Wednesday, June 3, 2009

ÁO TÍM NGÀY XƯA

Từ trái sang phải: Nguyễn Duy Ninh (Một người bạn của Cố Niên Trưởng Tôn Thất Ấn), Niên Trưởng Tôn Thất Ấn (Thuyền Trưởng Tàu Nhựt Lệ, ngồi đầu, xay mặt lại), Nguyễn Nhơn Đức (ngồi trên ghế sau), Người viết Nguyễn Phước Lộc (bên phải Niên Trưởng Tôn Thất Ấn), Trần Trọng Thành (ngồi kế người viết), Hùynh Văn Lãm (ngồi sau). Hình chụp hồi năm 1960.

ÁO TÍM NGÀY XƯA
Nguyễn Phước Lộc

Kính Anh Tư,

Câu chuyện nầy có phần liên quan đến Anh Tư, được kể lại để tưởng nhớ về Anh, một đàn anh có nhiều phong cách, được mọi người kính mến, cảm phục về tư cách của một Sỉ Quan Khóa Đàn anh. Anh luôn luôn là tấm gương tốt cho mọi người, nhứt là những Sinh Viên Sỉ Quan khóa đàn em không phân biệt Pont hay Machine. Trân cuồng phong 30 tháng 4-1975 đã làm cho Đai Gia Đình Hàng Hải Thương Thuyền phiêu bạc khắp bốn phương trời. Mất liên lạc từ lâu,vắng bóng anh trên đất nước người. Hỏi ra, anh Lê Văn Được cho biết: Anh đã lìa bỏ cõi đời đau khỏ nầy, trong một tai nạn, đúng vào ngày 30/4/75, lúc anh can đảm binh vực một người cô thế. Hành động nầy chứng tỏ, anh còn là một anh hùng, quên mạng sống mình cho lẽ phải. Anh Tư kính mến, nếu hồn Anh linh thiêng xin Anh nhận nơi đây lòng cảm mến sâu xa của một đàn em lúc nào cũng tưởng nhớ về anh, lúc còn ở quê nhà, cũng như lúc ở hải ngọai. Cầu nguyên cho vong linh anh sớm tiêu diêu miền cực lạc, chị và các con anh hạnh phúc trọn đời. Thương kính,Nguyễn Phước LộcTôi tốt nghiệp Trường Việt Nam Hàng hải ngành Cơ Khí vào năm 1959, với 8 người bạn cùng lớp. Sau bao nhiêu biến đổi của thời cuộc, vận nước quay cuồn, các bạn tôi mỗi người mỗi ngã, tứ tản muôn phương. Kiểm điểm lại, một ít ở Pháp, mổt ít ở Canada, một ít ở Mỷ, một ít không biết thất lạc nơi nào. Có thể không còn hiện diện trên qủa đất này. Mạng sống con người trong thời chiến tranh, thật mong manh. Mới thấy đó rồi mất đó. Vào năm 1959, số lượng Thương Thuyền Việt Nam đang hoạt động không nhiều. Sinh viên tốt nghiệp ngành Pont hay Machine chỉ hy vọng được thực tập trên các thương thuyền của Hảng Chargeurs Reunis, một hảng tàu Pháp. Hảng tàu này còn được gọi là Hảng Tàu Năm Sao. Chúng tôi đặt nhiều hy vọng được thâu nhận vào hảng tàu này, như các khóa đàn anh trải qua. Tàu Pháp đã lớn lại tối tân, Học Viên Sỉ Quan (Eleve Officier) được dịp học hỏi nhiều. Tuy nhiên, điều làm cho chúng tôi mong muốn, không phải chỉ có vây, mà là một cơ hội, được đi đó đi đây, được dịp xuất ngoại ra nước ngoài, nhứt là nước Pháp một hy vọng không qúa tầm tay của dân Hàng Hải thời bấy giờ. Đa số các Thương Thuyền Pháp đều đặt Căn Cứ Cảng (Port d’Attache) ở Marseille hay ở Le Harve. Tàu lớn có trọng tải hơn 10.000 tấn, việc cất hàng hóa lên xuống cần phải có thời gian lâu. Như vậy, chỉ cần một chuyến xe lửa từ Marseille đi Paris, là đủ để thỏa mãn ước vọng được nhìn, được thấy tận mắt, kinh đô ánh sáng nổi tiếng của Âu Châu. Paris với Tour Eiffel như một kỳ quan tuyệt vời, đầy thu hút, mà mọi người đều mơ đều ước, nhứt là những người chọn nghiệp biển cả là nhà như chúng tôi. Một người bạn của tôi đã may mắn có được một chuyến đi như vậy. Tôi nghe bạn tôi kể mà mê... Chẳng những thế, bạn tôi còn cho tôi coi một tấm hình, hắn đứng từ Palais du Trocadéro, mà background là Tháp Eiffel cao sừng sửng vĩ đại. Để đạt được mơ ước này, tôi và mấy người bạn đồng khóa, đều nộp đơn xin vào đây. Lần lượt theo thứ hạng, mấy anh em chúng tôi đều được Hảng Chargeurs Reunis thâu nhận.Hảng này có nhiều tàu chạy khắp thế giới. Tuy nhiên phải chờ một thời gian, lâu mau tùy lúc, có lúc một hai tháng, có lúc hai ba tháng, mới có một chiếc tàu ghé Saigon. Chúng tôi kiên nhẫn chờ đến phiên mình. Vào thời gian này, chúng tôi cũng được Sở Hàng Hải - Nha Thủy Vận – Bộ Công Chánh can thiệp với Hảng Tàu Nguyẽn Văn Bửu thâu nhận Học Viên Sỉ Quan xuất thân từ Trường Việt Nam Hàng Hải. Nhờ vậy chúng tôi có hai chọn lựa: Một là đi tàu Tây, hai là đi tàu Ta. Tây hay Ta gì, tàu nào cũng thích hết. Hảng nào gọi trước là OK ngay.Hảng Tàu Nguyễn Văn Bửu có bảy chiếc, gồm có: Nhựt Lệ, Tiền Phong, Phú Quốc, Thăng Long, Thống Nhứt, Đại Hải, Trường Sơn. Người ta còn gọi Hảng Tàu Nguyễn Văn Bửu là Hảng Tàu Bà. Người ta muốn nói đến Bà Cố Vấn Ngô Đình NhuTôi được thâu nhận vào Hảng Tàu Nguyễn Văn Bửu và được chỉ định xuống tàu Tiền Phong. Ngoài mấy chiếc tàu có tên là Phong Châu, Khánh Hòa, Angkor , Nam Sanh, Dinard va Cyprea. Tôi nhớ không còn chiếc tàu nào khác nữa. Và những chiếc tàu này, lúc bây giờ không thâu nhận Học Viên Sỉ Quan.

Tôi cũng được biết Tàu Nguyễn Văn Bảy, bất khiến dụng, neo bên bờ sông, phía Thủ Thiêm. Tàu cũng khá lớn nhưng củ kỹ, chạy bằng máy hơi nước. Nghe nói, sau này xác tàu Nguyễn Văn Bảy được bán cho một Công Ty của Nhựt mua làm sắt vụn. Có lẽ tôi hơi dài dòng một chút. Nhưng câu chuyện sẽ bắt đầu từ tàu Tiền Phong, khi tôi được thuyên chuyển qua tàu Nhựt Lệ, với chức vụ Học Viên Sỉ Quan. Một vài thủy thủ gọi tôi là ông “Neo“. Tàu Nhựt Lệ được coi là tối tân và lớn nhứt trong bảy chiếc tàu của Hảng Nguyễn Văn Bửu. Tàu Nhựt Lệ có sức trọng tải 1200 tấn. Sáu chiếc kia có hình dạng giống nhau. Máy móc trang bị cũng giống nhau. Sức trọng tải của mỗi chiếc là 650 tấn. Lớn ở đây có nghĩa là được ở bến lâu hơn, được đi bờ nhiều hơn, được gần gia đình nhiều hơn, và những người trẻ tuổi độc thân như tôi, được dịp khám phá Thành Phố Sàigòn một cách kỹ lưỡng hơn. Nói một cách khác, được đi chơi nhiều hơn, để bù đáp lại những năm miệt mài với sách vở, lo âu chuyện thi cử... Có thể nói, ở Trung Tâm Quốc Gia Kỷ Thuật Phú Thọ, chưa có trường nào mà tỷ số sinh viên tốt nghiệp quá ít ỏi, quá khiêm nhường như Trường VN Hàng Hải. Đa số sỉ quan làm việc cho Hảng Tàu Nguyễn Văn Bửu, đều mong muốn được đi tàu Nhựt Lệ, vì những lý do nêu trên. Một lợi điểm khác nữa của tàu Nhựt Lệ là, chở được nhiều hàng hóa , tàu nặng, nên tàu ít lắc hơn khi găp thời tiết xấu, sóng to gió lớn. Câu thường dùng của các tay bợm nhậu khi qúa xỉn là: “Cho chó ăn chè” Người thủy thủ chúng tôi lại dùng câu: “ Cho cá ăn chè “ để hình dung những lúc biển động, tàu lắc lư, cơn say sóng ập đến, có gì ta cứ cho cá nó ăn.Khi Tàu Nhựt Lệ về đến Sàigòn và cập cầu Charner, tôi xuồng trình diện ông Cơ Khí Trưởng: Phùng Văn Gạt. Ông Gạt mời tôi vào phòng, kéo ghế cho tôi ngồi xong, ông hỏi:- Câu ra trường năm nào?- Tôi trả lời: Dạ thưa mới năm nay (1959). Ông cho tôi biết sơ qua về đặc tính kỷ thuật của tàu, khuyên tôi nên cố gắng học hỏi. Ông cũng nói thêm: Ông rất thông cảm cho những sinh viên mới tốt nghiệp, chẳng biết gì nhiều, ngoài một mớ lý thuyết thâu lượm được trong hai năm học ở trường. Ông cho biết kinh nghiệm của riêng ông: Ngành Cơ Khí cần làm việc nhiều. Chuyện gì cũng phải mò tay vào như lau chùi, chấm dầu., thay dầu máy kể cả việc gõ sét. Ông nói thêm:- Những việc làm này sẽ giúp cậu có được một ít ý niệm về nhân viên dưới quyền sau này. Càng làm việc nhiều, cậu sẽ hiểu biết nhiều hơn, và đó là điều chắc chắn.- Cậu được chỉ định đi quart (đi phiên) và học hỏi với Máy nhì Hùynh Văn-Lãm, một người có rất nhiều kinh nghiệm trong nghề.- Cậu cũng có thể gặp tôi bất cứ lúc nào khi cần, bất cứ thắc mắc nào liên quan đến nghề nghiệp. Cứ xem tôi như người anh, may mắn được đi trước. Tôi mừng thầm: Ông Chef Máy này coi bộ hiền và dễ chịu. Sau đó ông hướng dẫn tôi đi trình diện Thuyền Trưởng Tôn-Thất-Ấn. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu tại sao dân Hàng Hải, thường gọi Thuyền Trưởng là Quan Tàu. Tiếng Pháp thì gọi là Capitaine: Officier de la marine marchande pouvant assurer le commandement des navires de commerce. Tiếng Anh gọi là Captain: The Commander or Master of a merchant ship. Như vậy, Offcier mecanicien hay Engineering Officer có thể gọi là Quan Máy được không? Nói cho vui, chớ có quan này mà không có quan kia thì tàu cũng không chạy được. Như vây là tôi sẽ gặp Quan Tàu Ấn, một người mà tôi chỉ biết tên mà chưa biết mặt. Tôi được nghe rất nhiều giai thọai về Quan Tàu Ấn, mà tòan là chuyện hay chuyện tốt.Tôi theo Chef Máy Gạt lên phòng Quan Tàu Ấn, lúc ông cũng vừa bước ra cửa phòng. Hai ông bắt tay chào hỏi nhau. Bonjour Commandant, Bonjour Chef. Chef Máy Gạt xay qua tôi và giới thiệu:- Đây là cậu Lộc, Eleve Máy mới xuống, xin được trình diện Commandant. Quan Tàu Ấn bắt tay tôi tươi cười và bông đùa:- Vậy là Chef có người để “quây “ rồi đó. Quây cho kỹ nghe Chef. Nói xong ông tiếp lời an ủi:- Em an tâm, hy vọng em sẽ thích làm việc trên tàu này. Cứ nghe lời chỉ dẫn của Chef thì mọi việc đều tốt đẹp. Quay sang Chef máy Gạt, ông hỏi:- Chef đã giới thiệu Lộc với tất cả Sỉ Quan trên tàu chưa? Chef máy Gạt trả lời:- Dạ chưa, gặp Commandant trước đã. Chef máy Gạt và tôi bắt tay từ gỉa Quan tàu Ấn. Tôi đi theo Chef máy Gạt để được giới thiệu với quí vị Sỉ quan khác: Thuyền Phó: Nguyễn Nhơn Đức Dịch, Trần Trọng Thành, Máy Nhì, Huỳnh Văn Lãm, Máy Ba: Lê Văn Được SQ Vô Tuyến Điện: Hồ Văn Lử còn được gọi là Ký Lử. Tôi cũng không biết tại sao ông được gọi là Ký Lử. Vì trước khi trở thành Sĩ Quan Vô Tuyến Điện ông đã là một Thầy Ký? Thế là cuộc đời hải nghiệp của tôi bước đầu đã có những diễn tiến tốt đẹp. Tôi thích làm việc trên tàu Nhựt Lệ. Mọi người đối xử với tôi rất lịch sự và xem tôi như một đàn em cần được nâng đỡ dìu dắt. Tôi như một con chim non, đang chập chửng tập bay, dưới sự khuyến khích của các bậc đàn anh lão luyện trong nghề. Và cũng từ đó tôi được biết: Không ông Sỉ quan nào trên tàu, gọi Quan Tàu Ấn bằng Quan Tàu (ngoại trừ các anh, các bác thủy thủ) mà gọi ông bằng Anh Tư. Có lẻ vì ông mặc uniforme trắng , với bốn lon vàng hực hở trên cầu vai. Đây là cách ăn mặc của Sỉ Quan Hàng Hải Thương Thuyền Pháp hay nói rộng hơn ở Âu Châu và ở Mỹ. Đặc biệt chỉ có tàu Nhựt Lệ là áp dụng cách ăn mặc có tính cách quốc tế này. Tôi thích cách ăn mặc này, trông oai ra phết! Cuộc đời có nhiều mâu thuẩn. Sau này tôi được dịp mặc quân phục Sỉ Quan Hải Quân trong 9 năm dài. Với chức vụ khá cao trong đơn vị sau cùng, tôi được cấp xe và tài xế , nhưng tôi lại không thấy một chút oai phong lẫm liệt nào, như trước đây. Tôi chỉ biết tôi làm nhiệm vụ của một người trai thời lọan, khi đất nước cần. Nhưng thiệt thòi về quyền lợi cá nhân, những năm tháng dài trong lao tù cải tạo, tôi không trách phiền bất cứ ai. Ngược lại, một đôi khi tôi thấy hãnh diện cho chính mình.Vận nước là vậy, phận mình là vậy. Một điều không chối cải: Nhiều đêm trong tù ngục, bỗng nhiên thức giấc giữa khuya. Tôi cảm thấy nhớ cha mẹ, nhớ vợ, nhớ con. Một tương lai mù mịt. Một đường hầm không ánh sáng ở đọan cuối. Tôi không ngăn được giòng nước mắt chảy dài trong đêm tối. Xót xa cho thân phận mình. Nhứt nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Một ngày trong tù bằng ngàn năm bên ngoài. Tôi thấm thía với câu nói nầy. Con tàu Nhựt Lệ vẫn tiếp tục nhưng chuyến hải hành thường lệ, vẫn những ngày tháng lênh đênh trên biển cả. Khi trời êm, lúc biển động. Từ bến này đến bến nọ: Saigon – Nha Trang – Qui Nhơn – Đà Nẳng. Tôi thích nhứt là khi tàu ghé bến Cầu Đá- Nha Trang. Ông Đai lý ở đây là người Tàu. Ông này chịu chơi hết cở. Ông thường mời tất cả Sỉ Quan đi ăn “bờ“ Thực đơn bao giờ cũng có món “yến”. Khi thì bồ câu dồn “yến”, khi thì “yến’ nấu hạt sen. Ông đại lý này cũng là Chủ Thầu khai thác “yến’ ở Nha Trang. Đó là lý do tại sao tất cả Sỉ quan tàu Nhựt Lệ được dịp thưởng thức món ăn đắt gía này. Một lý do thầm kín khác: Máy móc trục trặc, hàng hóa không bốc lên kịp thời, tổn phí của ông sẽ tăng lên gấp nhiều lần, so với một bữa ăn. Người Tàu họ khéo léo trong phương cách ngọai giao là như vậy. Mặc dù chúng tôi, tất cả đều là những người có lương tâm nghê nghiệp. Người ta nói Quan Tàu Ấn rất có uy tín với Hảng Tàu Nguyễn Văn Bửu. Tôi không biết có đúng không. Nhưng mọi người đều kính nễ ông là chuyện dễ thấy. Vì thâm niên nghề nghiệp? Vì sự quen biết nhiều, ngọai giao rộng? Tánh tình dễ dãi? Một lần khi tàu đến Đà Nẵng, vào ngày cuối tuần, Gặp tôi anh hỏi:- Muốn đi Huế chơi không? Tôi chưa bao giờ biết Huế, được anh cho đi theo là tôi mừng hết lớn. Huế nổi tiếng với sông Hương thơ mộng, với núi Ngự hiền hòa. Nghe mấy ông văn sỉ tả cảnh sông Hương núi Ngự mà mơ ước được một lần đến đấy. Nội Thành, với các Lăng Tẩm vua chúa nhà Nguyễn. Các cô gái Huế với mái tóc thề ngang vai. Cầu Trường Tiền với các tà áo trắng phấp phới bay như đàn bướm vô tư, giờ tan học. Bao nhiêu là những hấp dẫn đang đợi chờ. Sức mấy mà tôi bỏ qua. Tôi trả lời Anh Tư không một chút chần chờ:-Dạ, em muốn đi lắm chứ. Nhưng để em xin phép Chef Máy đã. Anh Tư nói:-Ừ, đi xin đi. Tôi đi xin Chef Máy Gạt, và được ông cho phép. Tôi đi báo cho Anh Tư biết. Anh bảo tôi: Sáng thức sớm, đi về trong ngày. Tối đó, tôi hơi khó ngũ, nôn nao mong cho trời mau sáng. Hơn nữa sợ trể hẹn, làm phiền Anh. Anh là người rất đúng giờ, đúng giấc. Rồi trời cũng sáng dần, hai anh em gặp nhau tại cầu thang, và chúng tôi sẵn sàng lên đường. Anh Tư lái chiếc xe du lịch hiệu Peugeot, chắc là mượn của người bạn nào. Chuyện đó không quan trong, miễn là tôi được đi theo là nhứt rồi. Xe lên đeo Hải Vân, tôi tưởng như mình lạc vào một cõi thiên thai nào đó, mặc dù chưa biết cõi thiên thai là như thế nào. Mây bay trên đầu. Mây bay dưới chân. Mây bay ngang tầm tay, tưởng chừng như có thể chụp lấy được, ôm lấy được. Và coi như tôi đã ôm mây vào long. Cảnh đẹp như tranh vẻ, vừa hùng vĩ vừa mơ màng. Đèo Hải Vân dạo đó, xe chỉ chạy một chiều. Xe bên này chạy, thì xe bên kia ngừng. Đến đỉnh đèo, từ trên cao chót vót nhìn xuống, một bên là rừng cây dày đặc, một bên là biển rộng mênh mông. Những ghe tàu dưới kia chỉ là những chấm đen nho nhỏ, như bất động, dù bườm đã căn đầy gió. Tôi nghỉ đến con tàu giữa đại dương bao la, chỉ là hạt cát nhỏ, thật nhỏ. Anh Tư quyét định: Anh em mình ngừng lại đây, không cần đi vội. Làm mõi người một đĩa bánh cuốn cái đã. Bánh cuốn ở đây ngon lắm. Khởi phải nói, cũng biết là tôi hoan nghinh hết mính, vì thằng nhỏ cũng thấy đói bụng. Từ sáng đến gìơ có ăn gì đâu. Nhìn đâu, cảnh cũng thấy lạ. Tôi ngạc nhiên, trên cao thế này mà cũng có quán ăn. Xuống xe, trời bên ngòai hơi lành lạnh. Cái lạnh thấy dễ chịu và sảng khoái. Tôi hít lấy không khí trong lành buổi sớm và cảm thấy tràn đầy sinh lực. Quán ăn tọa lạc trên một mảnh đất không rộng lắm, nhưng bằng phẳng. Ghế ngồi là hai chiếc bancs dài. Ba bốn thực khaách dđaã có mặt ở đây, họ đang thưởng thức một cách tận tình mấy đĩa bánh cuốn còn đang bốc khói. Tôi và Anh Tư chọn chổ ngồi, gọi hai đĩa bánh cuốn. Bánh nóng và thơm phức. Tôi không biết vì cảnh đẹp, mà ăn ngon, hay vì tôi đói, mà ăn ngon, hay bánh cuốn ngon thật, như lời quảng cáo của Anh Tư lúc nầy. Thú thật, chưa lần nào tôi ăn bánh cuốn ngon như lần này. Bây giờ nhắc lại, tôi bỗng thấy thèm làm sao. Tôi muốn được trở lại đèo Hải Vân một lần nữa, khi có dịp. Để thấy lại cảnh đẹp hùng vĩ của nước non mình, hơn bốn mươi năm qua, người đây, cảnh cũ có còn đó? Ăn xong, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Trên đường đi, Anh Tư lo lái xe, tôi mê mang nhìn ngắm phong cảnh hai bên đường. Tôi nhận thấy có một vài điều khác lạ, so với sinh họat ở thôn quê Miền Nam. Phụ nữ ở đây, ai đi ngòai đường, là bộ hành, là người buôn gánh bán bưng, tuy lam lũ, nhưng tất cả ai nấy đều mặc áo dài, đàng hòang nghiêm túc, tuy vẫn đi chân đất. Thôn quê Miền Nam, người đàn bà bao giờ cũng mặc những chiếc áo túi, áo bà ba, tầm thường mộc mạc. Áo dài chỉ dành cho những dịp tiệc tùng đình đám, đám cưới, đám hỏi. Cùng một đất nước mà mỗi vùng có một tập tục khác nhau, phong cảnh cũng khác nhau, tất cả đều đẹp vô cùng, một tình tự quê hương. Đến Huế, Anh Tư lái xe đén một ngôi nhà cổ kính, nhưng đồ sộ, có lính gát bên ngòai. Tôi không biết đây là đâu, địa phương tên là gì. Sau khi xem xét giấy tờ, xe được phép chạy thẳng vào trong. Anh Tư bảo tôi ngồi chờ ở phòng khách. Chừng một tiếng đồng hồ sau, Anh trở ra, và chúng tôi lên xe trở về Đà Nẵng, sau khi ghé chợ Đông Ba làm một chầu Bánh Đập. Anh lái xe vòng quanh chỉ cho tôi biết chổ nầy chổ nọ. Tôi không tiện hỏi Anh thăm ai, nhưng sau này nghe nói lại là Anh đến thăm ông Cậu. Sau đây là một trong những kỷ niệm, làm tôi nhớ nhiều về Cố Niên Trưởng Tôn-Thất-Ấn. Người anh cả mà tôi kính phục. Ngòai sự hiểu rộng, Anh còn có tấm lòng quảng đại, bao dung. Đối xử với mọi người dưới quyền như anh em, Đặc biệt với các Học Viên Sỉ quan đàn em, anh bao giờ cũng tỏ ra thân thiện, cởi mở và anh sẵn sàng giúp đỡ khi cần, không phân biệt Pont hay Máy. Có lẽ anh hiểu rằng, khi mới bắt đầu chập chững vào nghề, anh cũng đã trải qua một đọan đường bỡ ngỡ, như các đàn em của anh đi sau. Dù trước dù sau , tất cả đều được đào tạo cùng một nơi, cùng một Ngôi Trường Mẹ: Trường Việt Nam Hàng Hải. Tôi cũng thích ở anh cung cách giao tiếp lịch sự như người Phương Tây. Có lần anh tiếp một ít khách lên tàu thăm viếng. Trong số có một phu nữ đẹp, ăn măc rất sang trọng. Anh tiến đến, nâng tay người phụ nữ, nghiêng mình hôn lấy bàn tay người đẹp một cách rất tự nhiên . Rồi sau đó anh mới bắt tay chào đón khách đàn ông. Tôi nghĩ người đàn bà nào cũng thích được niềm nỡ, săn đón, tôn trọng như vây, trong khung cảnh xã hội thời bấy giờ, với ít nhiều ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Điều làm tôi thắc mắc: Không biết với một người phụ nữ không đẹp lắm, anh có làm như vậy không ?Một hôm, tàu trên đường từ Da Nang về, Anh Tư cho người gọi tôi lên gặp anh. Đến phòng anh, tôi thấy anh đang ngồi đọc thơ. Anh mời tôi ngồi đối diện. Anh nói:- Anh có chuyện muốn nói với em chơi.- Chuyện gì vậy Anh Tư ? Anh nhìn tôi mĩm cười rồi tiếp:- Thôi để anh kể vắn tắt cho em nghe. Cũng không có gì quan trọng. Nghe xong, em cho anh ý kiến. Anh trầm ngâm một hồi rồi mở lời: Trước khi cưới vợ, anh có quen một cô gái “Qua Mục Tìm Bạn Bốn Phương“ tên là Ph.A. Anh và Ph. A. có thư từ qua lại với nhau nhiều lần, nhưng anh chưa lần nào gặp mặt Ph. A. Bây giờ anh đã có vợ, một người vợ đúng như ý anh muốn. Anh mãn nguyện với sự lựa chọn của anh. Hiện vợ chồng anh rất hạnh phúc.Ngưng một lát rồi anh tiếp:- Sự liên lạc thư từ giữa anh và Ph. A., anh nghĩ không còn thích hợp nữa. Nhưng nếu anh tự ý ngưng ngang, anh thấy mình thật bất lịch sự anh nhận xét Ph. A, là một cô gái có trính độ, hiểu biết và rất tế nhị. Như anh đã nói, anh chưa lần nào gặp mặt Ph. A., nên anh không biết Ph. A. đẹp xấu thế nào, hình dáng ra sao. Nếu em muốn tìm hiểu thêm về Ph. A., em có thể tìm quen với Ph. A. qua thư từ. Sau đó, nếu em thích, thì manh mẽ tiến tới. Tôi thật bất ngờ. Nhưng vì tò mò, tôi hỏi lại:- Anh Tư quen với người ta trước rồi, làm sao em chen vô được. Anh Tư nhỏ giọng:- Có khó gì đâu. Em thay anh tiếp tục viết thơ cho Ph.A. Sợ tôi không hiểu, anh nói tiếp:- Em chỉ cần tập viết theo nét chữ của anh là xong. Chuyện ngòai dự đoán của tôi. Tôi cho đây là một cuộc phiêu lưu tình cảm, có nhiều hứa hẹn lý thú, nên bằng lòng ngay. Tôi xin Anh Tư địa chỉ của Ph. A.Để chuẩn bị thật chu đáo, tôi dành nhiều thì giờ tập viết theo nét chử của Anh Tư. Cũng không khó khăn gì lắm. Anh Tư có lối viết chữ hơi nghiêng nghiêng với viết “Bic” màu mực xanh. Nét chữ tôi viết thật sự không giống lắm. Nhưng nếu không để ý, cũng khó mà phân biệt được. Một tuần lễ sau đó, tôi bát đầu viết thơ cho Ph. A., tuy trong lòng cảm thấy hơi lo. Không biết Ph. A. có thấy được sự khác biệt này không. Tôi chưa lần nào viết thơ cho một người con gái không quen, nên không tránh được cảm tưởng ngượng ngùng. Thơ viết xong, dưới ký tên là: “Người Đi Biển“, Anh Tư dặn như vậy. Bức thư đầu tiên, tôi chẳng biết nói gì, nên cứ tả cảnh trời trăng mây nước. Ai đã từng đi biển, cũng không khỏi có những giây phút trải lòng trước cảnh đẹp của thiên nhiên. Cảnh bình minh lên từ cuối chân trời. Hoàng hôn xuống với nắng chiều rơi rớt, nhưng rực rỡ tỏa rộng khắp Phương Tây. Biển xanh và phẳng lặng mùa gío Nam. Con tàu êm ả lướt nhanh. Bầy cá chuồng bay tứ tung. Đời thủy thủ cũng có những lúc thật đẹp và đầy thơ mộng... Thơ gởi đi, tôi hồi hộp và mong đợi nhận được thơ hồi âm của Ph.A. khi tàu về bến. Tôi nôn nao muốn biết Ph. A, viết gì, nói gì.Rồi tôi nhận được thơ của Ph. A. Khởi phải nói là tôi mừng hết cỡ. Bức thơ khá dài. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần mà không biết chán. Điều làm tôi mừng nhứt là, Ph. A. không đá động gì đến nét chữ không quen thuộc của lá thơ tôi gởi cho nàng.Thế là coi như tôi thóat nạn. Mọi lo âu được trút bỏ. Tôi và Ph. A. tiếp tục thơ từ qua lại cho nhau. Khi thì tôi gởi thơ cho Ph. A. từ Nha Trang, khi Qui Nhơn, lúc Đà Nẵng và bao giờ cũng ký tên là: “Người Đi Biển“. Tôi cảm thấy hay hay với danh xưng này. “ Người Đi Biển “ nghe có vẻ phiêu lưu hải hồ, thêm một chút lãng mạng.Một thời gian khá lâu sau, trong một lá thơ Ph. A. gởi cho tôi, nàng muốn tôi đổi cách xưng hô lại, và tôi đã làm đúng theo lời yêu cầu của nàng. Những bức thư sau đó, tôi ký tên thật của mình: Nguyễn Phước Lộc thay vì “Người đi biển” như trước đây. Thời gian lại qua đi, dường như tình cảm giữa tôi và Ph.A. cũng thay đổi và lớn dần. Cho đến một lúc Ph. A. và tôi cũng đồng ý và mong muốn được gặp nhau. Có thể nói tình trong như đã, mà mặt ngoài “chưa biết”. Tôi và Ph. A. có nhiều điểm giống nhau. Nhưng có một điều hơi dị biệt. Tôi thích tân nhạc, còn Ph. A. thì thích nhạc cổ điển Ph. A. cho tôi biết nhà nàng có rất nhiều đĩa nhạc cổ điễn, và nàng thích nghe loại nhạc nầy. Một lần, thơ cho tôi Ph. A. hỏi:- Anh Lộc có thích nhạc cổ điển không? Nói không thì hơi bất tiện. Nói có thì không hợp với sở thích của mình. Nhưng để cho nàng vui có mất mác gì đâu, tôi nghỉ vậy nên trả lời:- Có chứ, anh thích cả hai thứ, tân nhạc và nhạc cổ điển. Để cho Ph. A. tin tưởng, tôi phun ra một loạt những nhà soạn nhạc nổi danh như: Mozart, Schubert, Jean Sebastien Bach, Tchaikovski, Strauss, Dvorak v.v… Những thiên tài âm nhạc nầy đã để lại cho hậu thế những Symphonies, những Sonates, những concertos bất hủ mà mọi người đều ngưỡng mộ. Tôi còn cho Ph. A. biết, nhà soạn nhạc Beethoven đã trình diễn buổi hòa nhạc đầu tiên vào lúc mới tám tuổi. Tôi cho Ph. A. biết tôi thích bản Violin Concerto in D của Beethoven. Mà thật vậy, cho đến bây giờ tôi vẫn còn thích nghe bản nhạc nầy. Mỗi lần nghe bản nhạc nầy, tôi lại nhớ PhA. Vì PhA. Cho tôi biết, bản nhạc nầy là một trong những bản nhạc mà nàng thích nhất.Những bức thơ sau đó, Ph.A thường đề cập đến nhạc cổ điển. Tôi nghe mà cứ lờ đi, vì có biết gì nhiều đâu mà nói.Chuyện gặp mặt Ph.A đã làm tôi hạo hực và suy nghĩ nhiều . Tôi tự tin ở chính mình. Hồi còn đi học hay khi trở thảnh con trai với tuổi mộng mơ, tôi chưa từng thất bại lần nào trong việc chinh phục cảm tình với phái nữ. Xin hiểu là tôi chỉ nói đến cảm tình thôi.Tôi có ý định sẽ tổ chức một buổi “ Ra mắt “ nàng thật long trọng và đầy thơ mộng. Tôi sẽ gây cho nàng một ấn tượng đẹp của lần đầu gặp gỡ, sau bao nhiêu thơ từ qua lại, bao nhiêu tình cảm ấp ủ chưa nói nên lời, bao nhiêu nôn nóng được gặp mặt.Thơ từ qua lại, tôi chọn một ngày cuối tuần, khi tàu Nhựt Lệ có măt ở Sàigòn... Tôi gởi thư báo cho Ph.A biết ngày giờ, xem có thuận tiện cho nàng không . Sau đó, tôi và Ph.A chọn nơi và cho biết cách nào để nhân diện nhau. Tôi đề nghị chọn nhà hàng Mỹ Cảnh, nhà hàng nổi, cạnh bờ sông Sàigòn. Tôi cho là sóng nước hữu tình, sẽ đem lại nhiều thi vị cho buổi đầu gặp gỡ. Tôi định diện bộ đồ “lớn” cho có vẻ nghiêm túc. Nhưng lại thấy quá trịnh trọng, nên thôi. Quần xám, áo chemise trắng dài tay, ca-vat màu xanh lợt. Tôi thấy như vậy là đủ rồi. Tôi báo cho Ph.A.biết những chi tiết nầy. Nhà hàng Mỹ Cảnh có cầu thang dài, bắt từ trên bờ xuống tận nhà hàng. Tôi sẽ đứng tại đầu cầu lúc 6:00 chiều, tay cầm tờ báo. Ph.A cho biết nàng sẽ măc chiếc áo dài maù tím, nàng nói nàng thích màu tím , tay cầm quyển sách.Thế là đầy đủ những chi tiết cần thiết cho một buổi chiều . Buổi chiều nầy sẽ là một buổi chiều mang nhiều kỷ niệm, một buổi chiều đáng ghi nhớ, cho hiện tại cũng như thời gian về sau nầy. Đến ngày hẹn, áo quần chỉnh tề, đầu chải brillantine láng mướt, tôi có mặt ở đầu đường Nguyễn Huệ lúc 5:30 chiều. Tôi dự trù, còn 30 phút, dủ thời gian cho tôi thả bộ từ đây xuống thẳng bờ sông. Tôi cũng có thể bảo taxi thả tôi xuống ngay nhà hàng Mỹ Cảnh được. Nhưng tôi không muốn, 30 phút đi bộ sẽ giúp tôi bớt hồi hộp, bớt nôn nao. Tôi cũng ngạc nhiên cho chính tôi: Sao tôi lại có cảm giác quá bồn chồn nầy. Một người con gái, cũng như bao nhiêu người con gái tôi đã gặp.Tôi đến đầu cầu nhà hàng Mỹ Cảnh, nhìn lại đồng hồ, 5 giờ 50. Tôi đóan là Ph.A đã có mặt đâu đây .Tôi nhìn quanh, tìm màu áo tím. Không thấy, mặc dù chưa đến giờ, tôi vẫn không tránh được sự bồn chồn. Tôi tự dặn mình: Phải bình tỉnh. Đừng để cho nàng đánh gía mình qúa thấp. Tôi nhớ câu nói của ngườI Pháp: “L’homme suit, femme fuit”. Và thực tế ngoài đời cho tôi thấy, cũng có phần đúng như vậy. Tôi dựa lưng vào lang can cầu , mở tờ báo ra đọc. Tôi tin là, khi nàng nhìn thấy tôi, nàng sẽ đến với tôi, và chúng tôi sẽ chào hỏi nhau. Chuyện nầy không xảy ra. Tôi không đọc được chử nào trên tờ báo. Tôi xếp tờ báo lại, và nhìn quanh tìm kiếm chiếc áo màu tím. Màu tím, màu tím luon luon lẫn quẫn trong đầu óc tôi. Rồi một chiếc áo màu tím xuất hiện đàng xa. Tôi mừng rỡ, không còn giữ được kiên nhẫn được nữa. Tôi tiến lại gần. Một thất vọng làm tôi chóang ngợp. PhA. của tôi không thể là một người đàn bà quá nữa chừng xuân như vậy! Tôi cố gắng lấy lại bình tỉnh, quan sát kỷ người đàn bà. Một chút hy vọng le lói trong đầu. Người đàn bà không có quyển sách cầm tay. Có thể không phải là PhA. Tôi trở lại vị trí cũ. Nhà hàng đã có nhiều khách lên xuống. Trên bờ, nhiều ngưòi qua lại. Các thanh niên thiếu nữ. Người lớn tuổi. Đàn ông đàn bà. Người ta ra đây đón chút gió chiều mát mẻ. Vẫn không có người con gái nào mặc áo màu tím. Tôi nhìn lại đồng hồ lần nữa. 6:10 giờ. Nàng đã trễ hẹn. Tôi không dấu được sự bối rối, hồi hộp thật sự... Mỗi phút qua đi, sự bối rối, hồi hộp tăng thêm. 6:15giờ rồi 6:20 giờ. Tôi lo lắng không biết nàng có bị tai nạn gì không. Hay quan trọng hơn, nàng đã thay đổi ý kiến. Nghĩ đến đây, đầu óc tôi nóng hực lên, thần kinh căng thẳng. Tôi đâm giận nàng và tôi giận cả tôi sao qúa hấp tấp. Tự ái nổi dậy. Tôi thầm nhủ: Thôi thế là hết, cũng không cần phải chờ đợi lâu hơn nữa.Tôi vứt bỏ tờ báo vào giỏ rác, đi thẳng xuống nhà hàng. Tôi tìm một chổ ngồi gần cửa sổ, phía ngòai sông. Cố tìm lại sự bình tỉnh , dù sự bình tỉnh chưa đến được. Tôi gọi món ăn, một ly nước cam vắt. Từ chổ tôi ngồi, nhìn về phía Thương Cảng (Kho 5) Tàu bè đông nghẹt bên kia. Đa số là tàu ngoại quốc Tôi nghĩ đến những người thủy thủ xa nhà. Những người yêu, những người vợ, gia đình, đang trông chờ họ một ngày về. Tôi nghĩ đến tôi, hiện tại, như một lần thất bại. Một bài học nhớ đời.. Tôi thấy thẹn thùng và xấu hổ, dù quanh tôi chẳng ai biết. Đang miên mang suy nghĩ, một người con gái bước xuống cầu tàu, nhìn quanh, rồi đi thẳng đến bàn tôi. Nàng cất giọng lẽ phép:- Xin lỗi, Ông có phải là ông Lộc không?Với phản ứng tự nhiên tôi đứng dậy và hỏi lại.- Cô là Ph.A ? Nàng ngọt ngào trả lời:- Da, em.Tôi sốt sắn kéo ghế mời nàng ngồi đối diện. Bao nhiêu cơn giận tiêu tan biến mất. Tôi lăn xăn hỏi nàng :- Ph.A dùng món chi để anh gọi. Tôi tiếp lời để nàng đỡ ngượng:- Tưởng Ph.A không đến được, nên anh đã gọi phần ăn cho anh rồi.Ph.A nhìn tôi và phân trần :- Em xin lổi anh vì đến muộn. Lúc em vừa đến là lúc anh đi xuống đây. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn ngắm nàng . Với tôi, Ph.A quả là cô gái đẹp. Vóc dáng vừa người. Nàng có làn da trắng mịn. Gương mặt nàng phảng phất giống tấm hình kiểu mẫu của một người con gái, được trưng bày trong tiệm chụp hình TÂN TIẾN, trên đường Nguyễn Trãi, cách nhà tôi không xa. Mỗi lần có dịp đi ngang qua đây, lúc nào tôi cũng dừng lại, ngắm nhìn tấm hình với gương mặt khả ái nầy mà ước: Nếu mình có được... Hôm nay Ph.A mặc quần Jean và chiếc áo pull-over mỏng hở cổ, màu beige. Chiếc áo bó sát người, làm nổi bật bộ ngực căn đầy rất gợi cảm. Tôi sẽ không quên hỏi Ph.A lý do tại sao nàng không mặc y phục như tôi và nàng đã hứa. Nhưng bây giờ không phải là lúc để tôi thắc mắc dài dòng. Sự có mặt của Ph.A làm tôi cảm thấy tự ái được xoa dịu. Một niềm vui nhè nhẹ lén vào lòng. Tôi cũng cảm thấy thật hảnh diện, bên cạnh một người con gái với cách ăn mặc trẻ trung, giản dị, nhưng cũng pha một chút thời trang của những năm 59 - 60. Như vây là tôi có một buỏi chiều hoàn toàn như ý muốn, một buổi chiều khó quên trong đời. Tôi trao thực đơn cho Ph.A và hỏi lại nàng một lần nữa:- Ph.A dùng chi để anh gọi. Nàng tươi cưòi và nhỏ giọng:- Em không đói lắm. Xin anh cho em một ly nước cam. Tôi gọi cho Ph.A một ly nước cam, cũng vừa lúc người hầu bàn mang thức ăn đến cho tôi. Tôi không còn nhớ tôi đã gọi món gì. Tôi cũng chẳng màng ngó tới. Tôi chẳng thấy đói. Vả lại, tôi cũng không thể ăn một mình.Để đánh tan không khí bỡ ngỡ lúc ban đầu.Tôi luôn miêng hỏi chuyện Ph.A. Chuyện nầy chuyện nọ. Nàng vui vẻ trả lời. Nàng không rụt rè, nhưng chừng mực. Thinh thỏang nàng cũng hỏi tôi về đời sống của người thủy thủ. Dù rằng tôi đã trả lời cho nàng không biết bao nhiêu lần, trong những thư từ qua lại từ lâu. Tôi hiểu, cả tôi và nàng, hỏi cho có hỏi. Cho thời gian trôi qua không còn chổ trống, cho câu chuyện nối tiếp không ngừng, cho thấy lòng mình tràn ngập niềm vui, cho một buổi chiều thật trọn vẹn. Bên nàng, một người con gái đã làm cho lòng tôi xao xuyến. Một người con gái để nhớ, để thương. Bây giờ, không khí gặp gỡ đã hòan tòan thay đổi. Tôi và Ph.A nói chuyện với nhau thật nhiều, thật tự nhiên, thật gần gủi, có thể nói là thân mật. Chuyện cũng dễ hiểu, vì chúng tôi coi như đã biết nhau từ lâu. Điều lạ lùng là riêng tôi, tôi cảm thấy thân thiết với nàng hơn tôi tưởng. Sự thật có thể như vậy đưọc sao? Trong một thời gian ngắn, có mấy tiếng đồng hồ? ôi không biết chắc chắn được cảm nghĩ của Ph.A đối với tôi như thế nào? Nhưng qua ánh mắt, qua ngôn từ, qua câu chuyện trao đổi, tôi tin là tôi có được một vị trí cảm tình khá tốt đẹp đối với Ph.A. Chợt Ph.A nhìn tôi và nhắc khéo:- Anh Lộc ăn đi chứ ! Thức ăn nguội hết rồi. Tôi nhìn thẳng vào măt nàng, và trả lời một cách thành thật với cảm nghĩ của mình:- Anh không cảm thấy đói. Vẫn nhìn thẳng vào mắt nàng, tôi hỏi tiếp Ph.A.:- Ph.A. có biết tại sao anh không cảm thấy đói ? Ph.A. nhìn tôi, mỉm cưởi không nói một lời. Tôi hiểu được ý nghĩa nụ cười rạng rỡ đó. Niềm hảnh diện dâng cao. Ph.A nhìn đồng hồ tay và khẽ nói với tôi :- Anh Lộc, Ph.A. xin phép anh Lộc, cho Ph.A. được về. Tôi cảm thấy ngỡ ngàng và nuối tiếc. Chương trình tôi dành cho Ph.A chiều nay, không ngừng ở đây. Còn nhiều tiết mục khác nữa. Tôi mở lời thuyết phục Ph.A.:- Trời còn sớm mà! Ph.A về vội thế ! Nàng nhỏ giọng, nhưng cương quyết:- Dạ, em phải về, vì em chỉ xin phép Ba Mẹ được chừng nầy thôi. Thấy không làm sao hơn được, tuy không dấu được sự tiếc rẽ, tôi gọi người hầu bàn đến trả tiền. Trong khi chờ đợi, tôi mạnh dạn hỏi Ph. A.:- Anh có thể gặp lại Ph.A.? Nàng trả lời tôi không một chút do dự:- Dạ, khi nào tàu anh về, anh cho Ph.A hay.Tôi đưa nàng lên khởi nhà hàng. Tôi ngỏ ý muốn đưa nàng về nhà, nhưng nàng từ chối. Tôi gọi taxi cho nàng và không quên dúi cho anh tài xế taxi một ít tiền. Trước khi nàng lên xe. Tôi đưa tay bắt tay nàng, và không quên cảm ơn Ph. A. đã cho tôi một buổi chiều thật tuyệt vời, một buổi chiều nhớ mãi, và một bàn tay mềm mại ấm áp lạ lùng. Xe đã chạy xa, mà tôi vẫn còn đứng đó nhìn theo cho đến khi không còn thấy nữa. Tôi lững thững thả bộ theo đưòng Nguyễn Huê, quẹo trái qua đường Bonard, rồi nhập vào giòng thác người lẫn lộn, kẻ lên, người xuống. Một buổi chiều nhộn nhịp cuối tuần. Cũng như những buổi chiều cuối tuần khác trên đường phố Sàigòn những năm 59 – 60. Thế mà tôi lại thấy khác. Tôi thấy buổi chiều nầy, đẹp hơn tất cả buổi chiều mà tôi có được. Người vui, cảnh cũng vui. Câu nói nầy sao mà chí lý quá vậy, đúng với tâm trạng của tôi hiện giờ... Tàu Nhựt Lệ lại đi Đà Nẵng, như những chuyến đi thường lệ. Tôi đêm chuyện gặp Ph.A thuật lại cho Anh Tư nghe.Câu đầu tiên anh hỏi tôi là:- Ph.A. có đẹp không ? Tôi trả lời anh:- Hết xẩy? Anh bảo tôi thuật lại cho anh biết tỉ mỉ từng chi tiết một: Gặp nhau ở đâu? Nàng ăn nói ra sao ? Trình độ như thế nào ? Nhà nàng ở đâu ? Còn đi học, hay đã đi làm việc ? Tôi nói hết cho Anh Tư nghe. Anh lại hỏi tôi:- Em có thích cô ta không? Tôi trả lời:- Chắc chắn rồi đó! Nhưng còn chuyện Ph. A có thích em không là vấn đề khác?Anh Tư cười và khuyến khích;- Ê ! Dân Hàng Hải không được thất bại! Tôi gặp lại Ph.A khỏang tuần lễ sau đó, khi Tàu Nhựt Lệ về đến Sàigòn, cũng vào ngày cuối tuần.. Lần này Ph.A dẫn theo đứa em gái, chừng 14 – 15 tuổi gì đó, tên là Th. L. Cô bé thật dễ thương. Tóc cắt ngắn theo kiểu à la Garconne, trông nhí nhảnh như nử tài tử Leslie Caron đóng trong phim Cendrillon mà tôi rất thích. Mới gặp tôi lần đầu, Cô Bé xem tôi như quen thân từ lâu. Anh Lộc nầy, anh Lộc nọ, lăn xăn tía lia nói không ngừng. Cố Bé thật vô tư và thơ ngây. Tôi có cảm tình với cô Bé ngay, khi nghe Cô Bé nói chuyện. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở nhà sách Khai Trí. Tôi có mời Ph.A đi dùng cơm chiều và Ph.A đã nhận lời. Tôi không chọn chổ trước, mà muốn dành cho Ph.A. chọn lựa nơi nào nàng thích. Để gợi ý , tôi hỏi Ph.A.:- Chiều nay, Ph. A chọn cho anh nhà hàng nào đi. Thức ăn Tàu hay Tây gì cũng được, tùy Ph.A.Ph.A. chưa kịp trả lời, Cô Bé đã nhanh khẩu:- Ăn đồ Tây đi chị.Ph. A xây qua tôi và nói:- Em không biết nhiều về nhà hàng, anh Lộc chọn đi. Để gây cảm tình với Cô Bé, tôi đề nghị:-Như vậy, mình đi ăn đồ Tây Tôi lại đề nghị:- Trước khi đi ăn, mình nên làm một chuyến Bonarder trước, rồi sau đó hãy cùng nhau đi dùng cơm tối. Cô bé hỏi ngay:- Bonarder là gì anh Lộc. Tôi mỉm cười giải thích:- Bonarder là đi dạo phố Bonard . Catinater là đi dạo phố Catinat. (Đây là tiếng lóng của các thanh niên thiếu nữ thời bây giờ. Không biết xuất phát từ đâu, ai đã bày ra). Sau khi đi chơi một vòng, tôi hướng dẫn hai chị em đi về hướng Chợ Cũ. Tôi chọn Nhà hàng Chí Tài. Chủ nhân Nhà Hàng Chí Tài là người Tàu, nhưng nhà hàng nầy lại chuyên bán đồ ăn Tây. Đồ ăn Tây ở đây không chê được. Tôi thưòng ăn ở đây nên biết, Nhà Hàng không lớn lắm, nhưng thật sạch sẽ và khang trang. Nơi đây lúc nào cũng đông thực khách. Tôi chọn bàn phía ngoài, sát cửa sổ, để được nhìn khách qua lại. Chúng tôi chọn thức ăn. Cô Bé lúc nào cũng luôn miệng. Nhờ vậy, không khí buổi ăn thật vui. Tôi và Ph.A vui lây với cái vui của Cô Bé. Cô Bé vừa ăn, vừa nhìn tấm thực đơn, rồi hỏi tôi:- Château nghĩa là lâu đài, Chateaubriand là gì anh Lộc ? Ph.A. nhìn tôi cười. Tôi cũng không khỏi bật cười với câu hỏi nầy. Tôi giải thích :- Chateaubriand là một loại thịt bò bít-tét ( beef-steak ), thịt bò nướng. Nhưng xắt dầy hơn, bên trong có nhét nhiều tép tỏi sống, trước khi nướng. Món này thường ăn với khoai tây chiên. Cô Bé nhìn tôi với vẻ thán phục:- Anh Lộc biết nhiều quá hé. Tôi cười thầm: Ít nhứt cũng được cô bé nầy khen. Sau bữa ăn, chúng tôi thả bộ về khu vực đường Bonard một lần nữa. Ph.A đi sát bên tôi. Chúng tôi chuyện trò thân mật. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp ở Ph.A một tia nhìn đầy trìu mến. Tôi cũng không tránh được cảm giác bồi hồi xúc động. Tôi không cho đây là những biểu hiện của tình yêu. Tôi chỉ biết là tôi thích được sánh vai với Ph.A, lang thang khắp mọi nẻo đường thành phố. Tôi thích được nghe tiếng nàng nói. Tôi biết là rồi đây, tôi sẽ nhớ nàng, khi tôi theo tàu lênh đênh xa bến. Tôi sẽ nhớ nàng nhiều hơn, lúc trời êm, cũng như lúc biển động. Sợ nàng đòi về sớm, tôi ghé tai nói nhỏ với nàng:- Nếu Ph.A có thì giờ, anh sẽ đưa Ph.A đến một nơi, anh tin là Ph.A sẻ thích.Ph.A cũng kề tai tôi, nói nhỏ:- Có Th. L. đi theo, em về trễ được. Tôi đưa Ph.A. và Th. L. hướng về Vũ Trường Tự Do. Giờ nầy, thành phố đã lên đèn. Khu vực Vũ Trường Tự Do, bên ngoài, những ngọn đèn màu đủ loại làm sáng rực một khoảng đường. Cô Bé Th. L. có vẻ nôn nao nhứt. Cô Bé cũng không dấu là lần đầu tiên được đến đây. Chúng tôi bước vào bên trong. Tôi chọn một bàn trong góc, không xa sàn nhảy. Gọi nước uống cho ba người. Ánh đèn rực rỡ bên ngoài, khác hẳn với ánh sáng lờ mờ bên trong. Ban nhạc đang chơi một bản nhạc theo vũ điệu Rumba. Ngoài sàn nhảy đã có nhiều cặp đang dìu nhau theo tiếng nhạc. Tiếng nhạc, tiếng người, tiếng ly tách, tất cả tạo thành một âm thanh là lạ hấp dẫn. Có lẽ nhiều người thích đến vũ trường cũng vì không khí nầy.Ph. A. kề tai tôi:- Em không rành vụ nầy lắm đâu.Tôi nói cho nàng yên tâm:- Anh cũng vậy, đừng lo. Tôi chờ cho ban nhạc chơi một bản Slow. Tôi mời Ph.A.Nàng ngượng ngùng theo tôi ra sàn nhảy. Cô Bé Th.L. từ lúc vào đây đến giờ, ngồi im phăng phắc, chẳng nói một lời. Có lẽ không khí lạ, làm cho Cô Bé khớp, khác hẳn lúc ở nhà hàng. Thật tình, tôi không phải là một tay ăn chơi lịch lãm. Lúc còn đi học Trường Hàng Hải, cùng lớp, tôi có bốn người bạn rất thân nhau. Anh ( Lê Thành Ân ) lớn nhứt, nên bọn tôi gợi bằng anh. Anh Ân đàn guitar rất giỏi. Anh Ân và một só bạn của anh, lập ra một Ban Nhạc, Ban Nhạc tên gì tôi không nhớ. Đồng phục của ban nhạc là quần đen, áo sơ mi dài tay màu xanh. Đặc biệt collar áo được may tròn, chớ không nhọn như những chiếc áo thông thường. Ban Nhạc nầy được thành lập chỉ để tham dự các buổi tiệc tùng, đám cưới đám hỏi. Dĩ nhiên là có ăn tiền và điều thích nhứt là được ăn uống miễn phí. Anh Ân cũng là một tay khiêu vũ thuộc vào hạng cừ . Bọn tôi biết chút đỉnh nhảy nhót là do anh Ân hướng dẫn. Để thực tập, bốn đứa chúng tôi hùn tiền với nhau. Anh Ân dẫn đi vũ trường Mélodie, một đôi khi Arc-En-Ciel. Mỗi lần như vậy, chúng tôi chỉ mời một vũ nữ quen thuộc, không đẹp lắm, ít khách, ngồi bàn. Bọn chúng tôi thay phiên nhau nhảy với cô. Không người vũ nữ nào thích như vậy. Nhưng mấy cô biết, chúng tôi còn là sinh viên, không có tiền nhiều, nên cũng vui đón chúng tôi. Bù lại, sau khi trả tiền cho Tài Pán, còn lại bao nhiêu, chúng tôi tặng hết cho cô, người vũ nữ quen thuộc. Cũng may cho tôi, Ph.A cũng không tỏ ra thiện nghệ cho lắm, nên cuộc vui được kéo dài khá lâu. Rồi thì cũng đến giờ chia tay. Tôi đưa Ph.A và Cô Bé lên taxi để về nhà, không quên hẹn gặp lại nhau lần tới. Trên đường về, nghĩ đến Ph.A. Tôi tiếc là thời gian qua quá nhanh. Tôi có thể đi với nàng suốt đêm hoặc suốt ngày, để chỉ được nghe nàng nói. Mỗi lần đi chơi như vầy, về tàu tôi đều thuật lại cho Anh Tư biết.Anh vui vẽ chúc mừng tôi thành công. Những cuộc hẹn hò như vậy kéo dài. Chúng tôi vui vẽ bên nhau. Nhớ nhau khi tàu xa bến. Tàu về, tôi đến đón nàng ở sở làm. Ph.A là một công chức ngạch Cán Sự. Tay trong tay chúng tôi dạo khắp phố phường. Chúng tôi có được một chuổi ngày dài thơ mộng. Ph.A chẳng biết nhiều về vùng Chợ-Lớn. Tôi đưa nàng lục lạo khắp nơi. Chợ Bình Tây, chợ Xóm Củi, Cầu Ba Cẳng. Khu Đèn Năm Ngọn với những cửa hàng bán thịt heo quay, thịt vịt quay ngon nổi tiếng.Khi ăn nhà hàng, lúc ăn quán. Nàng thích ăn ở các hàng quán đường Nguyễn Tri Phương, nhất là món Mì Vịt Tiềm. Ph.A tỏ vẽ rất thích thú với những lần đi như vậy. Nàng cho là nhờ vậy, nàng biết được nhiều hơn về sinh hoạt ở Chợ Lớn mà nàng cho là thấy lạ. Tôi đưa nàng viếng thăm Trung Tâm Quốc-Gia Kỹ Thuật Phú Thọ, trong đó có Trường Việt Nam Hàng Hải. Nàng hỏi tôi:- Trường Việt Nam Hàng Hải có con gái học không anh? Tôi trả lời:- Anh không biết có văn kiện nào cấm con gái thi vào đây không. Nhưng từ trước đến giờ, anh chưa thấy người con gái nào tốt nghiệp ở trường này. Trường Kỹ Sư Công Nghệ lúc bấy giờ có hai nữ sinh viên. Có lẽ đây là hai nữ sinh viên duy nhất học Cao Đẳng Kỹ Thuật. Cứ hẹn hò, cứ đi chơi. Tôi nghỉ vậy. Tôi không có một ý niệm gì về hôn nhân. Tôi tuyệt nhiên không có một chút mặc cảm nào là “Người đến sa “. Vì Anh Tu chưa bao giờ biết mặt Ph.A. Những tình cảm thân thiết mà tôi có được với Ph.A là do tôi tự tạo nên. Chúng tôi thực sự quyến luyến nhau. Tình cảm chúng tôi hoàn toàn trong sạch. Dù ham thích, tôi vẫn chưa hề có ý chiếm đoạt. Như đã nói ở trên, tôi không có ý định lập gia đình ở tuổi còn quá trẻ. Tôi cũng tự biết mình chưa chính chắn . Tôi chỉ biết vui với hiện tại mà ít khi nghỉ đến tương lai.Vào một dịp Lễ Giáng Sinh, một người bạn của Ph.A có tổ chức ăn Reveillon. Ph.A được mời, nàng rủ tôi cùng đi. Ph.A là tín đồ Công Giáo. Tôi không phải là tín đồ Công Giáo, nhưng lúc còn nhỏ tôi học ở một trường Công Giáo, được tổ chức ngay trong Nhà Thờ Chợ Quán, nên tôi cũng biết một ít kinh kệ, mười điều răn…Tuy không là một tín đồ Công Giáo, nhưng khi lớn lên, không có đêm Noel nào, mà tôi và một ít bạn thân không rủ nhau đi chơi suốt đêm. Hết chuyện nhà thờ, thì rủ nhau đàn ca hát xướng. Ai cũng biết Lễ Giáng Sinh ở quê nhà, vào thời Đệ Nhất Cộng Hoà, người ta đón mừng Giáng Sinh thật tưng bừng trọng thể, vui không sao kể hết. Khu vực chợ Saigon , khu vực Nhà Thờ Đức Bà, người ta đông nghẹt. Thanh niên nam nữ, đạo, ngoại gì, ai cũng diện đẹp, lũ lượt kéo nhau ra đường. Người có đạo lo đi nhà thờ đã đành. Người không có đạo cũng chen nhau vào nhà thờ. Trong số này có tôi. Họ chỉ mong đươc nhìn thấy Máng Cỏ, hình Đức Mẹ, Chúa Hài Đồng, mấy con cừu xung quanh. Quan trọng hơn, họ tò mò muốn nhìn thấy khung cảnh trang nghiêm trong nhà thờ Ngày Đại Lễ. Đặc biệt lễ Nữa Đêm là vui nhất.Thanh niên nam nữ được dịp tìm quen với nhau. Cũng có nhiều người nhờ quen với nhau trong dịp này, mà sau thành vợ thành chồng. Như trường hợp của một người bạn thân tôi. Trần Thanh T…Từ nhà thờ đi ra, chúng tôi đến thẳng nhà bạn của PhA. Nơi đây đã có mặt một số người, đa số đều là các bạn trẻ. PhA giớI thiệu tôi vớI mọi người. Chúng tôi ăn uống chuyện trò vui vẻ. Một vài cô nhìn tôi và PhA rồi chỉ chỏ xì xào.Một cô tiến thẳng về phiá chúng tôi và hỏi một cách tỉnh bơ:- Chừng nào anh chị nầy cho chúng tôi ăn cưới đây?- PhA thẹn thùng đỏ mặt. Tôi ngượng ngùng chỉ cười mà chẳng nói chi. Cũng từ giây phút đó, tôi thấy nét mặt của P.A. có nhiều thay đổi. Nàng không vui vẽ tự nhiên như trước. Chẳng ai để ý đến. Nhưng tôi hiểu được câu hỏi vô tình của người bạn, đã chạm đến nổi ray rức thầm kín nhất của người con gái ở tuổi nhiều mơ mộng , nhưng cũng nhiều tự ái. Tôi vẫn theo tàu đi đi về về. Thời gian này Miền Trung cần nhiều gạo, vì đường bộ bị bảo to ngập lụt . Tàu về đến, 2,3 ngày sau lại phải đi ngay. Phu bóc vác làm việc ngày đêm cho kịp ngày giờ ấn định.. Có nhiều lần tàu về, tôi không đến với PhA được, vì việc này việc kia. Tôi cố gắng thu xếp thời giờ để được gặp PhA. Thường thì tôi đến đón nàng ở Sở Làm..Cũng có khi tôi đến đón nàng mà không gặp. Tôi linh cảm nàng có ý tránh gặp tôi. Và tôi đoán được lý do tại sao nàng làm như vậy.Một hôm tàu về đến Saigon, tôi nhận được một lá thơ của PhA. Nàng trách tôi lợt lạt, không khắn khít với nàng như trước đây. Thật tình tôi không có một chút gì thay đổi. Tôi vẫn thường nhớ nàng như lúc đầu mới gặp. Nàng cũng trách tôi: Sau bao nhiêu ngày quen biết, tôi chưa lần nào dẩn nàng về giới thiệu với gia đình. Nàng cũng cho biết, đã nhiều lần nàng gợi ý cho tôi về việc hôn nhân, và dường như tôi không mảy may đáp ứng. Nàng biết rất rỏ và trách tôi không có ý muốn lập gia đình. Nàng không thể chờ đợi tôi lâu hơn nữa. Nàng đã quyết định nhận lời cầu hôn với một người, mà cha mẹ hai bên đã quen thân với nhau từ lâu. Đọc xong bức thơ, tôi bang hòang, thương tiếc và hối hận. Hối hận vì không có một lời hứa hẹn để PhA an tâm. Hối hận vì những gì nàng trách móc đều là sự thật. Tôi nhận là lỗi ở tôi hoàn toàn. Tôi chưa biết cảm giác của người đánh mất tình yêu ra sao. Nhưng vào giây phút này đây, tôi hiểu được ý nghĩa: những gì vượt khởi tàm tay, mới biết quý thì đã muộn. Một mất mát to lớn, quá tầm tưởng tượng của tôi. Tôi cảm thấy chới với và ân hận. Mối ân hận này sẽ ám ảnh tôi nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, và có thể trọn cả cuộc đời. Lòng hối hận thúc giục tôi phải tìm nàng ngay. Tôi muốn được ôm nàng vào lòng, hôn nàng thật đậm đà, rồi ngỏ lời xin lổi, và cầu xin một phép lạ nào đó, làm cho nỗi đau của nàng được vơi đi. PhA. ơi, anh vẫn yêu em như ngày nào. Vì nghề nghiệp anh không thể có mặt thường xuyên bên em, nhưng anh sẽ yêu em mãi mãi... Ai chọn người yêu làm nghề đi biển, là chọn cho mình những chuổi ngày cô đơn, những chuổi ngày thiếu vắng, những nhớ nhung tha thiết, cho người đi và cho cả người ở lại. Nhưng bù lại, những ngày bên nhau là những ngày đầm ấm tràn đầy hạnh phúc. Tôi suy nghỉ nhiều đêm và đem chuyện này hỏi ý kiến Anh Tư.Anh Tư cho biết: Nếu em yêu thương PhA, muốn cưới nàng làm vợ. Anh sẳn sàng giúp em một tay. Anh sẽ đến nói thẳng với Ba Mẹ của PhA để xin cưới PhA cho em. Nếu em chưa dứt khoát, hay chưa sẳn sàng cưới vợ bây giờ, anh khuyên em nên để cho PhA êm duyên đẹp phận. Đừng bao giờ tìm cách liên lạc với PhA nữa với bất cứ lý do gì.
Một vài lời với vợ tôi, Em thương yêu,Nếu tình cờ em đọc được bài viết này. Xin em đừng hờn, đừng giận. Chuyện xảy ra đã lâu quá rồi. Anh biết PhA. trước em nhiều năm, lúc anh còn là một sinh viên mới ra trường... Chuyện đời chưa biết, chuyện tình chưa thông. Nếu cuộc đời là một quyễn sách, có nhiều chương, nhiều mục, thì đây là những trang đầu đậm nét của một mối tình. Những chương, những mục về sau, và trọn cả cuộc đời, anh dành hết để viết cho em, cho bốn đứa con của chúng ta, cho những hạnh phúc to lớn mà chúng ta có được, từ ngày mới cưới cho đến bây giờ. Bốn mươi năm dài, hạnh phúc cùng hưỡng, cam khổ cùng chia. Anh nghỉ là em hiểu được !!
Anh, chồng của em
Nguyễn Phước Lộc

Labels:

0 Comments:

Post a Comment

Subscribe to Post Comments [Atom]

<< Home