Saturday, July 4, 2009

QUÊ HƯƠNG TÔI CỎ LÁC

QUÊ HƯƠNG TÔI CỎ LÁC
Tuấn Thy
Tuấn Thy
Tên thật là Trần Cẩn Trọng sanh năm 1941 tại Vĩnh Long
Tốt nghiệp Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ-Saigon, nghành Hàng Hải Thương Thuyền, Ban Thuyền Trưởng, và Cử Nhân Luật Khoa Saigon.
Tốt nghiệp trường Thương Mại Chambery (Pháp)-Ngành Ngoại thương. Bắt đầu viết truyện ngắn và làm thơ rải rác khi còn là sinh viên cho các nhật báo.
Từ năm 1969, viết chuyên khảo cho nhật báo Cấp Tiến, Dân Quyền, Chính Luận...
Sau khi vượt biên sang Pháp, Tuấn Thy, dưới bút hiệu Xuân Thu và Thy Thy, viết cho các nguyệt san Tự Do Dân Bản, Hồn Việt, Phụ Nữ Diễn Đàn và thường xuyên viết cho Nhân Bản của Tổng Hội Sinh Viên Paris và đặc san của các Hội Đoàn (Ái Hữu Dược Sĩ Người Việt Hải Ngoại, Liên Trường, Diễn Đàn Dân Chủ, Gia Đình Sương nguyệt Anh, v.v...).
Chuyển sang lảnh vực biên khảo chính trị, các bài khảo luận được các nhật báo và nguyệt san ở Pháp, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu tuyển đăng trong nhiều năm qua.
Tuấn Thy được coi là một trong những tác giả truyện ngắn mang màu sắc đặc biệt. Dù là truyện, nhưng Tuấn Thy pha trộn nghiên cứu với văn chương. Đọc Tuấn Thy người ta tìm thấấy những nét thân thương của các làng mạc và nét đặc thù của nền văn hóa, văn minh Việt Nam.
Tuyển tập Cội Bần Chưa Dứt là một trong số những bài viết của Tuấn Thy đã được đăng trên các báo Hồn Việt, Việt Nam Tự Do, Gia Đình, Florida Việt Báo, Sài Gòn Nhỏ, Nhân Bản, v.v...
Tác phẩm của Tuấn Thy được ấn hành:
- Một chặng đường dấn thân (biên khảo) - 1997 dưới tên thật.
- Mảnh vụn tâm tình (thơ) - 1992
- Cội Bần Chưa Dứt (tuyển tập) - 1997

Cơn mưa ban chiều đã dứt, những chiếc lá vàng lả tả rơi theo từng cơn gió thoảng. Tôi ngồi yên lặng sau khi xem qua các mẫu vẽ của một người bạn cho nhà sản xuất trang phục Hermes. Đặt tách trà lên bàn, tôi lại nhớ đến ngày Tết cận kề, lẩm bẩm:
- Không mấy chốc lại đến Tết nửa rồi!
Thật là như lời ca của Hoàng Oanh:
- Không chờ mà đến, không hẹn mà trở lại, bốn mùa thay lá, thay hoa lần lượt trôi qua một cách êm ái nhẹ nhàng.
Giọng hát oanh vàng và lời ngâm thơ dịu ngọt của Hoàng Oanh làm cho tôi hồi tưởng lại năm nào, khi làm Thuyền Trưởng đưa tàu ngược dòng sông Cửu Long…

Vượt qua Cửa Tiểu tiến vào Tiền Giang sông Cửu Long, con tàu trở nên hùng vĩ trước vài chiếc ghe tam bản nhỏ nhắn, xinh xinh, cột dọc hai bên bờ vào những gốc cây hay cội bần. Tôi bước lên boong nhìn những xóm nhà lưa thưa trên cánh đồng ruộng mênh mông. Đây không phải là lần đầu tôi nhận nhiệm vụ ngược dòng sông Cửu, nhưng cứ mỗi chuyến đi tôi đều vui sướng được thấy rõ hơn những nét đẹp của quê hương mình và khám phá thêm những điều mới lạ dù tôi đã có dịp nhìn qua và làm cho tôi nhớ lại kỷ niệm trong những lần về quê lúc bãi trường hay vào dịp Tết, khi còn là học trò trung học. Đó là những dịp tôi gặp lại những người bà con thân thích để kể chuyện Sài Gòn…
Theo con nước thủy triều tàu chạy rất mau, nổi sóng làm chòng chành những chiếc thuyền con nên vị hoa tiêu ra lịnh cho bớt máy lại. Dòng sông uốn khúc, làng xóm lưa thưa qua địa phận tỉnh Gò Công và Bến Tre, cảnh vật có vẻ tiêu điều hoang vắng cả hai bên bờ. Những đám dừa xanh nghiêng mình soi bóng nước, êm ả dịu dàng với những tàu lá phất phơ theo ngọn gió.
Ở miệt nầy, dân cư không đông đảo vì đất đai còn là phù sa, bùn sình lầy lội, chưa được khai phá. Trong xa mới thấy vài thửa ruộng trồng lúa theo truyền thống nên có vẻ không trúng mùa cho lắm vì chỉ vài đám lúa vàng chen chúc trên cánh đồng mút mắt. Cỏ lác mọc đầy trải dài như những tấm thảm trên đất đai, đồng ruộng. Đây là vùng đất phù sa vừa mới đấp nên rất thấp, độ cao so với mặt biển khoảng hơn một thước. Nhờ vào các đám cỏ, lác, bần, dừa nước, mà giữ được phù sa, không trôi hết ra biển. Ở gần biển thì rải rác mọc lên các đám ô rô, cóc kèn, cây vẹt và cây đước. Sự hoang vu nầy làm tăng thêm vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương.
Tôi hít mạnh hơi thở vào lồng ngực để tận hưởng các mùi hương đầm ấm của hương sao, hương trứng sấu hay mù u phảng phất bên tôi, đàng kia đưa lại hay cận kề. Hồi còn nhỏ, sau những chiều tan học, tôi vẫn thích đi lượm trái mù u về để ép dầu thắp đèn và những bông mù u rụng lác đác dọc theo đường làng. Bông mù u không sắc sảo như những bông khác, tựa như bông mai, cánh trắng, nhuỵ vàng. Các ông bà trong làng thường gọi một cách văn hoa là Nam Mai mà theo tương truyền là của Vua Gia Long đặt cho bông mù u.
Tàu chạy ngang kinh Chợ Gạo vào xế trưa. Con kinh Chợ Gạo được đào vào khoảng đầu thế kỷ để thông thương từ Mỹ Tho lên Sài Gòn. Các ghe chài theo thủy triều vào kinh để đở nhọc nhân công chèo ghe lúa đi. Con kinh nầy lại có chổ giáp nước của Tiền Giang và sông Lòng Tào nên thường là các ghe xuồng đậu lại mua bán với nhau. Nơi đây người ta có thể tìm thấy được nhiều loại gạo thơm ngon như Gạo Thơm, Nàng Hương, Sóc Nâu, Chợ Đào… Kinh nầy cũng như các kinh không do thiên nhiên mà do sức người. Điều nầy cho ta thấy sự chinh phục thiên nhiên của con người. Về sau, các kinh được đào bằng tàu xáng mút như kinh Đồng Tiến ( khoảng năm 1956/57 ) dẫn vào Đồng tháp Mười, hay kinh Xà No ở Cần Thơ nên gọi là Kinh Xáng.
Ở miền Nam Việt, những chổ giáp nước rất nhiều như Chợ Gạo, Thủ Thừa, Vàm Nao, Ba Thê, Núi Sập… Lúc đầu các ghe xuồng dừng lại nghỉ ngơi, lâu ngày thành ra bến chợ, trở thành những nơi trao đổi hàng hóa, mua bán. Lâu dần người ta cất chợ, lớn nhỏ tùy theo dân cư, nhưng ít nhứt cũng có vài quán hàng hóa hay tiệm nước. Trong khi chờ đợi con nước thuận tiện hoặc đệ trình những giấy tờ cần thiết, người ta lên bờ nhâm nhi tách trà, cà phê hay lai rai vài ly rượu đế với tôm khô củ kiệu hay chim sẽ rô ti. Chén tạc, chén thù sau vài câu chuyện trao đổi, họ trở nên thân thiện, cười đùa không chút ngại ngùng. Để rồi chia tay nhau mỗi người mỗi ngả, không biết bao giờ mới có cơ hội gặp lại nhau. Thế rồi những tâm tình mộc mạc phát xuất qua những câu hò, giọng hát, tương tư:

Trời chiều ngã bóng về Tây
Em thương nhớ bạn như cây nhớ rừng
Con kinh xanh nước chảy không cùng
Em đây với bạn khi nào trùng lai
Phượng Hoàng đậu nhánh cẩm lai
Dặn lòng người ngãi chớ sai lời thề
Đường đi kinh xáng dầm dề
Sao anh không gởi thơ về thăm em
Đến tỉnh lỵ Mỹ Tho, cảnh vật trở nên trang trọng hơn. Những chiếc thuyền con hay ghe chài xuôi ngược tấp nập. Tôi đưa ống dòm nhìn kỹ cảnh vật. Mặc dù tỉnh Mỹ Tho không lớn bằng Sài Gòn, nhưng được xây cất rất khang trang, có vẻ sầm uất vì trước đây là giao điểm về miền Tây Nam Việt. Đường xe lửa được xây cất vào khoảng đầu thế kỷ để tiện việc đi lại cho dân chúng cũng như mua bán. Những năm trước khi Quốc lộ 4 được thành lập, người ta đi xe lửa xuống Mỹ Tho rồi xuống tàu của hãng Compagnie des Messageries Fluviales de Cochinchine về các tỉnh Hậu Giang.
Những con đường trong tỉnh lỵ đều được tráng nhựa, ngay hàng thẳng lối. Đó đây là nhà thương, bưu điện và trường Trung học Nguyễn đình Chiểu. Những nhà lợp ngói hay lợp tôle chen lẫn trong những dãy phố hai, ba từng hoặc hơn. Những bảng quảng cáo được dựng cao trên nóc các khách sạn, nhà hàng hay rạp hát. Chợ tỉnh được xây cất dọc bến sông, quang cảnh tấp nập. Ghe xuồng lớn nhỏ đủ loại, hàng hóa chất đầy, nào là những quài chuối, dài gần mươi nãi. Những trái mít đủ loại, mít nghệ, mít ướt, mít tố nữ… có trái to hàng chục kí lô, dừa xiêm, dừa lửa, những tràng cam, quít, chôm chôm, bòn bon… thôi thì đủ màu sắc rất là đẹp mắt.
Sự phồn thịnh của tỉnh Mỹ Tho được ca ngợi qua những bài thơ, bài hát huê tình của bạn thương hồ:
Cúc mọc dưới sông kêu bằng cúc thủy
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa
Gởi thơ thăm hết mọi nhà
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em
Thật là lễ nghĩa, tình tứ vẹn toàn .
Bên kia bờ Tền Giang là tỉnh Bến Tre nhưng lại nằm sâu vào trong nên không thấy được, chỉ thấy những hàng dừa dầy đặc. Đó là nguồn lợi lớn nhứt của tỉnh Bến Tre, sau đó là tơ lụa và trầu cau (miếng trầu là đầu câu chuyện – ăn cơm chẳng được, ăn trầu giải khuây - miếng kia hạ rộng, miếng nọ hạ quan). Trước thời người Pháp sang, dân chúng sống về nghề ép dầu dừa, sau đó các lò dầu dẹp lần lần rồi ngưng hoạt động quay sang canh tác ruộng vườn. Ba Tri là nơi sản xuất tơ lụa. Còn Cái Mơn, quê hương Ông Trương vĩnh Ký là nơi sản xuất rất nhiều loại trái cây ngon ngọt ít nơi sánh bằng: măng cụt, bòn bon, dâu, chôm chôm… lại trồng được cây ca cao, cà phê.
Con tàu chạy qua Quận Sầm Giang thì mặt trời cũng xuống dần. Nhìn vào quận lỵ, các căn nhà lợp ngói âm dương hay hình bánh ích, mái cong bốn góc chen chúc lẫn nhau. Trên con đường lớn, có lẽ đường chánh của Quận, sừng sững tòa nhà của quận lỵ. Bên cạnh nhà quận là nhà lồng chợ được xây cất gần giống như các chợ quận ở miền Nam, cột sắt tròn cao, to cở vòng tay ôm. Mái ngói màu đỏ sậm, lưa thưa phủ rong rêu hoặc vá víu vài miếng fibro- ciment. Trước chợ là bến sông, quang cảnh có vẻ tấp nập. Nổi tiếng nhứt của Quận Sầm Giang là Trường Đá Gà.
Nền kinh tế và đời sống ở miền Nam Việt chịu ảnh hưởng của thủy triều nên khi nước thủy triều lên thì ghe xuồng tấp nập theo con nước mà tụ về các chợ để mua bán. Khi nước xuống thì theo con nước mà về nhà. Bởi thế khi thủy triều lên thì các bến chợ đều đông đảo.
Nhờ thủy triều nên kinh rạch ở miền Nam chiếm một địa vị quan trọng hơn đường bộ. Để chuyên chở lúa lên các chành ở Sài Gòn, các nhà chuyên chở thường dùng ghe chài lón hoặc sau này dùng các tàu dòng ghe lớn nhỏ, đôi hàng mấy chục chiếc, dài cả mấy trăm thưóc không chừng, tạo nên cảnh trí thật là đẹp mắt. Gia đình dân quê miền Nam, gần như nhà nào cũng có ghe tam bản để đi lại. Khá giả hơn thì có ghe bầu nhưng rất hiếm dùng thường xuyên vì hay để dành cho các cuộc giao tế như quan, hôn, tương, tế.
Mặt trời dần dần xuống ngang qua những hàng dừa dọc hai bên bờ Tiền Giang. Ánh hồng rực rỡ chiếu vào những hàng cây đủ loại bên các con đường đất hay trải đá sơ sài trong xóm làng. Nhìn ven bờ sông, những hàng dừa nước, cốc kèn, chưn bầu, bụi lác chen lẩn, rải rác đó đây. Những người ra chợ buôn bán lần lược chèo ghe ra về. Ngọn gió hây hây phất phới chiếc áo bà ba của các cô gái, hai chân nhẹ nhàng linh động, khoan thai chân nhịp trước sau, trên chiéc thuyền con.
Thỉnh thoảng vẳng lại những giọng hát câu hò huê tình đối đáp trên sông, nghe thật êm tai:
Bớ chiếc thuyền loan
Khoan thai bớt mái
Đặng đây tỏ mấy lời phải trái nghe chơi …
Bớ chiéc ghe sau
Chèo mau em đợi
Kẻo khỏi đoạn kinh nầy bờ bụi tối tăm…
Hoặc những câu:
Hò hơ ơ hờ… Kinh xáng mới đào
Tàu Tây mới chạy
Thương thì thương đại, bớ điệu chung tình
Chớ con nhạn bay cao khó bắn
Còn con cá ở ao quỳnh ờ ơ… khó câu
Hò hơ ơ ơ… kinh xáng mói múc
Chiếc tàu xà lúp nó chạy cũng thường
Em muốn ăn con lươn nấu với thịt xườn
Muốn về Trà Ba Lớn nọ… hò ơ ơ…
Cho tiện đường thăm anh

Tàu vượt qua giang phận tỉnh Mỹ Tho thì trời cũng bắt đầu tối dần. Giòng nước bàng bạc, nhẹ nhàng, lách tách vỗ hai bên mạn tàu, hòa lẫn với tiếng máy thanh một điệu nhạc buồn êm ái. Vị hoa tiêu nói với tôi:
- Quan Tàu à Qua khỏi lạch 78 đến Vàm Chợ Lách, minh sẽ neo lại ở hải lý 83 tức là trong giang phận Vĩnh Long.
- Dạ, tùy theo Bác
- Mình có thể lợi dụng con nước đi them nhưng theo lịnh của cơ quan an ninh Hải Quân Tuần giang, mình phải neo lại chờ sang. Vả lại cũng phải chờ thành đoàn cho họ dễ bảo vệ an ninh cho mình.
- Trời cũng tối rồi. Từ trưa đến giờ chắc Bác cũng mệt rồi. Mình cũng phải neo lại để nghỉ ngơi cơm nước.
- Từ Vĩnh Long đến Tân Châu còn 63 hài lý. Ngày mai mình kéo neo khoảng 8 giờ, hơi ngược nước từ Kinh Đồng Tiến nhưng trễ lắm là khoảng một giờ mình tới nơi.
- Mình còn cả ngày mai neo nghỉ ở Tân Châu. Sau đó mới đi Nam Vang. Bác đừng lo.
Tàu neo lại trước Vàm Chợ Lách, dòng Cổ Chiên như dự định vào lúc 8 giờ tối. Cơm nước xong xuôi, tôi lên boong tàu đứng nhìn giòng nước lặng lẽ trôi nhẹ nhàng. Những đám lục bình dập dều từng nhóm dọc theo bờ sông hay chính giửa song. Những chiếc thuyền con xuôi mái nhẹ nhàng về các kinh rạch. Những đàn chim lập lờ buông cánh đậu trên các hàng cây hay cội bần ngập nước. Nguyễn Bính đã ghi lại hình ãnh nầy bằng mấy câu thơ;
Sông sâu nước chảy đục lờ
Nắng chiều đã xế qua bờ bên kia
Ngang trời mây trắng bay đi
Chiều nay mây có bay về xứ tôi?…
Vùng nầy thuộc địa phận Tỉnh Vĩnh Long. Bồi đắp bằng phù sa, Vĩnh Long là nơi chôn nhau cắt rún của tôi. Miền quê hương sông nước nầy vẫn mãi in trong trí nhớ. Nằm giữa hai nhánh sông Cửu Long, Vĩnh Long là một tỉnh trong sáu tỉnh đầu tiên của miền Nam Việt Nam được coi là trù phú, ruộng đồng bát ngát, cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi, ghe thương hồ buôn bán tấp nập đêm ngày.
Qua ống viển kính, tôi nhìn thấy thành phố tỉnh Vĩnh Long đã lên đèn. Dầu không thấy rõ lắm, tôi vẫn nhận ra được ánh đèn cao vọi trên nóc của “Miếu Bà Bảy “ mà dân Vĩnh Long gọi là “Cây đa cửa hữu“. Đấy là cổ thành Vĩnh Long bị Pháp phá hủy, rồi gom lại chất thành một gò cao bên cạnh cây đa. Nơi đây cũng là Đài Chiến Sĩ trận vong. Cổ thành này ước chừng một cây số vuông, cửa chánh quay mặt ra song Cổ Chiên, đối diện Cù lao An Thành. Toà Hành Chánh Tỉnh được xạy cất chung quanh gò này. Có rất nhiều giai thoại kể về “ Cây Đa Cửa Hữu “ nhưng đặc biệt nhứt là hai câu ca dao mà hầu hết dân Vĩnh Long đều biết:
Bà già đi lưọm mù u
Bỏ quên ống ngoái chổng khu la làng

Câu ca dao có vẽ tiếu lâm nhưng thực sự là chuyện kể của các bà, các cô chống lại quân Pháp bằng cách lượm mù u rãi trên đường cho quân Pháp trợt té để họ xông ra đánh đập..
Phía Tây Cổ thành là tháp canh có lầu, thường gọi là Cầu Lầu, cất trên bờ sông nối liền Thiềng Đức và Công Xi Heo. Trên sông Cầu Lầu trước kia, có một cây cầu bắt ngang, kéo lên được. Tôi không nhớ rõ đến năm nào cây cầu này mới bị phá vỡ. Bên xa trong Cầu Lầu là đồng ruộng, phần lớn là của một ông đại điền chủ ngày xưa tục danh là Bá Hộ Nọn, sau này đất bị truất hữu cho nông dân.
Xa quê hương từ thưở ấu thời đi lên Sài Gòn tiếp tục việc học, nhưng tôi không thể nào quên được những con đường làng nhỏ nhắn, với tiếng guốc học trò vui reo đến trường. Con đường làng bùn sình khi trời mưa hay bụi cát cuộn bay khi nắng cháy, những hàng trâm bầu dọc theo bờ đê đồng ruộng vẫn mãi mãi là hình ảnh thân thương của tôi.
Nói về địa lợi thì Vĩnh Long cũng như các tỉnh miền Nam Việt, là nơi đất xốp mềm dẽo, dễ trồng trọt, cứ cắt cho sạch cỏ rồi vãi lúa giống xuống là lúa mọc lên không tốn công cày bừa. Nước sông tuy đục mà ngọt, tưới rửa tiện lợi.Vĩnh Long có nhiều di tích lịch sữ, cảnh trí không có nét đẹp hung vĩ của núi non nhưng rất nhiều vườn cây trái sai oằn, cam, quit, bưởi, ổi…và đặc biệt nhứt là mận Hồng Đào ở các cù lao An Tánh, Chợ Lách, Phú Phụng, Bình Hòa Phước.
Không biết bao lâu, tôi ngồi nhìn ánh trăng vằng vặt chiếu sáng cả không gian, lấp lánh trên mặt nước. Trăng tỏ rạng chiếu qua ngàn cây cỏ lá làm tôi không thể bỏ mà đi ngủ được dầu biết rằng mai này còn phải tiếp tục hải trình đến tận Nam Vang. Những ngôi sao tỏa nhẹ ánh sáng từ vòm trời cao vút. ở xa, xa lắm có lẽ. Chung quanh tôi không một tiếng động. Không khí nhẹ nhàng, thoang thoảng mùi cây trái. Đồng quê thiêm thiếp trong cảnh tịch mịch.
Sương bắt đầu rơi nhẹ xuống phủ dần lên mặt sông một màu trắng đục như sửa. Tôi chợt nghĩ trong rừng cây trái của quê hương, đời sống của thảo mộc, thú vật vẫn tiếp tục. Có thể có cả ngàn tiếng động của các loài chim, chuột đồng, chồn cáo, cá lội dưới sông tìm kiếm thức ăn. Rồi chút nữa đây khi mặt trời bừng sáng mọi vật sẽ bừng tỉnh lại như thể một phép màu của đời sống.
Tàu kéo neo khi nước bắt đầu lên. Khoảng 10 phút sau đó, chúng tôi chạy ngang qua phà Mỹ Thuận. Vị Hoa Tiêu ra lịnh cho tàu chạy thật chậm để tránh tạo ra những con sóng có thể làm ngã nghiêng chiếc phà đưa hành khách sang sông Tiền Giang về miền Tây. Trên bến thật là ồn ào với những tiếng rao hang, lời nhạc quê hương, những mùi thơm thực phẩm làm tôi ngây ngất.
Hình ảnh của người đánh đàn độc huyền trên bến phà lại hiện về trong trí óc tôi. Tôi ngậm ngùi không biết người đánh đàn năm xưa còn đó không hay là:
“Ôi ! Khanh tướng công hầu chua chát lắm
Con đường tình nồng thắm trở sang ngang
Quãng đời qua, huyển ảnh với phủ phàng
Dòng tâm sự trong tiếng đàn cay đắng …
…..
Rồi lần đó tôi về ngang sông lạnh
Nước trường giang hiu quạnh gió thê lương
Chừng nghe như cung khánh ở vệ đường
Vài lữ khách khấn hương người nghệ sĩ “.
( Trích tuyển tập Mảng vụn tâm tình – T.T )

Chúng tôi đến Sa Đéc thì mặt trời đã lên cao khỏi ngọn cây. Đây cũng là một tỉnh trù phú của miền Nam. Chợ Sa Đéc; còn gọi là chợ Vĩnh Phước, được cất dọc theo bờ sông, liên tục dài về phía trong sâu. Những thuyền bè kết đậu khít khao giăng hang, bán tơ lụa, than củi, mây, tre, nhiều nhứt có lẽ là các ghe mắm. Tỉnh Sa Đéc, theo một vài tài liệu thì đó là do tiếng Miên có nghĩa là chợ Thiếc vì nơi đây trước kia tụ tập bán những đồ khí dụng, nay thì dân chúng đổi nghề làm mắm. Và mắm Sa Đéc được tiếng là ngon thơm nhứt miền Nam Việt như mắm cá lóc, mắm cá trê, mắm ruột, mắm thái, mắm tôm, ngoài ra cũng phải kể nước mắm cá linh thì khó có nơi sánh bì.
Các cô gái tỉnh Sa Đéc thì công, dung, ngôn, hạnh không thua ai, đưọc tiếng là nữ công ở huyện Vĩnh An. Người ta thường ngợi khen các bánh khéo ở Sa Đéc cũng như hầu hết các tỉnh miền Nam Việt như bánh bò trong, bánh bột lọc, bánh ích trần, bánh men, bánh xếp, bánh gan. So về phần sáng chế, thì không bằng ngoài Huế như bánh sen làm bằng bột hột sen rồi đem nướng như bánh kẹp hoặc bánh măng nạo từ măng tre làm thành bánh giống như bánh in…
Nói về các danh sĩ thì có Tống phước Hòa và một vài vị quan dưới thời nhà Nguyễn từ miền Bắc vào làm quan như Doãn Uẩn là Tuần Phủ và Nguyễn công Trứ. Sa Đéc là một tỉnh đầu tiên tổ chức việc học bán nội trú. Mỗi ngày học trò đến học được lưu lại ăn cơm trưa, đến xế trưa mới về nhà. Sa Đéc cũng là một nơi gốc cội đầu tiên của ngành sân khấu cải lương. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến Ông André Thận là người đầu tiên vào năm 1917 đã lập ra gánh hát xiệc có thêm ít màn ca ra bộ để thu hút khán giả. Ông đã phối hợp vào hát bội điệu hát Dạ Cổ Hoài Lang (Vọng Cổ) mà người sáng chế là Ông Sáu Lầu ở Bạc Liêu.
Tỉnh lỵ Long Xuyên, trước đây có tên là Đông Xuyên (1908) hiện rõ dần trước mặt chúng tôi. Nhìn sơ qua thôi, người ta cũng đủ thấy đây là một tỉnh trù phú của miền Nam Việt, với những nhà máy xay lúa gạo. Cái đẹp của tỉnh Long Xuyên có thể ví như thành Venise. Trong tỉnh lỵ người ta có thể bơi xuồng đi đến các phố xa không cần phải lên bộ. Ngoài ra còn có con kinh nối liền hai tỉnh Long Xuyên và Rạch Giá được đào vào năm 1818 dưới quyền điều khiển của Quan Trấn Thủ Vĩnh Thành Thoại Ngọc Hầu. Kinh nầy được gọi là Kinh Ba Thê hay Kinh Núi Sập hay Thoại Hà. Bề rộng con kinh nầy khoảng 30 thước và dài 32 cây số. Thời gian đào kinh mất một tháng ròng rã với 1500 dân làm xâu.
Phần lớn đất đai ở đây do người Triều Châu trước đây khai thác, sau này đến những người Hoa Kiều lai Việt chịu khó cầm cày phát cỏ nên Long Xuyên trở nên giàu có thêm lên. Thật sự tỉnh Long Xuyên chỉ được khai thác vào khoảng năm 1910 trở đi, vì vùng đất này là đất giồng, rất tốt cho việc trồng mía mà không tốt cho việc trồng mễ cốc. Do đó, người ta thấy từ Long Xuyên đến Châu Đốc phần lớn đều trồng lúa xạ.
Chúng ta vẫn thường nghe nói:
“Trai Nhơn Ái, Gái Long Xuyên"
Đó là lời khen tặng các cô gái ở Long Xuyên nổi tiếng về nữ công, nữ hạnh, đặc biệt là ở vùng cù lao Hai Huyện còn gọi là cù lao Ông Chưởng. Ca dao cũng có câu hát:
«Ba phen quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm".
Tàu chạy ngang Doi Lửa, tức đầu cồn phía Nam của Cù Lao Tây, rồi đến Chợ Mới, qua kinh Vàm Nao. Kinh này nối liền hai nhánh sông Cửu Long. Trước đây Vàm Nao chỉ là một con kinh nhỏ, người ta có thể chuyền cây từ bên bờ nầy sang bờ kia nhưng nay thì không được nữa vì lưu lượng sông Cửu Long nơi đây rất mạnh làm lở bờ và mỗi năm làm rộng thêm lòng sông.
Nhìn về hữu ngạn Tiền Giang là những cánh đồng bao la bát ngát của vùng Đồng Tháp mà chưa bao giờ tôi có dịp đi tới cũng như nhiều người Việt chúng ta.
Theo sự mô tả của Ông Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười thì đây là miền đất bao gồm hơn 800.000 mẫu tây, chiều ngang từ Hồng Ngự đến Tân An và chiều dọc từ Cao Lãnh đến Sway Riêng. Nếu kể cả khu ở giửa hai sông Vàm Cỏ thì được non một triệu mẫu tây mà chỉ có phân nửa là được canh tác nhưng kỹ thuật hãy còn yếu kém nên sản xuất không được nhìều như bên bờ tả ngạn Cửu Long. Phần còn lại thì là cỏ, lác mọc hoang vu.
Nhà cửa xóm làng thì thỉnh thoảng mới thấy một vài cái hoặc lều lá thấp lè tè của những nông phu gác lúa. Những nông phu đến đây khai thác độ vài mùa rồi dọn đi nơi khác, không ở lâu hơn vì đất trở nên cằn cổi. Vùng đất này do dự bồi đắp của lớp đá basalte và phèn đọng trong đó nên khó trồng được mễ cốc. Đất nầy chỉ thích hợp cho việc trồng khóm nhưng vì kỹ nghệ đồ hộp chưa được phát triển ở Việt Nam và đường chuyên chở không được thiết lập nên người trồng chỉ sản xuất một số lượng vừa đủ cho mức tiêu thụ trong nước. Thật là một điều đáng tiếc lắm thay.
Tuy vậy, đời sống của họ có vẻ nhàn hạ, không bon chen như ở thị thành. Họ chỉ phát một vài công đất ở sau nhà, sạ một vài giạ lúa rồi chờ lúa chín thì gặt. Thế là có đủ gạo để sống một năm trọn vẹn. Còn lại ngày giờ, họ ra đồng bắt cá, câu tôm không cần biết ngày mai ra sao, và có vẻ không cần biết thời tiết thay đổi thế nào:
«Một ngày có đủ bốn mùa
Sáng Xuân, trưa Hạ, đêm là Thu, Đông".
Hàn thử biểu lúc nào cũng chỉ từ 25 đến 30 độ, nên họ chỉ mặc áo ngắn, quần đùi, không bận lòng.
Thật ra cho đến nay chưa ai biết rõ để giải thích một cách tường tận tại sao gọi là Đồng Tháp Mười, tiếng Pháp là Plaine des Joncs. Có nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng chỉ có hai giả thuyết gần đúng:
1- Vùng này trước kia có một ngọn chùa tháp của Thổ (Cao Miên) và ngọn tháp đó là ngọn tháp thứ mười kể từ Cao Miên xuống nên gọi là Tháp Mười. Có người lại nói là tháp bị phá hủy, chôn vùi rất nhiều vàng bạc, châu báo, ngọc ngà nên người ta thường đến tìm kiếm.
2- Tháp ở đây là tháp thứ mười của Thiên Hộ Dương cất trên cánh đồng này kể từ sông lớn nên gọi là Tháp Mười. Có sách viết là ngọn tháp này có mười từng chớ không phải là tháp thứ mười.
Trong Đồng Tháp Mười có nhiều rạch và kinh đào, nối liền miền Tây Nam Việt như Rạch Bến Lức, Kinh Mới, Kinh Bà Bèo, Rạch Thủ Thừa, Kinh Phong Mỹ, Kinh Tổng Đốc Lộc, Kinh Bo Bo, Kinh Đồng Tiến (đưọc đào vào khoảng 1956/57 ) và lớn nhứt là Kinh Lagrange ( người địa phương gọi là Kinh Lạc Giăng ) rộng trên 20 thước. Mỗi con kinh đều có một sự tích mà vì phạm vi bài báo, chúng tôi xin phép không viết ra đây.
Chung quanh những xóm nhà lèo tèo đây dó thì toàn là cỏ lác xanh rì thăm thẳm đến tận chơn trời. Đây là vùng đất nghèo nhất của miền Nam Việt Nam, gọi là nước mặn, đồng chua vì phèn quá nhiều. Những nông dân tới đây làm lúa ở lại hàng mấy tháng mới về nhà nên có câu hát:
«Trời xanh, kinh đỏ, đất xanh
Đĩa bu, muỗi cắn làm anh nhớ nàng
Bao giờ cho lúa chín vàng
Cắt rồi anh trở về làng thăm em«
Tàu chạy qua Cao Lãnh, Cù Lao Tây, Hồng Ngự thì ánh nắng mặt trời bắt đầu gay gắt hơn, nhưng gió đồng thổi mát rượi làm cho tôi cứ mãi ngắm cảnh mà quên mất. Dọc theo các quận, làng, những kiểu nhà thủy tạ, có băng cây đặt trước nhà, có thể là để chủ nhà ra hứng mát hoặc ngắm cảnh khi trăng lên, khi nước lớn, hoặc gọi đò sang sông. Có những nhà trồng cây hay kiểng, uốn cho nhánh giao lại theo hình vòng nguyệt trên lối dẫn xuống mé sông. Những cây dâm bụt, cây trà kiễng hay kim quít được rào chung quanh đệm thêm vẻ trang nhã cho căn nhà.
Phạm Quỳnh ghi lại trong bài Đi tàu thủy từ Mỹ Tho lên Long Xuyên là cứ nhìn cách trang trí và phương tiện của chủ nhân thì biết ngay là thuộc hạng người nào. Nếu có thuyền máy thì đó là nhà của Thầy Cai Tổng hay Điền chủ hoặc Hội Đồng. Bản tánh của người miền Nam là có gì thì chưng ra chớ không dấu diếm như người miền Trung hay người miền Bắc. Thực sự đấy không phải là khoe khoan nhưng họ đưa ra cho biết là có sự thoải mái trong cuộc sống của họ.
Bởi thế, các cô gái ở đất giồng, đất bưng (Rạch Giá – Cà Mau) thường hay mơ ước có chồng ở miền trên như Vĩnh Long – Sa Đéc – Long Xuyên – Châu Đốc…
Ca dao có câu:
« Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh«
Và cô gái miệt trên thì lại sợ :
«Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu«

Tôi bất chợt nhớ đến những câu hát trử tình vin vào những chuyến tàu xuôi ngược dòng Cửu Long:
«Tàu Nam Vang chạy ngang cồn cát
Xuồng câu tôm bơi sát mé nga
Thấy em cha yếu, mẹ già
Muốn vô hoạn dưỡng biết là được không?"

Hay là:
«Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Đất nào dốc cho bằng đất Nam Vang
Một tiếng anh than hai hàng lụy nhỏ
Còn chút mẹ già biết bỏ cho ai"

Quận Tân Châu hiện ra trước mắt tôi với những ghe thuyền tấp nập. Dầu đây chỉ là một quận nhỏ thuộc tỉnh Châu Đốc nhưng lại sát biên gới Cao Miên nên có những cuộc giao thưong làm giàu quận lỵ. So với quận Hồng Ngự bên kia bờ dưới một nẻo thì Tân Châu có phần phát triển hơn. Nhà cửa phần lớn được xây cất bằng gạch ngói chớ không có vách ván. Trước đây quận Tân Châu lo phần chuyên chở thư từ cho quận Hồng Ngự, bây giờ thì lo phần phân phối các thổ sản của Hồng Ngự mặc dầu quận Hồng Ngự nằm vào vị trí khá tốt là ở hai vàm rạch lớn là Sở Thượng và Sở Hạ, nhưng lại ở bên kia bờ sông, không có đường xe về miền Tây Nam Việt hay tiện lợi chở hàng về Rạch Giá, Hà Tiên như Tân Châu.
Sự phồn thịnh của quận Tân Châu có lẽ đã có từ lâu rồi nhờ ở các thổ sản như nhãn, bắp và tơ sợi. Chắc hẳn chúng ta không quên là hàng Tân Châu đã một thời nổi tiếng. Vả lại nằm sát biên giới với Cao Miên nên có những cuộc trao đổi hàng hoá hoặc chánh thức hay lậu thuế. Do đó Quan Thuế Tân Châu có một địa vị quan trọng đem lại được lợi tức cho ngân sách tỉnh Châu Đốc.

Ngoài ra, còn có Kinh Vĩnh Tế nối liền Tân Châu đến Giang Thành Hà Tiên. Kinh này được đào vào năm 1819 đến năm 1824 mới hoàn tất. Công tác này đã làm thiệt mạng hàng trăm dân phu do sơn lam chướng khí, thời tiết khắc nghiệt, muỗi, mòng, vắt và ác thú.
Người dân Tân Châu cố cựu đều nhớ bài vè đào kinh như sau:
“Chia ba người một thước
Đào sâu xuống nước
Việc mần thật nặng
Kẻ cuốc người rinh
Việc mần cực khổ
Không dám nghỉ ngơi
Mệt đổ hết hơi
Cực đà quá cực
Phần thì nắng nực
Lại không nước uống
… “
Hay những câu than thân buồn thảm:
“Chiều chiều mây phủ núi Sam
Chim kêu ghềnh đá, gẫm thân lại buồn"
Tuy vậy Kinh Vĩnh Tế đã đem lại nguồn lợi tức cho Châu Đốc nên có câu:
“Mắm Châu Đốc, dốc Nam Vang,
Bò Châu Giang, Kinh Vĩnh Tế"
Và trai gái dùng con kinh để làm đề tài đối đáp:
Gái hò:
“Hò ơ ơ… Đường từ Châu Đốc, Hà Tiên
Đường nào chạy thẳng nối liền hai nơi
Đất nào lắm dốc nhiều đồi
Đường nào cao nhứt, người người đều nghe
Sông nào tấp nập thuyền bè
Hồ nào với biển cặp kè bên nhau
Trai nào nổi tiếng anh hào
Anh nào đối đặng, hò ơ ơ… má đào xin trao …"

Trai đáp:
“Hò ơ ơ... Đường từ Châu Đốc, Hà Tiên
Con kinh Vĩnh Tế nối liền hai nơi
Đất Nam Vang lắm đất nhiều đồi
Đèn cao Châu Đốc mọi người đều nghe
Sông Cửu Long tấp nập thuyền bè
Biển Hồ hai chữ cập kè bên nhau
Trai Nam nổi tiếng anh hào
Anh đà đối đặng, hò ơ ơ …
Anh đà đối đặng, vậy má đào có trao anh?…"
Những câu hò đối đáp của người dân miền Nam không sao kể hết được, vui có, buồn có, đủ loại từ gia tộc, nhơn nghĩa ở đời đến tình cảm.
Tàu buông neo trước quận Tân Châu vào lúc một giờ trưa như dự định. Tiễn vị Hoa Tiêu lên bờ, tôi ngồi nhìn hai bên bờ sông Cửu Long mà lòng buồn rười rượi vì thấy mặc dầu hệ thống kinh đào đã thực hiện đưọc rất nhiều mà vẫn chưa đem lại cho người dân Việt một đời sống sung túc hơn.

Bởi thế, những chàng trai sau mùa gieo mạ lại khăn gói lên đường đi làm mướn ở các nơi xa, kiếm thêm tiền hoặc để cầu tiến,hoặc do máu giang hồ hoặc để dành cưới vợ. Thế nên có những bài thơ mộc mạc đầy ý tình:
"Lúa mùa rồi trả nợ nần sạch ráo
Để anh đi kiếm chén cháo đổi lấy chén cơm
Trước là cho biết cái xứ Sài Gòn
Sau nữa anh mua quần lãnh với gói bòn bon tặng con bạn tình…"
Nhưng ngày trở lại thì không biết đến bao giờ vì thân phận làm mướn cứ phải đi hoài, khó về đúng hẹn hoặc khi về không còn hình ảnh người trai thuở trước mà:
“Cây vông đồng không trồng mà mọc
Rễ vông đồng đâm dọc trỗ ngang
Cám trong nong trộn lẫn trấu càng
Thấy anh đi làm mướn …
Mà răng bịt vàng thiệt khó coi…"
Hai mươi năm trôi qua cách biệt quê nhà, tôi vẫn tha thiết có ngày trở lại để tìm lại nhũng kỷ niệm ngày cũ trên con tàu ngược dòng Cửu Long như độ nọ. Mong rằng có người bạn nào đó cùng tâm tư như tôi.
Tuấn Thy Xuân Đinh Sửu 1997

1 Comments:

Anonymous Anonymous said...

Kính thưa cậu Ba Trọng!
Con tên Diệp Trí Minh. Nếu cậu Ba là con của ông Trần Cẩn Thận, vui lòng liên lạc với con qua địa chỉ email minhdieptri@yahoo.com. Nếu không phải, vui lòng bỏ qua thông tin này. Xin lỗi vì đã làm phiền. Trân trọng! Diệp Trí Minh

June 6, 2011 at 5:21 AM  

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home