Sunday, July 12, 2009

CHIẾC TÀU CUỐI CÙNG


CHIẾC TÀU CUỐI CÙNG
Nguyễn Hiếu Liêm

một lần xa bến bao nhiêu là buồn

Mến tặng Cô Trần thành Mỹ G/s Pháp vănTrường Trung Học Gò Công

Hôm nay em kể tiếp cho cô những chuyến đi trên chiếc tàu cuối cùng trong cuộc đời đi biển của em và cũng kết thúc loạt bài về kỹ niệm nghề hàng hải; đó là chiếc Pascal, tàu chở gaz chính yếu như gaz ammoniaque hóa lỏng. Tàu đã ghé các hải cảng sau đây : Le Havre, New Orleans, Corpus Christi, Baton Rouge, Houston (USA), và trong môt chuyến, tàu đã đi vòng quanh thế giới, tàu đã vượt Đại tây dương, Thái bình dương và Ấn độ dương và đây cũng là lần duy nhất trong đời đi biển em được đi vòng quanh thế giới. Em đi trên chiếc tàu này nhiều lần, thường chỉ chạy qua lại các hải cảng của Mỹ trên vịnh Mể tây Cơ như em đã kể trên rồi trở về Pháp nhưng trong một chuyến, từ Mỹ, tàu tiếp tục hải trình vượt kinh Panama, xuyên Thái bình dương ghé bến Geelong gần Melbourne, Singapore, Surabayạ (Indonesie), Kandla (Inde, hải cảng nhỏ nầy nằm sát biên giới Pakistan, nằm ở biển Oman, Bắc Ấn Độ Dương ), sau đó thủy thủ rời tàu lên bờ ở hôtel vài ngày rồi lấy máy bay đi Bombay, ở đó vài ngày chờ máy bay đi về Pháp. Đi tàu chở gaz thì lảnh được nhiều tiền hơn vì chở chất liệu nguy hiểm. Thủy thủ đoàn rời tàu vào buổi tối trên xe car chạy từ bến tàu vào thành phố xuyên qua những cánh đồng lúa dưới ánh trăng mờ nhạt trên con đường hẹp vắng tanh không một bóng người ; đời sống ở đây tuy nghèo nhưng thanh bình làm em nhớ đến cảnh đồng quê êm đềm ở Viêt Nam lúc chiến tranh chưa bùng nổ. Người Ấn lại an phận họ cho rằng nếu ho bị nghèo khổ trong cuộc sống hiện tại vì kiếp trước họ đã gây nghiệp nên họ chấp nhận trả trong kiếp nầy, nếu không thì kiếp sau họ phải tiếp tục trả ; vì lẽ đó mà chủ nghĩa cộng sản không phát triển được ở Ấn mặc dù ở Ấn người cùng khổ chiếm đa số.
Ở Kandla, người dân ăn trầu nhiều lắm giống như người hút thuốc, đường phố chổ nào cũng có bán trầu, họ cũng trét vôi lên lá trầu như người Việt Nam nhưng người Ấn có rắc thêm những ‘ gia vị ‘ gồm những hột nhỏ đầy máu sắc xanh đỏ trên lá trầu mà em cũng không biết là gì, giống như mình rắc muối tiêu trên đồ ăn ; sau đó họ xếp lá trầu thành hình vuông chừng 3cm và bỏ vào miệng nhai. Thấy em tò mò đứng nhìn, họ có mời em ăn thử, nhưng em thành thật từ chối và cảm ơn họ. Một điểm đặc biệt khác nửa là thành phố này lại có quá nhiều ăn mày ; khi thủy thủ đoàn lên bờ vá tạm trú trong hôtel, tất cả ăn mày hay tin dến bao vây, chầu chực trước cửa hôtel nên khi đi ra ngoài chơi phải đi thành từ nhóm vì lúc nào cũng có một đám ăn mày lẽo đẽo theo sau, đi đâu họ theo đến đấy thiệt là bực mình !
Trong các email trước em có nhắc đến chuyện em gặp một người tị nạn Việt Nam trong bar trên bải biển Coppacabana, tình cờ em lục lọi trong mớ giấy tờ củ tìm được miếng giấy ghi địa chỉ của người đó tên Đặng văn Thuận, gốc ở Phan Thiết, không biêt bây giờ lưu lạc nơi đâu . Biển Nam Hải mùa gió Đông Bắc bắt đầu khoảng tháng Mười, biển động mạnh, nhiêu khi bị bảo và sương mù . Ờ Đà Nẳng vào thời điểm đó, thành phố thường hay bị mưa dầm suốt nhiều ngày, nhiều khi bị ảnh hưởng những cơn bảo gây giông gió và thời tiết lành lạnh, tàu ghé bến phải đóng hầm lại vì hàng hóa không bốc dở được ; dân đi tàu chỉ còn cách tụ tập trong mấy quán café nghe nhạc suốt ngày và ăn bún bò, ngoài ra thì chẳng có gì để giải trí cho qua giờ.
Dân đi tàu ghé bến Đà Nẳng lần đầu tiên rất lạ mắt và thích thú với cảnh hò vác gạo trên bến. Ở miền Nam chỉ thấy cảnh hò cấy lúa hoặc chèo ghe trên sông rạch chớ không thấy ai hò trên bến tàu bao giờ. Điểm đặc biệt khác, phu khuân vác ở đó toàn là đàn bà, dù các bà bụng mang dạ chửa cũng tiếp tục vác gạo và ngay ở chợ cũng vậy, đa số là phụ nử buôn bán không biết tại sao ? Người phụ nử miền Trung chịu khó chịu nhọc, gánh vác, tảo tần mua bán nuôi cả gia đình có lẽ do đời sống cơ cực cùa miền Trung. Dân đi tàu muốn lập phòng nhì thì cứ thoải mái, mọi chuyện dều có quí bà lo, đàn ông chẳng cần bận tâm nhiều, chỉ ngồi chơi xơi nước là đủ rồi ; có lẽ vì lý do đó mà nhiều dân đi tàu nhẹ dạ đã bị mấy bà ở ‘Đè Nẽng’ quyến rủ, dụ dổ. Tuy vậy lâu lâu tàu có ghé bến Hongkong hay Singapore cũng phái mua sắm chút hàng hoá cho các bà để bán lại kiếm lời là đủ rồi. Người phu khuân vác phủ trên vai tấm vải để khỏi bị dơ áo và họ vác những bao gạo từ bến đến kho chứa hàng cách đó chừng một hay hai trăm thước. Khi cần trục tàu bốc một lần mười mấy bao gạo xuống bến, hai người đàn ông dùng móc sắt móc bao gạo lên vai những người phu chạy đi chạy lại ; chợt một người cất giọng hò :
- Là hò là khoăn …ô khoan hỡi hò khoăn.
- Khoăn anh là có vợ nì.
- Ạ khoăn.
- Khoăn cô là có chồng nì.
- Ạ khoăn.
Dân, tác giả N.H.Liêm, Quan tàu Phạm Ngọc Lũy, CM Thiên Hậu, Máy nhì

Sau những tiếng ‘Ạ khoăn ‘ là họ móc bao gạo đặt lên vai người phu khuân vác, họ vừa làm việc vừa hò với giọng hò trầm trầm, buồn buồn mang âm hưởng của giong nói miền Trung. Bây giờ với kỹ thuật tân tiến ngày nay, hàng hoá được chở trong những container vừa đở hao tốn vừa được bốc dở mau chóng trên những bến terminal container to lớn ; bốc 5000 tấn gạo chỉ mất vài giờ trong khi tàu hàng thường ( cargo ) phải mất cả tuần lễ ; do đó cái cảnh hò vác gạo đã thực sự biến mất không bao giờ gặp lại nửa. Bây giờ lâu lâu ngồi nhớ lại những kỹ niệm xưa, em thèm nghe lại giọng nói mà dân đi tàu miền Nam vẫn thường dùng để chế nhạo ‘dân ngoài nớ ‘ :
- En không en tét đèn đi ngũ.
Lúc em còn làm việc trên tàu Trường Xuân, trong một chuyến từ Đà Nẳng đi Đài Loan trong khoảng tháng 11 hay 12 năm 1973, một hôm lúc sáng sớm, người bếp tên Giang Phiêu , gôc Quảng Đông thức sớm như thường lệ để chuẩn bi bửa ăn sáng cho các Sĩ Quan khi bước vào nhà bếp chợt trông thấy môt bóng đen từ trong nhà bêp vut chay ra ngoài và biên mât. Giang Phiêu tá hỏa, hoẳng hôt rôi ngôi phich xuông thêm nhà bêp, mặt tái xanh không còn chút máu ; những người thủy thủ khác thấy vây bèn hỏi lý do, anh bếp chỉ tay ra phía sau Pont tàu và ú ớ vài tiếng :
- Có … ma !
- Chắc con ma nó theo phá nị. Nị phải cúng cho nó ; nếu không nó bắt nị đi theo nó.
Không ai tin lời Giang Phiêu mà lại còn chế nhạo, nhưng sau đó, dường như thấy vẻ mặt nghiêm trọng của người đầu bếp có cái gì bất thường, mọi người đổ xô ra phía sau pont để kiểm soát, lúc đó mới tá hỏa tìm ra một hành khách đi lậu trốn trong xuồng cứư cấp và người đó lại là một Sĩ Quan Hải Quân, dường như bị vấn đề tinh thần sao đó. Người hành khách đó khai với Thuyền Trưởng là anh muốn trốn qua Hongkong để xin tị nạn vì thoạt đầu tấm bảng thông tin trên tàu ghi hải cảng sắp ghé là Hongkong, nhưng vào giờ chót lại thay đổi hải trình ghé Kaoshiung (Đài Loan). Người hành khách trốn trong chiếc xuồng cấp cứu từ ba ngày và anh ta đã ăn những bánh biscuit trong xuồng (trong xuồng cấp cứu nào cũng có tối thiểu những thực phẩm , nước uống cũng như những trang bị đặc biệt khi tàu bi đắm để có thể tự mưu sinh trong khi chờ đợi được tàu khác đến cứu như dây và lưởi câu ; miếng kiếng nhỏ để rọi lên tàu khác hoặc phi cơ để ra dấu hiệu….), sau đó vì khát nước anh ta chun ra ngoài vô nhà bếp kiếm đồ ăn và nước uống xui mới gặp anh bếp nên phải bỏ chạy chun vào xuồng làm anh bếp một mẻ hoảng sợ. Sau đó, Thuyền Trưởng phải đánh điện về hảng nhờ thông báo cho bộ Ngoại Giao Việt Nam và khi tàu cập bến Kaoshiung thì xe của nhân viên tòa Đại Sứ Việt Nam chờ sẳn chở người hành khách ra phi trường áp giải về Sài Gòn. Theo lời của Thuyền Trưởng thì người Sĩ Quan đó không bị đối xử xấu gì cả vì điều tra ra anh ta cũng có vấn đề về thần kinh nên cho giải ngũ.
Anh Bếp nầy cũng là người rất thiệt thà, một hôm tàu rời bến Sài Gòn đi Đà Nẳng, tàu có mua lươn tươi, vị Thuyền Trưởng đòi anh nấu món lươn um, nhưng khi món lươn được dọn ra, ông nếm một chút rồi nhăn mặt, bèn kêu anh Bếp đến và hỏi :
- Nị nấu cái món dzì kỳ dzậy ? Không phải món lươn um, canh không ra canh, kho cũng không ra kho ?
Giang Phiêu trả lời tỉnh bơ :
- Biểu ngộ lấu thì ngộ lấu chớ ngộ đâu piết lấu !
Cả tàu ôm bụng cười và đành ráng nuốt món lươn um của anh Bếp Quảng Đông Giang Phiêu.

Nếu trong môn hình học, đường ngắn nhất là đường thẳng nối liền hai điểm, nhưng trên mặt biển nó lại là đường cong, tiếng Pháp gọi là orthodromie hay arc de grand cercle, nhưng phải hải hành trên những khoảng cách rất dài mới thấy sự khác biệt như đi từ Yokohama đến San Francisco chẳng hạn ; lý thuyết thì như vậy nhưng trong thực tế thì ít có Thuyền Trưởng nào áp dụng vì phải đổi hướng tàu nhiều lần (vì đi theo đường cong) và trong cuộc đời đi biển của em thì em cũng chưa bao giờ được đi hải hành theo orthodromie. Không biêt nhạc sĩ Anh Thy sáng tác bài Hoa Biển có thật nếm mùi Hoa Biển và cảnh ngất ngư con tàu đi hay không nhưng em đã gặp bảo hai lần, một lần trên Ấn Độ dương, khi đó tàu Zebrugge đang ngoài khơi Madagascar, cơn bảo do khí áp thấp đã đi qua và di chuyển xuống Nam cực, nhưng ở đây nó lại gặp vùng khí áp cao trấn giử không đi qua được nên lại quay ngược đuổi theo phía sau tàu. Con tàu không còn cách nào khác hơn phải chịu đựng gần hai ngày trong cơn bảo, biển động dữ dội lên đến cấp 8,9 ( trên échelle Beaufort, biển được xếp hạng đến mức tối đa là 12 ). Những cơn sóng cao vút đập vào mũi tàu tung bọt trắng xóa làm nó dừng lại tức thì, rồi bao phủ toàn pont tàu khién nó giống như chiếc tiềm thủy đỉnh sắp sửa lặn xuống nước ; mặt biển chỉ toàn một màu trắng xóa cùng với tiếng gió gầm thét. Chiếc tàu trọng tải 17000 tấn chỉ còn là một chiếc lá nhỏ bé trong cơn thịnh nộ của đại dương. Lúc tàu bị sóng ngang, trong phòng ăn, những chồng chén dĩa chưa kịp cất bị hất tung xuống sàn tàu bể tung toé, trong cabine của em cũng vậy, trên giường ngũ, khi tàu nghiêng sang trái hay sang phải là em cũng lăn theo gần lọt xuống sàn ; những chai lọ quên chưa cất bể không còn một cái. Trên bàn ăn, người ta gắn những tấm nhôm có những lổ tròn đường kính khác nhau, trên đó có thể để những dỉa ăn lớn nhỏ để nó khỏi rơi xuống sàn, dụng cụ chỉ được xử dụng khi thời tiết thật xấu và món soupe chỉ đổ đầy phân nửa dỉa ; ăn xong mọi người rút lui sớm vào phòng an nghỉ vì ai cũng mệt đừ. Con tàu ngất ngư rung chuyển từng hồi theo cơn thịnh nộ của cơn bảo, qua sáng hôm sau, cơn bảo dịu dần, mặt biển êm trở lại nhưng nó lại cuốn theo những cành cây bị gảy trôi lều bều theo sóng nước.

Cuộc đời đi biển của em thì có rất nhiều kỹ niệm, những kỹ niệm mà em kể cho cô chỉ là một phần nhỏ còn sót lại trong ký ức và từ từ cũng bị chìm trong quên lãng vì cũng lâu lắm em không có dịp kể lại cho ai nghe mà em cũng không muốn nhớ đến quá khứ. Đời đi biển có nhiều cảnh thiệt thòi như phải xa nhà, xa người thân, xa thành phố thân yêu, xa bạn bè ; chắc chắn là không có vụ sáng sáng ra ngồi tán gẩu bên quán café ở góc đường quen thuộc hoặc chiều thứ Bẩy hẹn hò đi bát phố Catinat với bồ. Cũng không có dịp đi dạo chợ hoa ngày Tết, ngắm những con chim én bay là đà trên ruộng lúa chín trong bầu không khí lành lạnh khi mùa Xuân trở lại trên quê hương. Người sống trên đất liền chắc không ai để ý đến mấy chuyện đó nhưng đối với người đi biển thì nó lại là những cái nhớ quay quắt, tuy thật tầm thường nhưng thật là quí giá và những người đi tàu đều cùng chung cảnh ngộ ít nhièu chỉ còn cách dùng men rượu giải khuây nơi bến lạ. Lâu lâu tàu ghé bến Sàigòn gặp lại những người thân, hoặc bạn bè củ, tình cờ, kẻ còn người mất, những thay đổi ; người đi biển cảm thấy lạc lỏng, bơ vơ, giống như mình đến từ một thế giới nào khác. Cuộc sống người đi biển tuy vậy không phải hoàn toàn vô vị và buồn tẻ, tuy sống xa nhà và nhớ đất liền nhưng khi phải trở lại sống trên bờ một thời gian vì lý do nào đó, họ lại nhớ biển cả, nhớ mùi ẩm ướt, mằn mân của nước biển, nhớ những cơn sóng lắc lư ru ngủ, vì khi ngủ trên chiếc giường êm ấm trên đất liền, họ cảm thấy như thiếu một cái gì quen thuộc, khi nhớ ra họ mới biết thiếu cái « lắc lư » của con tàu, thiếu tiếng rì rầm của máy tàu. Họ nhớ khoảng không gian bao la của đại dương, nhớ những cơn gió rít, những con chim hải âu, những bầy cá nược lội theo tàu và nhiều, nhiều lắm …..Họ nhớ quán café chợ củ Sài Gòn mở cửa sáng sớm còn vắng vẻ khách bên cạnh tách café bốc khói trong cái lành lạnh của buổi sáng sớm, thành phố còn ngáy ngủ, trong khi chờ đợi chuyến xe đò đi Nhà Bè xuống tàu rời bến.
Em xin dừng bút nơi đây vì nếu viết nửa cũng không biết bao giờ mới hết, xin chúc Thầy Cô một weekend vui vẻ.

Home

2 Comments:

Blogger omaigia said...

Xin chào các Bác, các Chú, các Anh Hải Âu ạ!

Thật thú vị khi vô tình biết được trang này của các Hải Âu. Cháu xin phép được đăng lại một số entry của trang lên www.TinNhanhBlog.com để chia sẻ với bạn đọc về cuộc sống của các Hải Âu ạ!

Trân trọng cảm ơn và kính chúc các Bác, các Chú, các Anh luôn vui khoẻ! :)

August 1, 2009 at 1:07 AM  
Anonymous Anonymous said...

LIÊM THÂN
ĐẢ LÂU KHÔNG CÓ TIN TỨC VỀ LIÊM, CÓ NHẬN ĐƯỢC SẤP HÌNH CỦ CHỤP KHI ĐI TÀU TX DO TVTÀI Ở ÚC KHI GHÉ NHẬT CHUYỂN CHO TRONG ĐÓ CÓ MẤY TẤM TRONG THƯ NÀY,CÁM ƠN NHIỀU LẮM,ĐỌC THƠ LIÊM MÀ DẠ BÙI NGÙI NHỚ LẠI THỜI ĐI BIỂN
MÌNH ĐẢ VỀ HƯU RỒI RẢNH RỔI LIÊN LẠC VỚI NHAU NHÉ*THÂN*MTD
MAIL VỀ :Dancokhihanghai@yahoo.com

November 29, 2009 at 9:15 PM  

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home