Tuesday, March 23, 2010

QUA BẾN NƯỚC XƯA

QUA BẾN NƯỚC XƯA
HOÀNG MỘNG GIỚI
Chuyến bay của Luân từ Canada đáp xuống phi trường Charles De Gaulle khi trời hãy còn quá sớm. Chàng qua Pháp để dự đám cưới con gái của Đạt, bạn chàng, ở Calais, một thị trấn nhỏ ở vùng biển Manche. Luân có một người anh ruột ở ngoại ô Paris mà chàng sẽ gặp hôm nay. Sau thủ tục nhập cảnh, Luân lấy taxi về thẳng Gare du Nord. Chàng vào mua vé và tìm hộc khóa cất hành lý. Chàng sẽ đi Calais vào buổi chiều. Chàng dành buổi sáng đi thăm thành phố. Luân ra khỏi nhà ga, chàng chậm rãi đi bộ. Mùi cà phê đậm đà trong không gian làm Luân thật dễ chịu. Chàng đi lạc vào những con phố vắng và xinh đẹp, thành phố không còn quen thuộc với chàng nữa! “Tôi chỉ là con chim đến từ núi lạ”, chàng chặc lưỡi, nhủ thầm. Ngày cũ, mỗi khi về thành phố để thăm anh Bá, lúc đó là sinh viên y khoa, chàng không ở lâu quá một ngày vì còn về Provence thăm Christiane.
Những háo hức đam mê của tuổi trẻ thật đáng yêu. Luân vừa cất bước vừa suy nghĩ miên man về quãng đời đã qua. Chàng ngắm con sông với bờ quai vắng vẻ. Những cây cầu trên con sông Seine còn quyện trong sương mù buổi sáng. Cảnh trí thật đẹp, thật quyến rũ nhưng không lưu luyến, không vương vấn hồn chàng bằng những bờ xa, những bến vắng mà chàng đã đến, đã đi trong cuộc đời hải nghiệp.
Chàng bước xuống cầu đi qua bờ tả ngạn. Chàng đứng lâu ở công viên nhỏ cạnh nhà thờ Saint Julien, chiêm ngưỡng nét đẹp của ngôi Vương cung Thánh đường trong ánh nắng ban mai. Luân tiếp tục đi về khu Latin, giờ này các tiệm sách trên đường Mich còn đóng cửa. Chàng ghé vào một Bistro, người hầu bàn mang đến cho chàng một tách cà phê. Luân uống ngụm cà phê đầu tiên trong ngày, nhắm mắt, cà phê ngon thật, đen sánh. Bỗng nhiên ký ức mạnh mẽ từ đâu kéo về chàng thấy lại hình ảnh một quán nước tiêu điều và đổ nát ở chân dốc cây cầu nhỏ Đông Ba… Thành phố Huế, cảnh vật Huế cũng tiêu điều và đổ nát trong cái Tết Mậu Thân. Do một tình cờ hãn hữu, duyên đoàn Hải Quân của chàng trong chuyến hải hành từ Đà Nẳng ra Cửa Việt vào cuối tháng 1, 1968 đã vào Cửa Thuận An để tránh biển động. Bất thần cuộc tấn công Mậu Thân xảy ra khiến đơn vị Luân đã tham chiến ở mặt trận Huế ngay từ đầu. Đoàn ghe Duyên đoàn, một hạt cát trong trận chiến Huế, đã chiến đấu ròng rã cùng các đơn vị Bộ Binh để giải tỏa khu vực, từ Bao Vinh lên tới cửa thành Đông Ba, dọc theo con sông Hàng Bè, Duyên đoàn đã giữ được trục liên lạc đường sông giữa Huế và cửa biển Thuận An để nhận lãnh những tiếp liệu hiếm hoi cho những người lính Sư đoàn I đang chiến đấu trong cực kỳ khó khăn. Huế hồi sinh khi lá quốc kỳ thân yêu cờ vàng ba sọc đỏ tung bay phất phới trên kỳ đài Phú Văn Lâu, ngày 24 tháng hai 1968. Tuy nhiên thành phố vẫn chưa gượng dậy được sau cái Tết thảm khốc. Trong điêu tàn và giá buốt của mùa đông Cố Đô, Luân uống ngụm cà phê nóng đầu tiên sau gần sáu tuần lễ chiến đấu liên tục. Duyên đoàn Hải quân vốn là đơn vị nhẹ, không được trang bị vũ khí nặng, nên tổn thất rất lớn. Luân không thể nào tưởng tượng nổi, chỉ ba năm sau khi hồi hương, chàng đã bị ném vào cơn lốc chiến tranh tàn khốc như vậy. Người lính Bộ binh khắc khổ, cùng ngồi trong quán, ngậm ngùi tâm sự “thiếu úy ở Sài Gòn ra chứ tụi tui ở Huế, vợ con ở Huế hết, chừ đứa thì thất lạc, đứa thì chết, đau xót lắm thiếu úy ơi”. Ôi, vị đắng của tách cà phê gạo rang hôm nào hình như ngọt ngào hơn cái cay đắng của quê hương chàng!

Bistro đã bắt đầu đông khách, Luân trả tiền và bước ra khỏi quán. Chàng ngắm phố xá hai bên đường Bonaparte, chàng dừng lại trước nhà thờ Saint-Germain-des-Prés. Chàng bước vào bên trong giáo đường, đến trước tượng Đức Mẹ Notre Dame de Consolation. Những ngọn nến cầu nguyện lung linh, phả một ánh sáng huyền hoặc lên khuôn mặt bức tượng. Chàng đứng yên. Nét mặt thanh tú của người bạn gái năm xưa thấp thoáng trong trí nhớ. Chàng quen với Christiane năm chàng được học bổng về học Droit Maritime ở Bordeaux. Chàng từ giã cuộc sống hải hồ. Bởi vì, đôi khi “gió hỡi gió, phong trần ta đã chán”. Mùa giáng sinh của năm học đầu tiên, chàng theo bạn về ăn Noel tại Digne và chàng được giới thiệu với Christiane. Hai người mến nhau từ dạo ấy. Christiane đang học năm cuối trung học. Cuối năm cử nhân II, sinh viên theo thương thuyền để thực tập về những sinh hoạt liên quan đến luật hàng hải. Mộng hải hồ tưởng chừng như đã lãng quên bổng sống dậy. Tiếng gọi của biển khơi thôi thúc quá, bây giờ thì Luân biết chàng không thể nào xa rời hải nghiệp, mặc dầu ngành Droit Maritime chắc chắn sẽ cho chàng một cuộc sống sung túc, bình dị. Chàng xin nghỉ học, làm sĩ quan đương phiên cho một thương thuyền viễn dương chạy tuyến Bắc Âu-Nam Mỹ. Chàng đã nhiều lần theo Christiane về thăm quê quán nàng, vùng thung lũng nắng ấm Valensole “La Vallée Ensoleillée”. Mùi hương lavande như còn phảng phất. Rồi chàng quyết định hồi hương, lần gặp cuối cùng ở Montpellier-Christiane đang học đại học ở đó, chàng và Christiane chỉ giữ im lặng, hai tâm hồn đã giao cảm… Chàng đã nắm tay Christiane thì thầm “Combien je t’aime, combien je te veux… pure et sainte… “ Tình cảm hai người đẹp như mây trời và lãng mạn như một áng thơ cổ điển, chàng chưa một lần… hôn môi Christiane. Về Việt Nam, chàng còn giữ liên lạc với nàng cho đến ngày nhập ngũ. Ánh nến vẫn lung linh, chàng thầm ước cho nắng vẫn vàng trên thung lũng Valensole.
Khi Luân đến quán cà phê quen ở đường Saint Benoit thì đã thấy anh Bá ngồi đợi trong quán. Anh Bá đã nhiều lần sang thăm Luân ở Canada. Anh Bá dặn dò Luân về ở chơi lâu với anh sau vụ đám cưới. Anh đã về hưu năm ngoái nên có rất nhiều thì giờ để đưa Luân đi thăm lại nước Pháp. Sau khi ăn trưa, anh đưa chàng đến nhà ga và hai anh em chia tay.
Xe lửa chuyển bánh, Luân thấm mệt, có lẻ vì sự khác biệt giờ giấc giữa Canada và Pháp. Chàng nghĩ tới Đạt, về cuộc gặp gở lần cuối ở Việt Nam…
Luân và Đạt cùng ở chung một giang đoàn thủy bộ ở Cà Mau năm 1969. Thời điểm này Mỹ đang đẩy mạnh kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh để rút quân đội Mỹ về nước. Đầu năm 1970, Đạt thuyên chuyển về Hạm Đội, phục vụ trên một Dương vận hạm loại LST. Tháng 3, 1970, Mỹ đở đầu cho Lon Nol đảo chánh ông Hoàng Sihanouk. Tình hình Cao Miên càng ngày càng tồi tệ. Người Việt sinh sống an lành với dân Miên từ bao đời ở xứ chùa Tháp bị công khai khủng bố, cáp duồn.
Tháng 5, 1970, quân lực VNCH bắt đầu chiến dịch giải cứu và hồi hương đồng bào. Lực lượng Thủy bộ của Luân đánh thốc qua biên giới, hành quân ngược dòng sông Mékong, lên tận thủ đô Nam Vang, yểm trợ cho công tác hồi hương đồng bào tại hai tụ điểm Nam Vang và Neak Luong trên bờ Mékong.
Trong khi đó, Đạt tham gia chiến dịch tại vùng vịnh Thái Lan. Đồng bào được tập trung về cảng Sihanouk Ville, tạm trú trong các tu viện, trường học để đợi chiến hạm HQVN di tản. Suốt chiến dịch Đạt đã làm công việc với rất nhiều nữ tu để điều hành công tác cứu trợ. Vào khoảng cuối tháng 5, 1970, chiến dịch chấm dứt với gần một trăm ngàn đồng bào được hồi hương và tái định cư.
Năm 1974, chàng và Đạt cùng thụ huấn khóa Tham Mưu trung cấp Hải Quân. Mãn khóa, Đạt được đề cử chức vụ Hạm Phó một hải vận hạm. Luân thuyên chuyển về Tân Châu với chức vụ Chỉ huy phó giang đoàn tuần thám. Giang đoàn trang bị toàn loại giang tốc đỉnh P.B.R với vận tốc cực nhanh trên sông. Thời gian nầy cường độ chiến tranh rất khốc liệt song song với việc rút quân gia tăng của Mỹ. Hải lộ sông Mékong từ biên giới Tân Châu qua Nam Vang bị áp lực nặng của Khmer đỏ, có những tháng không một thương thuyền tiếp tế nào lên tới được cảng Nam Vang. Tháng 3, 1975 khi Luân về căn cứ Hải Quân Bình Thủy ở Cần Thơ để nhận lảnh 2 giang tốc đỉnh bổ sung cho đơn vị, chàng gặp Đạt, chiến hạm của Đạt đang ủi bải tại căn cứ. Chiến hạm vừa từ Sihanouk Ville quay về trong một công tác di tản khẩn cấp các viên chức cao cấp Cao Miên lẫn các nữ tu thuộc tu viện mà Đạt đã công tác năm 1970.
Đạt kể, một vị nữ tu đã kín đáo gặp chàng trên chiến hạm, bà từ tu viện Nam Vang trở về Sihanouk Ville trước khi đường bộ bị cắt đứt. Tu viện Nam Vang còn lại 4 vị nữ tu tình nguyện ở lại để chăm sóc các trẻ tàn tật vô gia đình. Tình hình Nam Vang rất bi đát tại các khu vực Khmer đỏ chiếm đóng, chúng đã bắt đầu hành quyết các tu sĩ, nữ tu, cùng các nhà sư Phật giáo. Bà trao cho Đạt tập nhật ký của vị nữ tu đã tình nguyện ở lại Nam Vang. Đạt vô cùng ngạc nhiên và bàng hoàng. Đạt nhớ rõ vị nữ tu đã cộng tác cùng chàng trong công cuộc cứu trợ của 5 năm trước, nhưng chỉ ngần ấy thôi. Đạt luôn luôn kính trọng và nghiêm túc với các vị.
Nhật ký ghi lại các xáo trộn, đột biến tâm linh kể từ ngày vị nữ tu… gặp Đạt và cảm thấy đã phạm tội vì đã xa rời thánh ý để bị cuốn hút vào những hệ lụy, những vướng mắc trần tục. Sự dằn co giữa tình yêu thánh giá và những tình cảm luyến ái trần thế thật day dứt và gay go, cuối cùng nữ tu phải thú nhận cùng mẹ bề trên để mong được cứu vớt. Bề trên đã gởi nữ tu về tu viện Nam Vang năm 1971, ở đấy có bệnh xá chữa trị cho các trẻ em bị thương tật về chiến tranh. Quả nhiên, Ơn trên đã đáp ứng sự cầu nguyện chân thành của nữ tu. Với khung cảnh mới, với trách vụ mới, Đức Tin Mặc Khải đã trở lại với con tim thánh thiện, sự mầu nhiệm đã xảy ra, vị nữ tu đã khôi phục trên phương diện tâm linh. Trang cuối, bà ghi “nếu số phận khiến cuốn nhật ký này đến được tay ông thì đó là chứng tích của Phép lạ cứu rỗi mà Thiên Chúa đã ân sủng cho tôi. Tôi đã vấp ngã trên con đường đức tin và Thiên Chúa đã thương yêu nâng đỡ tôi dậy khiến tôi vững vàng tiếp tục dấn bước. Xin chào từ biệt ông, con người trung chính mà Thượng Đế đã chọn để cho tôi được thử thách. Tôi hằng cầu nguyện cho ông”.
Nghe Đạt kể tới đây, Luân biết định mệnh đã gọi đích danh chàng… ôi! thiện tai. Tận đáy cùng của ký ức, hình ảnh của một tu viện cũ kỷ, nằm im bóng ở một bến bờ hoang liêu, Port Moresby, Nouvelle Guinée, lại hiển hiện với bóng dáng của những vị nữ tu áo dòng trắng người Pháp cô đơn, yên lặng nhìn theo con tàu viễn du mang quốc kỳ Pháp của chàng ra khơi. Hình ảnh ấy đã ghi sâu vào cõi vô thức của tâm hồn chàng khiến chàng luôn bị ám ảnh và mơ hồ chờ đợi một điều gì sẽ xảy ra. Bây giờ thì đã rõ rệt, định mệnh đã dùng sự an nguy của vị nữ tu xa lạ để thách đố chàng. Chàng quyết định dấn thân… “Tau biết rõ địa điểm của tu viện, còn giang hành trên sông Mékong tau nắm rất vững, mình đi!”
Đạt theo Luân lái giang đỉnh về Tân Châu, Luân tính toán nhanh trong đầu về giờ các con nước thủy triều, giờ trăng mọc và lặn trong đêm, vị trí của Khmer đỏ dọc theo sông Mékong… Về căn cứ Luân trình bày với viên sĩ quan chỉ huy về ý định giải cứu các vị nữ tu ở tu viện Nam Vang đúng như chàng dự đoán, người sĩ quan hào hiệp này đã không ngăn cản.
Luân thảo luận qua chi tiết hành quân với ông trên tấm bản đồ quân sự U.T.M, cũng may vào lúc này cứ điểm Neak Lương nằm trên sông Mékong vẫn còn nằm trong tay quân chính phủ, giang đoàn Luân vẫn bí mật vượt biên để yểm trợ cho quân bạn đồng thời để phục kích tấn công các đường dây kinh tài của địch.
Luân giang hành qua khỏi Neak Lương vào hai giờ khuya, ba giang tốc đỉnh tiếp tục di chuyển cho đến 5 giờ sáng thì Luân hướng dẫn các PBR vào ẩn núp trong các con rạch rậm rạp ven sông Mékong. Thời gian chậm chạp trôi qua, đến 7 giờ đêm giang đỉnh bắt đầu di chuyển đến mục tiêu.

Hợp đoàn đến tọa độ đổ quân khoảng một giờ khuya, địa điểm này cách tu viện khoảng 300 thước, về hướng hạ dòng. Từ đây về Nam Vang chỉ còn 10 cây số đường sông. Thành phố Nam Vang đang bị pháo kích dữ dội, hàng loạt hỏa tiển 122 ly đổ xuống thành phố, nhiều khu vực bị thui rụi, lửa cháy rực trời… Khmer đỏ đang nổ lực tấn công thủ đô để dứt điểm.
Toán đột kích gồm 5 người kể cả Luân, Luân thận trọng mở đường, chàng tiến thẳng góc với bờ sông, sâu vào đất liền khoảng 100 thước mới đổi hướng tiến về tu viện.
Một toán Khmer đỏ đang dừng hút thuốc, tán gẩu trước cửa tu viện, chúng hò reo thích thú nhìn thành phố Nam Vang đang bốc cháy. Luân ra hiệu cho viên thượng sĩ phụ tá, cả đám im lặng quan sát vòng đai tu viện. Kinh nghiệm trận mạc đã dạy, khinh địch và khinh suất là chết. Viên thượng sĩ phát hiện-với ống nhòm hồng ngoại tuyến-hai tên Khmer đang đứng gác khuất trong bóng đêm dày đặc.
Luân và viên thượng sĩ bò rất chậm về phía địch từ hai hướng khác nhau. Những tiếng nổ của hỏa tiển pháo kích đã át hẳn tiếng nổ của hai khẩu súng hảm thanh. Những tên còn lại được thanh toán gọn nhờ yếu tố bất ngờ.
Viên thượng sĩ và 2 đoàn viên ở lại bên ngoài, Luân và Đạt đột nhập vào tu viện, bóng tối mênh mông và im lặng. Luân thận trọng quan sát, chàng phát hiện hai bẩy lựu đạn.
Tu viện bị đập phá, hư hại rất nhiều. Luân đi vào cánh trái của tu viện, chàng nghe tiếng người rì rầm trong căn phòng leo lét ánh nến, Luân tông cửa, sẳn sàng tác xạ, ồ bốn vị nữ tu đang thì thầm cầu nguyện. Luân ra dấu cho Đạt vào phòng, một vị nữ tu đăm đăm nhìn Đạt rồi ngất xỉu. Luân vắn tắt báo cho một vị mà chàng đoán là bề trên vì dáng dấp uy nghi của bà về công tác của chàng… vị bề trên cho chàng biết Khmer đỏ đã đuổi hết các trẻ ra khỏi tu viện cả tuần, còn các bà thì bị chúng giam giữ.
Luân lấy nước lạnh cứu tỉnh vị nữ tu. Một đôi mắt mở ra nhìn chàng, ánh mắt như xác tín cùng Luân, con người đôi khi vẫn vượt thắng được số mệnh.
Luân cùng viên thượng sĩ hướng dẩn mọi người di chuyển đến điểm hẹn với các giang tốc đỉnh. Từ đó về đến Neak Lương bề ngang sông Mékong rất rộng, qua khỏi Neak Lương, hướng về biên giới Việt Nam, có đoạn bề ngang rất hẹp. Mặt trời đã lên cao, toán giang đỉnh bị phục kích khi vừa qua khỏi Neak Lương, lưới đạn dày đặc. Nhờ vào vận tốc cực nhanh và khả năng vận chuyển dể dàng 2 PBR đi đầu chỉ bị thiệt hại nhẹ, giang đỉnh Luân đi cuối bị trúng đạn B40, một xạ thủ đại liên bị tử thương. Luân bị trúng mảnh đạn vào mặt, gần đến biên giới, áp lực phục kích giảm dần.
Về đến căn cứ Luân bảo Đạt đưa ngay các vị nữ tu về Cần Thơ bằng xe đò cùng với Đạt, vì chiến hạm của Đạt còn ở đó. Luân lo tải thương, bổ sung thêm đạn dược, nhiên liệu cho giang đỉnh rồi đi nhận công tác ở địa phận tỉnh Hồng Ngự.
Chàng và Đạt không gặp nhau cho tới hôm nay.
Vợ chồng Đạt đón Luân tại nhà ga Calais. Vợ Đạt bảo ngày mai đám cưới của cháu gái sẽ dành cho Luân một ngạc nhiên. Đạt chỉ mĩm cười kín đáo. Sau buổi cơm tối rất vui, Luân đi nằm. Chàng mơ thấy vợ chàng dẫn con nhỏ đi thăm chàng ở trại tù cải tạo. Tỉnh dậy, chàng giật mình toát mồ hôi, không phải vì ký ức tù đày, mà vì chàng đã quên gởi postcard về cho vợ con như đã hứa..
Hôn lễ cử hành tại một ngôi nhà thờ nhỏ ở làng Saint Omer, cách thị trấn Calais một giờ xe hơi. Sau thánh lễ, hai họ qua tòa thị chính nhỏ xíu bên cạnh làm lễ ký hôn thú, rồi uống rượu mừng.
Luân ra vườn, ngồi dưới một tàng cây lớn, chàng nhắm mắt dưỡng thần. Bỗng một giọng nói nhẹ nhàng như sương khói: “Chào ông, ông Luân, cảm tạ thượng đế đã cho tôi được gặp ông”. Luân ngạc nhiên nhìn lên, một vị nữ tu dáng dấp thật thanh thoát đang chắp tay mĩm cười nhu mì nhìn chàng. Luân đứng bật dậy, chàng nhìn ánh mắt vị nữ tu. Đôi mắt trong sáng quá, thanh cao quá, thánh thiện quá. Chàng cảm thấy một niềm vui khôn tả tràn ngập lấy tâm hồn chàng!
Chàng cùng vị nữ tu đi dạo trên con đường làng tĩnh mịch. Chàng nói về những bờ xa, biển vắng mà chàng đã đi qua. Chàng kể chuyện về một tu viện ở một chốn thật xa xăm. Chàng kể về những cánh đồng Lavande ở chân dãy núi Alpes, về xứ sở thân yêu và đau thương của chàng… vị nữ tu yên lặng nghe, chàng biết bà lấy lại sự bình an cho tâm hồn đã từ lâu. Chàng biết bà đã được ân sủng cứu rỗi qua cơn thử thách, chàng cảm nhận những điều đó trong nỗi im lặng thanh khiết của bà. Qua ngôn ngữ của im lặng, chàng biết giữa tâm hồn thánh thiện xuất thế và những con người chính trực đã có một nối kết tâm linh thuần khiết và nhiệm mầu.
Trên chuyến xe lửa trở lại Paris, Luân biết Luân sẽ rủ anh Bá đi Provence với chàng. Luân sẽ ghé Digne thăm ngôi trường cũ của Christiane để hỏi thăm tin tức nàng. Luân sẽ trở về Valensole để thăm lại mái nhà xưa với những cánh đồng lavande. Chắc chắn Luân sẽ gặp lại Christiane, chàng sẽ khoe với bạn hình ảnh vợ con chàng và sẽ hỏi thăm thật nhiều, thật lâu về bạn, về chồng, về con của bạn. Chàng nghĩ đến người vợ thân yêu của chàng và nhất là đứa con gái chàng, nó sẽ kêu lên, với giọng Việt Nam ngọng nghịu, dễ thương của người Mỹ.
“Trời đất ơi! Ông già xấu xí và tội nghiệp của con cũng có romantic nữa à? Không tin được, không tin được.
Hoàng Mộng Giới

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home