Monday, June 22, 2009

MỘT ĐOẢN PHÓNG SỰ & Besame Mucho

Thương thuyền Nhựt Lệ - Vàm Cỏ 24

MỘT ÐOẢN PHÓNG SỰ

Hà Ðình Hậu

Trời Sydney bây giờ đã vào thu, gió nhẹ và thoang thoảng lạnh vì những cơn mưa bất chợt của tháng 4. Ở Úc, hằng năm vào dịp Lễ Phục Sinh vẫn có những ngày mưa đột ngột, đến rồi lại đi trong khoảnh khắc và nắng ấm trở lại. Sự nồng nực của mùa hè như dịu đi. Tia nắng đầu của buổi sáng sớm mang theo cái ẩm ướt của hơi sương. Một chút rùng mình vì lạnh và thoáng nghĩ đến một mùa đông nữa sẽ đến với cuộc đời lưu vong, mùa đông sắp tới sẽ là mùa đông thứ 22 của tôi tại Úc. Ðã 23 năm chưa có ngày trở lại quê hương? Có một chút gì nghẹn ngào ở trong lòng?

Những tiếng ồn ào đã đưa tôi vào thực tế. Chuyến xe lửa Sydney-Wollongong vừa ngừng tại một trạm địa phương, một vài người đang xuống bến, cánh cửa toa xe vừa đóng lại, tiếng nói của người gác xe vọng lên trong máy phóng thanh 'Next stop Wollongong, then all stations to Dapto..'.

Chúng tôi đang trên đường đi tới Wollongong một thành phố ven biển thuộc phía Nam của Sydney và chỉ cách Sydney khoảng 2 giờ xe chạy, chuyến xe lửa vừa vượt qua một sườn núi, chuyến xe lửa vừa vượt qua một sườn núi, bên phải là núi đá trơ vơ và bên trái nhìn qua cửa sổ là một màu xanh của biển, đường chân trời thẳng tấp đã cho tôi một cái nhìn bao la về biển cả, một vài chiếc tàu bỏ neo xa xa... Thành phố Wollongong ở phía dưới thật hiền hòa, nhìn lại những chiếc tàu. Cả một trời quá khứ như được sống lại... với những đêm ' đi bờ ' trở về tàu bằng những bước chân chuếnh choáng, những giờ lên ' ca trực ' mệt mỏi như cố tiếc nuối một giấc mộng đẹp chưa chấm dứt trong giấc ngủ. Những ngày biển động, chưa tới giờ cơm đã nghĩ tới giờ ngủ... Khoảng kỷ niệm buồn vui của những ngày đi biển đã dài bằng những con đường tàu đến và tàu đi. Biển cả bao la, lòng tàu rộng rải và lòng người Thủy thủ cũng đã đủ rộng để chuyên chở tất cả những kỷ niệm buồn vui. Tiếng động mạnh bên cạnh đã đưa tôi trở về thực tế.

Kìa đã tới Wollongong rồi!
Tiếng của nhà tôi ngồi bên cạnh đã đánh thức giấc mơ quá khứ của tôi.
Chúng tôi đang trên đường tới một thành phố biển, cách xa nơi tôi ở khoảng 100 cây số, để tham dự buổi tiệc họp mặt của các anh em đã sống và làm việc trên cùng một chiếc tàu. Mới ngày nào mà đã gần 23 năm ! Coi như một thông lệ, gần như điều kiện bắt buộc phải có, hằng năm mỗi gia đình luân phiên tổ chức những buổi họp mặt mỗi năm vào những ngày Easter Long Weekend. Sự kiện đã phù hợp với thời gian kỷ niệm ngày của chiếc tàu đã rời bỏ quê hương. Khúc phim ngày 02-4-1978 hình như đã được rewind trong mỗi lần gặp gở hằng năm.
Hôm nay cũng trong không khí cởi mở và vui tươi, anh Thưa, người đứng ra tổ chức bữa tiệc, đã nói lên ý kiến của mình: '23 năm về trước, tàu chúng tôi chỉ toàn là các ông và tất cả đã đến đây bằng hai bàn tay trắng... và bây giờ như quý vị đã thấy... gia đình tàu Vàm Cỏ 24 đã lớn mạnh như thế nào?
'Anh Thưa đã phát biểu đúng, từ một gia đình tàu Vàm Cỏ 24 bé nhỏ, giờ này đã có thêm các chị và các cháu, có vài chị đã là bà nội, bà ngoại.

Từ lúc chúng tôi đến Úc, có những mái đầu hãy còn xanh, giờ này đã lấm tấm muối tiêu, nhưng chắc là muối nhiều hơn tiêu! Với không khí thân mật và cởi mở, những lời trao đổi và tâm sự sau cả một năm trời nay mới gặp lại. Một vài anh em có máu văn nghệ đang đứng trước micro biểu diễn những bản Karaoke mà mình ưa thích.
Những tiếng vỗ tay đã làm náo động một góc phố nơi nhà hang 'TRANG Vietnamese Restaurant', do anh Thưa làm chủ. Sự ồn ào của gia đình tàu Vàm Cỏ 24 tạm thời ngưng lại, khi anh Thưa đã cầm micro thông báo với tất cả anh em là:
' Tàu Vàm Cỏ 24 vừa mất đi một người: Bác Huỳnh Thắng, sau bao nhiêu lâu mất liên lạc, bây giờ được thư từ bên Việt Nam cho hay là đã qua đời tháng trước. Xin các anh em im lặng một phút để tưởng nhớ đến Bác Thắng'.
Không gian của buổi họp mặt gần như lắng đọng, mỗi người như tự dành cho mình một giây phút nào đó để nghĩ tới Bác Thắng.
Ðã hơn 70 tuổi, mang phận lưu vong như chúng tôi, giờ phút cuối cùng lại được chết trên quê hương của mình. Phải chăng đó là điều mong muốn của Bác Thắng? Như một nhạc sĩ đã ao ước :
'Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển
Ðời lưu vong không cả một nấm mồ
Vùi đất lạ thịt xương không tan biến
Hồn không đi sao trở lại quê nhà
Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển
Ngược trôi đi đưa hình hài trở về
Bên kia trời là Quê Hương tôi đó..'

Bác Huỳnh Thắng đã nằm xuống, từ giờ chúng tôi sẽ không còn được nghe lại bản nhạc ' Besame Mucho ' của Bác. Nhưng một điều chắc chắn là Bác Thắng đã hài lòng khi gởi lại nắm xương tàn ngay chính Quê Hương của mình.


Sydney, Tháng 4 năm 2001


0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home