Cứ mỗi lần đi dự tiệc, nhà tôi thường hỏi tôi phải ăn mặc ra sao cho vừa ý. Loay hoay chọn hết kiểu nầy đến mẫu kia, mất cả ngày giờ, nhưng tôi ít khi thấy kiểu nào đẹp hơn cái áo dài của Việt Nam ta. Dầu rằng các kiểu áo Tây Tàu cũng đẹp, cũng trang nhã, sang trọng và mắc tiền hơn chiếc áo dài nhưng tôi vẫn thích nhà tôi mặc áo dài vì riêng tôi các kiểu áo Tây Tàu có phần thiếu nét trang nhã. Thật sự không phải vì tự ái dân tộc mà tôi cho là áo dài Việt Nam đẹp nhất thế giới, không có áo nào hơn. Ngay chính các nhà kiểu mẫu trên thế giới cũng đều công nhận là áo dài Việt Nam khó có kiểu nào qua được.
Tôi không biết chiếc áo dài Việt Nam được sáng chế ra từ thời nào. Theo sách vở thì áo dài đã có từ lâu lắm rồi và theo truyền thuyết thì dân tộc Việt Nam thuộc giống Rồng Tiên và các sử gia đã vẻ ra hình giáng bà Âu Cơ trong những sắc phục lộng lẫy với đường nét dịu dàng, vươn tỏa tha thước nhẹ nhàng chừng như lúc nào cũng có thể bay bổng lên được. Những vết tích đào được ở làng Vạc, ở núi Nưa không cho ta thấy rõ chiếc áo của người phụ nữ Việt Nam ăn mặc ra sao, chỉ thấy váy hẹp và dài tới gót chân. Trên trống Đồng loại Héger thì phụ nữ mặc váy xoè, có hai vạt trước và sau đùi. Chiếc áo gần với chiếc áo dài ngày nay là chiếc áo phụ nữ khắc trên các di vật đào lên ở Hải Phòng, Yên Bái và Thanh Hóa. Sau đó là chiếc áo của phụ nữ Mường.
Có người lại bảo rằng chiếc áo dài thật sự chỉ được sáng chế và đại chúng hóa cách nay vào khoảng hơn trăm năm. Trước đây chiếc áo dài thùng thình, không có hai vạt trước sau, chỉ để dành cho hàng vua chúa, danh giá và thế phiệt. Thường dân Việt Nam vì ảnh hưởng văn hóa Tàu nên cách phục sức giống hệt Tàu. Do đó áo dài Việt Nam có thể từ y phục Tàu mà ra. Riêng tôi thì không đồng ý cho lắm vì mặc dầu bị ách thống trị của Tàu nhưng dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn giữ những đặc tính của mình, văn hóa khác biệt hẳn. Từ xưa đến nay, ngay cả trước thời kỳ Bắc thuộc, trong các ngày lễ trọng đại như Hôn lễ, Triều Yết, Tế Thần, Tết nhứt … Ông Bà chúng ta vẫn mặc áo dài. Thế nên chiếc áo dài không chắc hẳn do ảnh hưởng văn hóa của Tàu mà được sáng chế. Điển hình là y phục của Tàu thì đàn ông và đàn bà ăn mặc rất giống nhau, khó phân biệt mà chúng ta thường thấy trong các phim võ hiệp thời xưa.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, chánh quyền Trung Hoa đã buộc dân Việt ta phục sức theo họ nhưng chiếc áo dài Trung Hoa đã bị biến dạng thành ra áo tứ thân mà ngày nay chúng ta còn thấy các bà, các cô ở nhiều vùng miền Bắc còn mặc. Và thay vì mặc váy như người Trung Hoa, dân Việt ta đã chế thành quần dài. Tuy nhiên chúng ta cũng phải công nhận rằng ảnh hưởng về cách phục sức của Trung Hoa trải dài trên lịch sử nước ta. Do đó, có những câu hát trào lộng truyền tụng trong dân gian:
Tháng Tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ cũng đông
Đi ra bốc lột quần chồng sao đang
Có quần ra bán quán hàng
Không quần ra đứng đầu làng trông quan.
Tiếp xúc với nền văn hóa Tây phương vào giữa thế kỹ 18, xã hội Việt Nam không có cuộc thay đổi nào về cách phục sức. Các bà, các cô vẫn mặc chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam. Tại miền Nam Việt Nam, khi tờ Gia Định báo ra đời năm 1859, các nhà kiều mẫu đã đưa lên báo các kiễu áo Tây Phương, xách động phong trào y phục Tây Phương và đề nghị canh tân chiếc áo dài truyền thống. Nhưng những canh tân về y phục chỉ được thật sự xuất hiện vào thập niên 1920 khi các phong trào văn học ra đời với một số nhựt báo và tạp chí như Đông Phương, Phong Hóa, Ngày Nay, Nam Phong… Dư luận bắt đầu đổi mới với phong trào lãng mạn, vọng ngoại, chạy theo tư tưởng ngoại lai, chiếc áo dài Việt Nam cũng được đem ra tranh luận trên các bài báo. Một số người thủ cựu đã chỉ trích việc cải cách y phục hoặc châm biếm không tiếc lời là các họa sĩ bày vẽ để kiếm tiền hoặc chia phần với các hãng tơ sợi …
Mặc dầu bị chỉ trích nặng nề cay đắng, nhưng các họa sĩ và các nhà kiểu mẫu vẫn tiếp tục đưa ra những kiểu áo dài khác nhau đăng tải trên mặt báo vì họ cho rằng phải can đảm cải cách xã hội, phá bỏ hủ tục ngàn năm nô lệ văn hóa Trung Hoa. Trong tiến trình này đã có nhiều điều đáng tiếc xảy ra, phỉ báng nhau thậm tệ không tiếc lời. Tập tục xét ra có vài phương diện có hại, nhưng cũng có những điều tốt đẹp cần phải giữ lại vì nó nói lên tính cách đặc thù của một nền văn hóa, không thể phá hủy toàn diện được. Bởi thế trong sự phán đoán hay đề nghị canh tân phải đắn đo cẩn thận và cứu xét trên mọi phương diện thì mới không bị sai lầm.
Trong chiều hướng nầy, các họa sĩ đã rất dè dặt nên chiếc áo dài không thay đổi hình dung tổng quát mà chỉ thay đổi vài chi tiết làm tăng các đường nét thướt tha và mang nhiều tính chất biểu tượng của chiếc áo. Hai họa sĩ tiền phong đã thay đổi đường nét chiếc áo dài Việt Nam là họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ. Sau đó được phổ biến với tên chung là LeMur. Chiếc áo dài Việt Nam từ đó đã được đón nhận một cách mau chóng trong toàn thể nhân gian và gây xáo trộn không ít trong nếp sống của gia đình Việt Nam, nhưng dù muốn dù không, xã hội Việt Nam đã bước theo những canh tân bắt buột của tiến trình văn hóa.
Chiếc áo dài Việt Nam đã được đổi mới không ngừng, ở hình thức cũng có mà chi tiết cũng có, như chiếc áo dài bốn nhíp hoặc không có nhíp, cổ cao, cổ thấp, vạt áo dài chấm gót hoặc ngắn vừa phủ gối. Đáng kể nhứt là kiểu áo của Bà Cố Vấn Ngô Đình Nhu vào khoảng năm 1962, đúng theo châm ngôn là « Tốt khoe Xấu che » hở ngực, hở lưng. Một vài kiểu dạn dỉ hơn, sát nách, không tay làm cho khi các chàng nhìn thấy phải ngâm nhỏ hai câu thơ :
Nhìn tay em trắng tròn như khúc mía
Làm anh về thèm ngọt cả năm
Các kiểu áo dài này bị chỉ trích rất nhiều vì lý do chính trị, cá nhân, chứ không hẳn là trên hình thức mỹ thuật và tinh thần canh tân. Công tâm nhận xét thì kiểu này ít ra cũng cho thấy có sự đổi mới dung hòa những nét đẹp trong các y phục Âu Á. Đó có phải chăng là tinh thần truyền thống hòa đồng trong mỗi con người Việt Nam chúng ta ?
Trong tiến trình canh tân này, chúng ta đã thấy nhiều kiểu áo khác nhau nhứt là vào thập niên 1960 như kiểu áo tay phùng, tay ngắn, tay raglan, tay rộng, tay bươm bướm … Rồi lại có những kiểu áo một tay giống như vừa bị đánh ghen, bị lột mất tay áo hay kiểu áo gài nút ở giữa làm cho người thoáng nhìn qua không biết mặc áo dài hay áo bà ba hay áo ngủ. Có những kiểu áo quá ngắn như mặc áo khín của người khác hay quá dài như thể trừ hao cho khi lớn lên cũng vừa.
Gần đây, các bà, các cô mặc áo dài và quần cùng một lọai vải hay mặc với quần tây. Những sáng tạo này không vừa mắt lắm đối với những người thủ cựu vì họ cho đó làm mất đi vẻ trịnh trọng của chiếc áo dài nhưng cũng có thể làm nổi thêm lên nét đặc sắc của chiếc áo dài. Có những kiểu áo ráp thân trên theo kiểu áo của miền Trung Đông, Tây Vực, Nga Sô … kể ra không xiết.
Âu đó cũng là tiến trình nhân loại đã học hỏi lẫn nhau những điều mới lạ, hòa hợp nhau để cùng đi đến một nền văn minh tốt đẹp, tươi sáng và tương thân hơn cho mọi chủng tộc.
Nói đến đây, chúng ta cũng không quên ghi công của các nhà cắt may điêu luyện của Sài Gòn thuở trước như Thiết Lập, Thanh Hiền, Dung, Kim Chung … Kỹ thuật cắt may đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và kinh nghiệm rất nhiều vì phải nghiên cứu nét thướt tha của các bà, các cô trung bình, mát da mát thịt của những người « sổ sửa » hay gầy đét, ngực đồng hồ « Oméga » khẳng khiu như những nhà sư thanh tu ở sơn lâm cùng cốc hay mắm ép miền Tây Nam Việt. Các nhà may phải làm thế nào khi các bà, các cô khi mặc vào dù thân hình ở thể nào, cũng có nét khêu gợi, nếu không sẽ bị trách mắng hay phải đền bồi. Chúng tôi xin miễn đề cập đến chi tiế kỹ thuật cắt may vì như đã nói là khó lắm. Chẳng hạn như việc ráp cổ áo không thôi cũng cho thấy sự khéo léo ra sao, nếu không có kỹ thuật và kinh nghiệm, cổ áo sẽ bị lệch đi một bên khó coi vô cùng.
Vào giữa thập niên 1960, các hãng tơ sợi bắt đầu dệt những vải vóc in hình bông hoa sặc sở làm tăng vẻ đẹp của áo dài và riêng tôi khi nhìn một cô mặc áo dài tôi lại tưởng chừng như nhìn một chậu hoa. Nhưng các bà, các cô khó tánh lắm nên không thích mình ăn mặc giống nhau ngoại trừ nữ sinh các trường nữ Trung học như Gia Long, Trưng Vương,Bùi thị Xuân, Đồng Khánh …Vì vậy, các bà, các cô đặt thêu riêng cho mình những bông hoa đặc biệt. Thế rồi những phong trào áo thêu, thêu chỉ thường, thêu kim tuyến thịnh hành một thời gian khá lâu. Đến giữa thập niên 70 thì phong trào áo vẽ lại ra đời nhưng quá đắt vì đỏi hỏi khá nhiều công cán và kỹ thuật cao.. Thế nên cũng chỉ những người có tiền mới dám mặc.
Biến cố lịch sử đã làm thay đổi cuộc sống ít nhiều của hơn triệu người Việt Nam ở hải ngoại nhưng điều mà tôi hãnh diện trong các cuộc tiếp xúc với người ngoại quốc là họ thường khen chiếc áo dài Việt Nam. Có lẽ các bà, các cô cũng hãnh diện trong các buổi họp mừng Xuân, lễ lộc, dạ hội, tôi vẫn thường nghe các bà, các cô trầm trồ khen tặng nhau và hãnh diện về chiếc áo dài của họ.
Niềm hãnh diện này không phải quá đáng vì nếu ta so sánh với các chiếc áo khác như áo dài của phụ nữ Trung Đông, phủ kín từ đầu đến chân, thùng thình chỉ chừa có đôi mắt làm cho ta thấy hình dáng của những hiệp khách hành trong phim chưởng hay cho ta cảm giác dang bị một kẻ thích khách rình rập ta khi thấy bóng dáng họ sau lưng ; hoặc kiểu áo Đại_Hàn thì giống kiểu áo đình chiến với ông xã vì sắp có tin mừng và làm cho đức lang quân ngỡ ngàng buột miệng ngâm :
Trông em hình dáng lạ lùng
Mặt tròn, ngực thấp, cổ tròn, bụng cao
Hoặc với chiếc áo Nhật Bản thì bó sát từ đầu đến chân, vừa đi, vừa nhảy cò cò hai chân ; hoặc áo xường xám của Tàu thì hở đùi khoe thẹo trồng trái lớn hơn đồng xu và lở cân nặng hơn tạ gạo ta (60 kí lô ) trở đi thì chắc là điều kiện ắt và đủ của áo xường xám là không thích hợp rồi ; còn áo dài Tây Phương hay robe thì lại khó có thẩm mỹ ở chổ là các bà, các cô Việt Nam ít có người trường túc …
Thế nên chỉ có áo dài là tiện nhứt cho các bà, các cô Việt Nam. Dù cho các bà, các cô không có mặt hoa da phấn hay « em là gái trời bắt xấu » như Lệ Khánh mà mặc chiếc áo dài vào rồi thì chắc chắn là cũng có người mê chết đi thôi, nhứt là ở chổ trắng ngần hai bên hông mà vạt áo dài xén đến do các nhà kiểu mẫu quái ác nào đó đã sáng tạo. Tôi có dịp nói chuyện với các bạn người Tân Gia Ba thì họ bảo tôi là chổ hở trắng ngần « Vô nhân đạo ».
Những thay đổi về chiếc áo dài cho đến nay chỉ là thâu, dệt và vẽ lên các bông hoa trên vải vóc hoặc tơ sợi tân tiến làm tăng thêm màu sắc đẹp đẻ hoặc phần duyên dáng cho người mặc chứ đường nét vẫn giữ hai vạt trước sau mà các cậu học trò trai không được ngồi sát hàng ghế học trò gái trong các trường học có cả trai lẫn gái. Sau nầy học trò càng ngày càng đông nên không có lệ đó nữa.
Môt cách tổng quát thì những biến cải trên chiếc áo dài vẫn không qua được kiểu mẫu cổ điển với tay xéo từ cổ xuống và hai vạt trước sau. Phần tôi vẫn thích chiếc áo dài cổ điển không quá sặc sở hay có vẻ khoe khoang, lộ liễu. Nếu có thay đổi những nút gài bấm thì kết bằng hạt ngọc trai, thiệt giả gì cũng được, nhưng xin đừng thay bằng nút áo xẩm rất khó coi. Áo dài Việt Nam là biểu tượng cho sự dịu dàng, kiều diễm, khép nép, hiền thục đoan trang mặc dầu cũng có nét kín, hở gợi cảm, gợi hình.
Tôi không biết có được bao nhiêu người đồng ý với tôi về những đặc điểm áo dài mà tôi viết ra trên đây tuy nhiên chiếc áo dài nếu không làm cho các bà, các cô đẹp thêm thì cũng không thể làm cho xấu hơn được. Bởi thế, từ bé đến giờ tôi vẫn thấy thích chiếc áo dài khoác lên mình các bà, các cô. Cứ mỗi lần thấy một tà áo dài lướt qua là tôi thấy sự tha thướt của người đàn bà, phải chăng đó là ấn tượng Rồng Tiên trong dòng máu di truyền của dân tộc Việt Nam ở cái tôi vọng ngã nầy, và tôi vẫn thích nhìn những dáng dấp dịu hiền trong hai tà áo buông phất. Có lẽ có nhiều người cũng mê áo dài như tôi nên từ xưa đến nay, từ Á sang Âu, không ai lên tiếng chê áo dài Việt Nam cả. Và không nền văn thơ nào ca tụng y phục của xứ sở mình bằng văn thơ Việt Nam.
Không phải từ khi văn thơ lãng mạn bộc phát vào thập niên 1920 ( khoảng năm 1925 ) mới thấy xuất hiện các bài thơ mô tả cái đẹp của chiếc áo dài mà ca dao cũng đã nói đến rồi :
Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm lấy áo ta đề câu thơ
Câu thơ ba chữ rành rành
Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba …
Áo dài Việt Nam là cả một kho tàng cảm hứng cho thơ văn trữ tình mà hầu như nhà thơ nào cũng ít nhiều viết lên trong các bài thơ của họ. Nếu ta thử gom lại các bài thơ có nói đến áo dài thì tôi chắc chắn với bạn là các bài thơ này sẽ có thể đóng dày không kém một quyển tự điển nhỏ Larousse. Các nhà thơ đã đề cao đặc tính của áo dài là bất cứ cô gái nào mặc vào cũng biểu lộ được nét uyển chuyển cả. Và tiện lợi nhứt là vạt áo để ghi dấu lần đầu :
Em khẽ đọc thơ anh đề vạt áo
Mỗi đêm về thao thức nhớ thương anh
Đấp thay chăn, dỗ giấc mộng yên lành
Môi e ấp, tình anh em đón nhận … (TT)
Từ thuở nhỏ tôi đã mê thích học văn chương, nên khi bị hưu trí non đến nay, cũng là dịp may cho tôi để thường đọc lại các loại sách này. Thế rồi tôi bị lôi cuốn vào trong cái mê hồn trận của thơ văn, suýt chút nữa bị tẩu hỏa nhập ma, loạn càu càu, không biết câu thơ nào của ai, ráp nối lung tung. Bất kỳ thấy quyển sách nào viết về thơ hay tập thơ của các bậc thầy thơ là tôi mua ngay đem về đọc ngấu nghiến và ngâm nga luôn miệng, đến độ bà xã tôi ghen tức, không thua bà Hoạn Thư, rủa mắng cô nào đó làm tôi suốt ngày mơ tưởng. Dần dần tôi cạn túi nên phài đến Trường Viễn Đông Bác Cổ để mượn sách thơ văn cho thỏa thích chứ không mua nổi nửa.
Cái thích thú nhất của tôi là buổi sáng thức dậy, khi cảnh vật còn say ngủ, ánh dương chưa hé dạng chân trời, nhìn những giọt sương cuối còn đọng trên cành lá, tôi đọc lại những áng thơ, hòa mình với tâm tình người thời đó, đồng thời nhớ lại thời tuổi văn khôi học trò. Hầu hết các thi nhân, kể cả hàng Vua Chúa, đều có những bài thơ nói về chiếc áo.
Thuở còn đi học Trung Học, tôi chắc các bạn cũng như tôi không thể nào không có lần đến trước cổng trường nhìn những cô nữ sinh Gia Long, Trưng Vương hay Đồng Khánh … trong tà áo thước tha, mơ mộng một cuộc tình diễm ảo, hát nhỏ hay huýt sáo bài thơ phổ nhạc :
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Hay chờ người em gái nhỏ :
Thương làm sao áo lụa tím vấn vương
Gót son nhỏ trên đường em bước nhẹ. (TT)
Để rồi đêm đến, trằn trọc, dưới ánh đèn khuya, một mình làm thơ mơ tưởng người ngọc trong chiếc áo tơ vàng lung linh trong nắng mà nắn nót :
Nắng cũng thẹn nhường màu rực rỡ
Hoa chừng hờn kém vẻ đoan trang
Hoặc nhắn hỏi :
Em có dấu thơ trong vạt áo
Ta nghe tình mộng cũng mơ màng …
Mô tả chiếc áo dài trong văn thơ thì chắc chắn không bạn nào không biết bài thơ của Nguyên Sa Trần Bích Lan với những bài :
Có phải em mang trên áo bay
Một phần gió thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay …
Và :
Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
Cánh tay tà áo sát vòng eo
Có nghe đôi mắt vòng quanh áo
Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo
Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
Thứ Bảy Sài Gòn đi Bonard
Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
Áo lụa trắng mềm bay xuống thơ …
Hoặc :
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Dệt thư tình anh mở ngỏ yêu thương …
Hay những vần thơ của Hà Huyền Chi :
Ta nhớ hơi em, nhớ dạt dào
Môi thơm cổ tích lời ca dao
Chớp đôi mí lót hồn ta động
Bay ở lòng thơ dải yếm đào …
Trong năm mươi năm trước biến cố đất nước, từ 1925 đến 1975, các thi nhân đã sáng tác không biết bao nhiêu bài thơ ca tụng áo dài và đã được phổ nhạc rất nhiều :
Áo tím ngày xưa đi lấy chồng
Chuông đỗ ngân vang lời vĩnh biệt
Đưa em về bến đục hay trong …
Làm cho tôi càng yêu thích chiếc áo dài Việt Nam nhiều hơn. Một vài bài thơ tôi đã thuộc nằm long từ nhỏ đến nay như chiếc áo gấm sang trọng trong thơ Vũ Hoàng Chương :
Xinh xinh viền gấm bảy màu phô
Dưới ngực huy hoàng dợn sóng tơ
Xiên biếc thon thon đường tuyệt kỷ
Áo dài buông trắng gót rung tơ …
Hoặc nghe Ông khi còn ở Hà Nội :
Nước Hồ Gươm còn xanh màu cẩm thạch
Tà áo ai còn đẹp buổi hoàng hôn …
Với Đinh Hùng :
Áo bay mở khép ngàn tâm sự …
Làm cho Du Tử Lê phải than vãn :
Áo người cũng trắng hồn tôi
Vần trăng cũng lạnh một đời đó em …
Hay nghe buồn lên thơ trên đường vắng lá rơi đầy :
Xin thân xác lõm in mười ngón nhọn
Xin răng thơm cắn vỡ giọt tôi sầu
Xin mưa bay trên vạt áo nhiệm mầu
Cuộn tôi lại trong kén người hạnh phúc …
Và Nguyễn Thạch Kiên :
Áo xanh lợt sắc vai gầy
Sa mù lớp lớp thêm đầy dưới trăng …
Và những mơ ước của
Chiếc áo hồng vẫn luôn trong mơ gọi
Cho vấn vương vời vợi tím không gian
Cho anh về thương nhớ mãi ngút ngàn
Đêm canh vắng mộng vàng lên réo khúc …
Để rồi mơ ước không thanh, dang dở cuộc tình như Hàn Dạ Thảo :
Ngày xưa còn áo trắng
Mực tím đọc thêm say
Thơ xanh anh viết dở
Trăng thẹn cánh song cài …
Hay :
Hai mươi năm lận đận
Tan cuộc chiến, lưu đày
Gặp người nơi xứ lạ
Nhớ xưa tà áo bay …
… Rồi nhìn nhau xa lạ
Thương áo trắng hoa mai …
Thật tình thì tôi cũng chưa đếm hết xem có bao nhiêu bài thơ viết về ắo dài Việt Nam mà dã sử có công ngồi làm thống kê này chắc phải mất thời giờ lắm vậy.
Những ngày xa quê hương, sống trong môi trường khác lạ về văn hoá lẫn phong tục, tôi thường có cảm giác thiếu thiếu một cái gì đó, ưng ức mất mát. Mặc dầu quen biết với một số người ngoại quốc, họ giúp đỡ tôi gtrong việc làm ăn, cũng có nhiều tánh nết dễ thương, nhưng tôi vẫn thấy khó thích hợp được với họ nên ngoài việc xả giao thường lệ tôi ít khi kết thân với ai, nhất là các bà, các cô. Tôi thường tự hỏi tại sao thì đó là cách ăn mặc của họ.
Á thì ra là vậy. Các bà, các cô không có chiếc áo dài truyền thống mà tôi ưa thích. Ngay cả các bà, các cô Việt Nam cũng không có mặc nó mà lần lượt ăn mặc giản dị, gọn gàng theo nếp sống Tây Phương. Có lẽ do sự tiện lợi cho việc đi làm và cũng không muốn người ngoại quốc thấy họ có sự biệt lập. Tôi hơi tiếc và buồn nhưng biết làm sao vì « nhâp giang tùy khúc, nhập gia tùy tục » phải không các bạn ?
Thế rồi vào khoảng đầu thập niên 1960, một trong những điều vui mừng là tôi được tin Hội Sinh Viên Việt Nam ở Long Beach, California, Hoa Kỳ tổ chức tuyển chọn Hoa Hậu Áo Dài được lần lượt tổ chức ở những nơi có đông người Việt định cư. Các ban tổ chức thì hơi khắc khe vì cuộc tuyển chọn Hoa Hậu Áo Dài chỉ dành riêng cho những em bé từ 8 tuổi đến các cô 25 tuổi tối đa. Riêng tôi xin đề nghị là bất kỳ tuổi nào cũng được dự thi nếu các bà, các cô thấy mình còn trẻ đẹp mà chắc chắn là các bà, các cô đều cho là mình luôn luôn trẻ đẹp và cho thấy những đường nét đẹp của chiếc áo dài. Lý do khác nữa (dân chủ mà lỵ) là mặc dầu các bà, các cô lớn tuổi có thêm da thịt chút ít nhưng khi mặc áo dài thì trông cũng còn dịu dàng lắm. Ông Bà cũng nói : « gái một con trông mòn con mắt » hổng nghe sao ?
Và từ đó tôi thấy xuất hiện trên đường phố Paris những chiếc áo dài màu mở gà, màu thiên thanh, màu tím than, màu vàng hoàng hậu, màu hồng nhạt, áo dài thêu và áo dài vẽ. . Nói đến đây lại phải nhắc đến chị Kim Chi-Trần Minh Trâm là người luôn luôn mặc áo dài Việt Nam khi tôi quen biết chị đến sau nầy. Chị là người tại Pháp tiên khởi sáng tạo việc vẽ trên áo dài. Cũng có thể có những người khác cùng khởi phát việc này, đồng thời với chị mà tôi không được biết. Nhân đây cũng xin cám ơn chị đã cho tôi một số tài liệu về áo dài. Sau này tại Pháp tôi được biết thêm các chị khác nửa cũng vẽ áo dài như chị Phạm thị Nhung, Lê minh Ánh, Huỳnh thanh Lý …nhưng mỗi người mỗi nét vẽ đặc biệt về kỹ thuật có thể cũng khác. Chỉ có tay nghề và những người sành ăn mặc mới biết của ai sáng tạo.
Tóm lại dù có thay đổi thế nào đi nửa, tôi thấy chiếc áo dài cổ điển vẫn độc đáo và biểu tượng cho truyền thống Việt Nam. Tôi vẫn thích nhìn thấy các bà, các cô Việt Nam trong chiếc áo dài mỗi khi đi ra phố để cho con cháu, thế hệ sau này hay người ngoại quốc cũng thấy như tôi là chiếc áo dài có những nét đài các phong kín của người đàn bà Việt Nam.
Riêng phần tôi thì khi thấy các bà, các cô mặc áo dài là tôi nhớ lại hình ảnh của cảnh áo bay tấp nập trong những buổi chiều tan sở hay tan học ở Sài Gòn, những phiên chợ Tết ở đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi. Khi tôi lớn lên thì đất nước chia đôi nên không biết cảnh các tà áo lượn bay trong chiều lộng gìó quanh Hồ Gươm ở Hà Nội. Nhưng biết chắc chắn là chiếc áo dài gắn liền với thân mệnh phụ nữ ở Huế. Hễ đi ra ngoài là mặc áo dài chứ không được mặc áo ngắn. Nó là biểu tượng, là lễ nghi bắt buộc cho phụ nữ Huế. Miền Nam Việt Nam có thể rộng rãi hơn nhưng dầu hoàn cảnh nào cũng có chiếc áo dài để mặc.
Hình ảnh chiếc áo dài mãi mãi thơ mộng như trong thơ của Hà Huyền Chi :
Áo mỏng thơ đề mộng vẫy tay
Hồn như gió núi thiết tha bay
Thơ vui quấn quít hôn chân ngọc
Mỗi bước yêu kiều một thoáng say
Đời mấy lần chung một bến hoan
Mấy lần thức trắng những đêm vàng
Áo vương nguyệt lãng tình vương lệ
Chờ sóng vào thơ, sóng ở nàng
Dệt áo màu trăng đêm rạo rực
Tóc thơm trầm ngãi, rượu thơm môi
Bóc ra từng mãnh trăng thao thức
Sông mỡ màng như vạt áo trôi.
Người ta thường nói : Truyện Kiều còn, nước ta còn. Phần tôi xin nói : Áo dài còn, chúng ta còn là dân tộc Việt.
Tuấn Thy,
tháng Ba 1994