Thursday, June 18, 2009

SAIGON, TRƯỜNG VIỆT NAM HÀNG HẢI VÀ TUỔI SINH VIÊN







Liêm, và anh Lâm đến thăm
thầy J. Ducasse





SÀIGÒN,
TRƯỜNG
VIỆT NAM HÀNG HẢI
VÀ TUỔI SINH VIÊN

Nguyễn Hiếu Liêm, Khóa 19 ban Boong.

Mộng kình ngư
Mộng thích biển vào trường Hàng- Hải
Trải hồn mình giấc mộng kình ngư
Hải hành biển động tàu lắc lư
Tay vững lái con tàu lướt sóng
Lê- văn- Ðược


Tôi theo học trường Trung học Gò Công cho đến hết năm đệ Nhất và sau khi đậu Tú Tài phần hai, cũng như bao nhiêu cô cậu tú khác, tôi lên Sài Gòn để ghi danh vào các phân khoa hoặc thi tuyển vào các đại học chuyên nghiệp. Trong phần thi tuyển tôi chỉ trúng tuyển vào trường Việt Nam Hàng Hải và đó cũng là mong muốn của tôi lúc còn học ở trung học. Lúc còn đi học lớp đệ Tam tôi có nghe nói đến trường Hàng Hải là do anh Trần Khắc Chính khóa 17, anh cũng ở Gò Công và cũng là bà con phía bên vợ của ông Tổng Giám Thị Vinh của trường Hàng Hải và nhà ông này lại ở sát nhà ông dượng Năm của tôi ở cư xá Lữ Gia cho nên tôi cũng có dịp trò chuyện với ông về phần thi tuyển cũng như tương lai của sinh viên tốt nghiệp sau khi ra trường. Tôi nói rõ hơn một chút, dượng Năm tôi là quản thủ thư viện trường Cao đẳng Công Chánh nên cũng là đồng nghiệp của ông Vinh.
Sau khi trúng tuyển, tôi khăn gói lên Sài Gòn và may mắn được gia đình bà con cho trú ngụ ở cư xá Lữ Gia, không xa trường, cuộc đời sinh viên bắt đầu từ đấy... Cũng như bao nhiêu sinh viên ở tỉnh nhỏ mới lên Sài Gòn, tôi chỉ là một cậu sinh viên ngờ nghệt, cù lần so với các thanh niên cùng lứa tuổi lớn lên ở Sài Gòn. Hơn nữa, gia đình tôi lại không khá giả nên số tiền cung cấp hàng tháng chỉ có giới hạn; chỉ có chỗ ăn chỗ ở và tí tiền dằn túi là quí lắm rồi, tôi không dám đòi hỏi nhiều hơn. Sài Gòn đối với tôi lúc đó là cả một thế giới xa lạ, văn minh tiến bộ đối với một cậu sinh viên nhà quê, nhút nhát như tôi. Hầu hết các sinh viên khác trong lớp cũng ở trong trường hợp như tôi, có người ở tận Quảng Ngãi; có người ở Qui Nhơn như bạn Võ Sơn chẳng hạn, bạn phải bương chải kiếm sống và làm nhiều nghề khác nhau như dạy kèm, viết báo… Chỉ có bạn Bùi Khắc Thạch ở Sài Gòn có cô bạn thỉnh thoảng lái xe Coccinelle vào rước bạn đi chơi le lói làm anh em lé mắt! Tôi còn nhớ năm thứ nhất ban đại diện sinh viên tổ chức buổi dạ vũ tất niên. Hình như đó là truyền thống bất thành văn tự, vì các trường khác trong Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ đều có tổ chức lễ tất niên có khiêu vũ và họ có mời dàn nhạc tới chơi coi rất xôm tụ. Trường Việt Nam Hàng Hải cũng không thoát ra ngoài truyền thống đó. Tuy nhiên, trường Việt Nam Hàng Hải, với chương trình đào tạo 2 năm nên ‘dân số’ không đông lắm, cả 4 lớp gộp lại cũng chỉ có khoảng một trăm sinh viên, không như các trường Cao đẳng Điện Học, Công Nghệ, Hóa Học và Công Chánh. Buổi lễ được tổ chức trong phòng học của ban Cơ Khí nằm cuối hành lang nên diện tích rất giới hạn và có nhiều người phải đứng bên ngoài vì không đủ chỗ bên trong.
Các anh ban Đại diện đã mời một dàn nhạc ở ngoài tới chơi và vì hầu hết các sinh viên năm thứ nhất đều không biết nhảy nên một vài sinh viên biết nhảy đứng ra tổ chức cours de dance cấp tốc cho sinh viên mới một tuần trước đó. Vì thời gian quá ngắn ngủi và cũng vì các sinh viên đều rụt rè lại không có bạn gái nên không hấp thụ được bao nhiêu. Buổi dạ vũ coi cũng xôm tụ, tuy nhiên có một số người ngoài đến chơi, hình như là khách mời hoặc sinh viên từ các trường khác, họ đến chơi với bạn gái và nhảy nhót thật tự nhiên còn đa số sinh viên chỉ làm khán giả. Tôi còn nhớ, anh bạn Thái Hồng Thanh vừa ý một cô, cũng muốn làm quen và mời cô nhảy nhưng lại lưỡng lự. Anh đến chỗ tôi ngồi và hỏi:
- Ê ! Liêm, nhảy slow có phải một, chân trái lùi; hai chân mặt tiến như vầy không? Vừa nói bạn vừa ra điệu bộ. Tôi gật đầu, mặc dầu tôi cũng chẳng biết hơn bạn Thanh.
- Ờ ! Vậy là được rồi.
- Có phải bản nầy chơi slow không?
- Ờ! đúng rồi slow đó mầy mời cô đó đi. Bạn Thanh hơi do dự và sau cùng lấy hết can đảm nói:
- Để tao ra. Mà khoan để tao uống miếng bia! Bạn cầm ly bia và uống một hơi dài để lấy can đảm và ra mời cô gái. Cô chấp thuận và hai người ra sàn nhảy.
Năm đầu tiên chúng tôi còn bở ngỡ vì chưa quen đời sống mới, năm thứ hai bắt đầu quen biết nhiều là lúc chia tay. Năm thứ hai bạn Thanh; cũng Thanh nữa; chơi tìm bạn bốn phương; bạn đăng tìm bạn ở báo Tiền Phong. Không biết tại cái marque của trường Việt Nam Hàng Hải hấp dẫn hay do lời đường mật ở mục tìm bạn mà bạn Thanh đã nhận được năm, sáu chục lá thư. Mỗi lần lên văn phòng, ông Tổng Giám thị Vinh đưa một xấp mấy chục cái thơ, lần đầu ông không nói gì, mấy lần sau ông cự nự quá cở:
- Mấy cậu chơi tìm bạn bốn phương sao không lấy địa chỉ ở nhà, sao lại lấy địa chỉ ở trường. Thơ gì đâu mà tới một đống toàn là của mấy cậu không!
Thanh và tôi mở thơ coi chung, thôi thì hình thức giấy xếp đủ thứ, có thư cắt theo hình trái tim, có cái được xếp như cái quạt, có cái được kèm theo vài cánh hoa ép khô; các cô gọi chúng tôi là “người đại dương”, “người biển cả”, “người trùng khơi”, còn các cô thì thích màu xanh của biển, thích màu tím, yêu màu hồng, “đẹp xấu tùy người đối diện” thích đi dạo phố với người đi biển; ôi thôi! đủ thứ! tôi thấy mà phát khiếp. Ối giời ơi! Con gái ở đâu mà nhiều thế! Và yêu dễ dàng đến thế! Và kết quả thì Thanh cũng không quen được cô nào trong số mấy chục cô. Nói cho đúng thì Thanh cũng không biết phải viết thư cho cô nào và phải chọn cô nào trong số mấy chục cái thư. Đúng là lắm mối, tối nằm không!. Tôi nghĩ các bà, các cô may mắn lắm mới vớ được ông chồng Hàng Hải; chúng tôi chỉ cần hô lên một tiếng là có cả một đại đội các cô đến bao vây chúng tôi ngay. Đấy! sinh viên Hàng Hải chúng tôi đắt như vàng. Ấy! Tôi chỉ nói đùa thôi, xin các bà, các cô đừng giận!
Nằm phía sau Trung tâm Kỹ thuật có trường Nữ Công Gia Chánh và như cái tên của nó, các nữ học viên học về nghệ thuật trang điểm, thêu thùa, may vá, nấu nướng, làm bánh… đúng là mẫu người lý tưởng cho các thanh niên. Trong số các nữ học viên, nhiều cô trông khá đẹp. Bạn Thanh, lại cũng Thanh nữa, cũng để ý đến nhiều cô rất dễ thương nhưng không có dịp làm quen. Tôi bàn với Thanh tại sao không đến đặt mua bánh, như vậy mình có dịp nói chuyện với các cô. Thanh đồng ý ngay và sau đó chúng tôi đến đặt mua một bánh kem sinh nhật và hẹn ngày đến lấy bánh. Như vậy, chúng tôi có đến hai dịp để trò chuyện với các cô nhưng cũng không đi đến đâu, có lẽ phải ăn ít nhất 10 cái bánh họa may mới làm quen được các cô. Dạo khóa 19 chúng tôi vẫn còn chương trình huấn luyện quân sự học đường. Mỗi tuần vào ngày thứ tư, tất cả sinh viên phải mặc đồng phục kaki vàng tập họp nghe thuyết trình buổi sáng rồi sau đó được ra về. Có lần, sau buổi thuyết trình, thay vì về nhà, chúng tôi tụ họp 6, 7 chiếc xe gắn máy đi chơi ở Long Thành. Lý do là bạn Nguyễn Minh Châu có bà con ở đó với vườn cây ăn trái nên bạn đề nghị đi chơi xa cho vui. Đến vườn cây, chúng tôi tha hồ tung tăng hái trái, ăn thỏa thích. Thôi thì đủ thứ trái, nào là bòn bon, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, mít, ăn một bụng đến chiều mới chịu về. Khi đến Sài Gòn, chúng tôi ghé tiệm phở đường Trần Cao Vân gần Sở Thú làm một bụng no nê mới về nhà. Ở tiệm phở nầy, đặc biệt tô lớn nhất kêu bằng tô xe lửa, có thêm hai trứng cút; trong lúc mọi người đều đói meo nên ai nấy cũng kêu tô xe lửa ăn cho chắc bụng. Nếu ở năm thứ nhất, mọi chuyện đều do sinh viên năm thứ hai đảm trách thì khi chúng tôi lên năm thứ hai phải gánh vác mọi vấn đề trong đó có mục làm báo Xuân và cũng để tiếp nối truyền thống mà những sinh viên năm trước đã làm. Ban Đại Diện sinh viên mà chủ tịch là anh Hồ Thúc Ngọc đã kêu gọi, đốc thúc mọi người đóng góp bài, kiếm nhà in, vận động tìm quảng cáo và mạnh thường quân để giảm bớt phần chi phí in báo. Khi báo được in xong rồi thì phải lo đi bán mà việc bán báo có hai mục đích: một là giới thiệu đến các trường khác sự hiện hữu của trường Việt Nam Hàng Hải nhất là các trường Trung học; hai là để quảng bá những hoạt động của ngành Hàng Hải Thương Thuyền còn phôi thai ở Việt Nam. Tôi thấy cần phải nói rõ hơn là ở Việt Nam lúc bấy giờ rất ít người biết đến trường nầy trong khi mà nước Việt Nam lại có đến 2200 km bờ biển. Các sinh viên tình nguyện bán báo được giao cho vài chục cuốn rồi mạnh ai tự tìm trường để bán. Tôi và Thanh đem báo giới thiệu ở các trường Y tá, các trường Trung học trong số đó có Trung học Thủ Đức do ông Gần dạy Pháp Văn trường Hàng Hải làm Hiệu trưởng (kiếm toàn trường có con gái học!), vừa bán vừa làm quen.
Một điều khác, đa số sinh viên Hàng Hải lúc đó cũng là sinh viên ban Sử Địa Đại học Vạn Hạnh. Tôi chắc một số các bạn đọc đến đây không khỏi thắc mắc tại sao môn học Hàng Hải lại dính dấp với môn Sử Địa? Tôi cũng xin trả lời ngay là vì sau khi tốt nghiệp trường Hàng Hải, nếu không có đủ điều kiện được hoãn dịch, sinh viên phải gia nhập quân ngũ. Ngược lại nếu còn theo học một Đại học chuyên nghiệp thì sẽ tiếp tục hoãn dịch. Đó là lý do các sinh viên Hàng Hải ghi danh Đại học Vạn Hạnh để tiếp tục có bốn năm hoãn dịch sau đó. Và đó cũng là trường hợp của tôi; dĩ nhiên là tôi không thể nào theo học hai nơi khác nhau được với chương trình học bên Hàng Hải năm ngày mỗi tuần, tám giờ mỗi ngày; cho nên tôi chỉ có thể ghé qua Vạn Hạnh thỉnh thoảng mà thôi. Có một lần tôi phải thi khảo sát bên Vạn Hạnh, tôi phải có mặt ở đó sớm để thăm dò các bạn đồng môn mà thật ra tôi không hề gặp họ bao giờ (vì tôi có đi học đâu mà biết!); tôi thấy một anh trông khá trẻ mà tôi đoán chừng cũng là sinh viên như tôi; tôi hỏi xã giao:
- Anh cũng học ban Sử Địa ở đây hả?
- À! Không, tôi là giáo sư dạy ở đây!
Tôi cũng chẳng biết nói sao hơn bèn bỏ đi một nước, nhưng tôi biết chắc cũng không sao vì không khí trường Đại học đều xuề xòa, dễ dãi hơn nữa lại là Đại học Phật giáo mà nhà Phật lúc nào cũng lấy từ bi làm gốc nên tôi cũng an tâm “nương bóng Phật’’ chắc cũng không sao. Nói đến tuổi sinh viên không thể nào không nói đến quán café vì đó là nơi tụ họp trò chuyện rẽ tiền, bình dân và thơ mộng. Phía dưới sau trường Hàng Hải có một quán café do vợ chồng người Bắc làm chủ, người chồng làm nhân viên cho Trung tâm Kỹ thuật. Sinh viên Hàng Hải thường hay xuống đó để uống café, tán gẩu và chơi banh bàn hoặc ăn trứng gà sur plat với bánh mì. Cái quán không có tên vì mở ra để kiếm thêm tiền đắp đổi với đồng lương công chức của ông chủ quán và chỉ bán cho sinh viên. Quán café vô tình trở thành Câu lạc bộ của sinh viên Hàng Hải.
Những buổi sáng Chủ nhật, tôi thường thả bộ ra con đường cái của cư xá, tôi không nhớ tên nhưng ở cư xá Lữ Gia chỉ có con đường nầy là đường lớn dài từ đường Nguyễn Văn Thoại đến tận cùng là trường Tiểu Học Lữ Gia mà ông Hiệu Trưởng là ba của bạn Trần Quang Sang. Đi bộ từ trường Tiểu học về phía Trung Tâm Kỹ Thuật; bên phải có quán phở dưới gốc cây; bên trái có một quán café nhỏ bên lề đường; khách hàng đa số là dân trẻ sống ở cư xá. Gọi là quán thì không đúng lắm vì chỉ có vài cái bàn với mấy cái ghế xếp bày ngoài trời. Tuy nhiên nếu trời không mưa thì ngồi uống café ngoài trời trong cơn gió nhè nhẹ, hiu hiu thật là thú vị. Tôi và bạn Lữ Ngọc Sơn thường hẹn nhau uống café ở đây sáng chủ nhật vì bạn cũng ở trong cư xá. Kêu một ly café và uống không biết bao nhiêu ấm trà, chúng tôi nói chuyện có khi đến trưa mới chia tay. Bạn Trần Quang Sang tuy ở gần nhưng lại ít ra ngoài chơi nên ít khi gặp nhau ngoài giờ học, có lẽ vì bạn là con nhà giáo nên sự giao du với bạn bè có phần nghiêm nhặt hơn; tôi thường hay gọi đùa là “tiểu thư kín cổng cao tường”.
Có một dạo tôi sống ở khu Bàn Cờ, đường Nguyễn Thiện Thuật; buổi tối có khi nhớ nhà, tôi đi ra ngoài chơi. Ở gần đó có quán café Năm Dưỡng mà dân ở Sàigòn nhiều người biết đến. Đó là quán café thuộc loại bình dân mà khách đa số là người lớn tuổi ở gần đó. Buổi tối quán cũng đông người; café ở đây đặc biệt đen đậm, tôi chỉ nghe nói hình như chủ quán có pha thêm chất khác để café đậm đà hơn và thơm hơn để thu hút dân nghiện café đậm. Tôi đến đây uống vài lần, có một lần uống ban đêm làm tôi mất ngủ đến sáng.
Ở đường Cao Thắng, sát rạp Đại Đồng, bên hông có một hẻm nhỏ, phía trong có quán café Chiêu; không khí ở đây êm hơn và phía trước có cây vú sữa. Quán thường ít người, buổi tối, thỉnh thoảng tôi hẹn với bạn Lê Thanh Tân ở Hòa Hưng cách đó không xa đến uống nước . Tôi rất thích đến đây ban đêm vì quán êm ả, ít người, ngồi uống nước dưới tàn cây vú sữa và lim dim nghe nhạc để tạm quên đi nỗi nhớ nhà và cực nhọc sau giờ cours ở trường.
Bạn Lữ Ngọc Sơn có một dạo sau nầy ở đường Nguyễn Du, có lúc tôi đến thăm bạn và rủ bạn ra ngoài chơi. Dọc theo đường Nguyễn Du có vài quán café bình dân bày ra bên lề đường. Quán chỉ có lèo tèo vài cái bàn thấp bằng gỗ; café không có gì đặc biệt nhưng cái đặc biệt ở đây là do đường Nguyễn Du. Con đường tương đối hẹp ít xe cộ qua lại, hai bên đường được trồng hai hàng cây che bóng mát trên bãi cỏ lúc nào cũng xanh mướt. Uống café ở đây vào buổi sáng trước khi mặt trời lên cao trong làn gió hiu hiu, tươi mát còn đượm hơi ẩm của cơn mưa đêm qua, thỉnh thoảng vài giọt nước còn đọng trên cành lá rơi xuống tóc, má làm tôi thấy dễ chịu. Ngồi uống ly café thơm ngát, nhìn thiên hạ qua lại, nói chuyện bâng quơ là cả giây phút khó quên đối với tôi.
Café Mai Hương nằm góc đường Lê Lợi- Pasteur, cách trang trí không có gì đặc biệt nhưng nhờ lợi thế nằm ở đại lộ nên khách lúc nào cũng đông. Thứ Bảy tôi không có gì làm mà cũng không thể về Gò Công thăm gia đình và hơn nữa trong túi lại chỉ có ít tiền nên tôi chỉ có thể bát phố mà không mua sắm gì. Tạt qua nhà sách Khai Trí xem sách hoặc đi lơn tơn ngắm hàng sách cũ đường Lê Lợi rồi băng qua đường Nguyễn Huệ đi tà tà theo dãy kiosque bán nhạc sau đó tôi đến café Mai Hương để nghỉ chân. Kêu một ly café đậm, lim dim thả hồn theo khói thuốc, đọc hết tờ báo, nhìn thiên hạ qua lại mua sắm, tôi chạnh lòng nhớ đến người thân gia đình. Lúc đó tôi chưa biết đến hai câu thơ:
Giũ áo phong sương trên quán trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang
.
Hai câu thơ đã diễn tả trung thực tâm trạng những người tha phương cầu thực; phải xa nhà tìm sự sống nhất là vào dịp gần Tết, dù sao lúc ấy tôi chỉ là cậu bé 20, 21 tuổi thôi.
Năm thứ nhất dường như dài đăng đẳng vì phải làm quen với cuộc sống xa lạ và lại phải làm quen với ngôn ngữ Pháp nhất là hai môn Thiên Văn Học và Hải Hành với những danh từ xạ lạ. Và thêm vào đó các cuộc xuống đường suốt thời gian mấy tháng liên tiếp, hầu như ngày nào cũng có biểu tình. Các trường Đại Học đều bị đóng cửa tạm thời và bị canh chừng nghiêm ngặt. Dường như đâu đâu cũng có cảnh sát chìm, nổi theo dõi. Trong thời gian đó sinh viên không học hành gì được, một số ghé qua trường để hỏi thăm tin tức và bàn tán rồi ra về. Riêng bạn Lữ Ngọc Sơn về ẩn náu ở quê Châu Đốc mấy tháng trời. Tôi cùng bạn Thanh cũng không biết làm gì hơn, chạy vòng vòng coi biểu tình và nếm mùi lựu đạn cay rồi rút lui. Phía người biểu tình có cả mấy cô học sinh trung học mặc áo dài trắng, họ cũng leo rào vào tòa Đại sứ Miên và bị cảnh sát can thiệp, thật là can đảm.
Năm thứ hai chúng tôi bắt đầu quen với cuộc sống mới và chương trình học cũng gay go hơn với những bài Calculs nautiques nhất là Calcul số 21 tính tọa độ bằng độ cao của 3 ngôi sao bằng lượng giác cầu. Lúc đó chưa có hệ thống GPS như bây giờ, sinh viên phải tính bằng tay từ những con số cho bởi table Friocourt và table Bataille, rất dễ bị lộn. Hầu hết tất cả sinh viên đều chúi mũi vào các bài tính nên không cảm thấy thời giờ trôi qua và sau giờ học chúng tôi cảm thấy nhẹ nhỏm như trút được gánh nặng. Một bài tính khác về Compensation du compas khó hiểu mà chúng tôi phải để nhiều thì giờ để làm quen. Ngoài ra trong khóa chúng tôi cũng có một số các anh bên Hải Quân về thi bằng thực hành, các anh hơi lúng túng khi xử dụng table Friocourt và table Bataille, nhờ các sinh viên tận tình giúp đỡ nên mọi chuyện sau đó cũng trôi chảy. Nói chung thì không khí của khóa học tốt đẹp và hòa thuận vì ai ai cũng bận rộn làm tính nên không ai để ý chuyện người khác. Rồi thì cũng đến lúc thi tốt nghiệp, hầu hết đều thành công vì hầu như tất cả mọi người đều cật lực làm việc suốt năm. Sau đó, một số sinh viên không đủ điều kiện hoãn dịch phải gia nhập quân ngũ. Bạn Võ Sơn làm cho Sở Hàng Hải với chức vụ Chánh sự vụ. Bạn Tâm “khều” gia nhập Hải Quân. Bạn Lê Thanh Tân và Trần Quang Sang gia nhập binh chủng Quân Vận làm trên hai chiếc tàu kéo và tôi có dịp gặp ở Ba Ngòi. Bạn Bùi Khắc Thạch làm Trưởng Ty ở Qui Nhơn. Bạn Thái Hồng Thanh du học ở Nhật trường Đại học Cơ khí Aoyama. Bạn Thành đi trên tàu Trường Hải. Riêng tôi được tiếp tục hoãn dịch trong trường hợp là thanh niên độc nhất còn lại trong gia đình có em trai đang tại ngũ. Cuộc đời đi biển thực sự bắt đầu từ đây. Lúc đó Việt Nam có rất ít tàu Hàng Hải và dĩ nhiên cũng không có nhiều chỗ cho sinh viên mới ra trường, nên kiếm được một embarquement không phải là dễ.
Embarquement dài nhất của tôi là trên tàu Trường Xuân, kéo dài khoảng hai năm. Sau đó tôi thay đổi tàu liên tục, không đi trên chiếc tàu nào quá một năm từ Nam Sanh, Hoà Bình, Cypréa, Tung Pao, Bintang Utara. Sau cùng, nếu không có gì thay đổi tôi lại đổi qua chiếc tàu khác vào tháng năm 1975, đó là loại tàu dầu Hemisinus hoặc Hyria, trọng tải 18,000 tấn thường hay chở xăng cho hảng Shell Nhà Bè mà người Anh giao lại cho đại lý Singapore khai thác. Nhưng tham vọng của tôi không dừng lại ở đó. Tôi muốn đi tàu viễn dương và ghé bến những quốc gia xa xôi, những lục địa mà tôi chỉ nghe nói và chưa bao giờ đặt chân đến. Đây là lúc tôi thực hiện giấc mơ. Trong lúc đi tàu Trường Xuân ghé bến Kaoshiung ở Đài Loan tôi có ghé thăm tàu Ponza quốc tịch Liberia và làm quen với ông Thuyền phó là người Việt Nam tên Danh và Chef máy có vợ là người Việt Nam. Họ cho tôi địa chỉ hảng tàu OSCOSA cũng như điều kiện được nhận việc.
Sau đó tôi đã bắt liên lạc với hảng OSCOSA ở Paris. Họ đòi tôi phải đổi bằng cấp tương đương Liberia rồi sau đó mới cho tôi xuống tàu và tôi bắt đầu làm thủ tục để xin bằng tương đương. Lúc đó vào khoảng đầu tháng Tư 1975, tình hình Việt Nam thay đổi mau lẹ đến cuối tháng Tư Sàigon bị thất thủ. Mọi kế hoạch toan tính bị sụp đổ bất ngờ.

Tôi qua Pháp đi cho hảng Messageries Maritimes, tiếp tục nghề cũ. Ở dây tôi có dịp ghé bến thăm viếng nhiều quốc gia xa lạ như tôi hằng mong ước nhưng không khí lại khác hẳn không khí trên tàu Việt Nam nên tôi cũng mau chán. Phần khác gia đình tôi còn ở Việt Nam, nỗi nhớ nhà cộng vào đó nỗi cô đơn khi bắt đầu cuộc sống trên xứ sở xa lạ làm tôi không còn háo hức như lúc ban đầu. Mắt tôi lại suy yếu dần dần đến năm 1982 độ nhìn của hai mắt xuống dưới 5/10, tôi không thể tiếp tục làm Officier Pont được nữa; bên Secrétariat des Gens de mer hỏi tôi muốn đổi ngành làm Officier Radio không? Hoặc bỏ nghề làm trên bờ? Tôi trả lời không do dự là tôi muốn nghỉ làm bên Hàng Hải và tìm nghề khác trên bờ. Cuộc đời đi biển chấm dứt từ đây.
Nguyễn Hiếu Liêm

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home