Wednesday, June 24, 2009

NHỚ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA

NHỚ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA
Phạm Đình Trọng
Thầy Đặng Văn Châu, Capt. au Long Cours Pháp.
Thầy Phùng Lương Ngọc, Capt. au Long Cours Pháp
Thầy Phạm Văn Sanh, HQ/ Trung Tá École Navale Brest, Pháp.
Cựu Giám Đốc Trường Việt Nam Hàng Hải, thuộc Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ Saigon.

Viết lại vài dòng ký ức để nhớ lại các thầy Giám Đốc mở đường cho sự hình thành và phát triển ngành hàng hải Việt Nam.
Hồi Pháp thuộc người Pháp họ chỉ mở dạy và đào tạo ngành hàng hải ở Đông Dương với chương trình rất hạn chế; Petit, Grand Cabotage -Master Hometrade 1 and 2 nhằm mục đích xữ dụng nhân lực tại bản xứ thuộc địa chứ không phải để mở rộng đào tạo thành thuyền trưởng hay chief máy, đó cũng nằm trong chính sách khai phóng thuộc địa có giới hạn của thực dân Pháp mà thôi; cho nên trường hàng hải cũng như nghề hàng hải là ngành hiếm hoi ít ai biết đến; có biết chăng là thủy thủ hay bồi phòng làm việc trên các tàu hành khách của hãng MM của Pháp (VIETNAM, CAMBODGE, LAOS), trong đó có Hồ chí Minh đi làm bồi tàu trên các chiếc tàu hành khách chạy đường Marseille - Saigon.

Muốn đi học Long Cours chỉ là những giấc mơ, mà có muốn đi học chăng nữa cũng phải đi Pháp mới có học được. Ngay cả việc xin vào học Long Cours cũng bị hạn chế đối với các sinh viên thuộc địa. Lúc bấy giờ nếu tôi nhớ không lầm cả Miền Nam Việt Nam chỉ có ba vị có bằng Long Cours từ Pháp trở về nước, đó là thầy Đặng văn Châu, thầy Phùng Lương Ngọc, và Capt. Nguyễn Nhất Thống.

Có lẽ thầy Châu là người Việt Nam đầu tiên có bằng capt. Long Cours từ Pháp vế nước, đảm nhận chức vụ Giám Đốc Trường Việt Nam Hàng Hải, cùng lúc cũng là trưởng đoàn Pilote sông Saigon một thời gian. Thời gian thầy Châu làm giám đốc, mỗi năm sinh viên tốt nghiệp hàng hải rất ít, cho nên khi ra trường kiếm việc làm không có gì khó khăn. Trên thực tế ngành hàng hải thương thuyền mới trên đà phát triển, vì vậy về nhân lực hàng hải số cầu cần nhiều hơn số cung, các hãng tàu thường đi tìm kiếm sĩ quan hàng hải hơn là người đi kiếm việc làm. Thầy Châu có giọng nói Bắc, giọng nói pha trộn giữa Trung và Bắc. Thầy rất nghiêm nghị, nhưng thầy rất thương sinh viên, có lần cuối tuần thầy dắt tụi nầy lên làng Thủ Đức đi thuyền bườm trên sông Saigon. Tôi còn nhớ ngày 30/4/75, tôi có ghé thăm thầy lần chót ở công ty hàn gió đá Khánh Hội, mà thầy là Giám Đốc, thật ra bấy giờ thầy cũng thấy già rồi, có lẽ cũng vì tai biến của đất nước làm thầy buồn và già thêm. Thầy hỏi tôi có uống café không? Thầy nói giọng trầm buồn, than vảng. Bây giờ đi làm phải đạp xe đạp, không dám xữ dụng xe hơi nữa; có lẽ vì sợ mấy ông nón cối, dép râu…chăng? Thầy nói đang bị bịnh trĩ, cho nên việc đi xe đạp là một trở ngại chính cho thầy. Thầy hỏi tôi có dự định gì không? Tôi trả lời có lẽ phải đi, cùng lúc có lệnh tập trung cải tạo, thầy nói khi nào cải tạo trở về hãy đến gặp thầy và tính sau, vì thầy có vườn tiêu và tàu đánh cá ở đảo Phú Quốc. Hy vọng chúng ta sẽ đi được, vì cải tạo kéo dài hơn bốn năm trời, khi trở về thì thầy và gia đình đã rời khỏi Việt Nam và định cư ở Pháp. Chắc bây giờ thầy già lắm, tôi cũng không có lần nào gặp lại thầy từ dạo đó, chỉ nghe nói khi đến Pháp thầy có làm thuyền trưởng tàu chở trái cây một thời gian, bây giờ thầy về hưu, tụi em không có địa chỉ của thầy, hy vọng thầy vẫn luôn khỏe mạnh.
Thầy Phùng Lương Ngọc là vị giám đốc thứ hai sau thầy Châu. Thầy cũng từ Pháp về nước. Thầy rất trẻ, đẹp trai còn độc thân, hình ảnh của thầy là sự chiêm ngưỡng và ái mộ đối với tụi em. Thầy là người điển hình, thầy rất khả kính luôn vui cười với sinh viên hơn là sự cách biệt giữa thầy và trò. Thầy rất mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ về sự phát triển cũng như tăng cấp học vị cho ngành hàng hải, thầy thường nói lo âu thiếu giáo sư giảng dạy, thiếu
học cụ, thiếu sách giáo khoa cho ngành, thầy cũng đã vận động các chủ tàu, cũng như hối thúc sở hàng hải thương
thuyền có chánh sách cho sinh viên đi thực tập trên các tàu buôn. Vì vậy có lần thầy vận động với Bộ Giáo Dục cấp học bổng cho sinh viên hàng hải đi Pháp hay Mỹ để học ngành hàng hải lẫn pont và cơ khí.
Thầy rất ưu tư về sự phát triển của ngành hàng hải Việt Nam, thầy thường nói đất nước chúng ta có bờ biển rất dài nhô về hướng đông tiếp cận với các nước Phi luật Tân, Nam Dương, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Mã Lai v.v.. và cũng là trục lộ hàng hải quốc tế quan trọng, muốn phát triển kinh tế quốc gia thì phải phát triển ngành hàng hải thương thuyền. Thử so sánh Nhật, đi ở đâu, tất cả bến cảng trên thế giới đều thấy đội thương thuyền Nhật với lá cờ mặt trời mọc, cùng lúc chúng ta không thấy một bóng dáng tàu Việt Nam? Thời thầy làm giám đốc số lượng sinh viên tốt nghiệp tăng thêm, và cũng là lúc chiến tranh bộc phát, nên trường hàng hải cũng là nơi cung cấp chuyên viên cho binh chủng Hải Quân rất nhiều, rất nhiều Sĩ Quan Hải Quân xuất thân từ trường hàng hải thương thuyền. Thầy muốn ngành hàng hải Việt Nam phát triển, một chứng minh cụ thể là thầy đã gia nhập và đảm chức vụ quan trọng cho công ty hàng hải Việt Nam Thương Tín, công ty hàng hải Việt Nam đầu tiên có tàu trọng tải lớn nhất thời bấy giờ và có tầm hoạt động viễn dương (Long Cours) mà capt. Nguyễn Nhất Thống chỉ huy chiếc tàu nầy, Capt. Thống cũng là Thuyền trưởng Long Cours từ Pháp về. Hiện capt. Thống đã về hưu sau nhiều năm giảng dạy trường Coast Guard College Sydney Canada, home tel. capt. Thống: 1-902. 562.6711.

Thầy Phạm Văn Sanh, thầy là một trong những Sĩ Quan Hải Quân Việt Nam được đào tạo tại Pháp. Khi tôi học ở trường Hàng Hải Saigon, thầy Sanh dạy về môn Thiên văn, thầy đang phục vụ trong binh chủng Hải Quân quân hàm Đại úy, tôi không bao giờ quên hình ảnh của thầy, người to lớn với vần trán rộng, thầy là người Mỹ Tho, Tiền Giang, thầy là sĩ quan hải quân, nhưng không có vẻ gì nhà lính cả, mỗi lần ghé trường dạy thầy lái chiếc xe Simca, thầy luôn mặc hai lớp áo, lớp bên ngoài là lớp áo dân sự bao phủ lớp áo quân phục Hải Quân bên trong dù có nóng nực cách mấy, thầy rất điềm đạm luôn luôn trả lời những gì sinh viên cần giải thích, thầy không ngại tốn thì giờ để giúp đở sinh viên, thú thật mà nói hồi học trường hàng hải, một nơi rất khó cho sinh viên kém Pháp văn vì những môn học hầu như đều được giảng dạy bằng pháp ngữ, nhiều danh từ về thiên văn rất trừu tượng nên thầy phải tận tụy làm để diễn giải bằng tiếng Việt cho nhóm học sinh kém sinh ngữ nầy. Thầy ít khi nói chuyện đời lính mà chỉ nói và bàn về học trình hàng hải. Tôi còn nhớ lần gặp thầy sau Tết Mậu Thân, thầy bị kẹt ở Mỹ Tho cùng với gia đình, trận đánh sát bên nhà thầy giữa sư đoàn 7 Bộ Binh và VC. Sự thật thầy Sanh và tôi người cùng Mỹ Tho cùng ở gần con đường Ô. Bà Nguyễn Trung Long và đường Pasteur, rồi cuộc đời đưa đẩy, mỗi người một ngã tôi cũng không có dịp gặp lại thầy sau biến cố 75, khi đến và định cư ở Canada, tôi có nghe nói thầy định cư ở Pháp và chức vụ sau cùng của thầy là HQ/Trung tá Giám Đốc trường Cao đẳng Hàng Hải Việt Nam.
Các thầy giám đốc và các thầy như GS Ducasse, Gs Trần Văn Binh (toán), Gs Quyền electricity. Gs Bùi Công Lập, luật hàng hải, Gs. Sang anh văn, Gs Hậu khí tượng, Gs Gan pháp ngữ, kinh tế hàng hải, thầy Chung Tấn Thắng dạy morse. Thầy Phong luật tránh né hàng hải, thầy Đức thủy đạo học, Gs Lusinchi cơ khí … Dù nghìn trùng xa cách mọi người mọi ngã, dù sống ở đâu, với tinh thần "Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư " những cựu sinh viên Hàng Hải Saigon vẫn hướng về kỷ niệm trường xưa, là nơi đào tạo các em trở thành những thuyền trưởng, chief máy cũng không quên tưởng nhớ đến những công đức các thầy là những người tiên phong cột trụ chính đào tạo cho các thế hệ hàng hải. Xin các thầy nhận nơi chúng em lời biết ơn sâu xa nhất và luôn mong các thầy mạnh khỏe và quí quyến an khang thanh tâm an lạc trong tuổi về hưu ở xứ người.

Phạm Đình Trọng
viết trên tàu Sea Rose
Ngày 15 / 7/ 2006

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home