Sunday, September 28, 2014

NẮNG ẤM HOÀNG HÔN

 Thơ Uyên Hạnh
26.01.2013
 
Thuyền Trưởng PHẠM NGỌC LŨY vừa ăn mừng Sinh nhật thứ 93. Bài thơ NẮNG ẤM HOÀNG HÔN viết kính tặng ông, tri ân vị thuyền trưởng đã đưa gần 4.000 thuyền nhân đến 16 quốc gia dân chủ tự do trên thế giới.

NẮNG ẤM trong bài thơ nầy là tấm lòng và sự can đảm của Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy đã cưu mang gần 4.000 thuyền nhân trên chiếc tàu TRƯỜNG XUÂN vượt biển ngày 30 tháng 4 năm 1975. HOÀNG HÔN là cảm tác từ câu thơ ”Tôi đang đi trong bóng xế cuộc đời” ông đã viết trong phần mở đầu quyển ”HỒI KÝ MỘT ĐỜI NGƯỜI” của mình:
Tôi đang đi trong bóng xế cuộc đời
Và gởi gấm tất cả tâm hồn vào những dòng viết

NẮNG ẤM HOÀNG HÔN
”Trong bóng xế cuộc đời”
Có chiều dài từ Bắc vào Nam
Đo bằng những tháng năm trôi nổi
Có chiều sâu biển đời hun hút
Đo bằng những chuyến hải hành
Của người thuyền trưởng Trường Xuân
Một trái tim rộng lớn vô ngần
Đã biết thương và cùng cảm nhận
Nỗi khổ vô vàn và bất hạnh của Quê hương
 
”Trong bóng xế cuộc đời”
Có duyên lành từ làn sóng biển xanh ngàn trùng thăm thẳm
Đưa con tàu về neo bến Sài Gòn
Một ngày 30 tháng Tư đen
Khi kinh hòang trải dài từ đất liền đổ ra tới biển
Sài Gòn rên siết trên bước chân người hoang mang hỗn lọan
Hướng về biển cả mênh mông
Bỏ lại sau lưng uất hận nghìn trùng
Đem quằn quại đớn đau làm hành trang rời Đất Mẹ
 
Vượt trùng dương trong hãi hùng lòng đau tan nát
Gần bốn ngàn người đen nghịt Trường Xuân
Không nguồn lương thực, không nước uống.. khốn cùng!
Hai tay trắng, một thủy thủ đòan,
Cùng trái tim tràn tình người và một niềm hy vọng
Hướng con thuyền nặng nỗi buồn của hằng ngàn người ôm đớn đau thất vọng
Ra giữa ngàn trùng bát ngát mênh mông…
Trời nước thênh thang, ông ôm một khát vọng vô vàn
Trải tình người từ cuối thuyền đến đầu mũi lái
Người thuyền trưởng đưa con tàu đi mãi…
 
Bao bọc cưu mang gần bốn ngàn sinh mạng
Sóng gió bềnh bồng vẫn vững tay lái Trường Xuân
Bằng lòng sắt son và dũng khí vô ngần
Đưa thuyền nhân rời xa quê hương mịt mùng nhuộm đỏ
Sóng vỗ trùng khơi, Việt Nam ơi, xa rồi Đất Mẹ!
Lòng quặn thắt, tâm tư buồn gửi lại
Hẹn ngày về cùng no ấm có nhau
Có Tự Do đất Mẹ đẹp muôn mầu
Và cơm áo cùng nhau chia hưởng
 
”Trong bóng xế cuộc đời”
Có chuyến hải hành vạn dặm một ngày xưa
“Trong bóng xế cuộc đời”
Có hôm nay với hằng ngàn nụ cười rạng rỡ
Của thế hệ trẻ của thế hệ già
Có niềm vui bên bát cơm gạo trắng bình an
Dưới bầu trời xanh, trắng mây ngàn, thân viễn xứ
Bằng sức sống và mồ hôi trên xứ người Dân chủ
Của tấm lòng yêu chuộng Tự Do
”Trong bóng xế cuộc đời”
Có ông, người dân Việt, dù cơm áo ấm no
Mà lòng vẫn nặng hòai tình quê Mẹ
Hơn ba chục năm qua ông chưa nguôi dòng lệ
Nhỏ trên nỗi buồn một cuộc chiến đau thương
Dùng tình thương ông trải vạn dặm đường
Nuôi lớn mãi tình quê hương không mai một
Vì đất Mẹ, nối vòng tay Dân Chủ
Trên những hạt mầm ông gieo cấy công phu
Chờ nắng về trên quê hương chiếu rọi xóa âm u
Người dân sẽ có Nhân Quyền ấm no đầy đủ
Một hòai bão ấm tim ông, người lữ thứ
Góp ân tình ông nhóm lửa quê hương
Đốt cháy đau thương diệt bằng được căm hờn
Và hãnh diện làm con dân nước Việt.
Cám ơn ông một chân tình bất diệt
 
Mầu thời gian dẫu độc quyền để đong tuổi tác
Không độc quyền giảm lửa ấm ở tim ông
Cám ơn Đời, người thuyền trưởng ân nhân
Dù hiện tại khi phiêu bồng ngủ yên trong đáy mắt
Dù vết đồi mồi đã thay làn da rám nắng
Vẫn có nụ cười thắm đậm một tình thân
Như nắng ban mai như ánh trăng rằm
Sẽ sáng mãi lửa tình người trong tim ông nồng ấm
 
UYÊN HẠNH

QUAN TÀU TƯỜNG

Saturday, January 26, 2013

Tác giả và Quan tàu Tường
Sau cùng thì Quan Tàu Tường cũng được mãn nguyện, được ra đi theo diện "Đoàn Tụ Bạn Bè" để gặp lại những bạn bè củ đang chờ đợi Ông bên kia thế giới sau bao năm dài xếp hàng chờ đợi. Ông sống cũng buồn lắm với một cơ thể già yếu bệnh hoạn với số tuổi trên tám mươi, đi còn không vững, nên đi đâu phải có người đi kèm ; đối với một người năng động, thích xông xáo hoạt động thì đó là một điều khổ tâm không ít. Những người bạn thân thiết nhất với Ông như anh Tống Hữu Sáo, Mai Hữu Lễ, Nguyễn văn Phước, Reboul Augustin, Lê Hồng Phi … đã ra đi hết rồi và gần đây nhứt là Jean Ducasse, nhỏ hơn Ông một tuổi thuộc thế hệ của Ông mới vừa ra đi cách đây bốn tháng nên chỉ còn Ông còn sót lai như cây cổ thụ cuối cùng. Ở bên Tây, Hội Hàng Hải thỉnh thoảng có tổ chức ăn chung vài ba tháng một lần, số người chỉ có không đầy một chục gồm cả mấy vị phu nhân, tất cả đều đã về hưu và chỉ có tôi là tên trẻ nhất trong đám và vẫn còn làm việc. Người già sống với dĩ vãng, chỉ nhắc đi nhắc lại những chuyện củ, trên trời dưới đất, nghe nhiều lần cũng nhàm, ngoài ra thì chẵng có đề tài nào mới và hấp dẫn, nên tôi có nói chuyện cũng ráng nghe. Tôi với Ông thuộc hai thế hệ tuổi cách nhau khoảng hai con giáp nên gặp nhau tôi chỉ có thể hỏi thăm tin tức về sức khỏe và nói chuyện bông lông chớ chẵng biết nói chuyện gì khác. Cuộc đời Ông gắn bó với nghiệp hải hồ, Ông nhớ rõ những chuyến đi trên những chiếc Cypréa, Great Ocean, Bintang Utara, Tung Pao ; những lúc thời tiết thật xấu, làm navigation à l'estime trên chiếc Great Ocean chẵng hạn trên đường đi từ Singapore về Sài Gon, bị bảo, trời bị mây che phủ, không có cái point nào hết, cuối cùng phải chạy đâm vào bờ và nhận ra Poulo Cécir de Mer được Ông kể lại rõ ràng với nhiều chi tiết, cũng như nó mới xảy ra ngày hôm qua.
          
Tôi được đi với Ông trên chiếc Cypréa rồi Tung Pao, Bintang Utara cho đến khi mất Sài Gòn và qua Pháp cùng một lượt. Những lúc tàu Bintang Utara neo ở Singapore không trở về Sài Gòn, đêm nào hai Thầy trò cũng thả bộ đi ăn tối ở khu Ngầu Xé Xủi, hoặc ăn mì cà ry ở tiệm mì Hòa Hợp trong khu đó, khi nào đổi món thì có hủ tiếu Sa tê, món đặc biệt của Mã Lai. Đối với dân đi tàu Việt Nam thì những cái tên như Hồng Tấn Mã Thầu, Ngầu Xé Xủi, tiệm Thằng Gù Beauté, Cẩm Chướng là những tên rất quen thuộc. Khu Ngầu Xé Xủi là khu chợ chuyên bán về đêm, mở cửa đến mấy giờ sáng, có bán quần áo, đồ ăn uống đầy đủ không thiếu, dân đi tàu tụ tập ở đây vì không xa bến tàu, lấy ghe trở về chổ neo tàu không xa. Thật là xứ thanh bình, không biết đến chiến tranh, thiên hạ vui chơi, không lo lắng, chính quyền trong sạch, đi chơi khuya đến sáng cũng không sao, thiên hạ đua nhau làm giàu nhờ … chiến tranh xứ khác, trong khi ở Việt Nam chiến tranh lên đến cao điểm, chết chóc đau khổ ngút trời, quả là hai thái cực ở hai quốc gia cách nhau không xa, như thiên đàng và địa ngục. Thế hệ của Ông gắn liền với những tên tuổi lớn của nghành HHTTVN, của những vị lãnh đạo của Hải Quân Việt Nam, điều đó cũng đễ hiểu vì chính những vị đó cũng xuất thân từ những khóa đầu tiên của Trường Việt Nam Hàng Hải. Viết đến đây tôi cũng mường tượng cảnh ngồi với QT Tường nhậu sò huyết chấm tương ớt với bia Đại Hàn hay lẫu , ở Singapore gọi là Steam Boat khoảng đầu năm 1975, tính đến nay cũng gần 40 năm rồi.

Điều đáng để ý, không biết quí vị có nhận thấy không, mấy ông đi tàu, đa số đều chết trước vợ. Quá ! chắc mấy bà hành hạ mấy ông dữ quá, cứ càm ràm, ngắt véo tối ngày trong mấy chục năm trời chịu sao thấu nên họ chiu không nổi, bỏ đi hết không dám trở về, biết đâu xuống dưới tha hồ có bồ mới, khỏi sợ mấy bà đánh ghen, coi bộ khỏe re.

Hôm họp mặt tháng 11 năm ngoái, QT Tường có than thở với anh Thụy, tôi cũng có mặt ở đó, nói là có lẽ Ông còn nợ bà vợ nên chưa đi được và nói thêm là khi nào có đám tang Ông anh Thụy nhớ đi dự, phải chăng là lời báo trước về chuyến đi xa cuối cùng của Ông ? Và trong đám tang của Thầy Ducasse, QT Tường có nói trước quan tài rằng "Ông Ducasse đi trước, tôi sẽ theo sau" ; mà quả thật, Ông nối gót theo thật. Trong vòng khoảng 4 tháng, dân HHTTVN đã mất đi hai gương mặt lớn, coi bộ năm Thìn tốt nên nhiều người thích ra đi ? Nhìn cơ thể Ông suy yếu, đi mỗi hai chục thước là Ông phải dừng lại để nghỉ thì cuộc sống đối với Ông quả là một cực hình, chúng ta tuy buồn vì mất đi một gương mặt lớn nhưng nếu tưỡng tượng như QT Tường hiện giờ đang bàn tính đón Xuân với mấy người bạn già như Mai Hữu Lễ, Tống Hữu Sáo, Lê Hồng Phi, Reboul Augustin, Đoàn Luyện…. hay đang nhậu la ve với tôm khô củ kiệu, bù khú với nhau bên kia thế giới thì chúng ta cũng không nên quá đau buồn khi xa cách. Đời sống con người nằm trong định luật Sinh Trụ Hoại Diệt và hồi sinh, hoàn tất một giai đoạn lại tiếp tục giai đoạn kế tiếp, sự tiến hóa không bao giờ chấm dứt, linh hồn con người có chết bao giờ đâu. Bây giờ QT Tường đã rời bỏ thể xác, linh hồn tự do bay nhẩy, bây giờ chạy đua với ổng chưa chắc ai chạy lại. Giờ đây Ông đã đi xa, tôi xin ghi lại đôi dòng tưởng nhớ đến những kỹ niệm xưa, lúc còn đi chung tàu, xin Ông được an nghỉ trong vòng tay thương yêu của Thiên Chúa.

Còn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán, thông thường lúc nầy Đất Trời đang vào Xuân, chim én đang trở về bay lượn trên những cánh đồng đã gặt còn trơ những cuốn rạ mang tin Xuân, bầu trời xanh lơ cao vút, gió chướng vi vu mang hơi gió lạnh mát. Dù ngoại cảnh có thay ra sao đi nửa, hương Xuân trong lòng mọi người vẫn còn tồn tại mãi mãi không phai lạt với thời gian, mùa Xuân là mùa Hồi Sinh sau mùa Đông băng giá, chúng ta hãy cùng nhau gạt bỏ hết những ưu phiền nặng nề, những cố chấp của đời sống đang đè nặng tâm thức, hướng về sự nhẹ nhàng, tươi đẹp, trong sáng của Càn Khôn Vũ Trụ để chào đón Mùa Xuân đang đến, và nhân dịp nầy cũng kính xin gởi đến Quan Tàu Tường những lời chúc tốt đẹp nhứt cho sự tiến hóa của Ông trong đời sống tiếp tục bên kia thế giới.

Nguyễn Hiếu Liêm

Về cuộc hải chiến Hoàng Sa

Friday, January 18, 2013

Bia chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa trước năm 1974. Ảnh: hoangsa.org
Bia chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa trước năm 1974. Ảnh: hoangsa.org

Cuộc hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Hải quân Trung Quốc (TQ) ngày 19-1-1974 đã được viết nhiều rồi. Bài nầy chỉ xin trình bày vài khía cạnh về hoàn cảnh xảy ra cuộc hải chiến, nguyên nhân đưa đến cuộc hải chiến và phản ứng sau cuộc hải chiến.

1- HOÀN CẢNH XẢY RA CUỘC HẢI CHIẾN
Cuộc hải chiến Hoàng Sa xảy ra mgày 19-1-1974, gần tròn một năm sau hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Hiệp định Paris là một hiệp định ngưng bắn da beo, theo đó Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam, lấy lại tù binh Hoa Kỳ từ phía cộng sản (CS), trong khi lực lượng Bắc Việt Nam (BVN) vẫn đóng quân tại chỗ ở Nam Việt Nam (NVN). Sau hiệp định Paris, nhiều biến chuyển dồn dập xảy ra:
Tuy đặt bút ký hiệp định Paris nhưng chính phủ VNCH vẫn giữ lập trường “bốn không” đã được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đưa ra từ năm 1971, nghĩa là không liên hiệp, không cắt đất, không hòa giải, không chấp nhận CS. Trong khi chiến trường tiếp tục sôi động, tình hình chính trị nội bộ VNCH khá bất ổn, nhất là khi xảy ra hoạt động sôi nổi của phong trào chống tham nhũng, bắt nguồn từ hai văn thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thứ nhất là “Thư chung của Hội đồng Giám mục” ngày 29-9-1973 và thứ hai là “Tuyên ngôn của Hội đồng Giám mục” ngày 10-1-1974, “nói về việc đất nước có thể mạt vong vì nạn tham nhũng và kêu gọi một cuộc cách mạng để cứu nước.” (Trần Đông Phong, Việt Nam Cộng Hòa, 10 ngày cuối cùng, Fountain Valley, CA: Nxb. Nam Việt, 2006, tr. 179.)
Về phía BVN, sau hiệp định Paris, bộ Chính trị đảng Lao Động (LĐ) triệu tập Quân ủy Trung ương cùng các tư lệnh chiến trường của CS ở miền Nam họp hội nghị tại Hà Nội vào cuối tháng 4-1973 và đưa ra nghị quyết 21 để chuẩn bị kế hoạch chiến tranh trong thời gian tiếp theo. (Trần Văn Trà, Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, Tp. HCM: Nxb. Văn Nghệ, 1982, tr. 50.)

Theo nghị quyết nầy, bộ Chính trị đảng LĐ cho rằng hiệp định Paris quy định chấm dứt các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam tức Hoa Kỳ không còn sử dụng máy bay trở lại hoạt động, là cơ hội thuận tiện cho BVN gởi thêm bộ đội và tiếp liệu vào Nam, nhằm chuẩn bị những trận đánh sắp đến. Để thực hiện điều nầy, hội nghị trên đây quyết định xây dựng, phát triển và hoàn thiện các đường giao thông vận tải đông và tây Trường Sơn, nối dài thêm ống dẫn dầu, vào đến Bù Gia Mập, quận Bố Đức (Bù Đốp) tỉnh Phước Long. (Bộ Quốc Phòng CHXHCNVN, Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2005, tr. 709.) Tính đến cuối tháng 10-1973, BVN đưa thêm vào miền Nam khoảng 70,000 quân, 400 xe tăng, 200 khẩu trọng pháo, 15 súng phòng không, xây dựng 12 phi đạo. (John S. Bowman, The Vietnam War, Day by Day, New York: Maillard Press, 1989, tr. 212.)

Bắc Việt Nam không ngừng tiếp tục tấn công Nam Việt Nam. Ngay sau hiệp định Paris, tại Quân khu I VNCH, CS liên tiếp tấn công các tiền đồn, các căn cứ quân đội VNCH từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Tại Quân khu II, CS tập trung tấn công vào các tỉnh duyên hải, nhất là kiếm cách cắt đứt các trục giao thông quan trọng: quốc lộ 1 (chạy dọc bờ biển), quốc lộ 19 (Quy Nhơn – Pleiku), quốc lộ 21 (Nha Trang – Ban Mê Thuột), quốc lộ 14 (chạy theo hướng bắc nam giữa các thành phố miền cao nguyên Kontum – Pleiku – Ban Mê Thuột). Tại Quân khu III, CS dự tính đánh chiếm Tây Ninh làm thủ đô của Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, nhưng không thực hiện được. Ngày 25-3-1973, CS đánh chiếm tiền đồn Tống Lê Chân, (đọc trại từ chữ Tonlé Chombé), giữa hai tỉnh Bình Long (bắc) và Bình Dương (nam), mở đường cho CS thông thương giữa hai tỉnh Tây Ninh và Bình Long, và kiểm soát hành lang vận chuyển dọc sông Sài Gòn xuống tới Dầu Tiếng. Tại Quân khu IV, ngày 23-1-1973, quân CS từ Cao Miên tràn qua tấn công các cứ điểm quân lực VNCH dọc biên giới, vùng Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh). Tuy nhiên trung đoàn 14 và trung đoàn 15 Bộ binh VNCH càn quét vùng nầy và giữ vững an toàn thủy lộ Cửu Long, thông thương qua Nam Vang cho đến tháng 4-1975.

Về phía Hoa Kỳ, vào ngày 31-12-1972, Hoa Kỳ còn 24,200 quân ở Việt Nam. Số quân nầy rút đi hết vào ngày 29-3-1973. Sau đó, Hoa Kỳ chỉ còn một tùy viên quân sự và một toán nhỏ Thủy quân Lục chiến để bảo vệ sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, và khoảng 8,500 nhân viên dân sự. (John S. Bowman, sđd. tr. 211.) Cũng từ ngày 29-3-1973, cơ quan MACV (Military Assistance Command, Vietnam) bị giải thể. Thay thế MACV là cơ quan DAO (Defense Attach Office) tức Phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ được thành lập ngày 28-1-1973, do thiếu tướng John E. Murray chỉ huy. Tháng 8-1974, thiếu tướng Homer D. Smith thay thế đến tháng 4-1975.
Ngày 4-6-1973, quốc hội Hoa Kỳ thông qua tu chính án Case-Church, cắt bỏ tất cả ngân khoản cho các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Đông Dương. Tổng thống Richard Nixon vận động quốc hội triển hạn đến 15-8-1973 mới áp dụng, nhằm tiếp tục cuộc dội bom tại Cao Miên. Sau ngày nầy, mọi chi phí chiến tranh Đông Dương phải được sự đồng ý của quốc hội. (Marc Leepson, Helen Hannaford, Webster’s New World Dictionary of the Vietnam War, New York: Simon & Schuster Macmillan Company, 1999, tr. 57.)

Sau tu chính án Case-Church, quốc hội Hoa Kỳ đưa ra “Nghị quyết quyền lực chiến tranh” (War Powers Resolution), nhưng bị tổng thống Nixon phủ quyết ngày 24-10-1973. Dầu vậy, với đa số trên 2/3, quốc hội vượt quyền phủ quyết của Nixon và thông qua nghị quyết ngày 7-11-1973. Nghị quyết nầy giới hạn quyền hành của tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ. Nếu gởi quân ra nước ngoài, tổng thống phải báo cho quốc hội biết trong vòng 48 giờ. Đạo quân nầy chỉ hoạt động ở nước ngoài trong 60 ngày rồi rút về. Nếu quá 60 ngày thì phải có phép của quốc hội. (Marc Leepson, sđd. tr. 437.)

Về phía các nước CS, sau hiệp định Paris, Liên Xô và Trung Quốc không ngừng bí mật viện trợ quân sự cho BVN để BVN tiếp tục chiến tranh. Theo số liệu do Viện Lịch Sử Quân Sự Hà Nội công bố ngày 14-4-2006, thì từ 1973 đến 1975, BVN nhận được tổng số quân viện là 724,513 tấn, gồm 649,246 tấn võ khí các loại và 75,267 tấn hàng hậu cần.(BBC Vietnamese ngày 10-5-2006.) Riêng Trung Quốc và riêng năm 1973 nghĩa là sau hiệp định Paris và trước trận Hoàng Sa, Trung Quốc viện trợ cho BVN 233,600 súng đủ loại, 40,000 viên đạn, 120 xe tăng, và các loại quân nhu, quân cụ khác. Từ tháng 6-1965, Trung Quốc đưa vào BVN một lực lượng lên đến 320,000 quân và chỉ rút hết vào tháng 8-1973. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tt 135- 136.)

Nói chung, sau hiệp định Paris và trước khi TQ tấn công Hoàng Sa, BVN gia tăng tấn công NVN, trong khi quốc hội Hoa Kỳ quyết định cắt giảm viện trợ cho VNCH và giới hạn quyền gởi quân ra nước ngoài của tổng thống Hoa Kỳ và phía CS không ngừng tiếp viện cho BVN. Đây là cơ hội thuận tiện cho TQ ra tay xâm lăng Việt Nam.

2- NGUYÊN NHÂN TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA
Trong lịch sử, nhiều tài liệu chứng tỏ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Qua thời VNCH, tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh số 174 NV ngày 13-7-1961 đặt tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, do một phái viên hành chánh đứng đầu. Quyết định nhập vào tỉnh Quảng Nam có thể dựa vào vĩ độ của quần đảo Hoàng Sa tương đương với vĩ độ của tỉnh Quảng Nam và cũng có thể trạm khí tượng trên Hoàng Sa thuộc Sở Khí tượng Đà Nẵng. Trong khi đó từ Cù Lao Ré hay đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra tới đảo Tri Tôn (cực tây của Hoàng Sa) là 123 hải lý. Ngày 21-10-1969, thủ tướng Trần Thiện Khiêm ký nghị định số 709-BNV/HĐCP sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long, cũng thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam.

Về phía Trung Quốc, TQ tự cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc TQ. Tuy từ đảo Hải Nam (TQ) xuống tới Hoàng Sa là 140 hải lý, nhưng TQ nói rằng từ đảo Hải Nam xuống tới “bãi đá ngầm” (North Reef) của Hoàng Sa là 112 hải lý để chứng minh rằng Hoàng Sa gần TQ hơn Việt Nam. Tuy nhiên, bãi đá ngầm dưới mặt nước biển không phải là đảo nên cách lý luận nầy không được quốc tế chấp nhận. (Vũ Hữu San, Địa lý Biển Đông, Westminster: 2007, tt. 150-151.)
Ngày 4-9-1958, TQ đưa ra tuyên bố về lãnh hải gồm có 4 điểm, theo đó điểm 1 và điểm 4 mặc nhiên khẳng định rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về lãnh thổ TQ và gọi theo tên TQ là Xisha [Tây Sa tức Hoàng Sa] và Nansha [Nam Sa tức Trường Sa]. Điểm 1 và điểm 4 trong tuyên bố của Trung Quốc được dịch như sau: (1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Điều lệ nầy áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa [Xisha tức Hoàng Sa], quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa [Nansha tức Trường Sa], và các đảo khác thuộc Trung Quốc”. (4) Điều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Đài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc…(http://law.hku.hk/clsourcebook/10033.htm)

Đáp lại công hàm ngang ngược trên đây của TQ, Phạm Văn Đồng, thủ tướng BVN, với sự đồng ý của Hồ Chí Minh và bộ Chính trị đảng LĐ, ký công hàm ngày 14-9-1958, tán thành quyết định về lãnh hải của Trung Quốc. Phần chính của công hàm Phạm Văn Đồng như sau: “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên mặt bể.” (Văn bản nầy ai cũng biết, không cần chú thích.)

Lúc đó, trên biển Đông, TQ chưa manh động vì Hải quân Hoa Kỳ còn hiện diện. Tình hình bắt đầu thay đổi năm 1972. Khi qua thăm TQ vào tháng 2-1972, tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon cho các nhà lãnh đạo TQ biết Hoa Kỳ sẽ rút quân ra khỏi Việt Nam. Có tài liệu cho rằng trong cuộc thương lượng giữa hai bên, Hoa Kỳ “ra điều kiện nếu Trung Quốc để cho Mỹ ném bom B 52 ra miền Bắc thì Mỹ sẽ nhường hòn đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc.” Sau đó, “ngày 4-4-1972, khi quân đội miền Bắc đang tấn công dữ đội vào Quảng Trị, người Mỹ cần một áp lực từ phía Bắc Kinh với Hà Nội, Kissinger đã phái Winston Lord tới New York gặp Hoàng Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, để trao đổi một “bức điện miệng” nhắn Trung Quốc: “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách 12 dặm kể từ quần đảo Hoàng Sa.” (Huy Đức, Bên thắng cuộc, tập I: Giải phóng, Saigon: Osin Book, 2012 (bản điện tử): Chương IV: Nạn kiều, mục: Chổi ngắn không quét xa, tt. 102-103.)

Sau hiệp định Paris (27-1-9173), tu chính án Case-Church ngày 4-6-1973 cắt bỏ tất cả ngân khoản cho các hoạt động quân sự Hoa Kỳ tại Đông Dương, rồi tiếp theo là “Nghị quyết quyền lực chiến tranh” ngày 7-11-1973, giới hạn quyền hành của tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ rút hết quân ra khỏi Việt Nam vào ngày 29-3-1973, VNCH một mình chống đỡ VNDCCH, là cơ hội thuận tiện cho TQ thực hiện mưu tính từ bấy lâu nay, bất ngờ xâm lăng Hoàng Sa, dầu TQ đã ký tên trong bản “Định ước của Hội nghị Quốc tế về Việt Nam” ngày 2-3-1973, tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo điều 2 của định ước nầy, các nước tham dự “ghi nhận Hiệp định [Paris] đáp ứng các nguyện vọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam và đáp ứng nguyện vọng tha thiết về hòa bình của tất cả các nước trên thế giới.” (Trong số các nước ký kết định ước ngày 2-3-1973, có TQ do ngoại trưởng Cơ Bằng Phi đại diện.)

Trung Quốc tấn công Hoàng Sa có thể vì các lẽ: 1) Trung Quốc muốn làm chủ vị trí chiến lược Hoàng Sa trên Biển Đông để làm bàn đạp tiến xuống Đông Nam Á. 2) Lúc đó, Hoàng Sa thuộc VNCH, hoàn toàn đối địch với TQ. Giả thiết ngượïc lại, nếu VNCDCH làm chủ Hoàng Sa, thì VNDCCH có thể sẽ giao Hoàng Sa cho Liên Xô, cũng là điều hoàn toàn bất lợi cho TQ. 3) Trung Quốc muốn tìm kiếm tài nguyên dưới lòng Biển Đông ở khu vực nầy. Đó là khí đốt và dầu hỏa.
Nguyên vào ngày 1-12-1970, chính phủ VNCH ban hành luật số 11/70 về việc tìm kiếm, khai thác dầu hỏa cùng những điều kiện về thuế khóa, lệ phí và hối đoái liên hệ. (Công báo VNCH 1970, tr. 8573). Sau đó, chính phủ ban hành sắc lệnh số 3-SL/KT ngày 7-1-1971 thiết lập tại Bộ Kinh tế một ủy ban mệnh danh là “Ủy ban quốc gia dầu hỏa”. (Công báo VNCH 1971, tr. 642). Ủy ban QGDH phụ trách việc nghiên cứu vấn đề thềm lục địa (nghị định số 571-NĐ/KT ngày 2-6-1971). (Công báo VNCH 1971, tr. 3848). Cuối cùng nghị định số 249-BKT/VP/UBQGDH/NĐ ngày 9-6-1971 công bố ý định cấp quyền đặc nhượng tìm kiếm và khai thác dầu hỏa.(Công báo VNCH 1971, tr. 3857).
Năm 1972, công ty Geological Service Inc (GSI) nghiên cứu khu vực trung và nam Hoàng Sa. Tháng 6-1973, hai tổ hợp Anh Pháp là Roberto Research International Limited và Bureau d’Études Insdustrielles et de Coopération de l’Institut Français du Pétrole (BEICPIP) phối hợp làm bản báo cáo Địa chất và Khai thác hydrocarbon ở ngoài khơi Nam Việt Nam. Lúc đó, VNCH bắt đầu tổ chức cho các công ty ngoại quốc đấu thầu. Những công ty trúng thầu đã khoan nhiều giếng, và vào tháng 10-1973 cho biết tại thềm lục địa Việt Nam, tiềm năng dầu hỏa là có thật. (Trịnh Quốc Thiên, Những biến cố mất lãnh thổ – lãnh hải Việt Nam từ năm 939 đến 2002, VA: Nam Quan Ấn Quán, 2002, tt. 163-167.)

Công việc chuẩn bị khai thác dầu hỏa trong Biển Đông của VNCH không qua mắt được TQ. Trung Quốc liền ra tuyên bố tái xác nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là Nam Sa và Tây Sa của TQ. Phản ứng lại, ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc chính thức bác bỏ luận điệu gây hấn và lên án ý đồ xâm lăng của TQ. Nhân Quốc khánh 1-11-1973, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu làm lễ đốt đuốc dầu tượng trưng để báo tin Việt Nam có mỏ dầu và xác định lại Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Đáp lại, ngày 11-1-1974, ngoại trưởng TQ một lần nữa lên tiếng rằng hai quần đảo trên đây thuộc chủ quyền TQ; đồng thời TQ gởi hai chiến hạm đến đảo Cam Tuyền (hay Hữu Nhật tức Robert Island).
Ngày 16-1-1974, khi tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16) do trung tá hạm trưởng Lê Văn Thự chỉ huy, đưa Địa phương quân tỉnh Quảng Nam và nhân viên khí tượng ra Hoàng Sa để thay thế toán ở ngoài đó hết hạn kỳ, đến đảo Quang Hòa (Duncan), thì phát hiện đảo đã bị chiếm, có nhiều lính TQ, có chòi canh cắm cờ TQ. Quan sát tiếp, HQ 16 nhận thấy các đảo Duy Mộng (Drummond), Cam Tuyền không có người nhưng có cắm cờ TQ.
Tình hình càng lúc càng căn thẳng. Cả VNCH lẫn TQ đều tăng cường nhiều chiến hạm đối đầu nhau. Cuối cùng cuộc hải chiến bùng nổ ngày 19-1-1974. Hạm đội Trung Quốc mạnh hơn, đã thắng thế.

3- PHẢN ỨNG SAU TRẬN HOÀNG SA

VỀ PHÍA VIỆT NAM CỘNG HÒA: Sau khi xảy ra trận hải chiến ngày 19-1-1974, bộ Ngoại giao VNCH ra tuyên cáo lên án TQ xâm lăng và báo động thế giới rằng làm ngơ trước hành vi của TQ là khuyến khích kẻ gây hấn. Phần cuối bản tuyên cáo viết:
“Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm lăng trắng trợn vào lãnh thổ Việt-Nam Cộng Hòa, và một lần nữa vạch trần chính sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia.
Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.
Với tư cách một nước nhỏ bị một cường quốc vô cớ tấn công, Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo của Trung Cộng nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó.
Làm ngơ để cho Trung Cộng tự do tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn nầy là khuyến khích kẻ gây hấn tiếp tục theo đuổi chính sách bành trướng của chúng và sự kiện nầy đe dọa sự sống còn của những nước nhỏ, đặc biệt là những nước Á Châu.
Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia.” (Tài liệu ronéo của Bộ Ngoại giao VNCH, Sài Gòn, số 015/BNG/TTBC/TT.)

Sau đó, ngày 14-2-1974, chính phủ VNCH ra tuyên cáo xác định chủ quyền trên những hải đảo ngoài khơi VNCH. Sau khi tố cáo hành vi xâm lăng trắng trợn của TQ, bản tuyên cáo viết:
“Trong dịp nầy, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những hải đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Trung Phần và bờ biển Nam Phần Việt Nam từ trước tới nay vẫn được coi là một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực tại không chối cãi được.
Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những đảo ấy bằng mọi cách.
Trung thành với chánh sách hòa bình cố hữu của mình, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp quốc tế có thể xảy ra về những hải đảo ấy, nhưng nhất định không vì thế mà từ bỏ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những phần đất nầy.” (Tập san Sử Địa , Sài Gòn: số 29, tháng 1, 2 và 3-1975.)

VỀ PHÍA VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA: Khi xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa, VNDCCH tức BVN “nói rằng nó [Hoàng Sa] nằm dưới vĩ tuyêán 17 và vì thế không ảnh hưởng đến họ. Nói chung, họ không đưa ra lập trường, không theo bên nào.” (Báo cáo của William Colby, giám đốc CIA trong cuộc họp ngày 25-1-1974 do ngoại trưởng Henry Kissinger chủ tọa.) (BBC Vietnamese, cập nhật 12:24 GMT – Thứ hai, 3 tháng 10, 2011.)
Bắc Việt Nam không dám lên tiếng phản đối TQ vì BVN đang nhận viện trợ của TQ để tiến hành chiến tranh xâm lăng miền NVN. Nhà cầm quyền Hà Nội chỉ tuyên bố rằng những tranh chấp lãnh thổ giữa các nước cần được giải quyết bằng thương thuyết trong tinh thần tôn trọng sự công bình, tương kính và láng giềng tốt. (Qiang Zhai, sđd. tr. 210.)
Mãi cho đến năm 1979, khi xảy ra chiến tranh biên giới giữa Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Trung Quốc, nhà cầm quyền CS Hà Nội mới lên án hành động Bắc Kinh xâm lăng quần đảo Hoàng Sa. (Nxb. Sự Thật, Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Hà Nội: Nxb Sự Thật, 1979, tt. 68-69.)

VỀ PHÍA HOA KỲ: Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cho biết rằng ông “gọi điện thoại về bộ Tư Lệnh Hải Quân xin can thiệp với cố vấn Mỹ yêu cầu Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ vớt các thủy thủ Việt Nam, nhưng dường như họ có được chỉ thị nên không một chiến hạm Mỹ nào đến gần nơi xảy ra cuộc hải chiến.” (Hồ Văn Kỳ Thoại, Can trường trong chiến bại, Falls Church, VA: 2007, tr 171.) Điều nầy đúng như giao ước miệng ngày 4-4-1972 giữa đại diện Hoa Kỳ là Winston Lord với đại sứ TQ tại Liên Hiệp Quốc là Hoàng Hoa là “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách 12 dặm kể từ quần đảo Hoàng Sa.” (Huy Đức, sđd. tr. 103.)
Sau cuộc hải chiến ngày 19-1-1974 giữa Hải quân VNCH và Hải quân TQ, khi gặp Han Hsu, quyền trưởng phái đoàn liên lạc TQ tại Washington ngày 23-1-1974, ngoại trtưởng Hoa Kỳ Kissinger nói: “Hoa Kỳ không có lập trường trong việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo nầy.” Trong cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 25-1-1974, do ngoại trưởng Henry Kissinger chủ tọa, đô đốc Thomas H. Moorer, tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, báo cáo với Kissinger: “Chúng ta đã tránh xa vấn đề… Chỉ thị của tôi là tránh xa khỏi toàn bộ khu vực [Hoàng Sa].” (BBC Vietnamese, cập nhật 12:24 GMT – Thứ hai, 3 tháng 10, 2011.)
Những trao đổi trong cuộc họp trên đây cho thấy có thể người Mỹ đã được phía Trung Quốc báo tin sẽ tấn công Hoàng Sa, nên mới có lệnh tránh xa khu vực Hoàng Sa. Phải chăng Trung Quốc đáp lễ cho Hoa Kỳ, như Hoa Kỳ đã từng báo trước cho Trung Quốc cuộc oanh kích mùa Giáng sinh năm 1972 (đã viết ở trên); và sau nầy phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình báo trước cho tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter biết sẽ tấn công Việt Nam để dạy cho Việt Nam một bài học năm 1979. (Bùi Xuân Quang, La troisième guerre d’Indochine 1975-1999, Paris: L’Harmattan, 2000, tr. 421.)

4- KẾT LUẬN
Trận hải chiến Hoàng Sa tuy chỉ diễn ra trong một ngày (19-1-1974), nhưng đã phản ảnh rõ lập trường của các bên tham chiến trong suốt 30 năm chiến tranh (1946-1975) vừa qua tại Việt Nam.
Việt Nam Cộng Hòa hay Nam Việt Nam (NVN) quyết tâm tự vệ, chống lại cuộc xâm lăng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Bắc Việt Nam (BVN), bảo vệ nền độc lập của NVN nói riêng và bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam nói chung.
Vì tham vọng bành trướng và xâm lăng NVN, BVN cầu viện khối CS quốc tế, nhất là cầu viện Trung Quốc, đành chấp nhận làm tay sai cho ngoại bang, ký công hàm ngày 14-9-1958 tán thành quyết định về lãnh hải của Trung Quốc ngày 4-9-1958, nghĩa là nhượng đứt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Chính vì BVN mải mê tấn công NVN, tạo thời cơ thuận tiện cho Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa.

Vì nhu cầu ngăn chận sự phát triển của chủ nghĩa CS, nhất là sự bành trướng của Trung Quốc xuống Đông Nam Á, Hoa Kỳ giúp NVN chống BVN. Qua cuộc chiến Việt Nam, Hoa Kỳ liên lạc được với Trung Quốc, nên Hoa Kỳ thay đổi chiến lược toàn cầu và bỏ rơi VNCH.
Trung Quốc giúp CSVN từ năm 1950 vừa vì sự cầu viện của Hồ Chí Minh, vừa vì chính an ninh bản địa Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã từng nói: “Không thể chỉ nói Trung Quốc giúp Việt Nam, phải nói rằng Việt Nam cũng giúp Trung Quốc là sự giúp đỡ lẫn nhau.” (La Quý Ba, “Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản”, trong Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Montreal: Nxb. Tạp chí Truyền Thông (in lại), số 32 & 33, 2009, tr. 27.) Đồng thời Trung Quốc còn tính chuyện đầu tư tương lai lâu dài, chờ đợi thời cơ thuận tiện ra tay cướp đất. Trung Quốc là đại họa thường trực của dân tộc Việt Nam từ thời cổ sử cho đến ngày nay, luôn luôn tìm cách xâm lăng Việt Nam, mở đường xuống Đông Nam Á.
Cuối cùng, Hoàng Sa bị tạm chiếm năm 1974, nhưng Hoàng Sa, hải đảo thân yêu do tổ tiên để lại, không bao giờ ra khỏi trái tim Việt Nam.

(Toronto, 6-1-2013)
Courtesey of  Trần Gia Phụng
 

Lời thương từ bà quả phụ Ngụy Văn Thà

Tưởng nhớ trận Hải Chiến Hoàng Sa 19-01-1974

Đặng Huy Văn  - Hôm nay là tròn 39 năm ngày Hoàng Sa bị quân xâm lược Trung Quốc cưỡng chiếm. Ngày 19/1/1974 đã được đánh dấu bằng một trận Hải Chiến Hoàng Sa oanh liệt giữa Hải Quân VNCH với quân Trung Quốc xâm lược. Do phía Trung Quốc có lực lượng đông, chuẩn bị kỹ lại được Hoa Kỳ bật đèn xanh và Miền Bắc làm ngơ, nên Hải Quân VNCH đã thất bại! Nhưng tấm gương chiến đấu dũng cảm và xả thân vì Tổ Quốc của các chiến sĩ ta thì muôn đời sau sẽ được lịch sử ghi danh.
 
Thiếu tá HQ, hạm trưởng QLVNCH - Nguỵ Văn Thà
Đặc biệt trong trận Hải Chiến Hoàng Sa đó, Thiếu Tá HQ Ngụy Văn Thà, Hạm Trưởng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 đã mưu trí dũng cảm hạ gục được hai chiến hạm 389 và 396 của bọn Trung Quốc xâm lược. Nhưng HQ 10 cũng đã bị hư hỏng nặng, nhiều chiến sĩ hy sinh và bị thương trong đó có Đại Úy Hạm Phó Nguyễn Thành Trí. Lúc đó, Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà đã quyết định chiến đấu đến giọt máu cuối cùng và các anh đã tiếp tục nã đạn vào các chiến hạm của TQ. Cuối cùng các anh đã bị chết chìm cùng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 vào lúc 14 giờ 52 phút ngày 19/1/1974, tức ngày 27 tết Giáp Dần! Quân ta đã có 74 chiến sĩ hy sinh anh dũng.
 
Nhân dịp này, tôi xin trân trọng gửi tới quý vị độc giả gần xa một bài viết để tưởng nhớ Thiếu Tá HQ Ngụy Văn Thà phỏng theo lời kể của bà quả phụ Ngụy Văn Thà, bà Huỳnh Thị Sinh nay vẫn còn sống tại Sài Gòn cùng các con cháu.

Lời thương từ bà quả phụ Ngụy Văn Thà
(Phỏng theo lời kể của bà Huỳnh Thị Sinh)
 
Anh ơi nhớ chăng?
Hôm đó ra đi anh đã quay về mấy bận
Nói đang sửa tàu hư, rồi anh gọi em hoài!
Từ chung cư Nguyễn Kim ngó xuống nhìn
Em đã thấy anh xách va li quay lại
Và gọi với lên “Tàu còn sửa đến mai!”
Nhưng tàu sửa xong ngay và anh đi, đi mãi
Đi đến tận bây giờ rồi ở mãi “Chốn Bồng Lai”!
 
Em đã quen với những cuộc ra đi như vậy
Nay Vũng Tàu, Nha Trang mai Đà Nẵng, Hoàng Sa
Được ở nhà mươi hôm anh chăm sóc ba con gái
Đứa chín tuổi, đứa sáu năm còn bé út lên ba
 
Các con cũng đã quen với những chuyến xa ba
Nên mỗi lần chia tay không đứa nào dám khóc
Chỉ bé lớn một lần ngồi cầu thang lau nước mắt
Bị bé út “lêu lêu” làm chị nó phải cười xòa
 
Nhưng cái lần cuối này anh đi em thấy điềm rất lạ
Anh đứng dưới sân nhìn lên mắt như đẫm lệ nhòa
Anh đi rồi làm suốt đêm em không sao chợp mắt
Vì có tin quân mình đang đụng giặc tại Hoàng Sa!
 
Chiều hôm sau tin báo về
Anh đã bị giặc bắn chìm cùng tàu HQ10 - Nhật Tảo!
Sau khi đã phá tan hai chiến hạm của giặc Tàu
Nhưng trừ con lớn, hai đứa sau vẫn không hề hay biết
Ngày nào chúng cũng ngồi chờ: “Ba của chúng con đâu?”

Em khôn xiết khổ đau tháng ngày ngồi ngóng đợi
Và hy vọng thời nay Trời còn có phép màu
Giúp kéo tàu Hộ Tống Hạm lên đưa anh về một buổi
Thăm lại các con thơ cho chúng vợi buồn đau!
 
Anh ơi!
Ba mươi chín năm rồi! Anh đã tròn tuổi bảy mươi
Các con của chúng ta nay cũng đã thành gia thất
Nhưng em không thể nào tin là anh yêu đã mất
Vì đêm nào em cũng nghe tiếng anh gọi: “Em ơi!”
 
Khi được trở về trời, ai cũng cần nấm đất
Để vợ con ngày tết, ngày mất còn có chỗ cắm nhang
Nay anh nằm dưới biển sâu nơi giặc Tàu cưỡng chiếm
Ba mươi chín năm trời hồn xác dạt lang thang!
 
Không có anh nhưng vì còn các con, em phải sống!
Rồi bán dần thứ nọ thứ kia để nuôi chúng trưởng thành
Nay nhà ở cũng đang phải chờ, mấy năm liền thuê trọ
Nên chưa có chỗ đặt bàn thờ để treo ảnh của anh!
 
Anh Thà ơi!
Em nhớ lắm ngày xưa mỗi lần về nghỉ phép
Anh đưa cả bốn mẹ con em tới phố Nguyễn Tri Phương
Ăn ốc luộc chấm mắm gừng mồm út cay bật khóc
Anh cười hiền ôm dỗ con ngó phụng phịu mà thương!
 
Ôi ước gì em và các con được một lần ra đảo
Để thả 74 vòng hoa tang trên biển cả bao la
Nguyện cầu hương hồn 74 các anh được về quê ăn tết
Để các anh thôi bị giặc Tàu xéo dày giữa Hoàng Sa!
 
Đến mùa bão, ngư dân ta hay vào Hoàng Sa lánh nạn
Vẫn thường bị quân Trung Quốc đuổi ra giữa biển khơi
Hồn các anh có thiêng xin hãy cứu đồng bào gặp nạn
Vì dân Việt Nam mình còn khổ lắm, các anh ơi!
 
Ôi giá em đưa được anh về Trảng Bàng như anh từng ao ước
- Nếu anh hi sinh, xin em để xác anh được về lại quê nhà!
- Để được nằm gần má, gần ba, gần ông bà nội ngoại!
Có ai ngờ xác anh nay trôi giạt mãi Hoàng Sa!
 
Em không dám mơ các anh sẽ được vinh danh, tạc tượng
Mà chỉ ước biển đảo quê hương không còn giặc xâm lăng!
Cho đất nước bớt lầm than, dân thôi phải bị lao tù oan trái
Để Hoàng Sa sớm trở về Đất Mẹ Cửu Long Giang!
 
Hà Nội, 19/1/2013
Courtesey of  Ts. Đặng Huy Văn
 

ĐÔI DÒNG VỀ THẦY DUCASSE

Thursday, November 15, 2012

ĐÔI DÒNG VỀ THẦY DUCASSE

Tôi đến thăm Thầy Ducasse ngày thứ Bảy 08 tháng Chín vừa qua tại Clinique Saint Rémy les Chevreuses, qua ngày thứ Hai 17 lại nhận được email của cô Elisabeth, con gái Thầy báo tin Ông đã qua đời ngày thứ Sáu 14, mới biết lần viếng thăm vừa qua cũng là lần cuối cùng. Trong buổi nói chuyện, tôi có đề cập đến anh Hoàng mộng Giới và anh Bùi Hồng Tiếng đã đến viếng thăm Thầy ngày thứ Tư 05 trước đó và anh Giới đã nói là sẽ trở lại thăm Thầy lần nửa để tạm biệt trước khi trở về Canada, Ông cho biết là còn ở lại bệnh viện khoảng 15 ngày nửa và có thể gặp tại đây hoặc nếu không thì tại nhà. Khi tôi đến bệnh viện thì Ông vẫn còn đang ngũ trưa nên phải ra ngoài phòng khách chờ đợi, Ông và Bà nằm chung bệnh viện và chung một phòng. Gặp tôi bất ngờ Ông mừng lắm vì tôi không có hẹn trước, Ông mời tôi ngồi trên giường với Ông vì Ông không thể đi đứng được nhưng tôi xin được ngồi trên chiếc ghế đối diện. Ông bây giờ yếu nhiều, Bà cũng vậy, Ông nói là Bà lúc nầy yếu lắm và không nói chuyện với ai khác ngoại trừ Ông và Cô con gái. Ông lúc nầy không thể ra ngoài hay đi bộ loanh quanh trong sân cỏ trong bệnh viện vì sợ té không ai hay. Ông nằm trong bệnh viện phục hồi sức khoẻ, hằng ngày tập thể dục, sức khoẻ có khả quan hơn một chút, khi được hỏi Ông cảm thấy trong người thế nào, Ông cho hay sức khỏe cũng có chút khả quan và nói : " Certes, je ne suis pas jeune, mais il y en a d’autres qui sont encore pire que moi " . Ông bị bịnh ung thư da và yếu tim, nhìn da trên tay bị nám đen và cơ thể bị băng bó nhiều chổ, tóc mọc còi cọc lưa thưa, cơ thể không còn sinh lực, tôi cảm thấy đau lòng, tự hỏi Ông còn chịu đựng được bao lâu nửa ? Cơ thể con người ai cũng phải qua giai đoạn Sinh Lão Bịnh Tử, tới phiên mình cũng vậy thôi ! Lúc sau nầy Ông nghe khó khăn, có khi tôi xưng tên mình trong điện thoại, phải lập đi lập lại nhiều lần Ông mới nhận ra, đây là lần Ông nằm bệnh viện lâu nhứt kéo dài đến nhiều tháng qua nhiều bệnh viện khác nhau.
Là dân Hàng Hải với nhau nên nói chuyện gì cũng quay về đề tài nghề nghiệp củ, tôi nói là trong nghành Hàng Hải, học nghề máy coi bộ lên bờ kiếm ăn dễ dàng hơn bên Pont. Khi nói đến nghề đi biển, hầu hết mọi người đều nghĩ đến hình ãnh của người Sĩ Quan Pont mặc áo trắng, quần short trắng mang lon oai vệ đi lại trên pont tàu khi cặp bến và tương lai được làm Thuyền Trưởng chỉ huy con tàu to lớn, mỗi lần còi tàu vang dội, cả vùng Khánh Hội, Quận Nhứt đều nghe, ngày về bến cầm tay em đi dạo phố ăn kem hay đi xem ciné, tán hưu tán vượn, tha hồ khoác lác, em chỉ há mồm thán phục sát đất và tôn thờ hình ảnh anh chàng SQ Pont chứ chẳng ai muốn nghĩ đến hình ảnh của một anh Mécanicien quần áo dầu mở lấm lem, tay chân đen thui lui thùi lùi coi không ngầu chút nào mà nhiều khi anh cơ khí phải chun trong ballast làm việc, lúc chun ra thì hình ảnh lại giống anh chàng trong quảng cáo của kem đánh răng Hynos ở Sài Gòn năm nào làm mất mặt hình ảnh hào hùng của dân Hàng Hải quá xá. Đó là tâm lý chung của mọi người chớ không phải chỉ riêng tôi, nhưng cái gì cũng có bề trái của nó; mấy anh Pont sau nầy chán nghề biển muốn lên bờ làm việc chỉ có nước làm Thuyền Trưởng lái xe ôm hay mở tiệm bán bia ôm cho dân đi tàu thôi  ngoài ra chẳng có nghề nào thích hợp, trên bờ đâu còn huy hoàng như lúc còn trên tàu ! Còn nghề máy coi vậy mà đắc địa, làm gì cũng được, chổ nào lại không có máy xăng, máy dầu, máy điện, hàn dũa, sống khoẻ re. Tôi nói thí dụ nếu được chọn lại ngành học trường Hàng Hải, tôi sẽ chọn nghề máy, Ông Ducasse cũng đồng ý và nói lúc đầu cũng muốn theo nghề máy nhưng trường Hàng Hải ở Pháp đòi phải có kinh nghiệm về cơ khí, phải có certificat d'ajusteur (thợ nguội) mới cho học nên đành dẹp giấc mộng làm Mécanicien và học nghề Pont, ông nói học nghề máy lên bờ sửa xe hơi cũng được, coi bộ ông già cũng khoái kỹ thuật. Tôi có kể trường hợp của những người SQ Cơ Khí thành công như Diệp kim Chi ở Pháp, Đinh văn Thạnh, Đinh tấn Nghi, Đặng kim Long đều có bằng Kỹ Sư cơ khí ở Mỹ, hình như chỉ có khóa 21 là có nhiều SQ Cơ Khí thành công nhứt. Nói qua đến chiếc tàu Cyprea là niềm hãnh diện của nhiều cựu nhân viên, tôi nói chiếc tàu đó bây giờ giống như chiếc xuồng con, Ông Ducasse nói phải, nó lớn chưa bằng chiếc xà lan bây giờ trọng tải có khi đến 3000 tấn. Trên những chiếc porte-conteneur khổng lồ hiện nay, phòng máy của tàu là tổng hợp của gần như tất cả những máy móc trong những cơ xưởng trên bờ … groupe diesel, groupe hydrolique, group électrogène, groupe climatiseur, máy lọc nước, hệ thống vi tính ….. vân vân, cứ tưởng tượng một người làm Chef Mécanicien trên một chiếc porte-conteneur, sau nhiều năm làm bảo trì, khai thác, đọc tất cả những instruction về các loại máy trên tàu thì kinh nghiệm biết là bao nhiêu so với những người làm trên bờ với chức vụ tương đương vì họ chắc không có mấy dịp lăn lộn tháo ráp, sửa chửa như một người SQ Cơ Khí trên tàu cho nên khi lên đến chức Chef Mécanicien thì bắt buộc phải giỏi. Bây giờ bên Pháp không còn hai nghành học Pont và Machine nửa mà là formation polyvalente vừa học Pont vừa học Machine, nhưng phần Machine nặng hơn và bằng cấp được coi như Ingénieur Mécanique. Nhưng người navigant bây giờ chỉ đi hành nghề một thời gian ngắn rồi nhảy lên bờ chứ ít người chịu theo nghề luôn, Ông Ducasse nói grand père của Ông cũng là Capitaine au Long Cours, đi tàu liên tục trong 16 năm rồi lên bờ dẹp nghề đi biển và cũng nhìn nhận là bây giờ ít ai chịu đi tàu, lý do là nghề Hàng Hải bây giờ không kiếm tiền nhiều bằng những nghề trên bờ lại phải xa nhà nên tụi Tây có bằng Cơ khí, làm việc chừng 5 năm là lên bờ kiếm hảng khác.
Ngoài vấn đề nghề nghiệp Hàng Hải, Ông Ducasse hơi lo lắng không biết cái PC của ông có còn hoạt động hay không và nói là chắc có nhiều mail chưa đọc trong khoảng thời gian còn nằm bệnh viện. Tôi có nói là ông không phải lo lắng, tôi sẽ lo cho cái máy của ông khi ông rời bệnh viện về nhà. Cái PC của ông do tôi ráp từ năm 2005 đến năm nay cũng được 7 tuổi rồi, bây giờ cho nó về hưu là vừa, tôi giải thích trên cái carte mère có những condensateur, transistor, những cái composant nầy charger và décharger cũng bị hao mòn và bị già yếu như cơ thể con người vậy; ổng cười và nói : " comme moi quoi ! " và sau cùng ông chịu mua carte mère mới nhưng muốn giử lại cái thùng của cái PC củ. Ông già có tật xài món đồ nào cho đến khi nó hoàn toàn không thể chạy được nửa mới chịu thay đồ mới; nhưng tôi thì khác, nghĩ rằng con người chết đi thì đâu có đem theo được tiền bạc theo, tội gì không xài đồ mới, tôi muốn ông mua cái PC mới với Windows 7 xài cho sướng, chớ cái Windows XP bây giờ xưa rồi.
Phải nhìn nhận là anh Giới hửu duyên, đi lon ton từ Canada qua Pháp gặp được Thầy Ducasse lần cuối, qua đúng lúc ông Thầy phải ra đi; và tôi cũng phải cám ơn anh Giới nhiều vì anh nhờ chở đi thăm ông Thầy trước khi về lại Canada nên tôi mới có dịp liên lạc với cô Elisabeth và do đó mới biết ông còn nằm trong bệnh viện. Tôi cũng định nhân dịp nầy làm một cái clip vidéo cho anh để giử làm kỹ niệm nhưng chưa gì thì ông Thầy đi mất nên không còn cơ hội. Tôi cũng ỷ y, hôm ghé thăm ông Thầy, coi bộ ông tuy yếu nhiều nhưng còn khỏe nên nghĩ đợi lúc anh Giới đến thăm khoảng tuần sau chắc ông cũng còn, làm cái clip vidéo luôn thể. Phút cuối cùng, ông cũng còn điện thoại nói chuyện với bà chị, trước khi gác máy, ông nói : "Je t'embrasse ..... c'est la fin" như linh cảm được phút sau cùng của mình và một chút sau đó thì ra đi. Ông mất khoảng 8 giờ tối, cô Elisabeth khi đó làm việc ở Paris được bệnh viện thông báo cha cô mệt nhiều lắm phải đến gặp mặt liền, nhưng khi đến nơi thì ông đã ra đi nên cô cũng buồn không được nói chuyện với ông phút cuối. Tôi giử liên lạc với Ông Ducasse khoảng thời gian Ông còn ở Sài Gòn từ và vẫn giử mối liên lạc thỉnh thoảng trải dài từ Paris, Alger cho đến Casablanca, Abidjan. Lúc còn tị nạn trong ambassade Pháp ở Singapore năm 1975, trong lá đơn xin đi Pháp, tôi có khai tên ông Ducasse như người quen biết ở Pháp, ông kể lại có nhận được công điện của bộ Ngoại Giao Pháp hỏi ông lúc đó đang dạy học ở Alger, ông xác nhận :"c'est mon élève". Tuy nhiên lúc còn ở Việt Nam, tôi không thể nói chuyện nhiều với ông vì tôi nói tiếng Pháp không rành, tôi học ở trường Việt, nên lúc đối diện với ông tôi cũng run, không biết ổng hỏi mình có trả lời đươc không ? Sau nầy quen rồi và không còn ngăn cách bởi bức tường ngôn ngữ và ông chấp nhận tôi như người nhà thì nói chuyện thoải mái hơn, có lần tôi hỏi thẳng có phải ông hiểu tiếng Việt rành lắm không, ông chối liền :" tiếng Pháp tao còn chưa rành làm sao biết tiếng ngoại quốc được ", nhưng lần sau khi ghé qua ông mới trả lời: " Thiệt tao hiểu tiếng Việt nhưng có mấy cái accent nên khó nghe". Có lần ông nói: "Tiếng Việt tụi bây rắc rối, tiếng Tây có chử soeur mà tiếng Việt dịch khi thì chị, khi thì em", tôi suy nghĩ, tiếng Tây mới rắc rối, còn khó hơn tiếng Anh. Một lần tôi định chuyển ngữ từ Việt sang Pháp một bài viết, tôi nhờ ông kiểm soát dùm, ông nói:" Mầy cứ dịch từng chữ một, mot par mot, đừng để ý về grammaire, chuyện đó tao lo", rồi ông nói thêm:" dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp khác nhau nhiều lắm, từ tiếng Anh sang tiếng Pháp thì cũng không khác nhau bao nhiêu ". Tôi nhờ ông vì tôi biết ông đang phiên dịch bộ truyện Đông Châu Liệt Quốc sang Pháp ngữ và ông đã bắt đầu từ lâu lắm, không biết năm nào, ông cho hay lúc ban đầu cũng gặp khó khăn nhưng sau đó thì quen dần dần và ông đưa cho tôi bộ truyện Đông Châu Liệt Quốc và nói:" Mầy đem nhà đọc, tao đọc nguyên bản tiếng Tàu ". Ông có cái CD cuốn encyclopédie Larousse để làm việc, tôi chỉ cho ông cách tìm vô trang web của những mạng encyclopédie en ligne, chỉ cần đánh trên barre de recherche của Google chữ "définition" rồi thêm chữ gì đó thí dụ như "définition savoir" là nó dẫn vô nhiều trang web về kho tàng ngôn ngữ Pháp, tha hồ tham khảo, ông khoái quá, thời đại internet cái gì cũng mau lẹ, chỉ cần vài giây là có kết quả khỏi tìm kiếm lâu lắc. Khi tôi ngõ ý muốn tìm bản dịch Việt Pháp cho một số từ ngữ về tâm linh ông bèn đưa cho tôi cuốn sách Đạo Cao Đài "La voie du salut caodaïque" được xuất bản khi tôi còn chưa chào đời, cuốn sách củ xì, cái bìa gần mục nát, tôi phải bao lại và nhân dịp đó tôi mới thấy kiến thức ông thật rộng rải trên nhiều lãnh vực. Sau nầy ông nói rất ít về việc giảng dạy môn Hàng Hải, một lần ông hỏi tôi có anh em trong gia đình muốn học nghề đi biển không, tôi hỏi tại sao, ông nói là bây giờ mấy chiếc canot cũng có GPS đâu cần học calculs nautiques làm gì, nếu tôi cần ông cho tôi mớ sách vở Hàng Hải củ của ông chớ ông giử cũng vô ích. Trong một lần gặp gở trong bửa ăn với Quan Tàu Tường, ông có kể ông Ducasse ăn cơm với nhiều nước nước mắm và kết luận là :" Tây mà biết ăn nước mắm nhiều như vậy là gần thành người Việt Nam rồi".
Chị Elisabeth nói đáng lẽ ông Ducasse phải trải qua một cuộc giải phẩu lớn, nhưng các bác sĩ họp lại bàn nên bỏ qua vì tuổi tác cao, không biết ông có thể hồi sinh sau cuộc giải phẩu hay không, và như vậy thì cuộc đời ông bị "condamné", nằm chờ chết. Sự ra đi của ông làm tôi thật bùi ngùi và thấm thía về tính chất vô thường của thân phận làm người, có đến ắt có đi, có sinh ắt có tử ai cũng phải qua, nhưng nói thật, tôi cũng muốn ông ra đi sớm vì còn sống ngày nào là còn chịu sự đau khổ, vày vò của thể xác. Nhìn ông gải lớp da chết, nám đen vì ung thư của ngón tay, tôi cũng hiểu là y học đã bó tay và chắc ông cũng hiểu như vậy, tôi cảm thấy xót xa và bất lực, không giúp gì cho ông được. Cuộc đời con người thật sự hưởng được gì và đem theo được những gì ? Nghiệp thân của ông có lẽ không nhiều nên không bị hành xác nhiều, sức khỏe ông bắt đầu suy sụp từ tháng Mười năm ngoái (2011) đến tháng Chín năm nay thì ông ra đi tính ra không đầy một năm so với nhiều người mà tôi biết có khi bịnh nằm liệt giường, không còn sức ngồi dậy mà vẫn kéo dài sự sống từ năm nầy sang năm khác, muốn chết mà vẫn không chết được. Ông Ducasse không phải là người thích la cà ăn nhậu hay đấu láo với bạn bè, dường như ông không có nhiều bạn; có lần hội Hàng Hải hoặc anh Nhơn, Kiệt mời ông đi ăn trưa trong lần ghé thăm nhưng ông đều từ chối viện cớ là phải lo cơm cho bà vợ. Ông sống lặng lẽ và khắc khổ như một nhà tu, chỉ đi ra ngoài khi cần thiết như đi chợ hoặc thăm viếng bà chị ở Maison Lafitte lúc ông còn mạnh khỏe, nhưng đó chỉ là bề ngoài, người khác có thể nghĩ rằng đó là một ông già kỳ cục nhưng đối với tôi, tôi  hiểu rằng ông sống nhiều về nội tâm và đam mê trong thế giới kiến thức và dịch thuật. Những lần ghé thăm, tôi thấy ông mặc đi, mặc lại mấy bộ đồ cháo lòng củ kỷ nhưng ông không hề bận tâm bề ngoài. 
Ông Ducasse có hỏi tôi một lần bằng email quan niệm về Thượng Đế, nhưng tôi đã không trả lời vì tôi muốn để ông tự tìm hiểu và chính ông tự tìm ra câu trả lời thì hay hơn, bây giờ thì ông đã có câu trả lời rồi và không cần hỏi người khác, ai tìm thì người đó gặp. Có một điều lạ là tôi không cảm thấy ông chết, ông vẫn còn bàng bạc đâu đó, cái chết không phải là sự chấm dứt mà là một sự bắt đầu, linh hồn có chết bao giờ đâu, nó phải học hỏi từ giai đoạn một.
Từ đây, mỗi lần lái xe chạy ngang qua những cánh đồng vùng Gif-sur-Yvette tôi lại nghĩ đến ông mỗi lần tôi ghé qua để làm dépannage cái PC. Adieu Monsieur Ducasse.
 
Nguyễn Hiếu Liêm