Wednesday, June 24, 2009

CUỘC PHIÊU LƯU CỦA DẾ MÈN XỨ THỦ


CUỘC
PHIÊU LƯU
CỦA DẾ MÈN
XỨ THỦ

Nguyễn Ngọc Nhơn
Pont 13


(Riêng tặng các bạn còn yêu nghề nhưng vì hoàn cảnh phải bỏ ngang không hẹn ngày tái ngộ)

Người bốn giống đen vàng đỏ trắng,
Trời bốn phương Nam Bắc Đông Tây.
Đi cho biết đó biết đây,
Ở nhà với Mẹ biết ngày nào khôn...


Hồi năm sáu tuổi gì đó, tui bị té xuống mương khi chạy chơi phía sau vườn. Cũng may là mương cạn với lại hổng phải té giếng nên tới bây giờ cũng không có vấn đề gì như khi dân mình nói tới mấy tay hơi bệnh tâm thần. Vậy mà Bà Nội tui cũng rầu quá trời vì khi tui mới lọt lòng, có nhờ Thầy xem Tử Vi, nói cái số thằng tui coi chừng bị nạn sông nước:
Khó nuôi thuở nhỏ chẳng lành,
Ốm đau kể thác, nhọc nhằn Mẹ Cha.
Trầm Phù chiếu mạng cho ta,
Té sông cùng giếng vậy mà phòng âu!!!

Cho nên, Bà lật đật bày cúng mâm tam sên ngay chổ tui té, khấn vái hú ba hồn bảy vía của tui mau trở lại nhập xác cho đủ số. Bà sợ rồi đây cháu nội đích tôn lạc mất một hai hồn vía gì đó rồi học hành không được nữa nhứt là sẽ khờ khờ dể bị con gái dụ trước tuổi hihi (thầy bói cũng hay à nha, đoán trúng đoạn sau, 50%!) Đã vậy thôi, còn dặn mấy người hàng xóm, hể thấy thằng tui mon men ra bờ sông cuối xóm là đuổi nó về...

Tui thi vào Phú Thọ một lượt hai trường, Công Chánh và Hàng Hải. Nghĩ chắc mình ban Toán là ngon lắm, đâu ngờ trong phòng thi toàn là dân học trường Tây hoặc đại học hai ba chứng chỉ. Thằng tui duy nhứt học chương trình Việt, đọc truyện Kiều còn ai nấy đọc thơ Lamartine. Kết quả, làm mấy bài thi sinh ngử dở quá nên đậu bên Công Chánh hạng 15 trên 24, còn Hàng Hải đậu hạng 17 trong số 24 gồm 16 người chánh thức và 8 dự khuyết! Tưởng làm nghề đo đất đo đường rồi chớ, nhè đâu bên Hàng Hải kêu qua trình diện. Khám sức khỏe tốt, tui bèn bỏ nghề đo đất sau khi đã nhập học được 2 ngày.
Tui còn nhớ, Bà nội rầy la Ba Vú tui quá chừng, hỏi tại sao để nó muốn làm gì thì làm. Đã biết sẽ bị nạn sông nước mà không bắt nó học tiếp nghề đo đường, lại bỏ mà đi học... lái ghe, lái đò? Nó đâu có biết lội. Hồi tưởng lại, thương Bà nội tui hết sức.

Ra trường, đi Elève trên tàu trắng Thống Nhứt. Chuyến đầu chạy Đà Nẳng, đi quart với quan tàu. Biển động cấp 7/ 8, tui say sóng quá trời. Nghĩ lại sao thấy mình ngu quá, bỏ ngang Công Chánh làm chi. Tính về tới Saigon là dẹp đi tàu, qua học nghề khác sướng hơn. Phải nói cũng may, ngày nay còn ở trong nghề là nhờ ơn quan tàu Lưu văn Quảng. Lúc tui nằm mẹp trên phòng lái, trong bụng nói tới đâu thì tới, ông kéo tui ngồi dậy và nói: "Elève, anh phải cố gắng lên! Người đi biển có đức tính cao quý nhứt là khinh thường sóng gió. Anh học mấy năm trong trường mà xuống đây, anh nằm mẹp như con chó rứa, mai sau răng anh commander người ta được? Cho nên, tui ráng sức ngồi dậy. Trong cảnh sóng gió gào thét mù mit con tảu ngã nghiêng đó, ông vẫn đứng vững vàng và còn hát khe khẻ bài Chiều Mưa Biên Giới: Lênh đênh, chiếc bóng bên trời, vừng trăng lẻ loi, vẩn in hình bóng một người. Xa xôi, cánh chim tung trời, một vùng mây nước cho lòng ai thương nhớ ai... (Coi vậy mà đã 45 năm rồi! Xin đốt một nén hương tưởng niệm đến người đàn anh với tất cả lòng biết ơn chân thành. Nghe nói đã ra đi trong một tai nạn nghề nghiệp bên Mỹ).
Tưởng làm sao, về cập bến Saigon, tui hết say sóng! Rồi hảnh diện khoe với mấy em, anh là thủy thủ (Lạ chưa, mới say sóng muốn chết đó bây giờ lại hảnh diện), rồi đặt thơ, viết nhạc ca tụng biển cả (biển có một, mà ca thằng tui tới mười, vậy không hà!) tặng cho em, nào là:
Người đi biển tựa mình bên thành tàu sơn trắng,
Hai mắt mở to, nhìn thẳng vào đêm biển mênh mang.
Con tàu ngửa nghiêng, sóng gió phủ phàng,
Người vẩn đứng để thi gan cùng sương gió...

( Nhơn / 1965)
Chả bù lại, lúc còn trong trường Hàng Hải, dòng thơ tặng em mơ mộng làm sao:
Sẽ có hôm, anh trở về với biển,
Yêu dịu hiền, yêu vẻ đẹp xa xăm.
Để dừng chân trên bải vắng chiều hôm,
Biển vẩn đẹp như ngày xưa anh kể...

( Nhơn / 1964)
Rồi tiếp tục, ngày qua ngày, lên Dịch rồi đi Gòn. Tổng động viên, nhập ngủ khóa 4/68, đi lảnh tàu Mỹ. Năm 75 vô Cải tạo, 79 cầm tàu qua Nam Dương, tới Pháp làm lại cuộc đời... đi tàu. Thiệt là:
Trót mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẩn trời gần trời xa...
(Kiều)
Và từ đó, tôi đi năm châu bốn biển, xuyên suốt Đại Dương, lưu lạc tha phương, mặc dù thằng tui tới ngày nay... cũng vẩn chưa biết lội.
Từ Marseille, tui đáp xe lửa lên tận miền Bắc để nhận chức vụ Sỉ Quan Hải Hành trên tàu Douce France 3 của hảng Marseille Frêt. Tàu cũng lớn, trang trí viển dương trọng tải 15 ngàn tấn, từ Phi Châu sẽ trở về Pháp chiều nay và cập bến Dunkerque. Chuyến ra đi đầu đời này không khỏi làm tui bâng khuâng. Thứ nhứt là mừng tìm được việc làm nhưng phải để vợ con xoay trở một mình trên xứ người. Kế đó là chưa từng làm việc trên tàu Pháp mặc dù tay nghề tui hổng có ngán ai:
Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Thử xem tàu Pháp đưa mình đi mô?

Bèn hát câu, thôi mình ở lại, anh đi... Ôi, cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!
Thuyền Trưởng tên Moisiard, người Breton to con, nói năng hiền hoà (nhưng không phải như thóc với ngô đâu nghen). Gương mặt tươi vui mà đôi mắt toát ra vẽ lì lợm, oai hùng của một sói biển dạn dày. Mới vừa diện kiến, tui đã phục trí nhớ của ông: nhắc tới những kỷ niệm xa xưa bên Việt Nam như rạng đá ngầm banc de Corail Nhà Bè, Pernambucco, phía Nam mủi Kỳ Vân (Cap TiWan) ngoài khơi Long Hải, hòn Ba Vua (Trois Rois) gần Hòn Khói... mà ông gọi là les cailloux. Trời ơi, đất nước của tui mà lại có người ở xa xôi ngàn dặm vẩn còn nhớ đến từng chi tiết như vầy thiệt làm tui cảm động lắm lắm.
Đưa cho tui tờ giấy ghi các bến cảng của chuyến hải hành sắp tới, ông bảo tui lo chuẩn bị: chiều mai, tàu sẻ khởi đi một vòng gom hàng biển Bắc, Antverpen Bĩ, Amsterdam, Rotterdam Hoà Lan, Brême, Brêmahaven, Hambourg Đức. Lấy hàng xong, băng Đại Tây Dương, qua kinh đào Panama. Sau đó, đổ hàng dài dài ở các hải cảng Nam Mỷ phía Thái Bình Dương, từ Buenoventura Colombie, qua Guayaquil Equateur, xuống Callao, Arica, Antofagasta của Pérou, Valparaiso thuộc Chilie. Bây giờ chưa có hàng về, chỉ biết chuyến đi tới đó thôi. Mai mốt Hãng cho biết thêm mình sẻ đi đâu! Ông lưu ý tui, cho ông biết khoảng cách khác biệt giữa Loxo (Tà hành) và Ortho (Trực hành) bao nhiêu? (Tui xin phép mở dấu ngoặc ở đây để giải thích cho quí vị ở dưới máy rỏ một chút về sự khác biệt này: trên mặt phẳng, đường thẳng là đường ngắn nhất nối liền giửa 2 điểm (định đề Euclide). Trên mặt hình cầu như quả đất, đường ngắn nhứt nối liền giửa hai điểm lại là hình cung của vòng tròn lớn, đi qua tâm của quả đất và phần lõm của nó lúc nào cũng quay về xích đạo. Trên bản đồ hàng hải theo phép chiếu Mercator, kẻ đường thẳng nối liền khởi điểm A đến điểm B gọi là Tà hành vì nó không phải nằm trên vòng tròn lớn. Quí vị để ý thấy phi cơ từ Âu châu qua Mỹ hay ngược lại thì rỏ, nó bay theo Ortho đó. Khoản cách càng xa thì sự khác biệt càng lớn.)
Má ơi, ở mấy năm cải tạo mới ra, đầu óc còn lùng bùng, đêm ngủ còn thấy đang đốn củi trong rừng Katum (nhớ rỏ nghe, đêm qua tui không có mơ gặp bác gì đó nha) lại vừa qua Tây có mấy tháng, ngủ mớ nói tiếng Việt rân trời, Marseille còn chưa biết hết đường xá (Thành phố lớn thứ 2 sau Paris) bây giờ lại tính chuyện đi thế giới! Nghe tên mấy hải cảng lạ quắc lạ quơ chứ hổng phải như Nha Trang Qui Nhơn Đà Nẳng, rứa mô tê chừ thân yêu của mình mà bây giờ bổn phận của tui phải xem nó ở đâu, rồi tính toán vẻ đường chạy tàu tới đó, Hết rồi, cái trò thuộc lòng, Saigon đi Nha trang 241, Qui Nhơn 341, Đà Nẳng 511 hải lý. Bây giờ phải lật sách SHOM xem nó nằm ở đâu, ghi ra tất cả số bản đồ đủ loại, từ ngoài khơi vô cho đến cảng, rồi cờ của mấy xứ, sau đó kêu Đại lý mua. Phải tra Instructions nautiques xem bến bải, đèn hải đăng, liệu tính atterrissage làm sao , xem khí tượng, tính thời gian hải hành với 2, 3 loại vận tốc bình thường cuả tàu để liệu giờ đến, xài tiền gì, so với tiền Pháp, ... ối thôi ngàn lẻ một chuyện mà toàn chuyện thiệt không hà, hổng có chuyện nào giởn hết. Đồ đạc đại lý vừa mang tới, CDT kiểm hàng chung với tui ( trên tàu Pháp gọi Thuyền Trưởng Commandant CDT, Thuyền Phó Capitaine Capt. Tiếng Anh Captain hay Master và Chief Mate). Ông nói, phải coi chừng, họ mua lộn cờ là phiền lắm đó, có lần vô hải phận của CHND Trung Quốc mà nhè treo cờ Đài Loan, bị Hải quân Trung Quốc chận lại xét hỏi, may phước trên tàu có cờ đầy đủ nếu không là mệt rồi. (Cũng giống qua Việt Nam, vô cảng Hải phòng mà đem treo... cờ vàng ba sọc đỏ vây!).

Thuở đó, hàng hải Pháp gặp nhiều khó khăn vì giá chuyên chở mắc hơn các nước khác. Rất ít tàu còn giử được lộ trình thường xuyên, đi về bến cảng quen thuộc. Phần lớn chỉ có hàng đi rồi từ cảng đến đó, Đại Lý sẻ tìm hàng cho mình đi tiếp. Đúng nghỉa giang hồ, ra đi không biết ngày về.
Tuy nhiên, làm việc trên tàu khoản 3 tháng là mình có quyền xin lên bờ nghỉ phép. Dù bất cứ ở nơi nào, Đại Lý ở bến đó sẻ lo việc chở người của hảng gởi qua thay thế và đưa mình ra phi trường. Hồi đó, cứ mỗi tháng làm việc thì được 20 ngày nghỉ bờ. Có hảng trả thẳng tiền congé này, có hảng cho lảnh lương bình thường vào cuối tháng chờ ngày trở xuống tàu. Phương tiện từ nhà mình đến tàu và ngược lại đều do hãng đài thọ hết. Sắp sửa hết phép, hãng sẻ phone cho biết ngày, tàu ở đâu, mình ra lấy vé xe lửa hoặc máy bay dành sẳn. Đi một vòng biển Bắc, mổi bến ghé có mấy giờ không kịp ngưng máy tàu. Công việc vẩn phân nhiệm theo phiên trực hải hành. Thằng tui lo tính toán, vẻ đường đi tiếp. Tàu Việt Nam thì Quan tàu vẽ đường, tàu Tây thì đó là công việc của Dịch. Phải cập nhật hàng tuần những thay đổi theo AVURNAV, còn ghi chú thêm bằng viết chì trên bản đồ đang xử dụng. Ít có ai đi bờ. Với tui là lần đầu còn như mấy người khác thì họ rành quá, lo ngủ nghỉ cho khỏe. Hải hành vùng Pas de Calais rất khó khăn. Vào mùa Đông, thời tiết xấu, trời mù mịt, sóng to gió lớn tàu đông như kiến san sát với nhau. Mà đâu phải tàu nhỏ, năm ba chục ngàn cho đến mấy trăm ngàn tấn. Còn thêm tàu đò băng ngang qua lại nước Anh, Pháp Bỉ Đức,chiếc nào chiếc nấy từ 150 đến 200 m bề dài, chở mấy trăm xe hơi, xe lửa chứ không phải như đò Thủ Thiêm, Mỹ Thuận của mình. Khu vực này có những qui định quốc tế do các đài duyên hải kiểm soát chặc chẻ. Từ ngoài Đại Tây Dương vô thì đi phía bên bờ Pháp, khi trở ra thì phía bên Anh. Máy lúc nào cũng phải P.A.M chuẩn bị sẳn. Phải chạy trên những trục lộ (chenal) ấn định mà dân trong nghề gọi là đường rầy (Rails). Radio liên lạc 24/24 trên canal 16. Sỉ quan trực phiên phải báo cho CDT bất cứ có tin tức gì quan trọng như cấp cứu, bảo tố v...v... Chạy lạng quạng là Đài Duyên Hải kêu đúng tên tàu mình, yêu cầu điều chỉnh hướng lại. Nhiều chiếc vào khu vực này phải lấy Hoa tiêu hướng đạo luôn mấy ngày trời (Pilote hauturier). Tàu Tây, từ lúc khởi hành đến khi cập bến không tắt đèn hải hành. Thời tiết thay đổi hoài, mưa mù nối tiếp, hơi sức nào mở tắt, canh mặt trời mọc lặn cho mệt. Quí Vị nào còn khoái nghề (già hết rồi, tui nói khoái chớ không có yêu, ngứa gì nửa hết nha) cứ lên mạng www.marinetraffic.com/ais/ sẻ thấy hiện lên bản đồ thế giới, được phân ra thành từng ô nhỏ. Cứ click lên ô vùng nào mình thích xem, nó sẽ zoom + lên, muốn lớn hơn nửa thì cũng làm y như vậy. Muốn biết đó là tàu gì thì click lên chiếc tàu, tất cả chi tiết, tin tức của nó, vận tốc, bến cảng sắp đến sẻ hiện lên. Khi biết nó bao lớn, chạy bao nhiêu noeuds trong đám kiến đó, quí vị tính thử F=1/2 mv2 rồi suy ra vận tốc an toàn vitesse de sécurité thì biết! Bây giờ, mổi chiếc tàu đều có vẽ số IMO (interational maritime organization) trên thành tàu như số xe trên bờ vậy. Bất cứ nó ở đâu người ta cũng tìm ra được. Hệ thống cứu nguy, phao bè đều được trang bị thêm một bộ phận báo động lên vệ tinh nối bằng sợi dây cột vào thân tàu. Khi quăng phao bè cứu cấp xuống nước, bộ phận này bị tách rời ra làm hai như nấp và thân cây viết, lập tức nó phát tín hiệu SOS, Ship's name, IMO, Call sign, tọa độ... gởi lên vệ tinh. Đài kiểm soát duyên hải khu vực đó nhận tin, sẻ báo động tổ chức cấp cứu tức khắc.

Đã xảy một chuyện diểu Charlot ở Marseille : trong lúc tui đang trực ca trên đài Vigie Port Control thì Đài kiểm soát Duyên Hải Toulon điện thoại đến, thông báo có nhận tín hiệu vệ tinh, tên một chiếc tàu đang lâm nạn trong... Cảng Marseille! Quả thật trong cảng có chiếc Supertanker khoản 300 ngàn tấn mang đúng tên call sign nhưng nó đâu có chìm! Lên tàu kiểm soát, má ơi, một thủy thủ tay mơ nhè gở rời bộ phận báo động, tháo phao cứu nguy tròn ra để sơn cho tiện!!!
Rời Dunkerque, đi Antverpen của Bỉ thì trời sụp tối. Hoa tiêu đưa ra khòi Cảng, lên đường rầy. Làm trưởng phiên hải hành trong khu vực sóng gió sương mù này quả là một thử thách khá lớn mặc dù có huấn lệnh của CDT cho 3 chefs de quart là báo liền cho ông khi nghi ngờ bất cứ chuyện gì. Tôi cố gắng giử bình tỉnh, chăm chú không dám lơ đểnh. May nhờ phước đức ông bà, 4 giờ quart trôi qua. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết sợ.
(Còn tiếp)

1 Comments:

Anonymous Anonymous said...

Anh Nhon oi, Em hung Luong day? Con nho em khong?
Em hien o California. Cho em email di.
lhung@gmail.com

January 23, 2010 at 8:44 PM  

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home