Tuesday, August 4, 2009

CỘI BẦN CHƯA ĐỨT


CỘI BẦN CHƯA ĐỨT
Tuấn Thy
Chiếc xe đò đưa chúng tôi về Quận Cái Nhum ngừng lại bên hông chợ thì trời đã giữa trưa. Hành khách còn độ mươi người vì đây là trạm chót. Chú Bảy, lơ xe, nhảy xuống gọn gàng mở cửa, nói với chúng tôi :
- Mấy đứa tụi bây đi lại trước nhà lồng chợ rồi đợi đó nhen. Tao xuống đồ đạc cho
hành khách và của tụi bây trên mui xe, rồi lấy xuồng đưa về nhà.
Không dám cãi lời Chú Bảy, là chú bà con cả hai bên Nội Ngoại, bốn anh em tụi tôi đứng vào hàng ba chợ cho đỡ nắng. Bẵng đi một thời gian, mới hơn sáu năm lên Sài Gòn đi học, tôi chưa có dịp trở về quê mà chợ Quận có vẻ khác lạ hơn xưa. Lần đầu tiên trở lại quê nhà, tôi cảm thấy như mình xa lạ vì những đổi thay mau chóng của quang cảnh chung quanh, mặc dầu cũng còn những người quen biết bà con buôn bán trước đây.
Bến xe đò ngày xưa ở cạnh trường Quận, nay được dời đến bên hông chợ, cách dinh Quận không xa, có lẽ để tiện việc trình kiểm giấy tờ hành chánh. Các hàng cột sắt nhà lồng chợ đã được sơn lại bóng láng, có vẻ được săn sóc, bảo trì chu đáo. Trước nhà lồng, chiếc xe nước mía của chú Tư Phồi được trang bị máy móc chứ không còn ép bằng bánh xe quay tay như xưa. Cạnh đó là hàng nước trái cây đủ loại, sơn màu rực rỡ, đề bảng Nước Sinh Tố, nước hột é « lười ươi » và mủ trôm ngâm đường phèn.
Trong nhà lồng, bốn dãy sạp hàng được lót ván sơn dầu, ngay ngắn từ đầu đến cuối chợ, không còn tạp nhạp như xưa, đã được dọn sạch sẽ có lẽ từ hồi trưa, chỉ còn lại thưa thớt, hơn chục sạp bán đồ khô, mắm muối, quần áo, hàng vải hay chiếu nóp.
Thấy chúng tôi đứng khép nép dưới mái chợ, chú Tư Phồi vói miệng hỏi chú Bảy :
- Mấy đứa nhỏ nầy là con anh Ba Thạnh phải không ? Mới có mấy năm mà đứa nào đứa nấy lớn xộn rồi chớ.
- Ừa ! Anh Ba, chị Ba biểu đưa tụi nó về đây ít hôm vì trên Sài Gòn lộn xộn vụ chánh phủ đánh nhau với Bình Xuyên gì đó
Chú Tư Phồi nói tiếp :
- Thấy báo đăng mấy bữa nay mà mầy có đem báo mới về không ? Bà con đợi tin sốt dẽo ở Sài Gòn.
- Có chồng báo mà hổng biết anh ba Luận để đâu ? Thế nào cũng đưa cho chị Giáo Ngữ mà.
Quay qua chúng tôi, chú Tư Phồi nói :
- Tụi bây còn nhớ tao không ?
- Chú là con Bà Sáu, tôi trả lời chú Tư Phồi.
- Ừa ! Thôi, tụi bây lại ngồi trên cái băng ở trước , rồi tao lấy nước cho uống.
Nghe nói được uống nưóc tôi mừng húm còn hơn bắt được vàng, vì từ hồi trưa đến giờ, khát khô cổ họng mà tôi không dám xin chú Bảy vì thấy chú cứ lu bu nhảy lên, nhảy xuống đón tiếp hành khách, kéo chất hàng hóa lên mu ixe, nên đành chịu. Tôi cầm ly nước của chú Tư Phồi đưa ra, chẳng biết là nước gì, màu nâu thâm, uống ực một hơi, nghe thơm mùi dầu chuối và trơn tru qua cổ họng, mát lạnh đến cuống ruột. Chú Tư hỏi tôi :
- Uống thêm hông ? Bà Sáu mới ngâm thêm một thùng từ hồi trưa để chờ bán cho hành khách .
Tôi hỏi chú :
- Nước gì vậy ?
- Mèn đét ơi ! Cái thằng nầy, thiệt tình nó quên hết gốc rễ rồi. Thương tụi bây lắm, tao mới cho đó. Nước mủ trôm ngâm đường phèn.
Tôi quả thật không ngờ mình được uống nước mủ trôm. Đây là lần thứ nhứt tôi được nếm cái hương vị ngọt ngào của nước mủ trôm. Hồi nhỏ, tôi thường nghe nói mà có được uống bao giờ đâu và ngồi dưới tàn cây trôm ở nhà việc, không biết ai trồng từ bao giờ, rất lớn, cao khỏi nóc, gốc cây to hơn hai vòng tay người ôm. Lá trôm có cuống dài, đầu cuống có nhiều lá nhỏ tụ lại như lá khoai mì hay lá cao su. Trái trôm lớn bằng trái xoài, trái chín màu đỏ ửng vàng, hình giống như cái mõ. Hột trôm chin màu đen, lớn bằng cở hột sen. Mấy đứa con nít tụi tôi trong làng thường lượm trái trôm rụng xuống gở hột ăn bùi bùi, béo béo hay lấy cây gõ chơi nghe lốc cốc làm thầy chùa, chớ không biết cạy mủ trôm ngâm đường phèn để uống. Vả lại cũng không dễ gì kiếm được đường phèn.
Trên bến, các bạn hàng, phần lớn là các cô gái trẻ, trong khoảng trên dưới hai mươi, đầu chit khăn sọc rằn, quần áo tươm tất, bà ba đen, trắng hay màu nhưng không sặc sở, càng làm tăng nét nhu mì của tuổi dậy thì. Họ tụ năm, tụ bẩy nói chuyện vui vẻ, cười đùa một cách hồn nhiên, trong khi chờ đợi chuyến đò xuôi về nhà nghỉ ngơi, sau buổi chợ quận.
Phần lớn bạn hàng từ những làng mạc không xa lắm, nằm dài trên dòng sông Măng Thích như Tân An Luông, Bàu Sen, Tân Thắng … sáng sớm bơi xuồng hay theo ghe đò đem hàng ra chợ quận Cái Nhum đến xế trưa thì về. Để rồi cứ vậy mà tiếp tục tháng nầy qua năm kia không ngừng nghỉ. Đời sống bình thản yên lành, mặc dầu cũng có đôi chút cạnh tranh trong việc buôn bán nhưng ít khi họ lên tiếng than van. Họ lấy cái tình mà đối xử nhau, qua cuộc bán buôn rồi thì cười đùa vui vẻ, không bon chen giành giựt, xem chuyện bán buôn chỉ là trao đổi những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống thường ngày.
Chung quanh chợ, các tiệm buôn được sơn phết, sửa sang lại khang trang hơn trước đây nhưng quang cảnh chợ chiều ở Quận vẫn buồn thiu vắng khách. Một vài tiệm trong vòng bà con quen biết vẫn còn đây, không thay đổi nhiều.
Chú Chệt Tài, chủ tiệm chạp phô, bán gạo thóc, tương, chao, đủ loại …vẫn như độ nào, ngồi cuốn tròn cái áo thun, phơi bụng tròn ú như ông địa, phe phẩy chiếc quạt con chầm bằng lá dừa nước. Tiệm nước ở góc chợ của bà Năm Xinh, em vợ Thầy Hương Quản trong làng, chỉ có một vài người khách ngồi uống trà hay nước ngọt xá xị con cọp, Birley’s …Ở một góc nhỏ, hai người có vẻ là phu khuân, ngồi gác chân lên ghế, theo kiểu nước lụt, nhậu lai rai chai rượu đế với củ kiệu, tôm khô. Trên bàn, mấy chiếc bánh bao ngọt, cớm ngò đậy trong lồng lưới. Vài người ra vô mua thuốc ở tiệm dựợc trữ của Bà Giáo Thu, vợ Thầy Hương Giáo, có lẽ đem về trong thôn xóm xa, phòng ngừa đau ốm khi tối lửa tắt đèn. Tiệm của Dì Ba, vợ Chú Ngữ, bà con hai bênNội Ngoại, giáo viên ở trường Quận, bán sách báo, tập vở, viết, mực học trò trông vẫn khang trang như độ nào.
Ở cuối chợ, giáp mé sông, những đống rau, khoai lang, khoai mì, trái cây đủ loại, cao ngang đầu người, nhất là dưa hấu đầu mùa, vỏ trắng non sèo. Trên sạp gỗ, rải rác những phần dưa mẫu cắt nửa phơi ruột hồng hồng, điểm lấm tấm những hạt dưa non. Bên cạnh đó, vài ba bà lớn tuổi ngồi khuấy nước trong thau, chậu sành chứa cá, nổi bọt, mời mọc người đi qua lại một cách buồn hiu. Trong thau, chậu chỉ còn lại những cá con, thỉnh thoảng nhảy ra ngoài theo nước khuấy động. Mặc dầu trời đã xế trưa nhưng mặt trời vẫn còn sáng rực nóng hổi. May là Quận lỵ nằm sát mé sông nên gió thổi mát rượi làm cho tôi quên đi cái nóng oi bức quanh năm suốt tháng của thời tiết miền Nam thương yêu.
Tiếng lách tách của chiếc mái chèo khua nhẹ trên mặt nước nghe buồn rười rượi. Chiếc đò nhỏ khoảng mươi thước chiều dài, phía sau được đóng vách ván, lợp mui lá dừa, cặp vào cầu xi măng đón hành khách, bạn hàng rong. Cứ mỗi lần một người bước xuống đò thì chiếc đò chòng chành đôi chút rồi trở lại vị trí thăng bằng. Hai vợ chồng người lái đò, kẻ trước mũi, người sau lái, giữ chặt chiếc xuồng, mặc dầu đã cột dây đỏi vào trụ. Các hành khách có vẻ quen thuộc với chiếc đò nên khi bước xuống đã ngồi ngay lên trên tấm ván lót ngang qua lòng ghe. Họ đưa tay vẫy chào những người trên bến, cười nói xôn xao. Thật là một quang cảnh rất thân thương khó quên được.
Phía bên kia sông là làng Tân Long Hội, chính quê của hai bên Nội Ngoại, nơi mà tôi đã sống những ngày ấu thơ ly loạn. Miễu đình làng, cũng là nhà việc, nóc cong quớt bốn góc, nhô lên khỏi rặng cây vẫn còn đấy, có vẽ không thay đổi bao nhiêu. Những hình ảnh, nhà cửa trong làng, trường học, đồng ruộng, sân banh của hơn ba năm chạy giặc sống bên cạnh nhà hương hỏa của gia đình vẫn in đậm trong trí nhớ của tôi, lần lượt hiện về rõ rệt hơn. Tôi định bụng là ngày mai sẽ đi từ đầu trên tới xóm dưới để nhìn lại cảnh vật sau sáu năm xa cách.
Xô chiếc thuyền con bằng chiếc mái dầm ra khỏi bến, chú Bảy dặn dò chúng tôi :
- Mấy đứa tụi bây ngồi yên nhen, nhứt là thằng Bình đừng có nghiêng mình ra ngoài khuấy nước mà té xuống song. Tao hổng nhảy theo kịp mà vớt đó.
- Chú Bảy đừng lo ! Cháu biết lội mà !
- Ừ ! Nhưng mà mầy kéo theo mấy đứa nhỏ, rồi tao làm sao ? Để tao chèo mau về đến nhà. Một chút nữa nước lớn ngược chèo, tụi bây có nước ngủ lại trên sạp chợ, chớ anh Ba, chị Ba dặn tao là không được làm phiền bà con, cô bác nào cả.
- Thôi thì chú cho cháu bơi phụ với chú.
Chị tôi chen vào nói :
- Gặp tay mầy mà cầm lái chắc là chiếc xuồng quay tròn tròn, chẳng đi tới đâu. Đừng có trả treo nửa, để chú Bảy chèo đi cho lẹ về nhà.
- Chị Hai cứ chê tui hoài. Chị cũng đâu có biết chèo mà ngạo tui.
Chú Bảy nói :
- Thôi ! Tụi bây đừng có cãi nhau nữa.
Tôi ngồi im, ấm ức, nhưng khi nhìn lên bờ, mấy cành dừa xanh cao ngất, vươn mình trên dòng sông nước trong lành, dịu ngọt. Tôi nghe lòng mát rượi, nghĩ đến chút nữa thế nào cũng xin Ông Cố Ba cho uống dừa trong hàng dừa trồng dọc theo rạch dẫn vô nhà Ông. Thảng một vài nơi các cội bần chưa đứt rễ, bám víu vào bờ đất ven sông hay quấn quít các đám ô rô, cóc kèn, lau sậy, như chưa vội lìa xa, buông xác khô cằn cỗi trôi theo dòng nước tuôn ra biển cả. Những trái mù u trôi lềnh bềnh trên mặt sông, có lẽ rụng xuống từ một cây nào đó. Mai kia, những trái nầy tấp vào bờ đất ven sông, nẩy mầm mọc rễ, mọc lên những cây mù u khác.
Tôi bất giác nhớ lại hồi đó có những chiếc xuồng đi vớt mù u để đem về ép lấy dầu đốt đèn, nay không thấy nửa. Chắc là nhà nhà đều dùng đèn dầu hôi, chớ không dùng dầu mù u nủa, vì dầu mù u không sáng tỏ mà lại khói đen mịt mù. Hơn nữa, sau khi ép dầu, vỏ mù u hôi thúi vô cùng, không chịu nổi. Hoạ hoằn thì những nhà trong cánh đồng ruộng xa, không có dịp hay phương tiện ra chợ Quận mua dầu hôi mới phải tạm đốt bằng dầu nầy. Tuy vậy, tôi vẫn cho đốt đèn dầu mù u là nói lên cả một tình thương yêu trong gia đình. Dầu rằng cho thấy sự nghèo nàn khổ cực nhưng nhớ lại hình ảnh trước đây anh em chúng tôi ngồi cặm cụi, tập đồ, tập viết hay học bài ê a bên cạnh ngọn đèn, tôi bất giác nghe như mắt rưng rưng khóc.
Bóng trời chiều xuống từ từ lan rộng trên thôn quê. Gió hiu hiu thổi nhẹ làm cho tôi cảm thấy hơi lạnh. Xa xa những cánh đồng lúa, thửa chín, thửa chưa, như những tấm thảm thiên nhiên, chen lẩn màu sắc xanh vàng, trải dài đến cuối chân trời. Dọc theo làng, vài nhà đã bắt đầu khơi bếp, khói tỏa lên trên nền trời xanh thẩm, mơn man, nhẹ nhàng uốn éo theo chiều gió. Vài căn nhà bắt đầu lên đèn, lấp lánh ánh lửa sau mấy hàng cây đen sẫm. Một cảm giác chợt đến, tôi muốn dang rộng cánh tay ôm lấy cả bầu trời thân yêu này, chôn chặt lại vào lòng, trong trí não, để mà thương, để mà nhớ suốt đời mình.
Chiếc xuồng cập lại cầu dừa, trước nhà Ông Bà chúng tôi thì trời cũng đã tối hơn. Trên bến, mấy đứa em, con chú Tư chúng tôi, lên tiếng chào mừng. Chú Bảy nhảy xuống nưóc cột chiếc ghe vào cột dừa, đưa tay bồng hai em tôi và nói với chị em tôi :
- Cầu dừa trơn lắm, hai đứa bây vịn tay chặt vào cây tre chớ không là té xuống sông nhen.
Mấy đứa em, con chú Tư chúng tôi, nói với chị tôi :
- Chị Hai đưa đồ đây, tụi em xách lên đây cho.
Chị tôi đưa hai cái va li cho Phước và Đức, con chú Tư tôi rồi bước lên theo. Chiếc xuồng con trôi tấp vào mé sông theo con nước bắt đầu ròng.
Đường từ mé sông lên nhà Ông Bà tôi khoảng hai mươi thước. Hàng dừa xiêm trước đây dọc theo bờ sông, có lẽ đã bị đất lở trốc gốc mất rồi. Chỉ còn lại bụi mía và mấy cây cam, bưởi. Cạnh con rạch nhỏ, căn nhà hồi trước của người Cô thứ Sáu chúng tôi đã bỏ trống khi Dượng Sáu theo chân Ba tôi lên Sài Gòn. Tôi nhìn vào căn nhà trống trơn không còn món gì bên trong, cửa phên tre được dở ra, dựng bên hông nhà. Bàn thờ Ông Thiên trước sân nhà vẫn còn trang nghiêm như thuở trước. Tôi nhìn quanh dáo dác tìm cây li ki ma trồng trước nhà, mà tôi thường leo lên đó nằm vắt võng những buổi trưa nắng nóng nực. Đống rơm ở ngoài vườn cao khỏi nóc nhà hầu như y nguyên như trước đây, không thấy thay đổi. Thật sự thì sau mùa lúa thì rơm mới được đem về chất thêm vào chưn.
Bước vào nhà Ông Bà tôi hay gọi đó nhà hương hỏa vì được để lại từ đời Ông Cố của Ba tôi ; cách bày biện vẫn y nguyên như trước đây. Nhang đèn trên bàn thờ đã được thắp sáng và tỏa mùi thơm tinh khiết, hoa quả và phẩm vật được bày cúng chưa dọn xuống. Ở thôn quê Nam Việt, thường là trước khi dùng bửa, đều phải dọn cúng Ông Bà trước rồi con cháu mới được ăn sau. Ngày thường trong năm thì cúng mặn, chỉ đến những ngày Tết mới cúng chay theo lời dặn của Ông Bà trước khi qua đời.
Chúng tôi bước lại cúi đầu thưa Bà Nội chúng tôi, đang ngồi ngoái trầu ở bộ ván gõ, lót giữa gian nhà chánh. Dưới bàn thờ, lò giữ lửa xây bằng xi măng đã lụn tàn nhưng than còn ngún dưới lớp tro. Con cuối đã dụi tắt dựng kế bên, phòng khi cần thiết. Hồi còn nhỏ, ở cạnh bên nhà, Ông Nội tôi thường kể cho tôi nghe về chuyện giữ lửa trong nhà. Đấy là để nói lên cái cảnh ấm cúng, trong tinh thần cũng như vật chất của một mái nhà. Nếu ai bước vào nhà mà không nghe cái hơi ấm ấy, tức thì có cảm giác như nhà hoang chết chủ hay là sự thiếu thốn của một gia đình. Thực tế thì ở nhà quê, sau khi nấu ăn xong, nguời ta thường vùi củi dưới mớ tro xốp để luôn luôn có lửa âm ỉ cháy tối ngày sáng đêm cho ấm căn nhà. Mùi thơm thực phẩm làm cho cơn đói cồn cào trong bụng tôi thức dậy. Giữa lúc đó, Thím Tư tôi từ nhà bếp bước lên nói với chúng tôi :
- Mấy cháu ra ngoài lu nước bên hông nhà, rửa mặt cho tỉnh táo rồi đi ăn cơm. Bà Nội và Thím ăn cơm rồi từ hồi sẳm tối. Ở nhà quê chớ không phải như ở Sài Gòn, ăn cơm sớm lắm.
Chúng tôi, tám đứa, kể cả mấy đứa em con Chú Tư, ngồi vào bàn ăn ở gian nhà chái. Bữa cơm không có gì gọi là cao lương mỹ vị vì đây là quê nhà, cũng như phần lớn các miền quê Nam Việt. Trên bàn gồm có mươi miếng cá lóc kho, bông bí rợ xào thịt ba rọi, canh rau mồng tơi nấu với tôm khô, đậu rồng và một dĩa nước mắm nhỉ. Thúng trái cây cam, quít, bưởi và măng cụt, có lẽ vừa mới hái ban chiều để ở góc nhà. Thật sự có thể nói là một bửa cơm đạm bạc chớ không như ở Sài Gòn, chúng tôi được ăn nhiều món có phần bổ dưỡng hơn trong một bửa ăn như thịt bò, thịt heo hay thịt gà, tôm, cua và các thức khác như bơ, trứng, phó mát, uống sữa sóc với trái cây và kem lạnh tráng miệng nhưng lại dễ sanh bịnh hơn.
Dở nồi cơm thơm phức, tôi múc đầy vào chén, chan canh và lua lấy, lua để, một phần vì đói và một phần vì cảm thấy cơm thơm ngon quá, khác hẳn với cơm của chị Sáu làm bếp cho nhà tôi ở Sài Gòn. Tôi hỏi Thím Tư :
- Cơm ngon quá, chắc là gạo mới phải không Thím Tư ? Cháu chưa ăn gạo ngon như vầy ở Sài Gòn. Loại nầy tên là gì vậy ? Hèn chi mà cơm thơm quá. Ở Sài Gòn má cháu cũng mua gạo thơm về nấu, mà sao cơm không được thơm như vầy. Hay là chị Sáu không biết nấu cơm ?
Bà nội tôi nói:
- Hổng phải vậy đâu, tại ở Sài Gòn nấu cơm bằng dầu hôi nên cơm không thơm ngon . Ở đây người ta nấu cơm bằng củi hoặc than nên hột gạo nở đúng theo sức nóng. Rồi xới cơm đều tay bằng hai chiếc đũa bếp, khi vừa cạn nước. Lò dầu hôi khó canh lửa nên khi cháy mạnh quá, đôi khi táp gạo, làm cho hột gạo nở không đều, mất thơm.
Quay đầu lại nghe Bà Nội tôi nói rồi hỏi tiếp :
- Vậy chớ ở đây mình nấu cơm bằng củi gì ?
- Đủ loại và tùy theo mùa. Những ngày thường thì dùng củi vựa ở sau nhà, đủ loại cây cắt khúc hoặc quơ quào mấy nhánh cây rụng đem về làm củi. Ba năm về trước, hồi Hai Thính, hàng Bác của con, ở ngoài vàm Tân An Luông còn làm than ở Cà Mau thì thỉnh thoảng có đem về cho than đước Nấu cơm bằng than đước cũng ngon lắm.
Trời đã tối sầm, phần đi đường xe mệt mỏi nên mấy đứa chúng tôi ngáp dài. Bà tôi thấy vậy bảo chúng tôi đi ngủ, rồi mai mốt nói chuyện tiếp. Mặc dầu buồn ngủ nhưng tôi vẫn muốn nghe để hiểu biết những gì ở quê tôi. Lúc theo ba tôi lên Sài Gòn thì mới hơn 6 tuổi nên chẳng biết gì. Thỉng thoảng cũng nhớ lại làng quê nhưng đó chỉ là những hình ảnh kỹ niệm ấu thời mơ hồ không hiểu xâu xa.
Trời vừa tờ mờ sang, khi nghe tiếng gáy của con gà trống cồ là tôi đã choàng dậy. Nhưng không ngờ là Bà Nội và thiếm tôi đã thức dậy rồi. Tôi bước ra ngoài sân, mặt trời chưa ló dạng, khí trời lành lạnh, cảnh vật vẩn còn nằm im trong cơn cuối giấc ngủ đêm. Thỉnh thoảng tiếng gà hàng xóm, tiếng chó sủa vang vọng lại nghe cô đơn, lạc lỏng. Tôi hít mạnh hơi thở vào lồng ngực, nghe mùi thơm man mác lẫn lộn mùi bông bưởi, bông sao, mùi củi cây, mùi lúa chin, mùi rơm khô, mùi rau, mùi đậu. Những mùi thơm nầy chừng như đã thấm trong máu của tôi, trong từng thớ thịt, không dứt ra được.
Tôi bước qua nhà Ông Cố thứ ba chúng tôi, tức là em kế của Ông Cố tôi. Ông sống một mình sau khi Bà Cố qua đời. Năm nay Ông đã ngoài 80 nhưng vẫn còn khỏe mạnh, ông thường đi múc nước dưới song khi nước lớn, dự trử trong cái mái gầm. Bên hông nhà Ông có 4,5 cái mái gầm, mỗi cái vào khoảng 200 lít, bên trên được đậy kín bằng nắp cây. Những ngày trời mưa thì Ông hứng nước từ mái nhà vào mái để dung. Gần như quanh năm suốt tháng lúc nào nhà Ông cũng có nước mưa ngọt lịm.
Tôi bước vào nhà thì thấy Ông đang ngồi quấn đếu thuốc rê bên cạnh bàn trường kỷ cẩn ốc xa cừ, chân quì, gia tài của Ông Sơ tôi để lại cho Ông.
Tôi cúi đầu nói :
- Thưa Ông Cố
- Ừa ! Tụi con mới về đó à.
- Dạ ! Về từ hồi hôm nhưng không dám qua vì muốn để cho ông Cố nghỉ sớm.
- Ừa ! Ông Cố ngủ sớm lắm.
Ông kéo tôi lại vò đầu và hỏi :
- Ba Má con mạnh khỏe không ?
- Dạ thưa mạnh.
- Con ăn lót lòng chưa ?
- Thưa chưa.
Nghe vậy Ông kéo tôi ra nhà bếp, chỉ cho tô cháo đậu xanh bảo tôi ăn. Cầm tô ra ngoài để múc nước rửa thì thấy Ông Cố tôi đang bang đống vỏ măng cụt ra. Tôi hỏi ông :
- Ông Cố phơi vỏ măng cụt làm gì vậy ?
- Ông phơi nó để chụm bếp. Vỏ măng cụt phơi khô làm củi, nổ lách tách như than đước Cà Mau vậy. Lúc nầy thì có vỏ măng cụt, lúc gần Tết thì ông lượm mấy nhánh sao gảy rớt ở đường làng mà xài. Củi sao đốt lên nghe thoang thoảng mùi mưa phùn, gió bấc. Hồi ông còn nhỏ, ông Sơ của con cứ nói hoài. Ông Bà mình theo Cần Vương vào trong Nam khi Ông chưa sanh ra. Tính ra Ông Bà mình lập nghiệp ở làng nầy hơn một thế kỷ nay. Bụi mía phía sau nhà Ông ngày xưa là hồ cá, cái nhà Ông Cố bây giờ là vựa lúa nuôi nghĩa quân. Đến khi đánh nhau với Tây, nghĩa quân thua trận chạy về đây báo tin, rồi đi khắp nơi. Ông sơ con sợ Tây vào xúc lúa đi nên tuôn lúa dưới hồ.
- Vậy còn cái đống dăm bào kia, Ông Cố để làm gì ?
- Cũng để chụm bếp. Cái thứ nầy tốt lắm và khi nấu lên cơm thơm phức. Ông Cố chứa một đống để nấu cơm ăn quanh năm suốt tháng. Chú Năm thợ mộc ở xóm dưới, cứ vài bữa là đem cho Ông một bao cà ròn. Loại dăm cây nầy là tiện từ những gỗ quí như trắc, cẩm lai, huỳnh đàn nên nó thơm lắm. Ngọn lửa của dăm tiện rất dai dẳng, không tắt, mà mỗi lần ngọn lửa bắt lên, hình ảnh ngọn lửa như ngọn lửa thiêng của dân tộc mình.
* * *
Từ đó về sau, trong suốt hai mươi năm tiếp theo, tôi vẫn thường xuyên về thăm quê nhà. Tôi cảm thấy có một sợi dây vô hình nào ràng buộc tôi với xóm làng. Đôi ba năm xa vắng vì sinh kế, tôi cảm thấy bồn chồn, ray rức, dù rằng tôi chỉ sống một thời gian ngắn ngủi ở đấy. Tôi như cây bần không dứt được rễ khi đã bám vào đất quê hương để lớn lên. Vì vậy cây bần hay bất cứ loại cây nào khác, nếu đem trồng nơi đất khác, khi đã bắt rễ rồi thì dù cây kia có trổ hoa lá xum xê hay màu chói rạng cũng không có được đặc tính nguyên thuỷ của nó. Bởi đó, nay sống xa cách quê hương, nhưng lòng tôi lúc nào cũng hướng về nơi đó. Tôi cũng mạn phép nghĩ rằng mọi người chúng ta chắc hẳn cùng mang tâm trạng như nhau.
Riêng về lời nói của Ông Cố tôi, sau những năm dài suy nghĩ, tôi vẫn chưa hiểu được hết ý của Ông nhưng phải chăng Ông muốn nói đến một lễ tục của nền Văn Hóa Tâm Linh Việt Nam tức là đợt tâm thức quân bình của dân tộc Việt Nam chúng ta từ ngàn xưa để lại. Nhìn chung, con người Việt Nam, dù nay phải sống trong xã hội Tây Phương, với nền văn hóa khác biệt, nhưng chúng ta phần lớn đã đạt được sự quân bình trong nếp sống vì tất cả mọi người chúng ta có lẽ đều nhận ra được chỗ hội thông Thìên- Địa- Nhân. Hầu như mọi người chúng ta đều giữ lửa trong lòng.

Tuấn Thy - Tháng Tư 1997

NHỮNG BÀI THƠ CỦA TUẤN THY



NHỮNG BÀI THƠ

CỦA

TUẤN THY



Bếp lửa Quê Hương

Em có nhớ cánh đồng xanh quê mẹ
Có ngắm nhìn những vẻ đẹp thân yêu
Khi khói lam vương quyện ánh quang thiều
Trên bếp lửa cơm chiều ai thổi ấm

Em có nghe thoảng hương trầu nồng thắm
Quấn thân cau lá trổ đậm vàng mơ
Trong vườn sau màu tím lá mồng tơi
Ngày xưa dó làm mực chơi viết chữ

Nghe man mác hương thơm hoa chớm nụ
Bướm vờn quanh rực rỡ cánh muôn màu
Đám rau dừa rãi rác ở bàu sâu
Dưa điên điển, mắm nào kho thơm ngát

Trong gió lộng, sáo diều lên tiếng hát
Thảm đồng xanh ngào ngạt lúa mạ non
Trên cành cao ríu rít tiếng chim con
Chờ chim mẹ tha mồi ngon lót dạ

Em có thấy nắng hồng chen qua lá
Hoa hướng dương vội vả nở hừng đông
Chợ làng trên tấp nập kẻ gánh gồng
Rau, khoai, sắn, cá đồng quê nội ngoại

Em còn nhớ tuổi ngây thơ bé dại
Nghe Thầy Cô kể lại chuyện ngày xưa
Gương tiền nhân; sách sử chẳng ai thừa
Giữ đất nước dưới mưa tuôn thù địch

Ngôi trường cũ hẳn hoang vu tịch mịch
Chẳng học trò quấn quit kể nhau nghe
Bắn bi cau non nhặt phía sau hè
Mùa hạ nắng, tiếng ve thay tiếng trống

Cô giáo trẻ thoáng nghe lòng giao động
Lắng tai nghe câu hát đối mẹ hiền
Thương làm sao sự tích Lục Vân Tiên
Vì hiếu nghĩa, công danh đành lỡ vận

Nắm tay nhau em vào vườn hái mận
Như ngày xưa mới lớn tuổi xuân thì
Hay ngắm nhìn rực rỡ đóa Tường Vi
Để tìm lại quãng đời ta đã mất

Rồi ta sẽ cùng nhau xây cuộc đất
Em trồng hoa, anh cất mái thảo đường
Khi ban mai còn đọng những giọt sương
Trên cành lá trỗ thương màu xanh biếc

Ngâm nho nhỏ lời thơ anh đã viết
Bếp lửa hồng tha thiết thấm tình quê
Chuyện tình buồn thôi kể lại ai nghe
Thời chinh chiến, trôi về theo dĩ vãng

Tuấn Thy

Bến phà Mỹ Thuận

Tôi vẫn nhớ mỗi lần về cố quận
Qua bến phà Mỹ Thuận, Cửu Long Giang
Nhìn Tiền Giang nước cuộn chảy dịu dàng
Thuyền xuôi ngược rẽ ngang về muôn nẽo

Cảnh tấp nập, người đi tay xách kéo
Dẫu đường xa lèo lái chiếc thuyền con
Đám lục bình trôi dạt cuối gành non
Vẳng tiếng hát ru con buồn áo não

Trên chiếu nhỏ, âm thầm người hát dạo
Tiếng tơ trên đàn gáo, trỗi ngọt ngào
Ngậm ngùi lên cung oán những hận sầu
Trong ca khúc thương đau, đời chiến sĩ

Đường chinh chiến xông pha chưa thỏa chí
Tuổi trung niên, phú quí đổi tật nguyền
Ngỡ tình ai còn lại nghĩa hương quyên
Nguồn hạnh phúc, tơ duyên tan chỉ thắm

Ôi ! Khanh tướng, công hầu chua chát lắm
Con đường tình nồng thắm trở sang ngang
Quãng đời qua, huyển ảnh với phủ phàng
Dòng tâm sự trong tiếng đàn cay đắng

Rồi lần đó, tôi về ngang sông lạnh
Nước trường giang, hiu quạnh gió thê lương
Chừng nghe như cung khánh ở vệ đường
Vài lữ khách khấn hương người nghệ sĩ

Còn ai nhớ, những tiếng đàn tuyệt mỹ
Một đời chưa thỏa chí với sơn hà
Mà tình riêng dang dở lệ lòng sa
Trên trần thế, tài hoa luôn vũ bão

Tuấn Thy 31 Juillet 1995

Trường làng tôi

Tôi nhớ mãi ngôi trường xưa yêu dấu
Ở đầu làng, rào dậu lá xanh xanh
Bên dòng sông uốn khúc nước trong lành
Soi rõ bóng dừa xanh đừa theo gió

Nóc nhà trường lợp âm dương ngói đỏ
Theo tháng ngày mái đậm cỏ rêu phong
Hai bên trường, vách đất quét vôi nồng
Ghi vết tích anh hùng trong sử Việt

Trong sân trường vài tượng thờ anh kiệt
Hai Bà Trưng, Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương
Đấng anh hùng Lê Lợi đất Lam Sơn
Và Nguyễn Huệ Quang Trung cùng Triều Nguyễn

Những hình ảnh tạc ghi đều tâm nguyện
Lời Thánh nhơn dạy bảo, đọc ê a
Nền Đông Phương cổ học nét tinh hoa
Lấy truyền thống dung hòa đường kỹ thuật

Và Thầy tôi, một tinh thần Đạo Đức
Của người dân nước Viẽt chí cang cường
Suốt cả đời chỉ có một tình thương
Yêu dân tộc, quê hương như từ mẫu

Tôi vẫn nhớ những chiều tan trường học
Nghe sáo diều trổi khúc điệu buồn tênh
Của mục đồng hay văng vẳng từng trên
Tiếng chuông mõ làng bên vang vọng lại

Trên đường làng đến trường tôi luôn thấy
Bác nông phu nhẫn nại xới đất cày
Cánh đồng gieo rãi giống những bàn tay
Mùi lúa mạ thơm say hương lúa mới

Và mỗi độ khi hè về nắng cháy
Tiếng ve sầu gảy khúc nhạc chia tay
Trên sân trường phượng vĩ rụng mưa bay
Màu úa đậm, vẫy tay chào lưu luyến

Những thay đổi theo dòng đời chinh chiến
Ai còn nghe tiếng trống báo hiệu trường
Thầy bạn tôi tản lạc khắp muôn phương
Có nhớ lại ngôi trường xưa xóm nhỏ?

Nếu ai có về thăm lần nào đó
Mái trường xưa làng nhỏ ở ven song
Xin cho tôi nhắn gởi chút tơ lòng
Thương nhớ mãi ngôi trường thời thơ ấu

Tuấn Thy - 10 Septembre 1993

Tấc lòng nhớ Quê Hương

Mỗi lần Tết đến chốn viễn phương
Nhớ quê xa cách mấy trùng dương
Có không chờ đón mùa Xuân thắm
Hay vẫn triền miên lạnh gió sương

Mười năm lưu lạc luôn mơ ước
Nhìn thấy mai vàng nở trước sân
Chim én reo vui trên thành phố
Vang rền tiếng pháo đón mừng Xuân

Để nghe mùi lúa chín vàng thơm
Gõ nhịp chày ba cạnh mái rơm
Hò hát trai trao lời ước hẹn :
« Chờ mùa lúa chín sẽ thành hôn »

Để thấy hàng cau ở vệ đường
Giây trầu quấn quít tỏ tình thương
Dang tay tôi hái chùm rau đắng
Trộn mắm thơm nồng tỏa ngát hương

Quanh co ngõ trúc đến vàm sông
Lượm trái mù u, hái nhãn lồng
Lữ khách sang đò vui tiếng hát
Lời trao cô lái má thêm hồng

Để thấy em thơ dáng ngại ngùng
Tóc thề buông xỏa tựa sầu dâng
Đưa tay em ngắt cành hoa mộng
Hạnh phúc nào mơ đến một lần

Mơ thấy trường xưa vẫn lao nhao
Học trò năm bảy gọi tên nhau
Đường làng chen chúc chiều chung bước
Thẳng tắp trời xa rặng trâm bầu

Thương nay tuổi dại đón Xuân sang
Níu khách : mời ông khéo mở hàng
Chạy bán quà rong trên hè phố
Nay thôi cắp sách lệ tuôn tràn

Thầy nay từ bỏ nghiệp đồ văn
Tủi nhục đau thương sống cơ hàn
Rao bán sàch con không người hỏi
Dằn tâm uốt lệ tiếng thở than

Giáp kỷ em thơ má đỏ hồng
Đời buông theo nhịp sống cuồng phong
Lã lơi ong bướm mời mọc khách
Nào biết tương lai có hay không ?

Đò nay vắng khách quá giang song
Già nua đẩy mái bước chân rung
Năm tháng ngậm ngùi, dòng tâm sự
Lai Xuân ông vẫn mỏi mòn trông

Phù sa nước ngọt chảy xuôi dòng
Đồng lúa quê nhà vẫn trổ bông
Đói lạnh dân lành chưa ấm áo
Lầm than năm tháng trĩu lưng còng !

Thơ Xuân tôi viết giữa mùa Đông
Nhấp chén sầu thay rượu ấm lòng
Mơ ước Xuân sang, màu tươi thắm
Mai đào rạng rỡ khắp non sông

Tuấn Thy - Xuân Ất Hợi 1995