đẳng cấp quốc tế và làm cho tên tuổi của thành phố Sydney nổi bật trên thế giới. Quơ thêm cái máy chụp hình, Tài, Mỹ Hoa và tôi làm một vòng 'thăm dân cho biết sự tình' tuy rằng tôi đã đến nơi nầy hơn mười năm trước đây. Dọc đường, Tài cũng như Mỹ Hoa giới thiệu tôi những địa danh mà đối với tôi hầu như xa lạ, những kiến trúc cổ vẫn tồn tại nhưng xen kẻ vào là những toà nhà chọc trời, những cao ốc làm thay đổi bộ mặt của thành phố nầy. Chúng tôi dừng lại ở Domain, chụp vài bức hình lưu niệm, chiêm ngưởng nét đẹp của Sydney Harbour. Ánh nắng gay gắt đã làm trở ngại việc chọn lựa góc cạnh của phong cảnh mà chúng tôi muốn thu vào máy ảnh dưới tầm mắt của người chụp ảnh bình thường. Kế đó Tài đưa tôi qua đường hầm nối liền hai miền của thành phố, một công trình mới hoàn thành vài năm nay, trước khi trực chỉ Homebush Bay, địa điểm tổ chức Thế Vận Hội Sydney 2000 vừa qua.
Ðến nơi thì đã xế chiều, khung cảnh giờ đây vắng vẻ, những vận động trường vẫn đứng sừng sửng như nhân chứng cho một sự cố thể thao tầm vóc thế giới. Con đường dẫn đến những nơi tranh tài rất sạch sẽ, những hàng cây luôn được chăm sóc kỹ lưỡng, những ánh đèn điện vẫn được thắp sáng hằng đêm tuy không chói loà nhưng cũng đủ để xem là không bị bỏ quên. Thỉnh thoảng vài du khách ghé ngang thăm quan, qua ánh mắt họ tôi có thể hình dung một thán phục dành cho nhà vẻ kiểu hay ít ra cũng hài lòng khi được nhìn tận mặt những kiến trúc hiện đại. Chúng tôi cũng vội vàng ghi lại nét đẹp nầy vào máy ảnh trong khi màn đêm đang bủa xuống. và để đối chọi lại, những chuổi đèn vàng nhỏ được kết vào thân cây hai bên đường bừng sáng lên tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo.
Từng đàn chim bay về tổ, nhóm người trong khu vực cũng thưa dần, ba chúng tôi lên xe về nhà. Và để kết thúc cho một ngày đầy thú vị, chúng tôi dừng lại ở Campsie để thưởng thức món mì gà chiên dòn và giải khát với đậu đỏ nước dừa. Bụng đã đói mà gặp món ăn ngon, lạ thì còn gì bằng.
Về đến nhà thì đã gần 11 giờ đêm, khí trời vẫn oi bức, chiếc quạt máy trong phòng cố gắng làm giảm nhiệt độ để tôi có thể an giấc và hứa hẹn một ngày mới.


Ngày 3:
Tôi và Tài thức dậy từ 5 giờ sáng để đưa anh chị Sơn ra phi trường. Chỉ mất hơn 5 phút là đến nhà anh chị, tuy còn sớm nhưng vầng dương đang chờ ló dạng. Ðại đa số dân Sydney còn đang yên giấc nên tuy mừng rở gặp anh chị, tôi và Tài cố giữ yên lặng chờ cho mọi người lên xe. Trên đường đến phi trường, những mẫu chuyện vui được thốt ra trong ánh bình minh, không biết tôi được bao lần trong cảnh nầy, nó như làm sao đấy, xin tạm gọi là 'chuyến đi về sáng'. Sau khi chúc anh chị thượng lộ bình an, tôi và Tài về nhà thì trời đã sáng. Không lâu sau đó, một tiếng gỏ cửa, anh Hoàng, người bà con của Tài và Mỹ Hoa đến nhà, tuy chưa quen anh nhưng qua vài câu chào hỏi, chúng tôi có thể tâm tình thoải mái, trông anh không kém tuổi tôi mấy, tánh tình thật thà, dễ mến. Cả nhà hầu như đều thức dậy trừ hai đứa con của Tài. Sau buổi ăn sáng nhanh, gọn, mọi người bắt tay vào việc để lo cho buổi tiệc trưa nay. Mỹ Hoa và Mẹ chuẩn bị những món ăn còn Ba của Mỹ Hoa, Tài, anh Hoàng và tôi thì dọn dẹp căn phòng phía sau và sắp xếp bàn ghế. Tất cả hầu như là vì tôi, điều đó đã làm tôi vô cùng cảm động và tìm được nơi đây một không khí gia đình như lúc tôi còn tại quê nhà. Ðã hơn hai ngày, nhiều tâm sự nhưng mọi người không tìm ra đoạn kết, những mẫu chuyện vui buồn tiếp tục tuôn ra làm cho quên đi nổi mệt nhọc. Tôi được 'cho phép' nghĩ ngơi để trưa nay tiếp rước bạn bè, thành thật mà nói lúc đó trong lòng tôi xôn xao vì không biết bọn chúng còn nhận ra tôi không và phải nói những gì? Nhiều năm không gặp, không hình ảnh cho nhau thì chuyện ngạc nhiên cũng không có gì gọi là quá đáng, những người bạn cùng trang lứa nên chắc dễ trò chuyện, thông cảm và hiểu nhau hơn. Tôi trở lên phòng, điện thoại về thăm hỏi vợ con để chứng tỏ là tuy được đi chơi riêng nhưng lúc nào cũng nhớ đến mái ấm gia đình - xin đọc những giòng chữ này như lời vuốt ve của tôi đối với bà xã, Linh rất hiểu và tin tưởng nơi tôi.
Mười một giờ hơn, anh chị Thành và anh Ðược đến (cho tôi miễn giới thiệu những vị khách này vì đã đề cập trước đây ở ngày 1). Sau vài lời chào hỏi, anh Ðược và tôi cần hoàn tất một việc; số là khi sang thăm Úc, anh đã mang theo hình ảnh của thân hữu Hàng Hải tại Hoa Kỳ với nhã ý cho chúng tôi đưa lên trang nhà trên Internet (xin tạm dịch là 'mạng lưới điện toán toàn cầu'). Hôm nay anh giúp tôi chú thích tên của thân hữu để người xem dễ dàng nhận diện, xin một lần nữa thành thật cám ơn anh đã tích cực hổ trợ chúng tôi trong chiều hướng tạo cho trang nhà Hàng Hải Thương Thuyền Việt Nam ngày càng phong phú và hoàn chỉnh hơn.Khi tôi và anh Ðược xong việc thì cũng là lúc anh em khác lần lượt đến:Anh Hậu (còn gọi là Hậu 'nhỏ' hay Hậu 'kiếng'), người có tâm hồn của một thi sĩ hay một văn sĩ, anh là tác giả của 'Lời Mở Ðầu' cho trang nhà Hàng Hải. Tôi tin chắc Tài đã phải phục rượu anh để được nhữ giòng chữ đó, thật đúng với câu 'rượu vào lời ra'. Vì anh hay phá tôi nên tôi phải trả thù lần này. Cùng đi với anh là cậu quý tử, tôi đoán là khéo dàn xếp vì chị nhà cho theo quan sát hành động của anh, còn nếu lở 'quá chén' thì có 'tài xế' đưa về. Nói cho vui vậy thôi chứ tụi tôi đâu phải là đối thủ của anh, khi bọn tôi ngất ngư thì anh coi như mới 'súc miệng' mà thôi.
Một nhân vật nữa là Ðiền tự 'tư lùn', học cùng khoá với tôi nhưng vì sợ say sóng nên tiếp tục qua ngành Kỹ Sư Công Nghệ. Ngày tôi rời Việt Nam, chẳng biết hắn có vợ chưa nhưng nay gặp lại thì đã 'một cái bình bốn cái tách', chắc nó theo chủ nghĩa 'không hào của thì có hào con'. Gặp nó tôi mừng lắm, nghe tin tôi lên, nó và gia đình hoản lại chuyến đi Brisbane để ở lại chơi với tôi hôm nay, tình bạn như thế thì còn gì bằng, tao nợ mày kỳ này nghe Ðiền. Nghe nói nó rất có hiếu với mẹ già, chẳng biết nó có 'hiếu' với vợ (Dung) không nữa?, trông nó giờ đây vẫn như xưa, không cao thêm tí nào cả nhưng có cặp mắt kiếng làm nó có vẻ thông thái (hai chữ này phải đáng giá hai đòn bánh tét). Nhớ những ngày còn dưới mái trường, chúng tôi có nhiều kỹ niệm với nhau, những trận đấu bóng chuyền cá độ nước chanh thật hào hứng. Với dóc dáng ngày ấy, nó không tài nào nhảy lên đập banh nhưng bù lại nó rất siêng chạy hay nâng banh 'có đẳng cấp' thành ra có nhắm vào nó để lấy điểm đôi khi bị 'phản đòn'.Ðang mãi mê kể 'chuyện xưa tích cũ' thì Tâm và bà xã (Lan Anh) đến, Tâm hơi khó khăn mới nhận ra tôi. Hơn hai mươi năm, thời gian cũng khá dài, lần cuối tôi gặp Tâm khi hai đứa còn ở trại tỵ nạn Pulau Bidong (Mã Lai) hay còn gọi là 'buồn lâu bi đát'. Lúc đó Tâm bận giúp đở cho Cao Ủy nên anh em ít gặp nhau thường cho đến ngày tôi rời đảo đi định cư tại Úc. Nhìn Tâm thì không thay đổi mấy, chắc là khách hàng thường trực của 'Advanced Hair Yeah Yeah' nên tóc vẫn còn đủ và nhiều cộng thêm bộ râu để dành khi 'làm xui'. Lan Anh thì tôi mới gặp lần đầu, chị là ái nữ của một cựu hoa tiêu sông Sài Gòn nên tâm tình của 'người đi biển' không gì xa lạ. Ðó cũng là một diễm phúc cho Tâm, vì đối với tôi trong những ngày xưa 'lăn lóc', mổi khi gia đình của cô bạn gái biết tôi làm nghề 'lái tàu' thì hầu như truyền dạy câu bất hủ 'Con ơi! bộ hết con trai rồi hay sao mà con lựa thằng lảng tử này'. Lắm lúc nghe mà tủi thân vì ai đó có biết đâu người thủy thủ rất chung tình, trái tim cũng biết rung động, những ngày xa cách sẽ được đền bù xứng đáng khi tàu về bến.

Và rồi qua cánh cửa sau, một chàng thanh niên trông dáng người hiên ngang cặp theo một thùng bia bước vào. Dũng, 'người hùng của bến Bạch Ðằng' hay 'chàng rể hụt của bà Sáu D..'. Gặp tôi là hắn thốt lên về món nợ của những 'chầu' nhậu ngày xưa trên bến tàu. Thành thật mà nói, có dạo tôi như 'hủ chìm' nhưng rất sòng phẳng, chỉ thiếu nợ tình chứ không thiếu nợ tiền. Dũng tuy không đi chung tàu với tôi nhưng một khi mang kiếp hải hồ thì bốn biển là nhà, lai láng tình bạn. Dũng nhớ rất rỏ về tôi của những ngày ở quê nhà, điều này làm tôi rất cảm kích và bắt lại tình thân từ lúc đó. Dũng nay đã có gia đình, bổn phận dĩ nhiên là phải có nhưng nét cởi mỡ, phóng khoáng ngày nào luôn bộc lộ qua những cuộc đối thoại. Mọi người được mời vào bàn, thật nhiều món ăn do khách mang đến cũng như qua bàn tay khéo léo của Mỹ Hoa và Mẹ được dọn ra cùng lúc. Tất cả hầu như chuyện trò vui vẻ, những ly bia mời mọc cho nhau, những mẫu chuyện đời, chuyện tình, chuyện vui cũng lần lượt tuôn ra đã làm cho bửa tiệc tuy không thịnh soạn nhưng thật ấm cúng trong không khí gia đình. Nhiều kỹ niệm cũ được khơi lại như để hâm nóng tâm tình khó quên, mỗi người giờ đây đều có một mái ấm nhưng cái hành trình trải qua có thể đút kết lại như một kho tàng kinh nghiệm trường đời. Trong ánh mắt của những khuôn mặt thân quen luôn hiện lên những phấn đấu cho thế hệ sau, những mệt nhọc hầu như được xoa dịu qua những thành quả tốt đẹp của con cháu - hai chữ 'hy sinh' ở đây tuy không cao cả nhưng coi như là tâm niệm của một đời người qua hai cuộc sống.
Hơn hai giờ trôi qua, chúng tôi tạm ngưng buổi tiệc để cùng hát cho nhau nghe những tình khúc quê hương, những nhạc phẩm mà trước đây chúng tôi chỉ là người thưởng thức. Phải công nhận nhờ men bia mà giọng ca nam có phần mạnh dạn và mùi mẫn hơn, còn phái nữ thì không cần tâng bốc ở đây, trời đã ban cho các bà, các cô tiếng hát trong trẻo, cao vút vượt thời gian. Chúng tôi không phải ca sĩ nhưng mọi người đều góp phần tạo cho buổi ca nhạc thật vui, thật ấm cúng và xin không quên cám ơn Tài tình nguyện làm DJ (disc jockey). Bầu không khí nóng bên ngoài, những ngụm bia và món khô mực xay đã làm cho cổ họng của bọn nam chúng tôi khan và khô. Những bản nhạc 'ruột' cũng cạn dần khiến chúng tôi đồng ý chấm dứt và thay thế vào là buổi ăn đợt nhì. Tuy không xôm tụ, đầy đủ như trưa nay nhưng hương vị vẫn còn đậm đà, ngon miệng làm tôi nhớ đến những lần đi ăn cháo khuya ở quê nhà; tuy thấm mệt nhưng anh em ai nấy vẫn chuyện trò vui vẻ, mối tình thân hầu như còn trong chúng tôi dù ngày tháng trôi qua, mỗi người mỗi cuộc sống khác nhau. Cho đến khi viết lên những giòng chữ này, tôi vẫn còn nhớ lời mời của anh Hậu, Ðiền và Dũng mà thôi xin khất lại khi khác vì thời gian không cho phép; thành thật cám ơn những chân tình khó quên và hẹn ngày 'tái nạm'.
Khi mọi người chọn lời từ giã thì bên ngoài đã lên đèn, cái không khí yên lặng của đêm Hè trong khu phố nhỏ đã làm cho cảnh vật quyến rũ, vương vấn với tình người. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc trong một ngày với bạn bè thân thuộc, dệt nhiều kỹ niệm để khắt sâu vào tâm não; đoạn phim này chắc chắn sẽ được quay lại nhiều lần trong cuộc sống này.


Ngày 4:
Sáng nay tôi thức dậy thật sớm, trong lòng thật xôn xao vì trưa nay tôi sẽ rời thành phố Sydney, tạm ngưng cuộc vui trong mấy ngày qua để trở về với mái ấm gia đình. Tôi nằm trên giường đọc nốt những mẫu chuyện trong tạp chí văn nghệ và mong cho trời mau sáng. Thỉnh thoảng tôi xếp lại quyển sách, ôn lại ký ức, hình dung là chốc lác nữa đây tôi sẽ làm những gì. Thời gian trôi qua thật mau, đôi khi làm cho trí nhớ của tôi phải chạy đuổi theo để thu lại hình ảnh mà tôi muốn giữ mãi trong cuộc đời này.Bình minh đã ló dạng lúc nào tôi không hay, bước xuống nhà dưới thì anh Hoàng và Ba Mẹ của Mỹ Hoa đã thức dậy từ hồi nào. Tài bén theo chân tôi, Mỹ Hoa đã đi làm nên buổi ăn sáng chỉ gồm những người còn lại. Qua tách cà phê nóng, tôi thố lộ tâm tình về chuyến đi này, sự ưu đãi mà gia đình Tài giành cho tôi đã làm tôi khắt sâu mãi trong lòng. Ánh nắng đang từ từ tiến vào khu vườn phía sau nhà Tài, cảnh sinh hoạt của một ngày mới cũng bắt đầu. Tiếng chuông điện thoại reo, anh Ðược muốn nói vài lời với tôi vì vài ngày tới anh sẽ làm một chuyến chu du Á Châu trước khi trở về lại Hoa Kỳ. Anh đã chuyển đạt tâm tình trong thời gian đến Úc, những khuôn mặt cũ, mới cũng được anh ghi vào ký ức như những tình thân của một đời người. Nhìn vào chiếc đồng hồ trên tay thi tôi còn đến vài tiếng đồng hồ nữa mới rời Sydney, Tài đề nghị đưa tôi ra bãi biển gần nhà để chụp nốt cuộn phim còn lại. Qua tầm nhìn, hai chiếc tàu giữa màu biển xanh pha lẩn những cuộn sóng trắng làm tôi và Tài mường tượng lại những chuổi ngày của đời thủy thủ. Vừa đi, hai thằng kể lại cho nhau những kỹ niệm vui buồn, nhắc đến những bạn thân mà giờ đây cũng đang lưu lạc nơi một phương trời nào đó. Chẳng biết bao giờ bọn mình mới có dịp gặp lại đông đủ như ngày xưa; phải không các bạn của tôi ơi? thôi thì coi đây như là niềm mơ ước.
Tôi và Tài trở về nhà cho kịp bữa cơm trưa mà trước lúc ra đi Ba Mẹ của Mỹ Hoa đã căn dặn. Hoàn tất vài bức ảnh trước nhà với hai bác và anh Hoàng, sửa soạn lại hành lý, điện thoại từ giã chú thím Ba, anh chị Hậu thì cũng đã đến giờ. Tài tiển tôi ra phi trường, hai thằng trao đổi vài lời ngắn gọn nhưng gói ghém mối chân tình giành cho nhau.
Chiếc phi cơ từ từ lăn bánh ra phi đạo như cho tôi đủ thì giờ vẩy tay chào Sydney, rồi cất cánh lên cao để tôi có thể nhìn lại khung trời kỹ niệm của mấy ngày qua. Trên đoạn đường ngắn ngủi một giờ rưởi bay mà tôi tưởng chừng như xa lắm, tôi ôn lại từng chi tiết, nhớ lại những mẫu đối thoại, những khuông mặt thân quen, những cảm tình thật nồng hậu đã dành cho tôi. Sydney ơi! bạn bè của tôi ơi! tôi sẽ trở lại thăm người một ngày không xa lắm. Chiếc phi cơ từ từ giãm độ cao và rồi đáp xuống phi trường Melbourne, tiếng loa phóng thanh của phi hành đoàn thông báo là sau khi đổ khách xuống (trong đó có tôi), chiếc phi cơ này sẽ trở lại Sydney. Tôi thầm nghĩ, chắc chắn các bạn tôi trên ấy sẽ rất ngạc nhiên nếu gặp lại tôi ngày hôm nay, nhưng khi vừa ra khỏi phi cơ thì Linh và hai con tôi đã đứng đón đợi từ bao giờ. Sự việc đã kéo tôi trở về với thực tại, nét vui mừng hiện trên mặt tôi khi gặp lại người thân; những lời đón chào, thăm hỏi về chuyến đi của gia đình đối với tôi đã làm tôi quên đi những ý nghĩ viễn vong. Tất cả mang tôi về với cuộc sống mà tôi đã trải qua trong nhiều năm qua và nhiều năm tới nữa.

Thụy Châu
Melbourne

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home