Monday, June 15, 2009

ĐOÀN HOA TIÊU SÔNG SAIGON



tác giả Bùi Ngọc Hương



ĐOÀN HOA TIÊU
SÔNG SAIGON
Bùi Ngọc Hương
Cựu Hoa Tiêu
Sông Sàigòn



Trong thời kỳ Pháp thuộc, có hai Đoàn Hoa tiêu do người Pháp điều khiển là Đoàn Hoa tiêu sông Sàigòn ở miền Nam và Đoàn Hoa tiêu cảng Hải Phòng ở miền Bắc Việt Nam. Đến năm 1955, theo Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh năm 1954, quân đội Pháp và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa rời bỏ nữa phần Việt Nam phía Bắc Vĩ tuyến 17, Đoàn Hoa tiêu cảng Hải Phòng của người Pháp rời miền Bắc về xứ để giao trả cho chính quyền Hà Nội.
Đoàn Hoa tiêu sông Sàigòn được giao trả cho chính quyền Sàigòn từ năm 1958. Cũng trong thời gian nầy, có một Đoàn Hoa tiêu khác lấy tên là Đoàn Hoa Tiêu Sông Mekong (Cửu Long) do một số Sĩ quan Hàng hải Việt Nam thành lập để dẫn dắt tàu bè ngoại quốc ngược dòng lên Pnom Penh. Về sau trong lúc chiến tranh Việt Nam 2 tức là lúc Hoa Kỳ can thiệp để bảo vệ miền Nam Việt Nam, các Đoàn Hoa tiêu sông Hàn (Đà Nẵng), Qui Nhơn và Cam Ranh được thành lập. Các Đoàn Hoa tiêu tại Việt Nam được thành lập chiếu theo Sắc lịnh ngày 31 tháng 3 năm 1933 về Hoa tiêu trong thời kỳ Pháp thuộc.
Riêng Đoàn Hoa tiêu Sông Sàigòn được thành lập chiếu theo nghị định ngày 30 tháng 12 năm 1935 ấn định qui chế và tổ chức của Đoàn. Trên thực tế, theo các tài liệu lưu trữ và các niên trưởng Hoa tiêu, Đoàn Hoa Tiêu Sông Sàigòn đã có từ năm 1900, hoàn toàn do Hải quân Pháp điều hành. Trạm Hoa tiêu Vũng Tàu lúc bấy giờ chỉ là một trạm nổi ở vịnh Dứa (Bais des Cocotiers) ở Bãi trước có tên "Le Lion". Từ ngày 12 tháng 12 năm 1905, Đoàn mới thuê một khu đất để xây cất trụ sở trên đất liền. Đó là một căn nhà vuông vức giống như cái "Bánh ít", một biệt thự nóc đỏ còn giữ lại cho đến ngày nay. Người Hoa tiêu Pháp đầu tiên là ông Raymond Ruggiery gia nhập Đoàn năm 1930 và người cuối cùng là ông Maurice Charpentier vào Đoàn năm1953. Trước năm 1958, Đoàn Hoa tiêu Sông Sàigòn là một công ty tư nhân tập họp những Sĩ quan Hàng Hải Pháp, phần lớn là những Viễn Dương Thuyền trưởng (Capitaine au long cours) để đảm nhận công việc dẫn dắt những tàu ngoại quốc ra vào sông Sàigòn từ Vũng Tàu đến cảng kho 5 ở Khánh Hội Sàigòn. Đoàn có chừng trên dưới 20 người đã từng làm thuyền trưởng trên các thương thuyền hoặc đã từng làm Hoa tiêu các bến cảng ở Pháp, họ đều có rất nhiều kinh nghiệm vận chuyển tàu bè qua các lòng lạch trên sông ngòi và bến cảng.Trước khi Đoàn Hoa Tiêu Sông Sàigòn được giao trả cho các Hoa Tiêu Việt Nam, Trưởng Đoàn người Pháp tên là Pierre Oliver, những Hoa tiêu lúc bấy giờ là các ông August Brignatz, Jean Romano, René Dasté, Maurice Charpentier, Laroque, Đặng Văn Châu, v.v…
Ông Đặng Văn Châu là người Việt Nam duy nhất trong một Đoàn Hoa tiêu người Pháp. Ông tốt nghiệp Viễn Dương Thuyền Trưởng (Capitaine au Long Cours) từ trường Hàng Hải Pháp và gia nhập Đoàn Hoa tiêu sông Sàigòn năm 1956. Có lúc ông Châu kiêm nhiệm chức vụ Hiệu Trưởng Trường Việt Nam Hàng Hải ở Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ.
Trong năm 1958, xảy ra vụ tranh chấp giữa Đoàn Hoa tiêu người Pháp và chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa dưới quyền lảnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Những lợi tức thu nhập của các Hoa tiêu người Pháp từ trước đã được Sở Hối Đoái Việt Nam cho phép chuyển về Pháp theo hố suất chính thức tòan phần tức là 100%. Đến năm 1957, chính phủ Việt Nam chỉ cho phép chuyển về Pháp một cách hạn chế. Do đó, những Hoa tiêu người Pháp phản đối và đòi rời xứ. Trước vấn đề nan giải trên, Phủ Tổng Thống chỉ thị Nha Thủy Vận phối hợp với Nghiệp Đoàn Hàng Hải Thương Thuyền Việt Nam để giải quyết. Chủ tịch Nghiệp Đoàn Hàng hải lúc bấy giờ là niên trưởng Tạ Nhựt Hy, đương kim Thuyền Trưởng tàu Dinard, một đàn anh khả kính của Ngành Hàng Hải.Anh đại diện cho giới hàng hải Việt Nam đến Phủ Tổng Thống khẳng định sự lớn mạnh và khả năng của các Sĩ quan Hàng hải Việt Nam và cam kết sẽ đảm trách Đoàn Hoa tiêu sông Sàigòn để thay thế Đoàn Hoa tiêu người Pháp sau một thời gian được huấn luyện.
Năm 1958, Đoàn Hoa tiêu Sông Sàigòn của người Việt Nam được hình thành. Đợt đầu tiên gồm các anh Lương Quang Thọ, Phan Hữu Hài, Nguyễn Văn Tốt, Phan Văn Dy, Đoàn Luyện, Huỳnh Văn Thử, Trần Công Vĩnh được tuyển chọn và huấn luyện để trở thành Hoa tiêu chính thức. Các Hoa tiêu người Pháp lần lượt về Pháp, ông Trưởng đoàn Pierre Oliver là người Hoa tiêu Pháp cuối cùng rời Việt Nam ngày 8 tháng 6 năm 1959.Đoàn Hoa tiêu Sông Sàigòn hoàn toàn nằm trong tay người Việt Nam, anh Đặng Văn Châu là vị Trưởng Đoàn đầu tiên và anh Lương Quang Thọ là Tổng Thơ Ký.
Sự thành hình của Đoàn Hoa tiêu Sông Sàigòn là do công lao đấu tranh của Nghiệp Đoàn Hàng Hải đứng đầu là niên trưởng Tạ Nhựt Hy, người có công rất lớn trong việc thu hồi lại Đoàn Hoa tiêu Sông Sàigòn cho người Sĩ quan Hàng hải Việt Nam. Cũng nên nhắc lại chính niên trưởng Tạ Nhựt Hy là người có công cố vấn cho Ông Giám Đốc Sở Hỏa Xa VN tên là Nguyễn Kỳ để thành lập Đội Thương Thuyền đầu tiên Việt Nam với những chiếc tàu Nguyễn Văn Bảy, Lê Văn Thương , Tôn Thất Kỳ mang quốc kỳ Việt Nam. Toàn thể từ Thuyền trưởng đến thủy thủ Đoàn hoàn toàn là người Việt Nam.Từ năm 1960 đến năm 1963, có thêm một số Hoa tiêu nữa đưọc tuyển chọn. Đó là các anh Lê Bích Hà, Nguyễn Văn Ba, Trần Đức Lưu, Đào Quan Ngãi, Tôn Thất Tuyên, Hồ Đắc Tâm, Tôn Thọ Khương.Năm 1964, anh Đặng Văn Châu rời bỏ Đoàn Hoa tiêu Sàigòn làm Giám đốc một hãng tư Công Kỹ Nghệ Hóa học. Anh Lê Bích Hà thay thế làm Trưởng đoàn, anh Lương Quang Thọ vẫn giữ chức vụ Tổng Thơ Ký của Đoàn. Trong các năm 1963-1965, một đợt Hoa tiêu mới được tuyển dụng. Đợt nầy gồm các anh Từ Huy Hoàn, Huỳnh Quí Nhẫn, Nguyễn Chánh Trực, Nguyễn Văn Danh và Nguyễn Văn Nghiêm. Đến năm 1969, sau Tết Mâu Thân, có một số Hoa tiêu niên trưởng đến tuổi về hưu, bắt đầu là anh Phan Hữu Hài. Một đợt Hoa tiêu mới đượctuyển chọn gồm có các anh Đỗ Bá Ngữ, Trần Bình Sang, Buì Ngọc Hương, Hoàng Phước Quả và Trương Văn Tây. Đến đầu thập niên 1970, anh Nguyễn Văn Ba về hưu, anh Hồ Đắc Tâm rời xứ qua Pháp, số Hoa tiêu còn lại là 21 người.
Trong biến cố 30 tháng 4 năm 1975, có nhiều Hoa tiêu rời nước. Trước hết, ngày 23 tháng 4 năm 1975, nhân lúc hai chiếc tàu Mỹ cuối cùng rời Tân cảng (Newport) Sàigòn - chiếc American Reliance và Green Wave – hai anh Phan Văn Dy và Huỳnh Quí Nhẫn được chỉ định dẫn tàu xuống sông Sàigòn – Hai anh đã theo tàu di tản cùng với gia đình. Kế đến các anh Trần Đức Lưu, Từ Huy Hoàn, Đoàn Luyện cũng theo các tàu rời bến di tản cùng với gia đình ngày 30-4-1975. Từ đó những cán bộ miền Bắc vào tiếp thu, Đoàn Hoa tiêu sông Sàigòn không còn là một hiệp hội tư nhân nữa mà đã bị quốc hữu hoá. Những Hoa tiêu còn lại là 16 người trở thành những công nhân viên nhà nước trực thuộc Cục Đường Biễn. Đến cuối năm 1975 qua đầu năm 1976, có thêm một số Hoa tiêu nữa bỏ nước ra đi bằng cách vượt biên như các anh Trần Bình Sang, Lương Quang Thọ, Lê Bích Hà, Hoàng Phước Quả. Kế đến, hai anh qua đời vì bịnh đau tim, đó là các anh Tôn Thất Tuyên va Trương Văn Tây. Năm 1976, Đoàn đã nhận thêm 5 anh cựu Hoa tiêu Sông Cửu Long sang, đó là các anh Dương Văn Lê, Phạm Văn Khương, Nguyễn Văn Hường, Chế Công Tá và Tô Ngọc Thuỷ. Cọng thêm vào đó có mấy anh từ miền Bắc vào là các anh Sáu Cát, Sáu Tấn và anh Nguyễn Trọng Dân, một sĩ quan trẻ tuổi tốt nghiệp từ trường Hàng Hải Ba Lan. Các anh nầy còn rất yếu tay nghề, chưa bao giờ làm Thuyền trưởng nên rất thiếu kinh nghiệm. Đến năm 1978 và đầu năm 1979, các anh Bùi Ngọc Hương, Nguyễn Chánh Trực, Nguyễn Văn Danh đã vượt biên ra đi. Và thêm một số Hoa tiêu rời xứ theo diện chính thức do thân nhân ở ngoại quốc bảo lãnh như các anh Nguyễn Văn Tốt, Nguyễn Văn Nghiêm và Trần Công Vĩnh. Sau đó cũng có nhiều Hoa tiêu tiếp tục bỏ xứ ra đi, như các anh Đào Quan Ngãi, Chế Công Tá, Tô Ngọc Thủy. Đoàn Hoa tiêu đến năm 1983, chỉ còn lại các anh Huỳnh Văn Thử, Tôn Thọ Khương, Đỗ Bá Ngữ, Dương Văn Lê, Phạm Văn Khươn, Nguyễn Văn Hường và các anh mới từ miền Bắc vào.Viết đến đây, tôi xin phép được nói thêm là: Tôi có về thăm Sàigòn năm 2002. Đoàn Hoa tiêu Sông Sàigòn được đổi tên là Công Ty Hoa tiêu Khu vực I (Pilot Corporation of the First zone) với anh Nguyễn Trọng Dân, cựu học viên Hoa tiêu trong các năm cuối thập niên 1970 làm Giám đốc.Số Hoa tiêu hiện lối 80 – 90 người. Người Hoa tiêu cựu trào duy nhất còn lại là anh Tôn Thọ Khương được lưu dụng làm cố vấn cho Công Ty Hoa Tiêu.Thương cảng Sàigòn đã được mở rộng cho đến Mũi Đèn Đỏ (Pointe du Feu Rouge) ở Hải lý 6. Trụ sở Hoa tiêu ở Vũng tàu cũng được xây cất rộng ra nhiều, để có nơi ăn chốn ở cho số Hoa tiêu nhiều gấp bốn lần so với số Hoa tiêu trước năm 1975.
Sông Sàigòn
Đoàn Hoa tiêu Sông Sàigòn hoạt động trên một thủy đạo dài 45 hải lý từ Thương cảng Sàigòn đến Bãi Trước Vũng Tàu.Từ thượng dòng đến hạ dòng, thuỷ đạo gồm:
- Sông Sàigòn từ Tân Cảng (New Port) đến Mũi Đèn Đỏ (Pointe de Feư Rouge) dài khỏang 6 hải lý. Đoạn nầy bao trùm Bến Tân Cảng, Bến Nhà Rồng, Thương Cảng Kho 5 Khánh Hội.
- Sông Nhà Bè trên Sông Đồng Nai dài lối 5 hải lý gồm các bến cảng Caltex, Esso, Shell dành cho các tàu chở nhiên liệu và bến Cát Lái dành cho tàu chở đạn dược.
- Sông Lòng Tảo dài khỏang 23 hải lý từ Mũi Lazaret tức Nhà Bè đến Mũi Nước Vân qua các Bãi Đá Hàn (Banc de Corail) ở hải lý 16, Mũi Đông (Coude de l’Est) ở hải lý 20, Mũi An Thạnh ở hải lý 22, Ngã Tư (Les Quatre Bras) ở hải lý 28, Mũi Nước Vân ở hải lý 34.
- Vịnh Gành Rái dài 11 hải lý từ Cần Giờ thượng (Congio Avnont) đến Vũng tàu. Trong đoạn nầy có bến Rạch Dừa.Đoạn sông nguy hiểm nhất trong thủy đạo nầy là khúc sông từ hải lý 16 đến hải lý 20, lòng lạch quanh co và hẹp có nhiều chổ cạn như Bãi Đá Hàn (Banc de Corail), Coude du Propontis và Coude de l’Est. Chổ cạn và hẹp nhất trong sông Sàigòn là Bãi Đá Hàn (Banc de Corail), ở đây độ sâu mực nước chỉ có 6 mét hay 20 bộ (feet). Các Hoa tiêu dẫn đạo tránh cho tàu gặp nhau trong đoạn nầy, theo đúng luật tàu đi nước ngược phải nhường tàu đi xuôi nước, tàu nhẹ và nhỏ nhường cho tàu nặng và lớn. Các Hoa tiêu dùng âm thoại liên lạc với nhau trong sông để việc dẫn đạo được phối hợp ăn khớp và an toàn.
Trụ Sở Hoa Tiêu
Để điều hành việc dẫn đạo, Đoàn Hoa tiêu có một văn phòng trung ương ở Sàigòn gồm ông Trưởng Đoàn, Một Trưởng phòng, một thơ ký cùng một số tài xế. Hàng ngày ông Trưởng Đoàn hội họp cùng các hảng tàu, Cảng Trưởng Sàigòn soạn thảo một chương trình vận chuyển cho ngày hôm sau. Ông điều động, chỉ định các Hoa tiêu để thực hiện công tác dẫn đạo va di chuyển hàng ngày. Ở Vũng tàu, có một cơ sở lớn do người Pháp để lại gồm một số phòng đủ tiện nghi cho các Hoa tiêu có nơi ăn chốn ở trong lúc công tác. Trụ sở ở Vũng tàu có một Hoa tiêu trực, thay phiên nhau điều khiển, sắp xếp theo lệnh của Trưởng đoàn những công tác cho các Hoa tiêu đang chờ đợi để dẫn dắt tàu lên cảng Sàigòn. Tại Kè đá ở Bãi trước Vũng tàu, có một số tiểu đỉnh (pilotines) thuộc Đoàn Hoa tiêu sông Sàigòn được đặt trong tư thế sẵn sàng để đưa đón các Hoa tiêu giữa các tàu và trụ sở. Công việc liên lạc giữa trụ sở trung ương ở Sàigòn, trụ sở ở Vũng tàu và các Hoa tiêu bằng hệ thống truyền tin máy Motorola rất hiện đại. Ở các trụ sở, có đặt máy tổng đài, các Hoa tiêu được cấp phát mỗi người một máy truyền tin Motorola loại cầm tay dể tiện cho việc liên lạc. Như thế mọi việc xảy ra trong phạm vi hoạt động của Đoàn được thông báo cho các Hoa tiêu rất là nhanh chóng và chính xác.
Tuyển chọn Hoa tiêu
Từ khi Đoàn Hoa tiêu Sông Sàigòn được chuyển giao từ tay người Pháp cho đến năm 1975. Đoàn đã thực hiện 4 lần tuyển chọn Hoa tiêu không kể những trường hợp nhập Đoàn lẽ tẻ của vài cá nhân.Ứng viên phải là một Thuyền trưởng có bằng Viễn Duyên Thuyền trưởng đã từng chỉ huy các tàu buôn lâu năm, có thành tích tốt. Như thế đa số ứng viên đã vào ngành Hàng hải từ 10 năm trở lên và phải từ 30 đến 40 tuổi.Ứng viên phải qua một sự khảo sát tỉ mĩ của một Hội đồng tuyển chọn gồm có Đại diện của Đoàn Hoa tiêu - thường lệ là anh Hoa Tiêu Ủy nhiệm - Đại diện của Nha Thương cảng và đại diện của Nha Thuỷ vận. Điểm của người Hoa tiêu Ủy nhiệm thường có hệ số cao hơn các đại diện khác. Thời Pháp thường gọi là "Code d’Amour" tạm dịch là "Điểm tình cảm" . Chuyện nầy cũng rất dễ hiểu vì Đoàn đã chọn sẵn từ trước những người sẽ chung sống trong Đoàn suốt cuộc đời hải nghiệp của họ.Sau khi được tuyển chọn, các Hoa tiêu tập sự sẽ đưọc các Hoa tiêu niên trưởng huấn luyện trong một thời gian từ sáu tháng đến một năm, từ đặc tánh của các lòng lạch trong sông, mỗi loại tàu cũng như cách vận chuyển trong các bến cảng cho đến cách đi đứng giao thiệp với các Thuyền trưởng và Sĩ quan các tàu ngoại quốc. Người Hoa tiêu dẫn đạo chỉ là một cố vấn kỹ thuật cho Thuyền trưởng; về mặt pháp lý, Thuyền trưởng là người duy nhất chịu trách nhiệm. Vì thế, ông Thuyền trưởng có quyền lấy lại quyền chỉ huy con tàu bất cứ lúc nào ông thấy cần thiết. Thành ra nhiệm vụ của người Hoa tiêu rất là tế nhị và cần sự ngoại giao khéo léo bên cạnh những kiến thức về kỹ thuật và chuyên môn.Đến kỳ sát hạch mãn khoá, người Hoa tiêu tập sự thuộc Đoàn Hoa tiêu sông Sàigòn phải thuộc lòng các đoạn trên sông Sàigòn, nghĩa là họ có thể vẻ ra bất cứ khúc sông nào với tất cả mọi chi cập cầu trước sự có mặt của các Đại diện Hội đồng Giám khảo. Sau khi được chấm đậu kỳ thi thực hành, các Hoa tiêu từ đây sẽ dẫn đạo tàu bè lên xuống sông Sàigòn một mình. Được trở thành Hoa tiêu là niềm mơ ước cuả các Sĩ quan Hàng hải thuộc Ban Chỉ huy. Họ phải phấn đấu gian khổ leo từng bước từ thấp đến cao trên nấc thang nghề nghiệp kéo dài hàng chục năm trường trên các con tàu biển. Trong thời kỳ Đoàn Hoa tiêu còn thuộc người Pháp, có câu nói: các Hoa tiêu thuộc thành phần "La crème de la Flotte" có nghĩa là những tinh hoa ưu tú, của giới Hàng hải. Đó là cụm từ quá khoa trương để tự tâng bốc. Người Hoa tiêu sông Sàigòn không dám nhận. Người Hoa tiêu tự hào cảm thấy mình còn được may mắn có cơ hội tiếp nối cuộc đời Hải nghiệp của mình trên một con sông hay cửa biển, tiêu biểu cho một mảnh "Quê hương của người thủy thủ. Đó là Đại dương".

Tháng 5 năm 2006

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home