Friday, June 5, 2009

KÝ ỨC CỦA NGƯỜI THỦY THỦ GIÀ








Lê Văn Được






KÝ ỨC CỦA NGƯỜI THỦY THỦ GIÀ
Tôi ra trường Kỹ Thuật Cao Thắng (College Technique) năm 1952. Thi vào trường Hàng Hải Thương Thuyền (HHTT) năm 1953 và ra trường vào năm 1954.

Trường Hàng Hải thuộc khuôn viên trường Petrus Ký. Ban cơ khí trong những giờ thực tập thì vào trường College Technique ở đường Đỗ Hữu Vị, về sau đổi tên là trường Cao Thắng. Ông hiệu trưởng trường HHTT lúc bấy giờ là ông Trần Văn Bạch, sau là ông Lê Hữu Ky.

  • Thành phần giáo sư là:
  • Thầy Bùi Quang Khánh – Surveillant General kiêm dạy Dessin Industriel.
  • Thầy Quyền - dạy Electricity.
  • Thầy Đồng - dạy Mathematics.
  • Thầy Còn - dạy Histoire - Géographie.
  • Thầy Giraud - dạy Machine Vapeur (steam engine).
  • Thầy Patron - dạy Astronomie va Navigation.
  • Thầy Merillon - dạy Législation Maritime (sau này là Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho đến ngày cuối cùng Việt Nam sụp đổ).
  • Thầy Moreuil- dạy Technologie, Construction Navale.

Thành phần sinh viên: năm 1953-1954: - Huỳnh Tấn An. - Lý Thanh An. - Trần Công Bình. - Hoàng Dinh Bổn. - Nguyễn Văn Chánh. - Nguyễn Duy Cung. - Nguyễn Văn Dần, - Vũ Trong Đệ. - Lê Văn Được. - Đặng trung Hiếu (chết) - Nguyễn Văn Hoa. - Lâm Kim Hớn. - Phạm Văn Lẩm. - Nguyễn Văn Lực. - Nguyễn Văn May. - Nguyễn Đăng Năng (chết) - Hà Văn Ngạc (chết) - Nguyễn Văn Nghĩa - Ngô Văn Ngữ. - Nguyễn Phổ. - Hoàng Tùng Phong (chết). - Lưu Đình Phú. - Trân Bình Phú. - Couder Pierre. - Lê Hữu Quýnh (chết). - Vũ Ngọc Riểm. - Nguyễn Tam. - Nguyễn Văn Tấn (chết). - Châu Văn Thất (chết ) - Trần Quốc Trinh. - Nguyễn Văn Tường (chết) - Trương Văn Giỏi. - Nguyễn Văn Tư (Tư Lộ). - Đỗ Quan Khánh. - Nguyễn Đinh Khôi (chết).

Từ trái sang phải:

Đỗ Quan Khánh - Nguyễn Đinh Khôi - Lê Văn Được





Có lẽ còn một vài người nửa mà tôi không nhớ tên… Ra trường tôi được may mắn ‘embarque’ xuống tàu hành khách (Paquebot) tên tàu Ville de Hải Phòng làm học viện cơ khí của hãng tàu Denies Freres. Hãng này có hai chiếc tàu hành khách, một chiếc tên là Ville de Saigon do anh Nguyễn Văn Dần làm học viên cơ khí. Lúc bấy giờ sĩ quan cơ khí trên tàu Ville de Hải Phòng toàn là người Pháp, thợ điện cũng người Pháp, cai máy cho đến châm dầu là người tàu Chợ Lớn. Trên boong thuyền trưởng là người Pháp, phó thuyền trưởng là anh Tôn Thất Ấn, Lieutenant Navigation là anh Trương Văn Tây, Lieutenant commissaire là anh Hoàng Phước Quả, có hai sĩ quan radio là anh Hổ và anh Tuấn Anh. Bosco người Pháp, từ cai boong đến lái tàu cũng đều là người tàu Chợ Lớn. Thành phần bếp bồi là người Việt Nam, vì tàu chở hành khách nên có ông Intendant la Batron (ông Gay) người Pháp phụ trách về hành khách và thực phẩm. Tất cả các sĩ quan mặc đồng phục mang lon theo cấp bậc. Các anh bồi mặc đồng phục, trắng nút áo bạc to có hình mỏ neo. Chén dĩa ly tách đều có dấu hiệu của hãng tàu Denies Freres, dao muỗng nĩa bạc đều có dấu hiệu của hãng và lúc nào cũng chùi sáng bóng. Thành phần sĩ quan sau này được thay đổi. Anh Nguyễn Văn Liêm thay thế anh Hoàng Phước Quả, anh Quả chuyển qua tàu khác, anh Nguyễn Văn Triêm thay thế máy 3 cho ông người Pháp. Và cuối cùng vào năm 1956 trước khi tàu được bán qua Nam Mỹ, tôi được lên làm máy 3, ông Chu Hoành làm máy 4, thay vì ông Hoành làm máy 3, vì ông muốn giao cho tôi phụ trách các máy điện. Tàu Ville de Hải Phòng là con tàu rời bến Hải Phòng cuối cùng duy nhứt sau khi bàn giao miền Bắc cho Cộng Sản. Tướng lãnh và các sĩ quan cao cấp Pháp làm lễ từ biệt miền Bắc trước khi xuống tàu tách bến ra khơi xuôi về Nam.

Sau khi đất nước bị chia đôi ở vĩ tuyến 17 năm 1954, tàu không còn đường chạy, nên hầu hết các hãng tàu Pháp đưa tàu về Pháp hoặc đem đi bán nơi xứ khác. Tàu Ville de Hải Phòng còn ở lại hoạt động cho đến 1956, tàu được bán qua Chile (Nam Mỹ). Trên đường băng qua biển Thái Bình Dương, tàu ghé lại đảo Fuji một ngày để nhận thêm dầu, nước và thực phẩm. Tàu qua đường xích đạo, trên tàu tổ chức một buổi tiệc rất long trọng và vui nhộn. Ông Marie- Cơ Khí Trưởng người Pháp- to con râu rìa mặc chiếc váy ngắn làm ông thần Naptune, đầu đội vương niệm, tay cầm chỉa ba và một người Pháp khác giả làm công chúa thủy cung (mỹ nhân ngư). Ông thần Naptune cấp cho mỗi người một cái bằng chứng nhận rằng thủy thủ đã vượt qua đường xích đạo.Tàu Ville de Hải Phòng đến bến cảng Valparaiso ngày 08/12/1956 neo ngoài khơi vài hôm, được đưa vào ụ nổi để thợ kiểm tra máy móc. Nếu xem tàu còn tốt thì họ sẽ mua, còn không thì họ chịu tiền chi phí tốn kém vào ụ, tàu sẽ đưa đi về Pháp, nhưng cuối cùng họ bằng lòng mua. Chúng tôi có dịp ở lại bến Valparaiso gần hai tháng. Thời gian ở đây chúng tôi được dịp đi chơi. Một số thủy thủ cũng muốn tìm hoa thơm cỏ lạ nơi viễn xứ. Tôi và anh Hoàng Tùng Phong quen được hai cô gái trong mall. Những ngày nghỉ chúng tôi rủ nhau đi chơi ra bãi biển, leo núi thật tình tứ. Lúc đó chúng tôi còn trẻ chưa có gia đình. Thời gian ở đây không lâu lắm nhưng tình người thủy thủ chứa chan tình cảm rào rạc. Ngày chúng tôi chia tay rời Valparaiso thật là buồn, tôi không muốn rời xa mảnh đất này vì có người con gái tôi thương. Một phút suy tư trở về với thực tế. Ở quê nhà còn mẹ và anh em, thôi đành phải chịu chia tay để lại bến bờ này một tình cảm của người thủy thủ tha phương viễn xứ. Bởi vậy người ta thường nói thủy thủ “là bao nhiêu bến nước bấy nhiêu mối tình”.

Chia tay một buổi bình minh

Lòng anh bịnh rịnh mối tình tha phương

Nắm tay lòng thấy vấn vương

Đời anh, thủy thu cố hương quay về.

Từ Chile chúng tôi bay về Việt Nam, lúc đó chưa có máy bay phản lực còn đi máy bay 4 động cơ chong chóng. Do đó máy bay phải ghé nghỉ qua nhiều nơi như: Venezuela, Peru, Equador, Panama, Los Angeles. Trưởng đoàn của chúng tôi là người Pháp (Capitain d’armemand) hướng dẩn chúng tôi. Thời đó ở Mỹ còn kỳ thị dân da màu, chúng tôi đến phi trường Los Angeles chúng tôi được đưa vào một khu riêng biệt, không được ra khỏi phạm vi này, phải chờ đợi 4 giờ sau đó xe bus đến chở chúng tôi về hotel Clack, trên xe bus có hai người an ninh đứng chặn hai cửa. Vào hotel chúng tôi cũng không được đi ra ngoài, lúc nào cũng có an ninh chặn cửa không cho mũi tẹt đi ra. Tôi và anh Hoàng Tùng Phong leo lên tầng thượng nhìn xuống thành phố cho đỡ ghiền. Chúng tôi ở đây vài ngày rồi đi Hawai, Hong Kong và về tới Việt Nam.
Về Việt Nam tôi thất nghiệp một thời gian vì lúc đó không có tàu đi, bởi vì đất nước bị chia đôi, hãng tàu Pháp bán đi các nơi hoặc đưa về Pháp. Sau đó tôi xin vào hãng bia BGI, được học việc ở hãng BGI Chợ Lớn và hãng nước ngọt ở bến Vân Đồn. Sau đó tôi được đưa ra Đà Nẵng (Tourane) làm xếp máy. Một thời gian sau tôi về Sài Gòn cưới vợ, người vợ tôi đã quen trước một năm làm cô giáo dạy ở Tỉnh Biên Hòa đưa ra Đà Nẵng. Sau hơn hai năm tôi nghĩ việc, trở về xuống tàu Nhật Lệ làm máy 3. Lúc này hãng tàu của Nguyễn Văn Bửu mới mua về một số tàu như: Trường Sơn, Đại Hải, Phú Quốc, Thống Nhất, Thăng Long (sau ngày đảo chánh ông Diệm, người ta cho là tàu của bà Nhu, bị tịch thu giao qua cho Hoả Xa). Một thời gian tôi được chuyển đi các tàu Phú Quốc, Đại Hải và trở về lại tàu Nhật Lệ năm 1962. Tôi còn nhớ có một chuyến tàu hi hữu: tàu đi Calcutta (Ấn Độ) để chở bao bố, không biết hãng tàu hợp đồng thế nào mà tàu đến bến Calcutta không có hàng để chở về, do đó tàu phải đậu lại hai tháng chờ hãng tàu kiện tụng với chủ hãng xong, chúng tôi mới được đưa tàu về. Trong thời gian tàu kẹt ở Calcutta, vợ tôi ở nhà hạ sinh một cháu gái đầu lòng. Trong thời gian nằm chơi xơi nước, chúng tôi có nhiều thì giờ đi chơi bằng xe lửa và xe bus qua các tỉnh lân cận. Về sau tôi chuyển qua làm Cơ Khí Trưởng tàu dầu Tanker Y67 của quân đội Mỹ vào năm 1966. Sở Mỹ có hai chiếc tàu dầu, tôi làm xếp một chiếc. Chúng tôi được đưa qua Nhật để lấy tàu về, đến Nhât ở cảng Yokosuka nhưng tàu chưa sửa xong, chúng tôi ở chơi hơn một tháng, thủy thủ hết tiền xài nên đòi xin về. Tuy nhiên, trên tàu cũng có một số sĩ quan Mỹ đi cùng chúng tôi, cuối cùng sở Mỹ cũng đồng ý đưa tất cả thủy thủ đoàn bay trở về Việt Nam. Về sau, quân đội Mỹ đưa tàu về Việt Nam, chúng tôi khỏi phải đi lãnh tàu về.


Hình chụp thương thuyền Việt Nam Thương Tín từ chiếc canô đang chạy vào bờ

Sau hơn một năm làm việc trên tàu dầu Tanker Y67, tôi xin nghỉ việc, xuống tàu Trường Kỳ làm cơ khí trưởng vào năm 1967. Cho đến năm 1969, tôi xin qua tàu Việt Nam Thương Tín. Cơ Khí Trưởng là người Pháp, máy nhì là ông Nguyễn Văn Tươi, máy 3 là ông Phùng Văn Gạt, máy 4 là ông Nguyễn Văn Ngân và tôi làm máy 5 phụ trách điện và tất cả máy kéo hàng. Thời gian sau, thuyền trưởng Pháp về nước, ông Phùng Lương Ngọc ở Pháp về thay thế làm thuyền trưởng và kế đó là ông Nguyễn Nhất Thống làm thuyền trưởng, ông Võ Kiết Triệu làm phó thuyền trưởng (gòn), ông Phạm Ngọc Lũy, ông Quang va ông Dương Tấn Kim Sanh làm Dịch (Lieutenant), anh Việt làm sĩ quan vô tuyến điện radio. Sau khi tôi nghỉ việc ở Việt Nam Thương Tín, qua đi tàu Đồng Nai làm máy nhì từ năm 1972 đến 1972. Ông Trần Đình Trường, chủ hãng tàu Vishipcolines, nhờ ông xếp Hải gọi tôi về làm Cơ Khí trưởng tàu Trường Giang thay thế Cơ Khí Trưởng Trần Văn Đúng. Tàu Trường Giang chở sắt đi Đài Loan bị phá hoại nổ chìm tại cãng ở vũng sâu Đà Nẵng. Tôi và ông thuyền trưởng Bửu Hạnh ở lại coi vớt sắt lên bờ, vào lúc đó đất nước chìm trong đen tối, KonTum, Buôn Mê Thuột bị thất thủ. Tôi về Sài Gòn cùng ông Bửu Hạnh xuống tàu Bông Hồng 9 ra Đà Nẵng để đưa dân di tản vào Nam.Tình hình đất nước càng ngày càng nguy ngập. Ngày 30/4/1975, tàu Bông Hồng 9 rời cảng Sài Gòn chở đoàn người di tản qua Subic Bay (Phillipines). Tàu không có thuyền trưởng, ông Hoàng Tung Phong cho người cháu vào nhà tôi với một số lính nhảy dù, đưa gia đình tôi, gia đình Hoàng Tung Phong và gia đình ông Bính xuống tàu, anh Hoàng Tung Phong và anh Bính lèo lái con tàu đi qua Subic Bay trước khi tàu rời bến tôi gọi báo cho ông chủ tàu Trần Đình Trường biết là tàu đã đi hết, nếu ông muốn đi thì xuống gấp. Ông bảo tôi làm ơn cho tàu xuống Nhà Bè neo đợi ông, nửa tiếng sau, ông và đoàn tùy tùng đi canoe ra, trong đó có hai người con trai của xếp Đúng là cậu Nhân và cậu Nghĩa và một số chức sắc của hãng Shell. Ông Trường mang lên tàu một vali rất nặng, ông hỏi tôi chổ nào kín nhất, tôi chỉ cho ông và đưa vali vào phòng ống khói tàu sau lưng phòng đài chỉ huy, tôi khóa cửa lại và ông giữ lấy chìa khóa. Tàu đi trong sông bị Việt Cộng bắn, lãnh hai quả: một trúng hông, một quả trúng sớt trên ống khói, nhưng nhân sự không ai bị thương cả. Trong khi đó tàu Việt Nam Thương Tín cũng bị bắn làm chết nhà báo Chu Tử. Đến trại Subic Bay, ngày hôm sau ông Trường được đại lý bên Singapore qua rước rồi đi Mỹ. Vì những người có tiền của nhiều được quyền xuất trại ngay, không cần đợi bảo lãnh. Nhưng có điều rất tiếc là tiền lương tháng tư của tôi không được ông phát cho. Trong đời tôi đã tham gia 3 cuộc chở đồng bào di cư vĩ đại nhứt: Lần thứ nhứt:từ Bắc vào Nam năm 1954. Lần thứ hai: từ Đà Nẵng vào Cam Ranh năm 1975. Lần thứ ba: từ Sài Gòn đi Subic Bay -Philippine ngày 30/04/1975. Trong đời đi tàu của tôi đã trải qua hai lần thật nguy hiểm: Lần thứ nhất: tàu Trường Kỳ chở muối từ Cà Ná về Sài Gòn. Ông “gòn” Quý nói với tôi:”xếp ơi tàu đã chở lúc make franboad rồi mà quan tàu còn nhận thêm hàng”, tôi lên gặp quan tàu nói: ”tàu lúc make rồi mà ông lấy thêm hàng rất nguy hiểm”, quan tàu nói: ”không sao đâu xếp” và phân bua: ”hàng người ta lỡ kéo xà lan ra rồi bỏ lại phải kéo về bến, tội nghiệp người ta”. Xong hàng tàu ra khơi, trời xấu không có bão nhưng sóng to gió lớn, tàu hụp lên hụp xuống, nước đánh úp lên cả đài chỉ huy, mọi người đều lo sợ. Tôi nói với quan tàu: ”ông cho tàu đi gần bờ nếu có chuyện gì xảy ra còn có cơ hội sống sót”, lúc đó tôi nhận thấy gương mặt ông đăm chiêu lo lắng. Nhưng cuối cùng, trời thương tàu cũng về đến bến. Lần thứ hai: tàu Trường Giang chở cement từ Sanfernando (Philippines) về Nha Trang. Radio lấy tin meteo cho biết bão sắp đến, nhưng thuyền trưởng nghĩ có thể qua khỏi cơn bão để về bến cho đúng ngày. Nhưng tàu chạy ra được vài hôm thì sóng gió càng ngày càng to, tàu chui vào những đợt sóng đánh tạc lên đài chỉ huy. Những thùng fues dầu nhớt buộc chặt chẽ bên hông tàu bị sóng đánh hất tung ra biển, trên tàu có những kẽ nứt, nước biển thấm vào hầm hàng cement hút hết, nước không chảy xuống dưới hầm, nên không bơm nước ra được, tàu càng ngày càng nặng sâu xuống, ai nấy đều lo sợ, nhất là ông radio Trương đã thủ áo phao, nước uống, bánh lạt. Đêm xuống tôi không dám ngủ, mỗi người một vẻ mặt lo âu cầu nguyện. Tàu chạy mấy ngày mà không đi đến đâu, sóng càng ngày càng to kinh khủng. Quan tàu rất âu lo, gọi tôi và ông “gòn” lên bàn bạc, cuối cùng thì đồng ý quay đầu trở lại Manilla. Thuyền trưởng phải vất vả canh đúng lúc để quay đầu cho được an toàn. Đi thì lâu đến mấy ngày mà khi quay trở lại xuôi sóng, chỉ một buổi tàu đã vào Manilla. Tàu vào bến Manilla để hàn lại những vết nứt trên boong tàu. Sau vài ngày bớt sóng, tàu lại ra khơi. Về đến Nha Trang chủ hãng cúng heo ăn mừng. Tôi rất thích thú với cuộc đời thủy thủ của tôi, vì có dịp đi nhiều nơi như: Hong Kong, Macao, Singapore, Formosa (Đài Loan), Thái Lan, Borneo, Nhật Bản, Hawaìi, Philippine, Ấn Độ, Nam Dương, Fuji và Mỹ. Máu phiêu lưu không chấm dứt nơi đây, sau khi định cư ở Mỹ, tôi cùng một số bạn đồng môn đi du lịch một số nước trên thế giới. Gia đình tôi định cư ở tiểu bang Maryland. Lúc mới đến tôi làm những công việc vất vả như mọi người Việt Nam xa xứ khác. Sau vài tháng tôi xin vào làm việc cho hãng Simkins Inc sản xuất giấy carton, tôi đi học thêm ban đêm và thi lấy bằng 2nd Classe Boiler peratore. Sau 5 năm làm việc tại đây, tôi chuyển vào làm hãng Good Humos Ice Cream. Sau đó hãng này dời đi nơi khác, tôi xin vào cơ sở chánh phủ liên bang thuộc Department of the Navy (NAVAL SURFACE WARFARE CENTER) và có một năm chuyển làm tại GSA (General Services Administration Region 3 Fort Meade). Tôi học thêm và thi lấy bằng First grade Stationary Enginer. Tôi làm việc trong chánh phủ cho đến ngày về hưu. Tôi có 6 người con: 4 gái và 2 trai. Tất cả đều ra trường và lập gia đình. Hiện tôi có 8 cháu: 3 cháu nội, 5 cháu ngoại. Đây là hình tôi chụp với 5 đứa con của tôi. Bà xã tôi mất lúc tôi 60 tuổi. Cuộc sống ở xứ này con cái rất bận rộn với gia đình của chúng, tuổi già mình thấy cô đơn, cần có người bạn tâm sự sớm hôm cho vui cuộc đời con lai. Năm 70 tuổi, tôi về Việt Nam cưới vợ rồi bảo lãnh qua. Ở đời tất cả Tạo Hoá đã an bài. Tôi rất thỏa mãn về cuộc sống của mình.
Maryland ngày 08/19/2006

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home