Thursday, April 22, 2010

Tháng 4, 1865 - Tháng 4, 1975

Tháng 4, 1865 – Tháng 4, 1975
Phan Quang Tuệ & Đỗ Thái Nhiên
“… Văn hoá là quốc hồn. Văn hoá đi vắng. Quốc hồn bay xa. Lòng yêu nước của người dân mờ phai. Hiện nay, đa số người dân Việt gần như không nghĩ đến nghĩa vụ bảo vệ non sông. Trong khi đó …”

Lúc bấy giờ là đêm ngày 8 tháng 4 năm 1865, Đại tướng Robert Lee, thống lãnh quân đội miền Nam, cùng Ban Tham Mưu ngừng chân đặt bản doanh bộ chỉ huy trong một cánh rừng gần Toà Thị Xã Appomattox, thuộc tiểu bang Virginia. Sáu ngày liên tiếp trước đó đạo quân miền Nam đã đi không ngừng nghỉ tiến về phía Tây hướng về dãy núi Blue Ridge, nơi tướng Lee từng tuyên bố ông có thể cầm cự chiến đấu ít nhất là 20 năm. Nhưng đêm nay khi tướng Lee và Bộ Tham Mưu mệt mỏi của ông dừng quân tại Appomattox thì đạo quân miền Nam đang bị quân đội miền Bắc bao vây, lương thực cạn, hy vọng tiếp tế không có, hy vọng tăng viện cũng không. Xa xa tiếng đại bác xé màn đêm dội về... Tất cả hy vọng của tướng Lee lúc này chỉ còn đặt vào một vị tướng trẻ gan dạ, John Gordon. Vị tướng này sáng sớm hôm sau sẽ tiến quân chọc thủng phòng tuyến bao vây của quân đội miền Bắc.
Cách đó không xa, viên sĩ quan phụ tá của tướng Grant, thống lãnh quân đội miển Bắc, bước vào phòng riêng của tướng Grant để đánh thức ông dậy. Người sĩ quan hầu cận vội mang đến tướng Grant một tách cà phê nóng hổi. Tách cà phê dẫu có giúp nhẹ đi cơn nhức đầu nhưng không làm giảm bớt mối căng thẳng lo âu của tướng Grant. Sau cùng tướng Grant kéo ghế ngồi, và khởi sự thảo bức thư trả lời thư mới nhận được từ tướng Robert Lee. “Tôi rất muốn hoà”, tướng Grant viết, “và mong muốn kết thúc cuộc chiến mà không phải tổn thất thêm một nhân mạng nào nữa. Nhưng cuộc hội kiến do Đại Tướng đề nghị vào 10 giờ sáng hôm nay không có một lợi ích nào cụ thể và tôi không có thẩm quyền quyết định hoà hay chiến.” Nhưng bức thư của tướng Grant chưa kịp đến tay tướng Lee, tiếng súng đã lại bắt đầu nổ.
5 giờ sáng, sương mù còn bao phủ rặng đồi bên kia Appomattox. Loạt đạn đầu tiên xé màn sương, đánh thức sáng chủ nhật 9/Apr/1865, tiếp theo là tiếng thét tiến quân của quân đội miền nam. Từng đợt tấn công của tướng Gordon đã đánh bật tuyến phòng thủ đầu của quân miền Bắc, chiếm nhiều cỗ súng đại bác, đánh bạt hai bên mở rộng đường tiến quân, và ào ạt tiến lên đồi. Nhưng từ phiá bên kia đồi, quân miền Nam đã đụng phải một bức tường dày đặc, kéo dài hơn 2 dặm, cuả hai đơn vị bộ binh quân đội miền Bắc. Và ép từ phiá sau là hai đơn vị bộ binh khác của quân miền Bắc tiến lên. Quân miền Nam bị ép vào giữa, tiến không được, lui cũng không xong, và “chém vè” cũng không được.
Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ sau, tướng Lee được tin khấp báo của tướng Gordon “Quân sĩ của tôi đã chiến đấu hết mình. Trình Đại Tướng tôi không làm gì hơn được nữa!”. Lập tức tướng Lee triệu tập Ban Tham Mưu thâu hẹp để quyết định hoà hay chiến. Tướng Lee nói với các tướng bao quanh: “Giờ đây tôi chẳng còn làm gì hơn là đến trình diện và đầu hàng trước tướng Grant”.

Nơi được chọn để nghị hoà là một căn nhà nhỏ mái ngói thuộc Appomattox, một thị xã hẻo lánh nằm vào phiá Nam tiểu bang Virginia. Có độ chừng 20 căn phố, lèo tèo vài cửa hàng nhỏ, một lữ quán và toà thị xã. Khi mặt trời leo lên cao là lúc tướng Lee đã đến điểm hẹn, ông bước theo sự hướng dẫn của vị sĩ quan tuỳ viên và một sĩ quan tham mưu thuộc Bộ Tham Mưu của Tướng Grant. Tướng Lee, uy nghi trong bộ binh phục đại lễ, hông đeo trường kiếm, ngồi xuống cạnh một chiếc bàn gỗ nhỏ. Giờ đây ông đã có mặt ngay trong lòng đất đối phương.
Vào khoảng nửa tiếng sau, tiếng giày nện trên sàn gỗ và tướng Grant bước vào. Khác hẳn với tướng Lee, tướng Grant không đeo kiếm, không mặc quân phục, quần và đôi ủng lấm đầy bùn.
Theo lời yêu cầu của tướng Lee, tướng Grant đích thân thảo bản văn kiện chính thức đầu hàng của quân đội liên hiệp miền Nam và sau đó tự tay trao cho tướng Lee xem lại.
Chậm rãi, từ tốn, tướng Lee rút cặp kiếng đeo mắt, lấy khăn lau kỹ lưỡng, đeo kính lên và chăm chú đọc.
“….Vũ khí, đại bác và các tài sản công phải được liệt kê, sắp xếp và giao nộp cho một viên sĩ quan do tôi chỉ định. Những vũ khí này sẽ không gồm có vũ khí cá nhân của các sĩ quan, cũng như ngựa và tư trang của họ. Sau khi hoàn tất, mọi sĩ quan và binh sĩ sẽ được phép trở về nguyên quán, và sẽ không bị quấy nhiễu bởi các cơ quan cầm quyền chừng nào họ tôn trọng lệnh đầu hàng và tuân theo luật lệ địa phương nơi họ cư ngụ.”
Lần đầu tiên trong buổi hội kiến, gương mặt của tướng Lee tươi hẳn. Như vậy có nghĩa là sĩ quan và binh sĩ dưới quyền của ông sẽ không bị giam giữ như tù binh chiến tranh. Có nghĩa là họ sẽ không bị đem ra bêu riếu diễn hành hạ nhục trên các đường phố. Có nghĩa là họ sẽ không bị mang ra toà truy tố về tội phản loạn.
Tướng Lee nói, “Thưa Đại Tướng, những điều kiện đầu hàng thế này sẽ có ảnh hưởng rất tốt với quân đội của tôi.” Và tướng Lee nói tiếp, “Nhưng thưa ngài, trong quân đội miền Nam cuả tôi, ngay cả binh sĩ khi gia nhập cũng mang theo ngựa của họ vào quân đội.”
Tướng Grant nói ông sẽ không thay đổi gì trong văn kiện đầu hàng, nhưng sẽ ra khẩu lệnh cho phép mọi binh sĩ miền Nam được phép mang ngưạ và lừa về quê quán để sử dụng trong việc trồng trọt ở các nông trại.


Trận đánh quyết định tại Five Forks (Tháng Tư 1865)
Tướng Lee còn thêm một lời yêu cầu nữa. Ông trình bày cho tướng Grant biết ông còn giam giữ hơn một ngàn tù binh quân đội miền Bắc nhưng không có lương thực cung cấp cho họ và ngay chính quân đội của ông cũng không còn lương thực. Không ngập ngừng, tướng Grant đề nghị sẽ ra lệnh xuất kho cấp ngay khẩu phần cho hơn 25,000 quân sĩ của quân đội liên hiệp miền Nam.
Tướng Grant hỏi, “Như vậy, đủ chưa?”
“Thưa, quá đủ, quá đủ, thưa đại tướng.” Tướng Lee trả lời.
Tướng Lee đứng dậy, lần lượt bắt tay các sĩ quan trong Bộ Tham Mưu của tướng Grant, bắt tay tướng Grant, nghiêng mình chào tất cả mọi người có mặt và bước ra khỏi phòng họp.
Tướng Grant và ban sĩ quan tham mưu đã đứng sẵn ở bao lơn trước căn nhà, nơi đôi bên nghị hoà. Khi ngựa tướng Lee rảo bước đi qua, cặp mắt của hai vị tướng quân chạm nhau trong giây phút, họ đồng ngả nón chào nhau. Trên bao lơn xung quanh tướng Grant và suốt trong sân trước căn nhà lịch sử, sĩ quan và binh sĩ miền Bắc đều đưa tay chào kính vị tướng bại trận quân đội liên hiệp miền Nam.
Tin đồn đầu hàng của tướng Lee tràn lan mau chóng như thuốc súng. Khắp nơi binh sĩ miền Bắc reo mừng. Họ liệng lên không trung mũ nón, giày, bao đạn, áo hay bất cứ vật gì có thể ném tung lên được. Họ ôm nhau, hôn nhau. Súng ống các loại, kể cả đại bác bắt đầu nổ. Thế nhưng tướng Grant nhanh chóng ra lệnh ngưng ngay tức khắc những biểu lộ nỗi vui mừng của binh sĩ miền Bắc. “Rồi sẽ có ngày mừng chiến thắng”, tướng Grant giải thích, “Nhưng không phải là ngày hôm nay. Quân đội miền Nam đã đầu hàng. Chúng ta không được phép reo mừng trên chiến bại của họ”. Điều quan trọng với tướng Grant là phải làm sao để thắng trận, đồng thời cũng phải gìn giữ cho bằng được sự toàn vẹn tình cảm giữa những người cùng trong cộng đồng dân tộc Hoa Kỳ.
4:30 chiều ngày 9 tháng 4, 1865, Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh tại Hoa Thịnh Đốn nhận được một điện văn ngắn ngủi của tướng Grant, “Tướng Lee đã buông súng đầu hàng quân đội miền Nam theo những điều kiện do tôi ấn định.”
Cách đó không bao xa, tướng Lee cỡi ngưạ trở về bản doanh của mình. Dọc hai bên đường, binh sĩ miền Nam nghiêm chào vị tướng lãnh mà họ tôn sùng. Nhiều người bật khóc, phủ phục bên đường. Tướng Lee cũng không cầm được nước mắt. Về đến đại bản doanh, trước mặt sĩ quan và binh sĩ đứng chờ, tướng Lee hướng về họ và nói: ”Tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được. Và nay lòng tôi nặng chĩu và không thể nói gì hơn”.
Bước đi vài bước, ông dừng lại và thêm: “Các anh em hãy trở về quê quán. Và nếu các ngươi sống được như những công dân tốt như các anh em đã từng chiến đầu như các chiến sĩ thì các ngươi sẽ thành công rồi. Và tôi sẽ luôn luôn hãnh diện vì các anh em.” Và tướng Lee biến mình vào trong lều vải của mình.
Điều kiện đầu hàng được hai tướng Lee và Grant ký kết tại Appomattox ngày 9 tháng 4, 1865 thì 3 ngày sau, ngày 12 tháng 4 mới là ngày quân liên hiệp miền Nam chính thức buông súng đầu hàng.
Hai đạo quân dàn đôi bên con đường chạy theo phiá Đông rừng Appomattox. Chỉ huy cánh quân miền Bắc và điều khiển buổi lễ là tướng Chamberlain, nguyên là một giáo sư đại học, Huy Chương Danh Dự, hai lần bị thương trên chiến trường.
Chỉ huy 28,000 sĩ quan và binh sĩ liên hiệp miền Nam là tướng Gordon, một trong những cận tướng can trường của Đại tướng Lee, 4 lần bị thương tại mặt trận, một lần bị trúng đạn xuyên qua mặt.
Tướng Chamberlain đã ghi lại trong hồi ký cuả mình: ” Từng đoàn, từng đoàn, họ tiến bước theo nhịp quân hành, ép chặt vào nhau giống như một giòng người đội vương miện màu đỏ ối, giương cao quân kỳ và hiệu kỳ. Đây là những người mà gian lao, đau khổ, nhọc nhằn, kể cả tử thần không bẻ cong được quyết tâm của họ. Họ đứng thẳng hàng trước mặt đoàn quân chúng tôi, một đoàn quân tơi tả, xương xẩu, nhưng hiên ngang, mắt sáng ngời chiến thắng, họ là những hình ảnh sống phản ảnh mối liên hệ thắm thiết chỉ có thể có giữa những đồng đội trên chiến trường”.
Không hề dự định trước, cũng như không hề được chuẩn y trước, tướng Chamberlain bất thần hô lớn ra lệnh, “Bồng súng chào!” cho quân đội miền Bắc. Một tiếng kèn lệnh vang lên, và lập tức toàn thể đoàn quân miền Bắc bồng súng lên vai, tiếng báng súng rập khuôn vang lên.
Phiá đối diện, tướng Gordon thúc nhẹ con tuấn mã khụy hai chân trước xuống, người và ngựa cùng cúi đầu, gươm tuốt trần chúc mũi trong một dáng đìệu hùng vĩ tuyệt vời. Cùng lúc, đoàn quân miền Bắc chuyển qua bồng súng nghiêm chào. Họ chào những “anh hùng bại trận”, họ bày tỏ sự kính trọng của những người Hoa Kỳ đối với những người Hoa Kỳ.
Và phiá hàng quân miền Bắc tiếp tục giữ đúng thế nghiêm. Không có thêm một tiếng kèn. Không có một tiếng trống. Không có một tiếng hô chiến thắng. Không có một tiếng nói. Không cả một tiếng thầm thì. Mà chỉ còn là một hàng quân im phăng phắc. Mọi nhịp thở như ngừng lại.
Buổi lễ đầu hàng kéo dài 7 tiếng đồng hồ. Gần 28,000 người, trên 100,000 tấn vũ khí, đạn dược, quân kỳ, hiệu kỳ lần lượt bỏ xuống. Từng đơn vị tiến lên, gác súng, tháo bao đạn, và xếp súng xuống. Kế đến họ trìu mến cuốn hay xếp quân kỳ, hiệu kỳ, lắm cái tơi tả và lắm cái nhuộm máu đã khô, sau cùng họ khẽ đặt những lá cờ kia xuống mặt đất…

Bây giờ, xin tạm gọi ngày 09 tháng 04 năm 1865 tại Mỹ là tháng 04/1865, và 30/04/1975 tại Việt Nam là tháng 04/1975. Một số người cho rằng Mỹ là quê hương của “Cow Boy”. Mỹ là xã hội sống theo phương châm “Bắn nhanh thì sống, bắn chậm thì chết”. Mỹ là nơi “mắt đổi mắt, răng đổi răng”. Tại sao giữa những tin đồn hung hiểm như vậy, người Mỹ lại có được tháng 04/1865 tuyệt vời như thế kia? Tuyệt vời bởi lẽ sau nhiều năm quần thảo với nhau trên núi xương, sông máu, người Mỹ đã nhanh chóng làm hoà với nhau, lấy tình tự dân tộc làm gốc. Tuyệt vời bởi lẽ biến cố Tháng 04/1865 đã nêu bật tình cảm rằng cả người thắng lẩn kẻ bại đều thiết tha và chân thành tôn kính lẩn nhau. Tuyệt đối không có cảnh “nhảy múa trên đau khổ của kẻ bại”. Người đích thực là kẻ chiến thắng trong 04/1865 chính là dân tộc Hoa Kỳ.
Mang tháng 04/1865 đặt cạnh tháng 04/1975, mọi người, kể cả những người khác biệt chính kiến, đều có thể dễ dàng nhận ra những khác biệt lớn lao sau đây:
- Chiến bai trong 04/1865 là chiến bại thật. Chiến bại trong 04/1975 là chiến bại biểu kiến (thấy vậy mà không phải vậy). Chiến bại trong 04/1975 là chiến bại của một quân đội bị “Đồng Minh” đâm sau lưng.
- Sau 04/1865, quân Bắc Mỹ không hề trả thù quân Nam Mỹ. Tất cả hình thức ăn mừng chiến thắng đều bị ngăn cấm. Chẳng những không bị ngược đãi, quân Nam Mỹ còn được Bắc quân trao tặng hơn hai mươi lăm ngàn 25000 phần ăn như một lời chúc thượng lộ bình an trên con đường trở về quê hương gốc. Sau 04/1975, CSVN ra lệnh mang ra chợ xử bắn những quân cán chính nào của VNCH mà Hà Nội gán cho danh hiệu “ác ôn”. Mặt khác, tất cả thương bệnh binh của VNCH lập tức bị đuổi ra khỏi toàn bộ hệ thống quân y viện của Miền Nam Việt Nam. Đó là lý do giải thích tại sao những ngày đầu tháng 05/1975 vô số thương binh VNCH, kể cả những thương binh vết thương còn mới nguyên, lê lết khắp phố chợ làng quê…
- Không một người lính nào trong quân đội Nam Mỹ bị bắt giam như những tù binh. Ngược lại, tại Việt Nam 04/1975, CSVN bắt giam nhiều trăm ngàn quân nhân từ tướng đến binh (an ninh tình báo) của VNCH. Hành động bắt giam này được thực hiện bằng lời kêu gọi mang theo mười ngày lương thực nhằm tạo cho “nạn nhân” hiểu lầm là họ chỉ đi “học tập cải tạo” mười ngày. Trong thực tế 10 ngày có nghĩa là một hai thập niên tù khổ sai.

Khi mùa dứt chiến chinh trên quê hương tôi (Tháng Tư 1975)
- Tháng 04/1865 quân Bắc Mỹ chỉ tịch thu vũ khí cộng đồng, họ cho phép quan,quân miền Nam giữ lấy ngựa và vũ khí cá nhân như những tài sản riêng. Tháng 04/1975 nhà cửa, xe cộ của sĩ quan cao cấp của VNCH bị tịch thu, vợ con của quân nhân các cấp bị mất việc làm, bị đuổi đi kinh tế mới. Đặc biệt, không chỉ riêng gia đình quân cán chính VNCH mà ngay cả người dân bị goi là “dân vùng ngụy” cũng bị CSVN đánh đòn rất cẩn thận: đánh tư sản mại bản, đánh công thương kỹ nghệ gia, đánh tiểu thương, đánh văn nghệ sĩ, đánh tu sĩ các tôn giáo. Nói chung, tháng 04/1975 là ngày ghi dấu toàn bộ xã hội miền Nam Việt Nam biến thành địa ngục trần gian.Cùng là CON NGƯỜI, tai sao người Mỹ đối xử với người Mỹ khác hẳn CSVN đối xử với người Việt Nam? Phải chăng văn hoá Mỹ khác với văn hoá Cộng Sản? Đúng rồi, văn hoá CS hoàn toàn phản lại văn hoá của loài người. Nhóm chữ “văn hoá CS” chỉ là kiểu dùng chữ tạm thời, giúp cho sự diễn đạt được nhanh chóng. Văn hoá là sự thăng hoa của văn minh, là cao diểm của văn minh NGƯỜI. Xuất phát từ tiền đề triết học duy vật( kim chỉ nam của đấu tranh giai cấp), trong tim óc của môn đồ Cộng Sản không có chỗ dành cho Con Người. Thoạt tiên Karl Marx dạy người CS hãy nhóm lên ngọn lửa đấu tranh giai cấp để thống tri xã hội. Thế nhưng trong thực tế ý niệm giai cấp rất mơ hồ. Ghét ai thì gọi người đó là phú nông, địa chủ. Thương ai thi goi người đó là “tư sản dân tộc”. Mặt khác, theo đà phát triển của văn minh loài người, triết học Marx đã hiện nguyên hình là một quái tượng tư tưởng vô cùng to lớn . Từ đó, người Cộng Sản, đặc biệt là CSVN, hoàn toàn mất hướng suy nghĩ. Tuy nhiên, trong cuộc đời mất hướng kia, thói quen đấu tranh giai cấp đã hằn sâu trên tim óc của người CS ba phương châm sống gọi là “ba ác” mà người CS cho là cực kỳ khôn ngoan:
(1). Ác một là: Sống tức là đấu tranh chống những người chung quanh (kể cả đồng chí) để vươn mình lên, để cai trị mọi người, để tước đoạt tài sản của người khác càng nhiều càng tốt.
(2). Ác hai là: Sẵn sàng thực hiện bất kỳ điều ác nào, kể cả giết cá nhân hay tập thể người, nhằm hoàn tất cho bằng được mục tiêu số (1)
(3). Ác ba là: Phương châm (1) và (2) phải được dấu tuyệt đối kín. Sống để bụng, chết mang theo. Nhằm tăng cường cho công việc dấu kín kia, người CS phải lòe bịp người đời bằng cách thường xuyên đề cao Trời Phật, tình Người, tình yêu tổ quốc, yêu nhân loại.
Muốn tìm ra lý do tại sao có sự khác biệt lớn lao giữa tháng 04/1865 và 04/1975 chúng ta hãy căn cứ vào “ba ác” kể trên để theo dõi hành động của đảng CSVN từ 1954 đến ngày nay, 2008.
1955 và các năm kế tiếp, CSVN nhân danh giai cấp bần cố nông đánh các mặt trận: Cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, vụ án xét lại chống đảng… Mục đích: cướp tài sản của quần chúng nhân dân và củng cố quyền thống trị của đảng.
1968 CSVN nhân danh giai cấp vô sản tàn sát nhiều vạn đồng bào cố đô Huế. Mục đích: khủng bố quần chúng Huế để cưởng bách Huế phải tuân phục Hà Nội.

1975, tháng 04, CSVN vẫn nhân danh giai cấp vô sản một mặt tống giam hàng trăm ngàn quân nhân và nhiều thành phần quần chúng khác nhau, mặt khác đánh tư sản, công thương gia , cưởng đoạt tài nguyên quốc gia, biến tài nguyên này thành tài sản riêng của đảng CS, xuất cảng thuyền nhân, phụ nữ, trẻ em, công nhân lao động… Tất cả những việc làm kia chỉ vì mục đích cướp tài sản của toàn dân và củng cố quyền thống trị.

1985 đến 2008, kinh tế quốc doanh của CS bắt buộc phải đầu hàng kinh tế thị trường, giai cấp tư bản đỏ ra đời ngay càng đông, càng giàu có một cách bất lương. CSVN bắt đầu đổi giọng, không còn nhắc đến giai cấp vô sản nữa, mặc dầu giai cấp nay ngày càng phình to. CSVN công khai phục vụ Trung Quốc, phục vụ doanh nhân quốc tế. CSVN không ngần ngại thẳng tay đàn áp sinh hoạt tôn giáo, những tổ chức yêu chuộng tự do dân chủ, công nhân, dân oan, thanh niên sinh viên biểu tình chống Trung Quôc xâm lược, chống Olympic Trung Quốc….

Quá trình hoạt động của CSVN trong các thập niên qua để lộ ra rằng CSVN cai trị đất nước dưới nhiều lớp áo khác nhau: bần cố nông, vô sản, tư bản đỏ, người bạn thân thiết của doanh gia ngoại quốc, kẻ tôi tớ trung thành của quân xâm lược Trung Quốc…Trong nhiều lớp áo khác nhau kia CSVN bao giờ cũng “đề cao” tình người, tình tổ quốc, tính nhân loại. Hẳn nhiên những đề cao như vậy đều là những đề cao gian dối, những đề cao nằm trong kế hoạch thực hiện “ba ác” của người-CS-biến-thái-sau-khi-chủ-nghĩa-Marx- thất-bại. Nói đúng hơn, sau thất bại của Marx, con người Cộng Sản trở thành con người Mafia. Thế rồi, đảng CSVN với bản chất Mafia đã “Mafia hoá” xã hội Việt Nam qua ba cội nguồn sau đây:
1) Quan hệ giữa nhà cầm quyền CSVN với quần chúng Việt Nam là quan hệ giữa cá lớn với cá bé, giữa động vật khỏe với động vật yếu. Lâu dần, do ảnh hưởng cách ứng xử của nhà cầm quyền, người dân quay ra đối xử với nhau theo luật mạnh được, yếu thua. Luật này là luật hàng đầu của xã hội Mafia.
2) Nhà cầm quyền CSVN ra lệnh cho báo chí, truyền thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác phải truyền thông theo kiểu cắt đầu, cắt đuôi, bóp méo sự thực. Bằng lề thói truyền thông kia nhà cầm quyền đã dạy dỗ và đào tao người dân thành những kẻ ăn gian nói dối. Ngay thẳng là khờ khạo, gian manh là khôn ngoan. Không gian dối, không phải là Mafia.
3) Biết rõ thế giới kinh tởm bộ mặt Mafia, CSVN thường xuyên nỗ lực che đậy bộ mặt Mafia của họ. Muốn vậy CSVN phải ẩn nấp đàng sau tấm bảng hiệu Karl Marx. Ẩn nấp như vừa kể, CSVN muốn nói với thế giới rằng CSVN không là một đảng trộm cướp Mafia, và rằng CSVN đích thực là một đảng chính trị lấy tư tưởng Marx làm kim chỉ nam. Nhằm giúp cho việc ẩn nấp được chu đáo hơn, “giống thật” hơn, CSVN cưởng bách toàn bộ hệ thống giáo dục của xã hội Việt Nam phải đều đặn học tập chủ nghĩa Marx. Sự thể này đã dẫn đến một sự thực rằng: Trước kia ông Hồ Chí Minh và những đồng chí của ông ấy đã từng học Marx, theo Marx, đã từng trở thành những người CS biến thái sau khi chủ nghĩa Marx thất bại, đã từng sống theo “ba ác”, đã từng là Mafia. Ngày nay CSVN lôi kéo toàn bộ xã hội Việt Nam đi vào con đường có đầy đủ cái “đã từng” kia.

Cùng là con người tại sao tháng 4, 1865 là thiên đàng, tháng 4,1975 lại là hỏa ngục? Thưa rằng tại vì tháng 4, 1865 người Mỹ đối xử với nhau bằng văn hoá con người so với tháng 4, 1975 CSVN “đãi ngộ” quân dân miền Nam Việt Nam bằng “văn hoá” ba ác, “văn hoá” Mafia. Điều nguy hại hơn nữa là từ sau tháng 4, 1975 cho đến nay, CSVN không ngừng thủ tiêu văn hoá Việt Nam, thay vào đó là “văn hoá” Mafia.

Văn hoá là quốc hồn. Văn hoá đi vắng. Quốc hồn bay xa. Lòng yêu nước của người dân mờ phai. Hiện nay, đa số người dân Việt gần như không nghĩ đến nghĩa vụ bảo vệ non sông. Trong khi đó, tin tức thời sự cho biết dân Tàu đang ồ ạt kéo vào lãnh thổ Ai Lao với lý do kinh doanh, thực tế là lục tìm lương thực. Trong khi đó tin từ Việt Nam cho biết nương vào sự việc từ lâu, CSVN đã cho phép Tàu vào Việt Nam như đi chợ không cần giấy tờ nhập cảnh, nương vào lý do “bảo vệ ngọn đuốc Olympic” nhiều đạo quân Tàu mặc thường phục đang tràn ngập Việt Nam từ Bắc vào Nam. Phải chăng đây là một cuộc đại xâm lăng không bằng súng đạn mà bằng chiến thuật lấy thịt đè người? Đây là dấu hỏi gây nhức nhối tim óc dành cho người Việt Nam trong cũng như ngoài nước vào dịp 30/04/2008 vậy.

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home