Monday, June 15, 2009

TÔI LÀM HOA TIÊU

TÔI LÀM HOA TIÊU
Hoàng-Châu
Khóa 13 - Cơ Khí
Virginia, USA
Tháng 3, 2007
Vào khoảng cuối tháng 3-1973, quân đội Mỹ triệt thoái toàn diện ra khỏi lãnh thổ VNCH. Họ để lại một khoảng trống rất lớn cho chúng ta. Tới tháng 6-1973 thì Quốc- Hội Mỹ thông qua đạo luật không can thiệp quân sự tại Đông-Dương. Những tháng cuối cùng của cuộc rút lui, quân đội Mỹ bàn giao lại một số quân dụng, căn cứ, doanh trại của họ cho quân đội VNCH. Chúng ta tiếp nhận một cách gượng gạo, chẳng vui lòng. Vì một số quân dụng, doanh trại không thích hợp và không có cơ phận thay thế. Thật là, tình trạng đánh giặc theo kiểu nhà nghèo, tứ phương thọ địch lưỡng đầu nan!
Tôi tốt nghiệp khóa 13 Cơ-Khí Hàng Hải. Làm việc vài năm trên các thương thuyền như M/S Phú-Quốc, M/S Trường Sơn, M/S Thăng-Long. Chức vụ cuối cùng của tôi là Cơ-Khí Đệ-Tam (Máy Ba) tàu Thăng Long. Thời đó, giới hàng hải thường gọi đùa những thương thuyền này là “tàu Bà”, vì trước đây do một vị nữ lưu quyền thế làm chủ hãng tàu.Tới năm 1968, Tết Mậu-Thân, thì tôi được lệnh động viên. Sau thời gian thụ huấn quân sự và chuyên môn (ngành quân vận), được chỉ định phục vụ một đơn vị vận tải thủy tại Đà Nẵng. Đây là một đơn vị chuyên xử dụng loại tàu đổ bộ “há mồm”, tức là tiểu đỉnh LCM8, để vận chuyển nhân lực, vật lực theo nhu cầu chiến thuật hay không chiến thuật dọc theo bờ biển vùng I Chiến-Thuật. Phục vụ như vậy được khoảng 5 năm, tới đầu năm 1972 thì chỉ-Huy Trưởng căn-cứ chỉ định tôi đi học khóa điều khiển tàu giòng (tug boat hay là remorqueur) do Lục-Quân Mỹ dạy.
Khóa học đáng lẽ kéo dài 9 tháng nhưng người Mỹ nóng lòng rút dù nên thâu ngắn lại, chỉ học 2 tháng là được cấp chứng chỉ, nên kinh nghiệm cũng non nớt lắm. Xách ba lô về đơn vị gốc, được dúi vô tay một chiếc tàu giòng xập xệ còn sót lại từ Thế Chiến II. Lại được ban cho cái chức trưởng toán gồm 4 chiếc.Cứ như vậy thì chẳng có gì đáng nói. Đầu năm 1973 tôi được chỉ định đi học khóa hoa-tiêu thủy-đạo. Khóa này do Bộ Chỉ-Huy 4 Chuyển Vận của US Army huấn luyện. Người Mỹ gọi tắt cơ quan này là 4TC (The Fourth Transportation Command), trách nhiệm chuyển vận của quân đội Mỹ trên toàn lãnh thổ VNCH. Nếu quí vị nào ở Sàigòn lúc đó mà để ý phía bên kia cầu Khánh-Hội, đối diện với Câu-Lạc-Bộ Thuyền (Cercle Nautique) có một căn cứ kín cổng cao tường, thì đó là 4TC đấy. Tôi được học tại căn cứ Tân Mỹ ở cửa biển Thuận-An, gần thị-xã Huế. Không được học ở Sàigòn để gần gia đình nên khá thất vọng.

Lúc đầu tôi tìm cách thoái thác, nêu lý do tốt nghiệp ngành cơ khí chứ không phải pont. Hơn nữa có vài vị sĩ quan đồng cấp bậc nhưng thâm niên hơn, và đã đi học ở Mỹ về loại tàu Liberty và Victory. Nhưng vị Trung-Tá, Chỉ-Huy-Trưởng nhất định bắt tôi đi học. Ông chẳng phân biệt pont hay máy gì ráo trọi, nói rằng tôi tốt nghiệp trường Hàng-Hải nên biết nhiều về tàu bè, lại điều khiển tàu giòng cả năm rồi, vậy là hợp cách. Đành chào kính, tuân lệnh và lui gót. Xách ba lô ra căn cứ Tân-Mỹ, trình diện ông đại-úy đại-đội-trưởng bến của US Army. Ông này giới thiệu tôi với một Chuẩn-Úy Bậc 4 (Warrant Officer 4 hay WO4) và một Thượng-Sĩ. Hai người này sẽ là huấn luyện viên của tôi. Ông WO4 nói rằng đáng lẽ sẽ huấn luyện tôi trong 6 tháng, nhưng chỉ còn 2 tháng nữa ông ta “go home” nên rút ngắn lại. Trong thời gian chờ đợi tàu thì hai ông này chỉ dẫn cho tôi đọc bản đồ, cách nhận định những dấu hiệu, chướng ngại ngầm, thủy tiêu, cách dùng cuốn thủy triều, niên giám, cách hô hiệu lệnh, vân vân… Khi có tàu ra bến thì chúng tôi lên phòng lái. Ông WO4 là hoa tiêu chính, ông thượng-sĩ là phụ tá nên có thì giờ chỉ dẫn, giải thích cho tôi những gì hoa tiêu đang làm. Tàu ra khỏi vùng cát bồi tới vùng biển sâu thì đổi hướng, chậm tốc độ để chúng tôi xuống xuồng vô bờ. Khi có tàu vô, phòng truyền tin báo cho chúng tôi biết. Xuồng đưa chúng tôi ra khơi đón tàu, Ông WO4 hướng dẫn tàu vô cửa biển để vô thủy đạo và tới bến. Cứ như thế trong vòng 2 tháng, tôi được thực tập 5 chuyến vô và 5 chuyến ra. Một hôm có tàu vô. Chúng tôi ra khơi đón. Ông WO4 nói rằng tôi thử “pilot” chiếc này. Thật ra lúc đó tôi rét lắm. Đây là một chiếc LST loại mới của Mỹ, lớn hơn và đẹp hơn loại dương-vận hạm series 500 của chúng ta. Đứng trên phòng lái cao nghều nghệu, liếc nhìn bên hữu mạn thấy chiếc Tiên-Sa nằm nghiêng mình yên nghỉ bên bờ biển mẹ, tôi thấy hồi hộp lắm. Lỡ mà…! Được cái có hai ông thầy “tá phù hữu bật”, nếu sai là hai ông điều chỉnh lại liền nên cũng đỡ lo. Cuối cùng tàu ủi bãi an toàn. Sáng hôm sau, chúng tôi hướng dẫn tàu này ra cửa biển. Hai huấn luyện viên lại để tôi thử đưa tàu ra biển. An toàn! Tôi cảm thấy chuyến ra có vẻ dễ hơn chuyến vô. Chiều hôm đó, viên Chuẩn-Úy WO4 nói rằng sự huấn luyện đã xong, bắt tay chúc mừng, trao cho tôi một chứng chỉ và một số bản đồ của các cửa biển Thuận-An, Đà Nẵng, Chu-Lai. Ông nói rằng ngày mai phải về Mỹ. Trời đất! Gì mà gấp thế? Đúng là huấn luyện kiểu chạy làng.
Tôi về lại đơn vị gốc. Vài tuần sau thì nhận chỉ thị hướng dẫn chiếc HQ404 vô cửa Chu-Lai. Cửa này tương đối dễ, bãi ủi không xa cửa nên vô, ra an toàn. Sau đó lại dẫn chiếc tàu này vô, ra cửa Thuận-An cũng trót lọt. Hú vía! Còn cửa Đà-Nẵng mà thời Pháp thuộc gọi là Tourane thì ngon lành lắm: cửa rộng vịnh sâu, thủy tiêu và thủy hiệu còn khá đầy đủ, cầu quân cảng gần cửa biển nên chẳng cần đi lâu. Riêng cửa Thuận-An thì khó nhai lắm. Có những cồn cát làm lệch thủy đạo gần như thường xuyên. Có lẽ thượng lưu sông Hương bắt nguồn từ dẫy Trường Sơn, lòng sông dốc nên sau, mỗi cơn mưa lũ nước đẩy cát ra cửa biển bồi lở bất thường. Lúc quân đội Mỹ còn hoạt động ở VN thì họ vét lòng thủy đạo và đặt những thủy tiêu kỹ lắm. Họ rút đi, một thời gian thì tình trạng thoái hóa thấy rõ. Năm ấy, khi thấy chiếc Tiên-Sa đậu tại thương-cảng Đà-Nẵng thì anh em trong đơn vị chúng tôi mừng lắm. Hy vọng tàu này sẽ tu bổ những thủy tiêu, thủy hiệu, tạo dễ dàng hơn cho những hoạt động vận tải đường thủy. Nhưng than ôi! Con kình ngư không còn vẫy vùng nữa. Nó nằm bất động, bên bờ cửa biển Thuận-An, mặc tình cho sóng dập mưa vùi, mặc tình cho lũ hải âu tụ về chí choé họp đàn, hỗn xược làm bậy trắng xóa một bên mạn tàu. Đây, xin nói một chút về chiếc Tiên-Sa. Tàu này thuộc bộ Công-Chánh, chuyên đặt và tu bổ các thủy tiêu, thủy hiệu và các hải đăng. Thân tàu bằng gỗ nên khá nhẹ. Thầy Phùng-Lương-Ngọc đã chỉ huy tàu này từ San Diego Mỹ-Quốc xuyên Thái-Bình-Dương về tới Sàigòn. Hồi đó, báo chí và truyền thanh VN rất ca tụng chuyến vượt đại dương này.Tôi không biết nguyên nhân nào đã làm cho tàu Tiên-Sa bị đẩy lên bờ. Theo tôi nghĩ, cửa Thuận-An thỉnh thoảng có những cơn song ngang (roulis) rất dữ. Có lẽ vì vậy mà vua chúa đặt tên là Thuận-An với hy vọng là thuận buồm xuôi gió bình an. Hiện tượng sóng bất ngờ này tương tự tsunami xảy ra ở Indonesia vài năm trước đây. Áp lực các đợt sóng đẩy vô bờ, bị cồn cát ngầm cản lại, tới một lúc nào đó chúng gom sức mạnh và khuyếch đại (amplifier), đẩy thẳng góc vô mạn tàu. Cửa Thuận-An hẹp, chẳng kịp xoay mũi tàu để đón sóng. Nếu xoay được mũi tàu để đón song, chuyển bộ từ song ngang sang sóng ngược (tangage) thì đuôi tàu lại đụng vô bờ bên phải. Ấy là tôi đoán mò mà thôi, dựa vào kinh nghiệm lúc hướng dẫn đoàn tàu LCM8 hay những chuyến kéo xà lan ra vô.Được khoảng một năm, tới tháng 2-1975, Chỉ Huy-Trưởng chỉ định tôi đi học khóa tham-mưu trung-cấp. Ông nói sống lâu thì lên lão làng, phải kiếm đủ điểm để thành một anh “ba hoa” (mai) bằng với người ta vui. Hí hửng lên đường vì học tại căn-cứ Long-Bình, ít ra cũng được gần nhà vài tháng. Nhưng con đường hoạn lộ của tôi chẳng hanh thông, cho nên ngày 30-4-1975 đành cuốn gói ra khơi viễn xứ chẳng hẹn ngày về. Tha hương, gặp lại một số sư huynh đệ đồng môn thật mừng. Nhân một dịp họp mặt tại tư thất của một đại-cốc sư-huynh tại thành phố hải cảng Baltimore, bang Maryland Mỹ-Quốc, các bạn bè khuyến khích ai có truyện gì vui trong đời hàng hải thì viết lại để đăng trong tập Kỷ-Yếu Hàng-Hải. Nên tôi mạnh dạn ghi lại giai thoại này, gọi là góp chút gia vị cho mâm cỗ.Thông thường, các vị quan tàu đầy kinh nghiệm được mệnh danh là sói biển, vì một lý do nào đó không vượt sóng trùng dương nữa, trở về làm hoa tiêu thủy đạo. Các vị này biết rõ vùng trách nhiệm của mình như biết rõ những gì có trong lòng bàn tay. Trường hợp của tôi trở thành một hoa tiêu mà lại được cấp chứng chỉ thì thực là bất đắc dĩ, thực là rởm ( hay dổm, theo từ mới). Từ một cơ khí viên bị đẩy lên phòng lái, cũng lăng xăng nhảy qua trái, nhảy qua phải dòm bên này, ngó bên kia, cũng “hô phong hoán vũ”, trái 10…, tay lái số 0…, lái thẳng…, máy tả tiến 1…, máy hữu tiến 2…, phải 15… số không… hai máy tiến 2… vân vân. Cứ như là một tay chuyên nghiệp! Nhưng có lẽ những lúc đó tôi trông giống một hầu vương mắc kinh phong thì đúng hơn. Thật ra mọi chuyến được xuông xẻ là nhờ tôi có chút kinh nghiệm những lần dẫn đoàn tàu LMC8 và kéo xà lan ra vô những cửa biển này. Chứ sự huấn luyện chẳng thâu thập được bao nhiêu, nhất là khả năng Anh-Văn lúc đó chỉ bập bẹ.Ngẫm lại, hay không bằng hên. Bỗng nhiên trở thành một hoa tiêu bất đắc dĩ trong hoàn cảnh mà người ta thường nói là không có chó thì bắt mèo. Có lẽ nhờ thủy thần Neptune che chở, có lẽ cụ Hà-Bá thương tình, hay là các nàng nhân ngư chê không thèm kéo giò kéo cẳng nên mọi việc đều êm xuôi. Nếu không, thì đã trở thành một thứ hoa tiêu… tùng rồi. Hình như cái thuyết biến hóa của Lão-Tử đúng chăng: “Cùng tắc biến, biến tắc không”?
Hẹn quí vị và các bạn một ngày Trùng-Dương Hội-Ngộ.
Hoàng-Quí-Châu
Khóa 13 Cơ Khí

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home